Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

hoan-thien-phap-luat-ve-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do-lam-o-nhiem-moi-truong

Ô nhiễm môi trường là một vấn nạn đáng quan tâm hiện nay. Dưới góc độ pháp luật, bất cứ ai có hành vi gây ô nhiễm môi trường đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên các quy định liên quan đến vấn đề này đang dần xuất hiện những bất cập, hạn chế. Do đó, cần thiết phải hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hãy cùng chúng tôi làm rõ vấn đề trên qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật bảo vệ môi trường năm 2014
  • Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xác định thiệt hại về môi trường

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là gì?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hiểu một cách đơn giản là loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng; người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, theo đó, chủ thể (tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm pháp luật môi trường, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường thì phải trả giá về hành vi của mình qua việc khôi phục, đền bù, bù đắp những tổn thất và khắc phục những hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Tóm lại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được xác định là một trường hợp cụ thể của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ra thiệt hại là sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất của các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.

2. Quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra

2.1. Về chủ thể

Chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại về suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường theo quy định của pháp luật có thể hiểu là Nhà nước, bao gồm: Uỷ ban nhân dân cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có 3 phương thức để yêu cầu bồi thường thiệt hại là: thương lượng, trọng tài hoặc Tòa án.

Chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, pháp nhân do hậu quả của suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra thì cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác theo quy định của pháp luật có thể trực tiếp yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc thông qua người giám hộ, người đại diện hợp pháp để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Yêu cầu bồi thường có thể được thực hiện bằng một trong hai phương thức là thỏa thuận với chủ nguồn thải hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đối với các chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường. Theo quy định của pháp luật hiện hành chủ thể có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại môi trường là các cá nhân, pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường cũng như thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác hoặc hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Quy định hiện hành về xác định thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường do làm ô nhiễm môi trường

Về xác định tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra. Pháp luật quy định cần xác định: Nguồn thải, hoạt động gây sự cố môi trường, xâm hại môi trường trực tiếp hoặc liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; Thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, bao gồm: loại hình hoạt động; sản phẩm, công suất, nguyên liệu đầu vào; quy trình sản xuất; chất thải; điểm xả thải; biện pháp xử lý chất thải; công tác quan trắc, phân tích các thông số môi trường; Dữ liệu, chứng cứ cần thiết khác có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.

Về thành phần môi trường được xác định thiệt hại: theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì thành phần môi trường được xác định thiệt hại, gồm: “a) Môi trường nước phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng; b)Môi trường đất phục vụ cho các mục đích bảo tồn, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng; c) Hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái; d) Loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.”

Về xác định mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường: Pháp luật môi trường hiện hành quy định có 3 mức: i) có suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường; ii) suy giảm nghiêm trọng; iii) suy giảm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 1, Điều 165 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014). Căn cứ vào mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, pháp luật hiện hành xác định giới hạn của 3 khu vực là: 1. Vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; 2. diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm; 3. diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm. (khoản 2 Điều 165 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014). Từ đó có thể xác định được thiệt hại môi trường: Một là, tính toán thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường; Hai là tính thiệt hại thông qua tính toán chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường; Ba là, tính toán chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại; Bốn là, thăm dò ý kiến đối tượng liên quan.

2.3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp khác

Căn cứ xác định thiệt hại tài sản được dựa trên thiệt hại thực tế; các chi phí hợp lý phát sinh từ những tổn thất về tính mạng, sức khoẻ của người bị thiệt hại và những tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại về sức khỏe hoặc những người thân của người bị thiệt hại về tính mạng phải gánh chịu để xác định thiệt hại.

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, bao gồm các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.

– Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định tương tự như trường hợp thiệt hại về sức khỏe.

– Khoản tiền bù đắp do tổn thất về tinh thần. Mức độ bồi thường trước hết sẽ được áp dụng theo nguyên tắc tự do thỏa thuận giữa các bên. Việc thỏa thuận này phải đảm bảo hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng và không có sự ép buộc. Nếu không thể thỏa thuận các bên có thể làm đơn đề nghị tòa án phán quyết và mức bồi thường tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (đối với người bị thiệt hại về sức khỏe) và không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (đối với thiệt hại về tính mạng) cho những người thân thích theo quy định của pháp luật.

2.4. Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết

Trường hợp khi có thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích xảy ra do hành vi vi phạm pháp luật môi trường nói chung, do chất độc hóa học nói riêng được quy định như sau nếu thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích xảy ra trên địa bàn một xã hoặc hai xã trở lên thuộc cùng một huyện thì UBND các xã có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường.

Nếu thiệt hại xảy ra trên địa bàn hai huyện trở lên thuộc một tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường.

Còn thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường xảy trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường. Bên cạnh đó, các cơ quan thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định hại đối với môi trường này cũng phải có trách nhiệm tính toán thiệt hại, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường và cung cấp kết quả cho cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường. Các cơ quan có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trên cơ sở chứng cứ, có thể trực tiếp yêu cầu chủ thể gây ra thiệt hại phải bồi thường, nếu không có thể lựa chọn trọng tài hoặc tòa án để giải quyết.

Trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp khác do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra thì việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính toán, xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.

Khi có thiệt hại môi trường xảy ra các bên có thể tự thoả thuận để giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường với nhau. Nếu không các bên có thể khởi kiện tại Toà án để yêu cầu giải quyết.

3. Gợi mở hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, về chủ thể được tham gia yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích cần được quy định cụ thể, rõ ràng thậm chí cần đa dạng hơn nữa. Hiện nay, pháp luật quy định chỉ các cơ quan nhà nước như trình bày ở trên mới có quyền yêu cầu bồi thường, còn cá nhân, tổ chức khi phát hiện ra thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan này yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vậy, nếu các cơ quan nhà nước có quyền khởi kiện mà không kiện thì sao, hay thực tiễn cũng cho thấy có trường hợp thành phần, yếu tố môi trường này lại thuộc quyền sở hữu của chính các cá nhân, tổ chức thì ai có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chúng tôi cho rằng, pháp luật cần có sự phân định rõ trường hợp nào được coi là bồi thường thiệt hại về tài sản, trường hợp nào được coi là bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường trong trường hợp tài sản đó là chính các thành phần môi trường, như: cây cối, động, thực vật hoang dã, quý hiếm,…; xác định thiệt hại trong những trường hợp này dựa trên quy định của Luật Dân sự hay Luật Môi trường để xác định thiệt hại đối với tài sản này. Pháp luật cũng cần tính đến vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, thậm chí là trong yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường,…

Thứ hai, quy định cụ thể các thành phần môi trường có thể xác định thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường, cần nghiên cứu bổ sung thêm thành phần môi trường không khí. Cụ thể: hiện nay pháp luật không đề cập đến việc xác định thiệt hại đối với môi trường không khí, ngay các quy định hiện hành về thành phần môi trường được xác định thiệt hại vẫn còn khá hẹp, nhưng lại chưa cụ thể. Chúng tôi cho rằng đây là những thiếu sót, bất cập cần được nghiên cứu, bổ sung. Bởi môi trường không khí hay môi trường biển ở nước ta hiện nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và ngày càng có dấu hiệu gia tăng, nếu không quy định về xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ lợi dụng vấn đề này để trục lợi. Có thể xác định thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường không khí dựa trên chi phí để xử lý lượng các chất gây ô nhiễm xả ra môi trường không khí chưa được xử lý về phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí. Hoặc chi phí đầu tư hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường…

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xác định mối quan hệ giữa hành vi làm ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra là một việc làm tối quan trọng để đảm bảo cho trách nhiệm về bồi thường thiệt hại được thực thi có hiệu quả. Xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi làm ô nhiễm môi trường với sự suy giảm chức năng, tính hữu ích cũng như tài sản, sức khỏe, tính mạng con người chúng ta cần phải căn cứ vào nguồn các chất gây ô nhiễm chính và trên cơ sở khoa học chứng minh được các chất có thể làm ô nhiễm môi trường và tác hại xấu của nó đối với hệ sinh thái cũng như sức khỏe, tính mạng con người.

Thứ tư, cần phải xác định rõ việc khôi phục lại hiện trạng môi trường như ban đầu là trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm BTTH trong dân sự.

Thứ năm, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại môi trường. Cần quy định rõ trọng tài nào được tham gia giải quyết việc bồi thường thiệt hại môi trường, trong khi đó ở nước ta quy định rất nhiều về các loại trọng tài khác nhau như trọng tài thương mại, trọng tài lao động,.., và giờ là trọng tài trong giải quyết các tranh chấp về môi trường.

Thứ sáu, về bồi thường thiệt hại. Cần có quy định người gây thiệt hại đối với môi trường có thể bồi thường một lần hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian tối đa một số năm nhất định nào đó kể từ ngày áp dụng trách nhiệm BTTH. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc đến các quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm kể kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thành thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường là 10 năm như pháp luật của Hoa Kỳ để đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ thể bị thiệt hại môi trường.

Thứ bảy, về việc đảo nghĩa vụ chứng minh.Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung quy định nghĩa vụ chứng minh lỗi thuộc về bên có hành vi vi phạm. Đối với thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường không cần có lỗi cũng phải bồi thường. Tuy nhiên, như phân tích ở trên với khó khăn của các chủ thể bị thiệt hại về  môi trường thì một giải pháp hữu hiệu cần hướng tới là khi có thiệt hại về môi trường xảy ra nếu có cơ sở ban đầu để chỉ ra chủ thể có thể gây ô nhiễm môi trường thì người đó có quyền yêu cầu chủ thể bị nghi ngờ đó phải bồi thường thiệt hại. Còn nghĩa vụ chứng minh thuộc về chủ thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chủ thể này phải chứng minh mình không có hành vi vi phạm pháp luật môi trường và không gây ra thiệt hại trên. Do vậy, việc sửa đổi pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường về vấn đề này cần tính đến gợi ý trên.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường”. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon