Khái niệm chung về Luật hình sự Việt Nam

khai-niem-chung-ve-luat-hinh-su-viet-nam

Luật hình sự được hiểu là tập hợp có hệ thống các quy phạm pháp luật xác định rõ những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt có thể áp dụng đối với người đã thực hiện các tội phạm đó. Với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, luật hình sự có đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh riêng, đồng thời tuân theo một hệ thống các nguyên tắc riêng biệt và có những nhiệm vụ riêng.

Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi tội phạm xảy ra. Ngành luật hình sự điều chỉnh mối quan hệ này bằng việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ pháp lí của hai chủ thể, đó là Nhà nước và người phạm tội. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về nội dung về Khái niệm chung về Luật hình sự Việt Nam.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.

1. Khái niệm luật hình sự Việt Nam

Luật hình sự được hiểu là tập hợp có hệ thống các quy phạm pháp luật xác định rõ những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt có thể áp dụng đối với người đã thực hiện các tội phạm đó.

Với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, luật hình sự có đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh riêng, đồng thời tuân theo một hệ thống các nguyên tắc riêng biệt và có những nhiệm vụ riêng. Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi tội phạm xảy ra.

Ngành luật hình sự điều chỉnh mối quan hệ này bằng việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ pháp lí của hai chủ thể, đó là Nhà nước và người phạm tội. Trong đó, quyền của chủ thể này, tương ứng sẽ là nghĩa vụ của chủ thể còn lại. Nhà nước có quyền buộc người phạm tội phải chịu TNHS về việc thực hiện tội phạm thông qua các hoạt động tố tụng như điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Người phạm tội có nghĩa vụ phải chịu TNHS, chịu bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tuy vậy, họ cũng có quyền yêu cầu Nhà nước truy cứu họ đúng với các quy định của pháp luật, đúng người đúng tội.

Phương pháp điều chỉnh của ngành luật hình sự là phương pháp mệnh lệnh- phục tùng. Theo đó, Nhà nước, trong quan hệ pháp luật hình sự, có quyền buộc người phạm tội phải chịu TNHS, chịu hình phạt- biện pháp cưỡng chế Nhà nước nghiêm khắc nhất, người phạm tội không có cách nào khác ngoài nghĩa vụ tuân thủ. Cũng như các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ngành luật hình sự cũng được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản, trong đó có các nguyên tắc chung cho cả hệ thống pháp luật và các nguyên tắc có tính đặc thù.

Ba nguyên tắc chung bao gồm: nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc nhân đạo. Ba nguyên tắc đặc thù của ngành luật hình sự là nguyên tắc hành vi, nguyên tắc có lỗi và nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự.

Trên cơ sở các nguyên tắc này, luật hình sự xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật quy định chung về tội phạm về hình phạt, cũng như các quy phạm xác định tội phạm cụ thể và khung hình phạt tương ứng. Tập hợp đầy đủ, có hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự trong một văn bản pháp luật hình sự được gọi là Bộ luật hình sự. Ở Việt Nam, Bộ luật hình sự Việt Nam là nguồn của ngành luật hình sự và do Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội ban hành.

Bộ luật hình sự được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của Việt Nam, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm cũng như học hỏi kinh nghiệm lập pháp từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến nay, Nhà nước đã ban hành ba Bộ luật hình sự, đó là: Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015.

Bộ luật hình sự Việt Nam (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm 426 điều luật được kết cấu thành ba phần: Phần thứ nhất Những quy định chung, phần thứ hai Các tội phạm và phần thứ ba Điều khoản thi hành. Phần những quy định chung và phần các tội phạm là phần nội dung chính của BLHS, được kết cấu theo các chương. Trong đó, phần những quy định chung bao gồm 12 chương, phần các tội phạm bao gồm 14 chương. Phần những quy định chung bao gồm các điều luật quy định những vấn đề chung về Bộ luật, về tội phạm, về TNHS và hình phạt được chia thành 12 vấn đề quy định trong 12 chương.

Phần các tội phạm bao gồm các điều luật quy định về từng tội phạm cụ thể và các khung hình phạt áp dụng đối với các tội phạm đó. Các tội phạm trong BLHS được nhóm theo từng chương, được kết cấu theo trật tự chương- điều- khoản- điểm, trong số 14 chương của phần này có 3 chương có trật tự kết cấu là chương- mục- điều- khoản- điểm. Trong số 318 điều luật của phần các tội phạm, có 4 điều luật quy định các vấn đề chung của nhóm tội phạm trong chương (là các điều 122, 352, 367, 392), các điều luật còn lại đều quy định về từng tội phạm cụ thể và các khung hình phạt có thể áp dụng đối với các tội phạm đó.

2. Vai trò của Bộ luật hình sự trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu của Nhà nước với vai trò đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, góp phần tích cực trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao. Không những thế, pháp luật hình sự còn có vai trò quan trọng nhằm loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho tiến trình đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Bộ luật hình sự Việt Nam- nguồn cơ bản của pháp luật hình sự- không những thể hiện được tinh thần chủ động trong đấu tranh chống tội phạm mà còn hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng ngừa tội phạm. Thông qua biện pháp cưỡng chế Nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt, luật hình sự đặt mục tiêu răn đe, giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm.

BLHS Việt Nam thể hiện rõ vai trò tích cực, là công cụ pháp lí quan trọng của Nhà nước trong hoạt động đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Điều 4 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 khẳng định trách nhiệm chống và phòng ngừa tội phạm trước hết thuộc về các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp và thanh tra. Các cơ quan nhà nước khác và mọi công dân cũng đều có nghĩa vụ tham gia đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Hoạt động chống tội phạm được coi là hoạt động phòng ngừa đặc biệt. Các hoạt động chống và phòng ngừa đều phải sử dụng công cụ pháp lí là các quy định trong BLHS. Hiệu quả của các hoạt động nói trên ở mức độ nào phụ thuộc nhiều vào mức độ hoàn thiện của BLHS.

BLHS Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự tồn tại, phát triển ổn định của các quan hệ xã hội trước sự xâm hại của tội phạm. Trong lời nói đầu của BLHS năm 1999 đã chỉ rõ ngành luật hình sự là công cụ pháp lí “góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ,…” Như vậy, các quy định trong BLHS là công cụ pháp lí để bảo vệ các quan hệ xã hội phát sinh, phát triển trong xã hội. Việc xác định đúng, xác định đủ và kịp thời những hành vi có thể gây nguy hiểm cho các đối tượng được bảo vệ để quy định là tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ các quan hệ xã hội, duy trì sự ổn định, trật tự chung của đời sống xã hội.

BLHS Việt Nam cũng thể hiện vai trò giáo dục. Mục đích cuối cùng của việc sử dụng luật hình sự với tư cách là công cụ pháp lí hữu hiệu trong đấu tranh chống tội phạm không phải là nhằm trừng trị người phạm tội mà là giáo dục họ, thay đổi ý thức pháp luật của bản thân người phạm tội, giúp họ nhận thức sai lầm và hướng thiện. Bên cạnh đó, ngành luật hình sự còn là công cụ để răn đe những người khác trong xã hội, giáo dục ý thức pháp luật của người dân trong việc tham gia đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Lời nói đầu của BLHS có nhắc đến chức năng này “răn đe, giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; qua đó, bồi dưỡng ý thức cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm.

Trên đây là nội dung phân tích về “Khái niệm chung về Luật hình sự Việt Nam”. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6586 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon