Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các trường hợp hoãn thi hành án phạt tù

nang-cao-chat-luong-cong-tac-kiem-sat-cac-truong-hop-hoan-thi-hanh-an-phat-tu

Thi hành án hình sự được coi là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng đối với một vụ án hình sự, là biện pháp mang tính cưỡng chế đặc biệt của Nhà nước đối với người có hành vi phạm tội bị Tòa án kết tội bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật, bảo đảm thực hiện trách nhiệm hình sự của người bị kết án trước pháp luật. Tuy nhiên, theo chính sách nhân đạo của pháp luật, nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền con người trong thi hành án hình sự thì người phải chấp hành án vẫn có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù.

Cơ sở pháp lý

– Luật Tổ chức viện kiểm sát năm 2014.

– Bộ luật tố tụng hình sự.

– Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

– Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

– Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ năm “Thi hành bản án và quyết định của Tòa án” của Bộ luật Tố tụng hình sự.

– Nghị Quyết số: 41/2017/QH14 của Quốc Hội ngày 20 tháng 6 năm 2017 về việc thi hành bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về hiệu lực thi hành của Bộ Luật Tố tụng hình sự 101/2015/QH13.

– Công văn số 3010/VKSTC-V14 ngày 09/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về thi hành BLHS năm 2015.

1. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát

Để việc hoãn chấp hành hình phạt tù được thực hiện đúng quy định pháp luật, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc áp dụng các điều kiện cho hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 261 BLTTHS,Điều 23 Luật THAHS, Khoản 1 Điều 61 BLHS và được hướng dẫn tại Nghị quyết Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao h­ướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS, Nghị Quyết số: 41/2017/QH14 của Quốc Hội ngày 20 tháng 6 năm 2017 về việc thi hành bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về hiệu lực thi hành của Bộ Luật Tố tụng hình sự 101/2015/QH13, luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13, Công văn số 3010/VKSTC-V14 ngày 09/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về thi hành BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn xảy ra một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, một số trường hợp hoãn thi hành án lợi dụng quy định của pháp luật về điều kiện hoãn thi hành án là đang mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi để trốn tránh việc thi hành án.

Thứ hai, trường hợp hoãn thi hành án vì lý do đang mang thai nhưng bị án tạm thời đi khỏi địa phương mà không báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.

Thứ ba, các trường hợp được hoãn do bị bệnh nặng, nhưng chưa có quy định về việc kiểm tra sức khỏe của người được hoãn trong thời gian hoãn để xác định tình trạng sức khỏe họ đã hồi phục như thế nào? Thời gian bao lâu, cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm hoặc thẩm quyền yêu cầu người được hoãn đi kiểm tra sức khỏe và xác định họ đã hồi phục sức khoẻ để tiếp tục đưa đi chấp hành án. Vì thế không có căn cứ xác định lý do hoãn CHHPT đã hết, dẫn đến tình trạng hoãn kéo dài. Thực tế ghi nhận người được hoãn thường chủ động tự nguyện đi chấp hành án mà không cần có kết luận của cơ quan y tế về sức khỏe hoặc yêu cầu của các cơ quan về thi hành án phạt tù.

Thứ tư, bị án là người lao động chính duy nhất trong gia đình, đã  được hoãn một lần hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian hoãn đã quá một năm nhưng  bị án có con duy nhất đã thành niên bị tâm thần, gia đình không có người thân thích (Bố mẹ, chồng, con, anh chị em ruột) để giao nuôi dưỡng, chăm sóc nên phải tiếp tục hoãn kéo dài nhiều lần. Hiện tại chưa có quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, tổ chức thực hiện thủ tục, hồ sơ để giao con bị tâm thần (đã thành niên) của bị án cho gia đình, các Trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc để bị án yên tâm đi chấp hành án.

Thứ năm, trường hợp được hoãn CHHPT do bị “bệnh nặng” căn cứ vào “kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên” và xác định “có thai” của “bệnh viện từ cấp huyện trở lên” nhưng chưa có văn bản quy định rõ kết luận của bệnh viện được hiểu như thế nào: Đó là nội dung kết luận của bác sỹ điều trị ghi trong bệnh án, kết quả siêu âm hay là một văn bản kết luận riêng của người có thẩm quyền trong bệnh viện? Thực tế, bệnh viện không ra văn bản kết luận riêng mà chỉ cung cấp bệnh án của bệnh nhân có thể hiện kết quả điều trị hoặc phiếu siêu âm thai nhi.

Ngoài ra, do cán bộ làm công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, công tác nhân sự thường xuyên có thay đổi, luân chuyển, điều động nên thiếu sự ổn định.

2. Giải pháp khắc phục

Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các trường hợp hoãn thi hành án phạt tù, căn cứ vào các quy định của pháp luật và thực tiễn công tác, tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

Nghiên cứu kỹ điều kiện hoãn thi hành án phạt tù, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện để xử lý theo quy định, đặc biệt là đối với các trường hợp hoãn với lý do lao động chính duy nhất trong gia đình. Lập sổ theo dõi, phần mềm theo dõi thời hạn bằng exel để kiểm tra, cập nhật thời điểm các bị án phải đi chấp hành án.

Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án hình sự, Tổ trưởng tổ dân phố, các đoàn thể ở địa phương tiến hành tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục bị án đi chấp hành án. Tránh trường hợp sinh con chỉ để trốn tránh việc thi hành án, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tại địa phương mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình, bản thân những đứa trẻ.

Đối với các trường hợp nắm được thông tin về việc điều kiện hoãn không còn cần nhanh chóng, kịp thời trực tiếp tiến hành xác minh để kháng nghị yêu cầu hủy quyết định hoãn thi hành án phạt tù, đảm bảo đúng quy định.

Đối với một số vấn đề Luật và các văn bản chưa có hướng dẫn cụ thể, cần chủ động phối hợp thực hiện với các cơ quan hữu quan thực hiện thống nhất, đồng bộ, đúng quy định pháp luật đồng thời kiến nghị với liên ngành Trung ương để có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn:

Một là: Căn cứ xác định tình trạng “bệnh nặng” đối với người được hoãn CHHPT của bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên và xác định “có thai” của bệnh viện từ cấp huyện trở lên  phải bằng văn bản kết luận riêng. Như vậy mới thể hiện tính có căn cứ, xác thực cũng như trách nhiệm của cơ quan y tế đối với kết luận của mình trước pháp luật.

Hai là: Để tránh thời hạn tạm hoãn kéo dài không có thời hạn, cần quy định người được hoãn CHHPT do bị bệnh nặng phải đi khám tại bệnh viện cấp tỉnh trở lên theo định kỳ như: 6 tháng hoặc 12 tháng một lần để kiểm tra, xác định lại tình trạng sức khoẻ, làm căn cứ chấm dứt việc hoãn CHHPT. Trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và báo cáo thuộc về cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi người được hoãn cư trú, làm việc hoặc cơ quan thi hành án hình sự.

Ba là: Khi đã hết thời hạn hoãn theo quy định, Tòa án đã ra quyết định hoãn CHHPT phải làm thủ tục giao con đã thành niên (bị tàn tật hoặc tâm thần) của người được hoãn cho người thân thích trong gia đình họ hoặc Trung tâm bảo trợ xã hội để bị án đi chấp hành án để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người có liên quan.

Giải pháp được áp dụng mang lại hiệu quả lớn, tích cực trong công kiểm sát thi hành án hình sự nói chung và kiểm sát các trường hợp hoãn thi hành án phạt tù nói riêng.

3. Kết luận

Với chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, ở các công tác và giai đoạn tố tụng đều cần phải được thực hiện tốt nhưng ở khâu thi hành kết quả giải quyết vụ án cần được đề cao vai trò hơn nữa để nâng cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với người phạm tội.

Thi hành án phạt tù nói chung và hoãn thi hành án phạt tù nói riêng đối với mỗi con người cụ thể, liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi con người, ngoài ra còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoàn cảnh gia đình, của những người mà người phải thi hành án phạt tù, điều này còn thể hiện sự nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Chính vì vậy, bộ luật, luật và đặc biệt là các văn bản hướng dẫn cần cụ thể, chi tiết để thực thi pháp luật đồng bộ, việc thực hiện, áp dụng trên thực tế phải thống nhất, đúng quy định pháp luật, tránh các trường hợp áp dụng pháp luật tùy tiện, thiếu đồng bộ ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp cùng cấp, đồng thời ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân./.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon