Quyền định đoạt là gì? Phân tích quyền định đoạt?

quyen-dinh-doat-la-gi-phan-tich-quyen-dinh-doat

Mọi cá nhân, tổ chức… đều có những tài sản riêng, thuộc quyền sở hữu của họ, trong đó có các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản đó. Có nghĩa là người có quyền có thể bán, tặng cho hoặc thay đổi tính năng của tài sản đó theo quy định pháp luật. Riêng đối với quyền định đoạt về tài sản được quy định tại Bộ luật dân sự bao gồm các nội dung như việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng và tiêu huỷ tài sản. Vậy thế nào là quyền định đoạt? Nội dung phân tích quyền định đoạt tài sản? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây:

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Dân sự năm 2015

1. Quyền định đoạt là gì?

Căn cứ theo Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu huỷ tài sản”.

Xét dưới góc độ pháp lý thì quyền định đoạt là một trong những quyền quan trọng của công dân đối với tài sản. Quyền định đoạt được định nghĩa theo hai khía cạnh:

1.1. Định đoạt số phận thực tế của tài sản

Định đoạt về số phận thực tế của các vật (làm cho vật không còn trong thực tế nữa) như: tiêu dùng hết, hủy bỏ, hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối với vật. Trong việc định đoạt số phận thực tế của vật, chủ sở hữu chỉ cần bằng hành vi của mình tác động trực tiếp đến vật. Ví dụ chủ sở hữu tiêu dùng hết các tài sản có tính tiêu hao như: ăn uống các đồ lương thực, thực phẩm; dùng hết các đồ mỹ phẩm, dược phẩm.

1.2. Định đoạt về số phận pháp lý của tài sản

Định đoạt số phận pháp lý của tài sản thông qua hai hình thức:

– Chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác bằng việc xác lập các hợp đồng như bán, tặng cho, trao đổi tài sản cho người khác. Đây là những hợp đồng mà chuyển giao đồng thời cả ba quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt cho người khác một các vĩnh viễn. Theo quy định tại Điều 238 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao”.

– Từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản cũng là một hình thức định đoạt số phận pháp lý của tài sản, Theo Điều 239 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó”.

Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.

Quyền sử dụng là gì? Phân tích quyền sử dụng

2. Quy định pháp luật về quyền định đoạt

Chủ thể có quyền định đoạt bằng hành vi và làm chủ về ý chí của mình thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu huỷ tài sản, tuỳ thuộc vào nhu cầu, mong muốn của chủ thể. Có thể thấy quyền định đoạt biểu hiện ở hai khía cạnh khác nhau:

Thứ nhất, đối với định đoạt dưới góc độ thực tế của tài sản, các chủ thể có thể sử dụng các cách như tác động trực tiếp lên tài sản bằng cách tiêu dùng hoặc tiêu huỷ tài sản theo quy định. Tiêu dùng là việc chủ thể đưa tài sản vào sử dụng nhằm thoả mã nhu cầu trong cuộc sống của các chủ thể. Tiêu huỷ tài sản là việc chủ thể bằng một hành vi cụ thể làm cho tài sản không còn tồn tại theo các cách khác nhau để tài sản đó biến mất vĩnh viễn.

Thứ hai, việc định đoạt dưới góc độ pháp lý của tài sản là việc làm chuyển giao quyền sở hữu với vật từ người này sang người khác. Thông thường, định đoạt về số phận pháp lý của vật phải thông qua các giao dịch phù hợp với ý chí của chủ sở hữu như bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế… thông qua việc định đoạt mà chủ sở hữu có thể tiêu dùng hết; chuyển quyền chiếm hữu tạm thời; quyền chiếm hữu và quyền sử dụng tài sản trong một khoảng thời hạn hoặc chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác bằng hợp đồng bán, đổi, cho… Đối với định đoạt dưới góc độ pháp lý là căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu của chủ thể đối với tài sản.

Ở hai hình thức định đoạt trên, chúng ta thấy rằng, trong việc định đoạt số phận thực tế của vật, chủ sở hữu chỉ cần bằng hành vi của mình tác động trực tiếp đến vật. Trong việc định đoạt về số phận pháp lý chủ sở hữu phải thiết lập với chủ thể khác một quan hệ pháp luật dân sự. Đối với hình thức định đoạt này, Bộ luật dân sự đã quy định: Người định đoạt tài sản phải là người có năng lực hành vi dân sự. Tức là người đó phải có đầy đủ tư cách chủ thể.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu khi định đoạt tài sản, người được uỷ quyền phải thực hiện việc định đoạt theo phương pháp, cách thức phù hợp với ý chí và lợi ích của chủ sở hữu. Ngoài ra, vì lợi ích chung của xã hội và để bảo đảm ổn định giao lưu dân sự trong những trường hợp nhất định, Điều 196 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định việc hạn chế quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Theo đó, quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu sẽ bị hạn chế khi có quy định cụ thể của luật.

Trong thực tế, có những trường hợp tuy không phải là chủ sở hữu, chủ sở hữu không uỷ quyền, việc định đoạt có thể không theo ý chí của chủ sở hữu nhưng theo quy định của pháp luật những người đó vẫn có quyền định đoạt. Đó là việc cơ quan, tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật, chấp hành viên ký hợp đồng bán đấu giá để thi hành án; hiệu cầm đồ được quyền bán tài sản nếu hết thời hạn đã thoả thuận mà người vay không trả được tiền vay.

3. Điều kiện thực hiện quyền định đoạt

Để thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản thì phải đáp ứng một số điều kiện được quy định tại Điều 193 Bộ luật Dân sự 2015: “Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.”

Điều luật trên quy định về điều kiện của việc thực hiện quyền định đoạt, đó là điều kiện về chủ thể (phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện), nội dung định đoạt (không trái quy định của pháp luật), về trình tự, thủ tục (phải tuân theo đúng trình tự, thủ tục nếu pháp luật có quy định).

– Về chủ thể: Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện.

+ Trường hợp phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật theo Khoản 3 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015: “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.”

+ Trường hợp chủ thể tự mình xác lập thực hiện giao dịch theo Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

+ Trường hợp phải do người đại diện, người giám hộ xác lập, thực hiện thay theo Khoản 2 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015: Những giao dịch của người dưới sáu tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

– Về nội dung định đoạt: “không trái quy định của pháp luật”, theo Điểm c Khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Ngoài ra, các hành vi định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu cũng phải tuân thủ các điều kiện chung của giao dịch, tức là phải tuân theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015.

– Về trình tự, thủ tục định đoạt: phải tuần theo quy định của pháp luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015: “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”. Nếu chủ sở hữu định đoạt đối với những tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở mà không tuân thủ những trình tự, thủ tục luật thì việc định đoạt đó sẽ không có giá trị.

4. Chủ thể có quyền định đoạt tài sản

Bộ luật Dân sự 2015 quy định cho chủ sở hữu và người không phải là chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản.

Thứ nhất: Bộ luật Dân sự quy định cho chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật. Như vậy, pháp luật đã trao quyền rất lớn cho chủ sở hữu khi thực hiện quyền định đoạt tài sản.

Thứ hai: Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu

Người không phải chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản sẽ có những hạn chế và trong những trường hợp nhất định. Theo Điều 195 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau: “Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.”

Như vậy, khi một chủ thể không phải chủ sở hữu nhưng lại có quyền định đoạt đối với tài sản khi có căn cứ: Theo sự uỷ quyền định đoạt của chủ sở hữu và theo quy định của pháp luật.

Đối với căn cứ thứ nhất, người được uỷ quyền nhân danh chủ sở hữu để xác lập các hợp đồng bán tặng cho, trao đổi, cho vay vì lợi ích của chủ sở hữu. Đối với căn cứ thứ hai, Những người không phải chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Đó là các trường hợp: cơ quan thi hành án có quyền ký hợp đồng thuê bán đấu giá tài sản; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những tài sản vi phạm quy định của pháp luật để sung công quỹ; bên giữ tài sản có quyền bán tài sản nếu những tài sản đó có nguy cơ hư hỏng, mất giá trị nếu không được xử lý ngay…

5. Quyền định đoạt có bị hạn chế không?

Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.

2. Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.”

Như vây, căn cứ dựa trên các điều luật này chỉ ra nguyên tắc định đoạt đối với tài sản, đó là chủ thể có toàn quyền định đoạt tài sản theo ý mình (như chọn người nhận chuyển giao quyền sở hữu, cách thức định đoạt…) và quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp luật quy định. và Để cụ thể hóa thì điều luật quy định hai trường hợp mà chủ thể phải dành ưu tiên mua cho những chủ thể này và Nhà nước có quyền ưu tiên mua khi tài sản định đoạt là di tích, lịch sử văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung về “Quyền định đoạt là gì? Phân tích quyền định đoạt”, trường hợp cần được tư vấn về các vấn đề có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo số Hotline 1900.6568 để được hỗ trợ tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon