Bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

bao-ho-quyen-doi-voi-giong-cay-trong

Bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổng hợp các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng do có việc chọn tạo, phát hiện, phát triển, sử dụng, chuyển giao cho người khác, để thừa kế, kế thừa và quyền được bảo vệ khi quyền của tác giả, chủ văn bằng bảo hộ đối với giống cây trồng bị xâm phạm.

Căn cứ pháp lý:

Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2022;

– Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng UPOV.

1. Khái quát về giống cây trồng mới và bảo hộ giống cây trồng mới

1.1. Giống cây trồng mới và bảo hộ giống cây trồng mới

Pháp luật Việt Nam đưa ra một số khái niệm sau:

Giống cây trồng gồm cây giống hoàn chỉnh, vật liệu nhân giống, vật liệu thu hoạch của các giống cây trồng thuộc loài cây nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sinh, các loài nấm mới được chọn tạo hoặc được phát hiện và phát triển từ một loài cây trồng thuộc Danh mục loài cây trồng được bảo hộ;

Chủ bằng bảo hộ giống cây trồng là tổ chức, cá nhân được cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;

Vật liệu nhân giống là các bộ phận của cây có khả năng phát triển thành một cây hoàn chỉnh như: hạt giống, bào tử, thân, rễ, cây con, cành ghép, mắt ghép, cây ghép, sợi nấm, củ, quả, chồi, hoa, mô, tế bào hoặc các bộ phận khác của cây;

Vật liệu thu hoạch là cây hoàn chỉnh hoặc bất cứ bộ phận nào của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống của giống cây trồng;

“Bản mô tả chi tiết của giống cây trồng” là tài liệu thể hiện các tính trạng của giống cây trồng theo quy phạm khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định và được xác nhận của cơ quan bảo hộ giống cây trồng. Bản mô tả chi tiết được coi là đã công bố khi phát hành tới công chúng dưới các hình thức như: báo cáo khoa học, bản tin, báo, tạp chí hoặc các ấn phẩm khác;

“Cơ quan bảo hộ giống cây trồng” trong Nghị định này là Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

“Đại diện hợp pháp” của tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam là tổ chức, cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc có địa chỉ thường trú tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tổ chức, cá nhân sở hữu giống cây trồng đăng ký bảo hộ ủy quyền bằng văn bản để thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;

“Tác giả giống cây trồng” là người trực tiếp thực hiện toàn bộ hoặc một phần công việc chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới;

“Nước có ký thỏa thuận về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng với Việt Nam” được hiểu là một quốc gia bất kỳ có ký thỏa thuận song phương với Việt Nam hoặc các quốc gia thuộc tổ chức liên chính phủ trong trường hợp Việt Nam ký thỏa thuận với tổ chức liên chính phủ về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

Bảo hộ giống cây trồng (bảo hộ quyền đối với giống cây trồng) là một dạng SHTT mà nó dành cho chủ sở hữu (hoặc tác giả) giống cây trồng một quyền được độc quyền khai thác giống cây trồng để chủ sở hữu quyền có điều kiện thu lại những chi phí cho quá trình đầu tư vào công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới. Việc thu lại những chi phí của chủ sở hữu (hoặc tác giả) có thể bằng cách tự khai thác (độc quyền sản xuất giống để bán) hoặc cho phép người khác khai thác rồi thu tiền bản quyền từ người khai thác. Nhờ cơ chế này mà chủ sở hữu có thể tái đầu tư cho việc nghiên cứu chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới tiếp theo và do vậy tạo ra nhiều giống cây trồng cho sản xuất.

Theo Công ước UPOV, chủ sở hữu giống cây trồng gồm tổ chức, cá nhân thuộc một trong các trường hợp:

(1) Trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới bằng chi phí của bản thân;

(2) Đầu tư cho việc chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới;

(3) Được thừa kế hợp pháp quyền đối với giống cây trồng từ người khác.

Chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng: Đối với một số cơ sở nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước thì chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng thuộc về nhà nước. Đối với các công ty thì phụ thuộc vào  hợp đồng ký kết thuê nhân công giữa công ty và tác giả làm trong công ty.

Quyền đối với giống cây trồng còn được trao cho người “phát hiện hoặc phát triển giống cây trồng mới“, nghĩa là một người chỉ phát hiện giống cây trồng rồi đăng ký bảo hộ thì chưa đủ điều kiện để được cấp quyền. Sau khi phát hiện người này cần phát triển giống cây trồng. Thử nghiệm đòi hỏi tốn công sức, thời gian và các chi phí cần thiết do vậy cụm từ “phát hiện và phát triển” thể hiện hai hoạt động cần có để có được  quyền đối với giống cây trồng.

1.2. Ý nghĩa của việc bảo hộ giống cây trồng

Việc bảo hộ giống cây trồng có ý nghĩa sau:

  • Hỗ trợ công tác bảo tồn và tăng đa dạng nguồn gen cây trồng;
  • Tăng số lượng tác giả tham gia chọn tạo và phát triển giống cây trồng mới;
  • Nhà nước giảm đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, có điều kiện tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản;
  • Chọn tạo giống gắn với thị trường;
  • Chất lượng giống trong sản xuất được duy trì;
  • Cơ hội tiếp nhận đầu tư vào sản xuất giống;
  • Người sản xuất có cơ hội tiếp cận các giống tốt.

2. Điều kiện được bảo hộ giống cây trồng mới

Theo Điều 18, Luật 1991 Công ước UPOV: “Quyền tác giả giống cây trồng phải độc lập với bất kỳ biện pháp nào do Bên ký kết đưa ra nhằm điều chỉnh việc sản xuất, cấp chứng chỉ và thương mại vật liệu của giống hoặc xuất nhập khẩu vật liệu nhân của giống cây trồng đó trong phạm vi lãnh thổ của bên ký kết”. Điều quan trọng cần chú ý là việc cấp quyền đối với giống cây trồng không phải là cấp quyền thương mại cho giống cây trồng đó.

Một giống cây trồng được bảo hộ khi giống cây trồng đó được coi là mới, khác biệt với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi, đảm bảo độ đồng nhất và ổn định trong các vụ nhân giống tiếp theo. Ngoài ra, giống phải được đặt một tên gọi phù hợp và các quy định đặt tên được thống nhất trong một điều của Công ước UPOV.

3. Trình tự, thủ tục xác lập quyền đối với giống cây trồng mới

Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định để cấp bằng bảo hộ (cấp quyền đối với giống cây trồng).

3.1. Thẩm định hình thức

Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ quy định tại Điều 178  của Luật SHTT được thực hiện theo trình tự sau:

– Thẩm định tên của giống cây trồng, thẩm định tính mới của giống cây trồng, khảo nghiệm kỹ thuật để đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng và thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật.

– Thẩm định tính hợp lệ của đơn gồm việc kiểm tra các mục: chủ sở hữu có thuộc đối tượng có quyền nộp đơn hay không, đơn có khai đầy đủ các mục cần thiết theo thông tin mà cơ quan thẩm quyền thiết kế theo mẫu, giống cây trồng có thuộc danh mục loài cây trồng được bảo hộ hay không. Việc ban hành danh mục loài cây trồng được bảo hộ tùy thuộc hoàn cảnh mỗi quốc gia.

3.2. Thẩm định nội dung

Thẩm định nội dung là việc thẩm định tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và tên gọi của giống cây trồng.

– Thẩm định tên giống cây trồng.

Căn cứ quy định tại Điều 163 của Luật SHTT, cơ quan bảo hộ giống cây trồng thẩm định sự phù hợp của tên giống cây trồng được đề xuất với tên của giống cây trồng cùng loài hoặc loài gần với loài của giống cây trồng đó đã được thừa nhận ở Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào có ký thỏa thuận về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng với Việt Nam. Trường hợp tên giống cây trồng đăng ký bảo hộ không phù hợp theo quy định, cơ quan bảo hộ giống cây trồng thông báo cho người nộp đơn thay đổi tên giống cây trồng theo quy định.

Trong thời hạn ba mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan bảo hộ giống cây trồng, người nộp đơn phải đề xuất tên gọi mới của giống cây trồng phù hợp theo quy định. Quá thời hạn trên, người nộp đơn không đề xuất tên gọi mới phù hợp, cơ quan bảo hộ giống cây trồng có quyền từ chối đơn.

Trường hợp người nộp đơn muốn thay đổi tên giống, trong thời gian từ khi nộp đơn đến trước khi cấp bằng bảo hộ, người nộp đơn phải đề nghị đổi tên giống đồng thời đề xuất tên mới cho giống cây trồng đã đăng ký và nộp lệ phí theo quy định.

Cơ quan bảo hộ giống cây trồng có trách nhiệm thông báo mọi thông tin liên quan đến tên giống cây trồng tới cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có ký thỏa thuận về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng với Việt Nam.

Tên chính thức của giống cây trồng là tên được thừa nhận tại thời điểm ban hành quyết định cấp bằng bảo hộ giống cây trồng.

– Thẩm định tính mới.

Căn cứ Điều 159 của Luật SHTT, cơ quan bảo hộ giống cây trồng tiến hành thẩm định tính mới của giống cây trồng đăng ký bảo hộ theo trình tự sau: Thẩm định các thông tin trong tờ khai đăng ký bảo hộ và xem xét, xử lý các ý kiến phản hồi, khiếu nại (nếu có) về tính mới của giống cây trồng đăng ký bảo hộ sau khi đơn được công bố.

Theo quy định của UPOV, giống cây trồng được coi là mới nếu vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống chưa được tác giả hoặc người được tác giả cho phép bán hoặc phân phối bằng cách khác trên lãnh thổ nơi đơn được nộp dưới một năm tính đến ngày nộp đơn hoặc tại nước ngoài trước ngày nộp đơn 4 năm. Một điểm cần lưu ý là ngày nộp đơn không tính vào khoảng thời gian này.

– Thẩm định tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định qua khảo nghiệm kỹ thuật.

Thí nghiệm so sánh giống đăng ký với các giống được biết đến rộng rãi được gọi là thí nghiệm “Khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng. Công ước UPOV định nghĩa như sau:

Tính khác biệt: “Một giống cây trồng được coi là khác biệt nếu giống cây trồng đó có khả năng phân biệt một cách rõ ràng với bất kỳ một giống cây trồng nào khác đã được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn. Đặc biệt, việc nộp đơn yêu cầu công nhận quyền của nhà tạo giống hoặc yêu cầu đăng ký vào danh sách chính thức các giống cây ở nước bất kỳ sẽ được coi là khiến cho giống cây đó được biết đến rộng rãi từ ngày nộp đơn nếu các đơn này dẫn tới việc công nhận quyền của nhà tạo giống hoặc ghi nhận các giống đó vào danh sách chính thức các giống cây, tùy trường hợp” (Điều 7 Luật 1991 Công ước UPOV).

Tính đồng nhất: “Một giống cây trồng được coi là đồng nhất nếu có sự đồng nhất một cách đầy đủ các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó, trừ những biến dị có thể xảy ra do các đặc điểm cụ thể trong quá trình nhân giống” (Điều 8 Luật 1991 Công ước UPOV).

Tính ổn định: “Một giống cây trồng được coi là ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn không thay đổi sau quá trình nhân giống lặp lại hoặc vào thời điểm kết thúc mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ nói riêng” (Điều 9 Luật 1991 Công ước UPOV).

– Báo cáo kết quả khảo nghiệm kỹ thuật.

Trong thời hạn nhận mẫu giống yêu cầu người nộp đơn cung cấp lại mẫu giống. Trong vòng ba mươi ngày, kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm, cơ quan khảo nghiệm kỹ thuật gửi báo cáo kết quả khảo nghiệm kỹ thuật về cơ quan bảo hộ giống cây trồng.

– Thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật.

Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận kết quả khảo nghiệm kỹ thuật, cơ quan bảo hộ giống cây trồng phải hoàn thành việc thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật.

Trường hợp khó khăn về chuyên môn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập Hội đồng chuyên ngành để thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật, thời gian thẩm định không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày thành lập Hội đồng chuyên ngành.

3.3. Cấp văn bằng bảo hộ

Nếu kết quả thẩm định khẳng định giống cây trồng đăng ký bảo hộ đáp ứng các điều kiện quy định của Luật SHTT, cơ quan bảo hộ giống cây trồng trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký quyết định cấp bằng bảo hộ giống cây trồng và công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Sau ba mươi ngày, kể từ ngày quyết định cấp bằng bảo hộ giống cây trồng được công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng, nếu không nhận được ý kiến phản đối hoặc khiếu nại bằng văn bản về việc cấp bằng, cơ quan bảo hộ giống cây trồng tiến hành cấp bằng bảo hộ giống cây trồng cho người nộp đơn và vào sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày quyết định cấp bằng bảo hộ giống cây trồng được công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng, nếu cơ quan bảo hộ giống cây trồng nhận được ý kiến phản đối hoặc khiếu nại bằng văn bản về việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng thì phải xử lý theo quy định của Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ được cấp một (01) bản chính, trường hợp người nộp đơn muốn có hơn một bản thì phải đăng ký trước với cơ quan bảo hộ giống cây trồng. Mẫu bằng bảo hộ, sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ quy định tại Điều 168 của Luật SHTT.

Người nộp đơn phải nộp các khoản phí và lệ phí cho việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định. Trường hợp bằng bảo hộ bị rách, hỏng, mất hoặc đổi chủ sở hữu, chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng có thể yêu cầu cấp lại hoặc đổi và phải trả phí theo quy định.

4. Quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng

4.1. Quyền của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng

Theo định nghĩa của UPOV thì Quyền đối với giống cây trồng thuộc về tổ chức, cá nhân đã: i) Trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới; ii) Đầu tư cho người khác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới; iii) Thừa kế hợp pháp quyền từ tổ chức, cá nhân khác.

Quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng quy định tại Điều 186 của Luật SHTT được áp dụng đối với vật liệu thu hoạch thu được thông qua việc sử dụng vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ mà không được phép của chủ bằng bảo hộ, trường hợp chủ bằng bảo hộ có điều kiện hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân thì đối với vật liệu thu hoạch của cùng giống đó, khi sử dụng, người sử dụng không phải xin phép chủ bằng bảo hộ.

Chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng có quyền cho phép hoặc không cho phép người khác tiến hành các hành vi sau đây đối với giống cây trồng được bảo hộ:

(1) Sản xuất hoặc nhân giống;

(2) Chế biến nhằm mục đích nhân giống;

(3) Chào bán;

(4) Bán hoặc các cách tiếp cận thị trường khác;

(5) Xuất khẩu;

(6) Nhập khẩu;

(7) Tàng trữ (lưu giữ) nhằm thực hiện các hành vi bất kỳ nêu tại các điểm từ (1) đến (6) trên đây;

Chủ sở hữu giống cây trồng được hưởng quyền bảo hộ tạm thời theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 189 của Luật SHTT. Trường hợp người khác sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích thương mại trong thời hạn được hưởng quyền bảo hộ tạm thời, chủ sở hữu giống cây trồng thực hiện các thủ tục quy định tại khoản 2, 3 Điều 189 của Luật SHTT. Để được hưởng quyền tạm thời đối với giống cây trồng, từ thời điểm được cấp bằng bảo hộ, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền yêu cầu được hưởng quyền bảo hộ tạm thời và phải thực hiện trình tự thủ tục sau:

– Thỏa thuận về mức đền bù với bên đã khai thác giống cây trồng nhằm mục đích thương mại.

– Trường hợp không thỏa thuận được, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có thể nộp đơn tới cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 200 của Luật SHTT để yêu cầu giải quyết. Đơn yêu cầu hưởng quyền bảo hộ tạm thời phải được thể hiện bằng văn bản kèm theo chứng cứ chứng minh có đủ điều kiện hưởng quyền bảo hộ tạm thời.

4.2. Nghĩa vụ của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng

Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 191 của Luật SHTT, chủ bằng bảo hộ có các nghĩa vụ sau:

Trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo một trong các hình thức sau:

– Theo thỏa thuận giữa chủ bằng bảo hộ và tác giả giống cây trồng;

– Trường hợp không thỏa thuận được, mức thù lao trả cho tác giả là 30% số tiền bản quyền thu được;

– Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước, chủ bằng bảo hộ trả thù lao cho tác giả theo quy chế nội bộ. Trường hợp không có quy định trong quy chế nội bộ, chủ bằng bảo hộ phải trả 30% số tiền bản quyền thu được cho tác giả.

Nộp lệ phí duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan bảo hộ giống cây trồng trong vòng ba tháng sau ngày cấp bằng bảo hộ đối với năm hiệu lực đầu tiên và tháng đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo đối với các năm sau.

Lưu giữ giống cây trồng được bảo hộ, cung cấp thông tin, tài liệu và vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ theo yêu cầu của cơ quan bảo hộ giống cây trồng; duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo như các tính trạng mô tả tại thời điểm cấp bằng bảo hộ giống cây trồng.

4.3. Nghĩa vụ của tác giả giống cây trồng

Phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 191 của Luật SHTT, trong thời hạn hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng, tác giả có nghĩa vụ duy trì giống đúng như các tính trạng mô tả tại thời điểm cấp bằng bảo hộ theo thỏa thuận với chủ bằng bảo hộ giống cây trồng.

5. Chuyển giao quyền đối với giống cây trồng

5.1. Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng

Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối vối giống cây trồng cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định (khoản 1 Điều 194 của Luật SHTT).

Như vậy, khác với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, hợp đổng chuyển nhượng đối với giống cây trồng là việc chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng cho bên nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, trong trường hợp quyền đối với giống cây trồng thuộc đồng sở hữu, thì việc chuyển nhượng cho người khác phải có sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu (khoản 2 Điều 194 của Luật SHTT).

Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Thẩm quyền và thủ tục chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quyết định bắt buộc được quy định tại Điều 196 của Luật SHTT. Căn cứ vào các điều kiện chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được quy định tại Điều 195 của Luật SHTT.

5.2. Chuyển quyền sử dụng giống cây trồng

Chuyển quyền sử dụng giống cây trồng là việc chủ văn bằng bảo hộ cho phép người khác thực hiện một hoặc một số hành vi thuộc quyền sử dụng đối với giống cây trồng của mình (Khoản 1 Điều 192 của Luật SHTT).

Chuyển quyền sử dụng giống cây trồng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 192 của Luật SHTT thì chỉ chủ văn bằng bảo hộ mới được phép chuyển giao một hoặc một số hành vi thuộc quyền sử dụng giống cây trồng của mình. Giống cây trồng được phép chuyển giao quyền sử dụng là những giống cây trồng được bảo hộ theo quy định của Luật SHTT. Theo quy định tại Điều 186 của Luật SHTT thì chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ:

– Sản xuất hoặc nhân giống;

– Chế biến nhằm mục đích nhân giống;

– Chào hàng;

– Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác;

– Xuất khẩu;

– Nhập khẩu;

Lưu giữ để thực hiện các hành vi quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản 1, Điều 186 của Luật SHTT

Ngoài ra, quyền chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng còn được mở rộng đối với các giống cây trồng sau đây:

Thứ nhất, giống cây trồng có nguồn gốc từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc từ giống cây trồng đã được bảo hộ khác.

Giống cây trồng được coi là có nguồn gốc từ giống cây trồng được bảo hộ nếu giống cây đó vẫn giữ lại biểu hiện các tính trạng chủ yếu thu được từ kiểu gen hoặc sự phối hợp các kiểu gen của giống được bảo hộ, trừ những khác biệt là kết quả của sự tác động vào giống được bảo hộ.

Thứ hai, giống cây trồng không khác biệt rõ ràng với giống cây trồng đã được bảo hộ.

Thứ ba, giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ.

Căn cứ vào điều kiện bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng.

Trong trường hợp sau đây quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 196 của Luật SHTT mà không cần sự đồng ý của chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ chuyển giao quyền sử dụng độc quyền (sau đây gọi là người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng): việc sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ cho nhu cầu quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực và dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng nhu cầu cần thiết cho xã hội,… (khoản 1 Điều 195 của Luật SHTT). Để việc chuyển giao bắt buộc nêu trên có hiệu lực thì các bên chuyển giao và nhận chuyển giao quyền sử dụng phải tuân theo các điều kiện theo quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 195 của Luật SHTT.

Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng phải được giao kết bằng văn bản. Tuy nhiên, trong nội dung của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng không được có những quy định nhằm hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận chuyển giao quyền sử dụng, đặc biệt là những điều khoản hạn chế không xuất phát từ quyền của bên chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng tương ứng hoặc không nhằm bảo vệ các quyền đó (khoản 4 Điều 192 của Luật SHTT).

Chủ thể chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng là những tổ chức, cá nhân là chủ bằng bảo hộ giống cây trồng và những tổ chức, cá nhân được phép sử dụng giống cây trồng của chủ bằng bảo hộ. Tổ chức, cá nhân là chủ bằng bảo hộ giống cây trồng là những tổ chức, cá nhân tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao đối với giống cây trồng (Điều 157 của Luật SHTT).

Các bên trong hợp đồng, chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng có các quyền và nghĩa vụ tương ứng quy định tại Điều 193 của Luật SHTT.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon