Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

boi-thuong-thiet-hai-trong-truong-hop-vuot-qua-yeu-cau-cua-tinh-the-cap-thiet

Theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại trong tình thế đó gây ra. Trường hợp nếu thiệt hại vượt quá tình thế cấp thiết thì cần phải bồi thường. Như vậy câu hỏi đặt ra rằng, nếu tình thế cấp thiết không phải do con người gây ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ thể có phần lợi ích bị thiệt hại? Luật Dương Gia xin chia sẻ một số ý kiến về “Bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết”.

Căn cứ pháp lý:

1. Tình thế cấp thiết là gì?

Khoản 1 Điều 171 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“Tình thế cấp thiết của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ trực tiếp đến lợi ích công cộng quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại hoặc một thiệt hại cần ngăn chặn.”

Đồng thời, Khoản 1 điều 23 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 cũng quy định:

“Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.”

Như vậy, có thể hiểu tình thế cấp thiết là tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó. Do đó, gây hại trong tình thế cấp thiết sẽ không phải là tội phạm.

  • Dấu hiệu nhận biết:

– Phải có sự nguy hiểm thực tế đang xảy ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại ngay tức khắc

Sự nguy hiểm tuy mới đe dọa ngay tức khắc đến các lợi ích cần bảo vệ nhưng phải là sự nguy hiểm thực tế, nếu không có biện pháp để ngặn chặn thì tình huống đó sẽ gây ra thiệt hại ngay tức khắc. Mối quan hệ nhân quả giữa sự nguy hiểm đến các lợi ích cần phải bảo vệ là mối quan hệ tất yếu, nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn thì hậu quả tất yếu sẽ xảy ra. Nếu sự nguy hiểm đó không chứa đựng khả năng thực tế gây ra hậu quả mà chỉ do người gây thiệt hại tưởng tượng ra thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

Sự nguy hiểm thực tế này đe dọa hoặc đang gây ra những thiệt hại nhất định cho những lợi ích đang được pháp luật bảo vệ. Sự nguy hiểm đó có thể bắt nguồn từ con người, từ con vật, từ các hiện tượng thiên nhiên (như bão, lũ lụt, …) hoặc từ những sự cố kĩ thuật, … Sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại phải là đe dọa ngay tức khắc mới được coi là trường hợp tình thế cấp thiết, nếu sự nguy hiểm đó chưa xảy ra hoặc đã kết thúc thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

– Việc gây thiệt hại này là biện pháp duy nhất để khắc phục sự nguy hiểm vì trong tình thế cấp thiết đó không còn cách nào khác

Điều kiện này đòi hỏi người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải tính toán thật chính xác và nhanh chóng về khả năng đe dọa ngay tức khắc của sự nguy hiểm. Nếu không chọn biện pháp xử lý này gây thiệt hại thì sẽ không tránh khỏi việc một thiệt hại khác lớn hơn sẽ xảy ra. Nếu còn biện pháp khác để khắc phục sự nguy hiểm của tình huống và việc gây thiệt hại là điều không cần thiết thì tình huống đó sẽ không thuộc vào tình thế cấp thiết.

– Thiệt hại gây ra đó phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừaKhi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết bản thân người gây thiệt hại phải cân nhắc, tính toán giữa thiệt hại mà mình sắp gây ra và hậu quả có thể xảy ra cho đối tượng mà mình sắp bảo vệ khi có nguy cơ đe dọa gây thiệt hại. Do đó, chỉ được coi là thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết nếu thiệt hại  xảy ra nhỏ hơn với thiệt hại cần ngăn ngừa.

Vậy nếu  như vi phạm một trong các dấu hiệu trên thì chủ thể gây thiệt hại không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Cũng có nghĩa rằng chủ thể gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định.

2. Vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết là gì?

Theo như phân tích ở trên, tình thế cấp thiết là: “Tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ trực tiếp đến lợi ích công cộng quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại hoặc một thiệt hại cần ngăn chặn.”

Như vậy, vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết có nghĩa là  trường hợp người trong tình thế cấp thiết đã gây thiệt hại rõ ràng là quá đáng, vượt quá yêu cầu và chủ thể có lỗi đối với việc vượt quá đó thì việc gây ra thiệt hại này được coi là không hợp pháp.

3. Bồi thường thiệt hại đối với trường hợp vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết

Căn cứ theo quy định tại  khoản 1 Điều 595 BLDS 2015 quy định:

“Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.”

Theo quy định trên, thì chủ thể gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết chỉ phải bồi thường phần vượt quá phần lợi ích cần hy sinh để bảo vệ phần lợi ích lớn hơn. Phần lợi ích cần hy sinh thuộc trách nhiệm bồi thường của chủ thể đã gây ra tình thế cấp thiết.

Tại khoản 2 Điều 595 BLDS 2015 cũng quy định: “Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.

Chủ thể phải chịu trách nhiệm trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là người gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra. Thông thường thiệt  hại xảy ra không dễ dàng so sánh mang tính  định lượng để biết chính xác thiệt hại nào lớn hơn hay nhỏ hơn. Tuy nhiên, cần phải đánh giá về mức độ gây thiệt hại mới có thể miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ thể gây thiệt hại. Nếu như chủ thể gây thiệt hại lớn hơn so với lợi ích cần được bảo vệ thì biện pháp đó không còn đảm bảo được tính cần thiết và không còn có ích. Chính vì vậy, để xác định một hành vi gây thiệt hại có phải thuộc tình thế cấp thiết hay không thì phải so sánh được giữa phần lợi ích được hy sinh và lợi ích được bảo vệ.

4. Chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết

Căn cứ vào khoản 2 Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: “Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Theo đó, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là tình trạng một người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

Trong trường hợp người trong tình thế cấp thiết đã gây thiệt hại rõ ràng là quá đáng, vượt quá yêu cầu và chủ thể có lỗi đổi với việc vượt quá đó thì việc gây ra thiệt hại này được coi là không hợp pháp. Người gây ra thiệt hại trong trường hợp này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại đó nhưng sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015..

Cấc dấu hiệu để xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết bao gồm các dấu hiệu sau:

– Phải có sự nguy hiểm thực tế đang xảy ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại ngay tức khắc;

– Việc gây ra thiệt hại là biện pháp duy nhất để khắc phục sự nguy hiểm;

– Thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra là bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Ví dụ: Anh A đang lái xe ô tô chở anh B đang bị bệnh nặng đến bệnh viện cấp cứu. Khi chuẩn bị qua đoạn đường giao với đường sắt thì có tín hiệu đường sắt yêu cầu dừng lại và mặc dù nhìn thấy đoàn tàu hỏa đang đến gần nhưng anh A vẫn cố vọt ga, tăng tốc độ điều khiển xe vượt qua đường sắt để đưa người bệnh đi cấp cứu không có thể nguy hiểm đến tính mạng, khiến anh A bị mất lái đâm thẳng vào những người đang đứng chờ đoàn tàu đi qua phía bên kia đường làm 02 người chết, nhiều người bị thương, nhiều xe đạp, xe máy bị hư hỏng nặng nề.

– Hành vi của anh A trong trường hợp này đã gây ra thiệt hại thực tế (02 người chết, nhiều người bị thương nặng, nhiều xe đạp, xe máy bị hư hỏng nặng) lớn hơn so với thiệt hại cần ngăn chặn (anh B chết do không được cấp cứu kịp thời). Do đó, hành vi của anh A là hành vi vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết. Khi đó, anh A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, nhưng được hưởng tình tiết giảm nhẹ phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề “Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết”. Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ, gọi ngay tới số: 19005668 để được giải đáp.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon