Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt là ba quyền khác nhau và không tách rời nhau trong suốt quá trình thực hiện quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản. Theo quy định của Luật Dân sự, việc xác nhận quyền sử dụng rất là đơn giản, quy định rất rõ ràng và cụ thể về quyền sử dụng, một tài sản có thể được sử dụng vào một mục đích nào đó của chủ sở hữu nhằm thỏa mãn các nhu cầu của họ về tài sản đó. Vậy quyền sử dụng là gì? Nội dung phân tích quyền sử dụng trong Bộ luật này được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về nội dung này trong bài viết dưới đây:
Cơ sở pháp lý:
- Hiến pháp năm 2013;
- Bộ luật Dân sự năm 2015
1. Quyền sử dụng là gì?
Trước khi tìm hiểu về quyền sử dụng là gì thì cần phải tìm hiểu khái niệm sử dụng là gì? Theo như quy định tại Điều 189 Bộ luật Dân sự 2015 thì khái niệm sử dụng được hiểu như sau: “Sử dụng là việc dùng vật (tài sản) do nhằm thoả mãn nhu cầu nhất định của chủ sở hữu hoặc của người đang trực tiếp chiếm hữu, chi phối tài sản. Sử dụng tài sản là quyền có ý nghĩa thực tế cao nhất của chủ sở hữu”.
Cũng dựa theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”. “Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.
Người có quyền sử dụng bao gồm: chủ sở hữu tài sản, người không phải là chủ sở hữu tài sản được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng hoặc do pháp luật quy định.
2. Phân tích quyền về sử dụng theo quy định pháp luật dân sự
Nguyên tắc chung là việc khai thác những giá trị sử dụng của tài sản nhằm để thoả mãn các nhu cầu về sinh hoạt vật chất hoặc tinh thần cho bản thân mình.
Con người khai thác lợi ích vật chất để thoả mãn các nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh… thì còn thực hiện việc này dựa vào các tính năng riêng biệt của từng đồ vật khác nhau để sử dụng nó làm thoả mãn các nhu cầu của mình. Bên cạnh đó thì khái niệm quyền sử dụng được định nghĩa bằng phạm vi của quyền dưới quy đinh của pháp luật hiện hành thì quyền sử dụng được xác định bằng các quyền khác nhau và cụ thể là: quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
Ngoài ra, việc khai thác lợi ích vật chất của tài sản còn bao gồm cả việc thu nhận những kết quả của tài sản do tự nhiên mang lại như hưởng trứng do gia cầm đẻ ra, hoa quả trên cây…
Như vậy, sử dụng tài sản là một quyền năng quan trọng đây là quyền mang lại lợi ích kinh tế cho chủ thể. Việc khai thác công dụng của tài sản được thực hiện tuỳ theo khả năng sáng tạo của chủ sở hữu. Chủ sở hữu có toàn quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức của tài sản theo ý chí tuỳ nghĩ của mình.. Thông thường, chủ sở hữu trực tiếp sử dụng tài sản của mình nhưng có thể được chuyển giao cho người khác trên cơ sở một hợp đồng hợp pháp của chủ sở hữu. Khi chủ sở hữu muốn chuyển quyền sử dụng cho người khác thì phải chuyển luôn quyền chiếm hữu tài sản. Bởi lẽ, muốn khai thác công dụng của tài sản, trước hết người sử dụng phải thực hiện hành vi chiếm hữu. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp chủ sở hữu cho sử dụng tài sản mà không chuyển quyền chiếm hữu, ví dụ: anh A thuê công nhân vận hành hành máy móc, thiết bị sản xuất rượu vang, khi đó công nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng nhưng việc nắm giữ, chi phối thiết bị vẫn thuộc về A.
Trong một số trường hợp khác mà pháp luật quy định, cơ quan hoặc tổ chức cũng có quyền sử dụng tài sản trên cơ sở một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ví dụ: Cơ quan, tổ chức sử dụng tài sản bị trưng dụng).
Do sự phát triển nhanh của khoa học kĩ thuật nên có trường hợp chủ sở hữu không đủ trình độ chuyên môn để sử dụng những tài sản là các phương tiện kĩ thuật hiện đại. Như việc sử dụng công nghệ số tự động, các thiết bị kĩ thuật hiện đại để vận hành… trong trường hợp này chủ sở hữu phải thông qua người thứ ba để thực hiện quyền sử dụng tài sản thì mới khai thác được các lợi ích vật chất, tính năng của tài sản.
Tóm lại: Có thể xác định dựa trên Bộ luật Dân sự năm 2015 là quyền sử dụng tài sản được biết đến như một trong những quyền năng quan trọng và có ý nghĩa thực tế của chủ sở hữu. Bên cạnh đó thì chủ sở hữu đối với tài sản có thể tạo ra hoa lợi, lợi túc thì có toàn quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức của tài sản theo ý chí và khả năng của mình trong khuôn khổ của quyền sử dụng tài sản. Bộ luật này cũng quy định về việc chủ sở hữu trực tiếp sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình những bên cạnh đó cũng có quy định về việc chuyển giao quyền sử dụng cho người khác đối với tài sản của mình. Do đó, có thể được chuyển giao cho người khác trên cơ sở một hợp đồng hợp pháp của chủ sở hữu dưới quy định của pháp luật hiện hành.
3. Những quy định của pháp luật đối với quyền sử dụng
Trên cơ sở tìm hiểu về khái niệm về quyền sử dụng tài sản nêu ở mục trên thì có thể nhận biết được quyền sử dụng tài sản là quyền khai thác công dụng và những lợi ích vật chất của tài sản, nhưng không phải chỉ thực hiện theo ý chí của chủ sở hữu tài sản đó, mà việc quy định về quyền sử dụng này còn bị giới hạn trong một phạm vi nhất định.
3.1. Chuyển giao quyền sử dụng
Theo Điều 189 Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”
Chuyển giao quyền sử dụng tức là cho phép người khác khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong một khoản thời gian. Việc chuyển giao quyền sử dụng cho người khác có thể thu tiền hoặc không thu tiền tuỳ hai bên thoả thuận.
Ví dụ: X là chủ sở hữu của một căn nhà. X có quyền khai thác, sử dụng căn nhà vào các mục đích khác nhau. X cho Y thuê căn nhà và X thu tiền thuê hàng tháng. Việc X cho Y thuê căn nhà chính là X đã chuyển quyền sử dụng căn nhà cho Y trong khoảng thời gian thuê.
Theo quy định này, quyền sử dụng được coi như một tài sản riêng của chủ sở hữu. Theo đó, dù là một trong 03 quyền bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt thuộc quyền sở hữu nhưng chủ sở hữu hoàn toàn có thể tách riêng quyền sử dụng đối với tài sản của mình mà chuyển giao cho người khác thông qua các hình thức cho thuê, cho mượn,..
3.2. Quyền sử dụng của chủ sở hữu
Theo quy định pháp luật, chủ sở hữu tài sản sẽ có toàn quyền sử dụng cũng như khai thác tài sản mà mình sở hữu. Nhưng bên cạnh đó, quyền sử dụng cũng đã bị pháp luật ràng buộc bởi một số quy định, lợi ích khác như: Lợi ích quốc gia, dân tộc; lợi ích công cộng; quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Theo Điều 190 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau: “Chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”
Lợi ích quốc gia, dân tộc là vấn đề có nội hàm rộng, bao hàm trong đó tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia – dân tộc có chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời thể hiện sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn.
Lợi ích công cộng là những lợi ích chung dành cho mọi người và xã hội… Hành vi sử dụng tài sản gây ảnh hưởng đến lợi ích công cộng như sử dụng nhà ở để tổ chức đánh bạc; hát karaoke, gây mất trật tự công cộng…
Có thể thấy, mặc dù quyền sở hữu nói chung và quyền sử dụng nói riêng là một quyền thiêng liêng của mỗi cá nhân được ghi nhận trong Hiến pháp, nhưng các quyền ấy hoàn toàn phải chịu sự ràng buộc của pháp luật, không được xâm phạm làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, quốc gia, dân tộc (Khoản 4 Điều 3 của Bộ luật dân sự 2015). Ví dụ: A có quyền sử dụng nhà kho để làm cơ sở sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng không được sử dụng để sản xuất ma túy.
3.3. Quyền sử dụng của người không phải chủ sở hữu
Quyền sử dụng tài sản đương nhiên thuộc về chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người không phải chủ sở hữu tài sản cũng có quyền sử dụng tài sản.
Theo Điều 191 Bộ luật dân sự 2015 quy định:” Người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.” Do đó, đối với người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình cũng có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp khác mà pháp luật quy định, cơ quan hoặc tổ chức cũng có quyền sử dụng tài sản trên cơ sở một văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận chi tiết các quy định tại các Điều 189, Điều 190 và Điều 191 về quyền sử dụng tài sản rất cụ thể và chi tiết về các vấn đề phát sinh và xảy ra trong quá trình chủ sở hữu thực hiện sử dụng đối với tài sản của mình. Do đó, có thể khẳng định một điều rằng quy định của điều luật tại Bộ luật này sẽ giải quyết được các vấn đề về quyền sử dụng và đảm bảo đươc tính khái quát rất cao. Bên cạnh đó các quy trình này còn phần nào đó đáp ứng được yêu cầu phong phú của thực tiễn hiện nay.
Bởi lẽ tự nhiên, pháp luật có quy định về chủ sở hữu trực tiếp sử dụng tài sản của mình theo như thông thường và đó là quyền mặc định của chủ sở hữu một tài sản nào đó; nhưng lại vì một lý do nào đó mà chủ sở hữu tài sản đó không còn đủ khả năng để tự mình thực hiện hoặc không muốn thực hiện quyền sử dụng đó của mình thì cũng có thể chuyển giao cho người khác sử dụng thông qua một giao dịch dân sự phù hợp với ý chí của chủ sở hữu dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành.
Trên đây là bài viết “Quyền sử dụng là gì? Phân tích quyền sử dụng”, trường hợp cần được tư vấn về các vấn đề có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo số Hotline 1900.6568 để được hỗ trợ tốt nhất.