Bitcoin có phải tài sản hay không?

bitcoin-co-phai-tai-san-hay-khong

Bitcoin đã được biết đến rộng rãi trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, đây có được xem là một loại tài sản hay không vẫn có rất nhiều quan điểm trái chiều. Đặc biệt, ngày 16.5.2023, TAND TP.HCM tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Hồ Ngọc Tài cùng đồng phạm cướp Bitcoin (tiền ảo) trị giá 37 tỉ đồng. Theo đó, bị cáo Hồ Ngọc Tài và Trần Ngọc Hoàng cùng mức án chung thân, các bị cáo khác bị tuyên phạt tù có thời hạn về tội Cướp tài sản.

Câu hỏi đặt ra là Bitcoin có phải tài sản hay không? Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

– Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

– Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán, tòa án tối cao hướng dẫn về nhóm tội xâm hại tình dục ;

1. Quá trình giải quyết, xử lý về một hành vi phạm tội qua các thời kỳ

Trước khi trao đổi vấn đề này, chúng ta cùng tìm hiểu về một tội danh chưa liên quan cho lắm, đó là tội Hiếp dâm.

Trong suốt một thời gian dài, anh, em nam giới chúng tôi đã phải chịu thiệt thòi rất lớn. Nếu không may có bị cướp mất đi sự trong trắng, bị xâm hại bởi chị em phụ nữ cũng không thể đòi lại công bằng cho mình (trừ trường hợp nữ giới là đồng phạm).

Nếu sự kiện pháp lý này xảy ra, việc bị xâm phạm quyền bất khả xâm phạm là có, hành vi vi phạm là có nhưng không thể xử lý hình sự.

Luật sư uy tín tại Đà Nẵng

TẠI SAO LẠI CÓ CHUYỆN VÔ LÝ VÀ BẤT CÔNG ĐẾN VẬY?

Theo Bản tổng kết của Tòa án nhân dân tối cao số 329/HS2 ngày 11/5/1967 đề cập đến “khái niệm” giao cấu như sau:
“Giao cấu: chỉ cần có sự cọ sát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không là tội Hiếp dâm được coi là hoàn thành, vì khi đó nhân phẩm danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”

Vậy đó, bị hại chỉ có thể là phụ nữ, chỉ có danh dự của người phụ nữ mới bị chà đạp, còn của nam giới thì KHÔNG.

May mắn thay, năm 2015 Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật được ban hành, phủ nhận hiệu lực của Bản tổng kết nêu trên.

Đồng thời, Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Hiếp Dâm:

“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân…”

Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP  của Hội đồng thẩm phán, tòa án tối cao hướng dẫn về nhóm tội xâm hại tình dục cũng có nội dung tương đồng.

Đấy nhé, luật quy định “người nào” không phân biệt nam, nữ nữa. Từ nay, nam giới cũng có thể là bị hại rồi, đừng chị em nào dại dột, manh động xâm hại anh, em chúng tôi trái ý muốn, bị xử lý hình sự đấy.

2. Bitcoin có phải tài sản hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”

Bên cạnh đó, Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/7/2017 gửi Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định:

“Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm….”

Ngoài ra, năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử vụ kiện đầu tiên về truy thu thuế tiền tiện tử Bitcoin, theo đó, tại Bản án số 22/2017/HC-ST đã nhận định:

“Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng”.

Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã xác định tại Việt Nam, tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng không phải là tài sản, hàng hóa theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại.

Như vậy, Việt Nam chúng ta đến thời điểm hiện tại không công nhận bất kỳ đồng tiền ảo nào, trong đó bao gồm cả Bitcoin là một phương tiện thanh toán, nên việc truy tố 16 bị cáo trong vụ án nêu trên còn nhiều tranh cãi. Nếu khởi tố, truy tố, xét xử những bị can nêu trên về tội “Cướp tài sản” đồng nghĩa với việc thừa nhận Bitcoin, tiền ảo là tài sản. Điều này trái với những quy định hiện hành, gây bất lợi cho bị can, bị cáo.

3. Hành vi cướp tiền ảo có cấu thành tội cướp tài sản hay không?

Tại phiên tòa, luật sư cũng đưa ra quan điểm bảo vệ, cho rằng các bị cáo chiếm đoạt Bitcoin không phải là tài sản, chưa có bất cứ kết luận chuyên môn xác định và pháp luật Việt Nam chưa có quy định. Theo đó, các bị cáo chỉ chiếm đoạt 3 điện thoại, camera tổng giá trị là 45 triệu đồng, phạm tội theo điểm a khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự.

HĐXX nhận thấy, pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận Bitcoin là tiền tệ cũng như phương tiện thanh toán nhưng tòa không chỉ căn cứ vào kết luận định giá tài sản, kết quả giám định để làm căn cứ kết tội. Mặc khác, về tội cướp tài sản, mục đích bị cáo chiếm đoạt 1000 bitcoin trị giá 200 tỉ đồng bằng việc khống chế, bắt anh N chuyển bitcoin cho bị cáo Tài và đã chiếm đoạt được 168 bitcoin quy đổi được 18 tỉ đồng.

Theo HĐXX, hành vi của bị cáo phạm tội cướp tài sản nên không có căn cứ chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư.

Có nhiều quan điểm đồng tình, ủng hộ đường lối xét xử của Hội đồng xét xử, hành vi phạm tội là rõ bitcoin có được thừa nhận hay không thì chính bản thân nó vẫn có giá trị nên việc dùng vũ lực tước đoạt trái ý muốn của chủ sở hữu phải bị khởi tố, xét xử. Bản án như trên là hợp tình, hợp lý, đúng quy định.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, quy định hiện hành không thừa nhận nó là tài sản thì việc tuyên án về tội Cướp tài sản thật khó để không gây tranh cãi.

Thêm vào đó, Điều 206 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;”

Hiện nay, có một số người tự tổ chức đánh bạc và đánh bạc sử dụng chip hoặc token để thay thế tiền mặt. Việc làm này đương nhiên là vi phạm pháp luật.

Họ cũng tự thỏa thuận, đặt ra định mức quy đổi tương đương với giá trị tiền từ vài trăm tới vài nghìn đô.

Vậy, tình huống pháp lý đặt ra là nếu một người (trong chính nhóm chơi này) lấy trộm chip, token của người khác thì có bị xử lý về tội trộm cắp tài sản hay không?

Một người khác không tham gia việc đánh bạc, không biết giá trị quy đổi của những con chip này nhưng lấy trộm có bị xử lý về tội trộm cắp theo định mức nhóm người này tự quy định với nhau hay không?

Nghĩa vụ của Cơ quan tố tụng là đấu tranh, phòng chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được làm oan sai…

Theo quan điểm cá nhân của tác giả, trường hợp pháp luật chưa công nhận tiền ảo là tài sản thì không có căn cứ để xử lý hành vi cướp tài sản. Việc lập luận theo hướng giá trị được thừa nhận trên diện rộng và có thể định giá sẽ gây tiền lệ rất xấu.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon