Thế chấp tài sản là biện pháp bảo đảm được sử dụng phổ biến để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp đối với bên nhận thế chấp. Đối tượng của biện pháp thế chấp tài sản rất đa dạng, bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau, một trong số đó là các quyền tài sản. Thực tiễn đã chứng minh, biện pháp thế chấp quyền tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý bởi tính chất phức tạp của loại tài sản này. Trong nội dung bài viết sẽ đi sâu, phân tích về Hợp đồng thế chấp quyền tài sản vô hiệu do vi phạm thủ tục công chứng.
1. Hợp đồng thế chấp quyền tài sản vô hiệu do vi phạm thủ tục công chứng
Theo quy định tại Điều 317 BLDS năm 2015: “Thế chấp tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được hình thành từ sự thoả thuận giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp”. Nói cách khác, biện pháp thế chấp tài sản khi được xác lập sẽ tồn tại dưới dạng hợp đồng. Để hợp đồng thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực pháp luật, nó phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 117 (bao gồm: điều kiện về chủ thể, điều kiện về ý chí tự nguyện, điều kiện về mục đích và nội dung và điều kiện về hình thức). Ngược lại, một hợp đồng thế chấp tài sản được xác định là vô hiệu khi vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Khi hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu, hậu quả pháp lý của nó được giải quyết theo Điều 131 BLDS năm 2015.
Thế chấp quyền tài sản là một trường hợp đặc biệt của thể chấp tài sản, nếu như đối tượng của thế chấp tài sản là tài sản nói chung thì đối tượng của thế chấp quyền tài sản là các quyền tài sản (một dạng tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 105 BLDS năm 2015). Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về quyền tài sản. Có quan điểm cho rằng: “Quyền tài sản trong luật thực định Việt Nam được hiểu là quan hệ pháp luật khác với quan hệ sở hữu mà trên cơ sở quan hệ khác đó, một lợi ích định giá được bằng tiền hình thành và thuộc về một chủ thể của quan hệ đó”[1]. Dưới góc nhìn của tác giả, quyền tài sản được nhìn nhận là một quan hệ pháp luật. Trong quan hệ này, chủ thể quyền sẽ nhận được một lợi ích vật chất nhất định, lợi ích vật chất đó có thể định giá được bằng tiền. Quan điểm này đi ngược lại với các quan điểm truyền thống về quyền tài sản khi luôn coi quyền tài sản – một bộ phận cấu thành trong nội hàm khái niệm quyền sở hữu là phải đối tượng của quyền sở hữu. Bên cạnh đó, có quan điểm khác lại cho rằng: “Quyền tài sản có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các quyền và lợi ích của chủ thể trong việc chi phối, kiểm soát tài sản gồm chủ sở hữu và người có quyền khác với tài sản”[2]. Với góc nhìn tách biệt giữa tài sản – đối tượng của quyền sở hữu với các quyền năng của chủ thể được thực hiện trên tài sản, tác giả nhìn nhận quyền tài sản mang bản chất là những quyền năng của chủ thể quyền trong việc chi phối, kiểm soát tài sản, các quyền năng lại đem lại lợi ích thực tế cho chủ thể quyền. Hạn chế của quan điểm này là phạm vi nội hàm của quyền tài sản rất hẹp, thiếu vắng những quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng, bởi lẽ trong quan hệ hợp đồng, quyền của một chủ thể chỉ đạt được thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.
Khi nghiên cứu về các quyền tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, theo tác giả bài viết, dựa trên căn cứ xác lập quyền, các quyền tài sản có thể được phân làm ba nhóm: Nhóm 1, các quyền tài sản phát sinh từ giao dịch dân sự. Nhóm quyền tài sản này có thể được phát sinh từ các hợp các đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương, mang đặc điểm của quyền đối nhân, bao gồm: quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng vay tài sản, quyền yêu cầu thanh toán phát sinh từ hợp đồng mua bán tài sản, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp…; Nhóm 2, các quyền tài sản phát sinh từ hoạt động lao động sáng tạo của con người (quyền tài sản đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ), các quyền này được ghi nhận trong luật sở hữu trí tuệ, bao gồm: quyền tài sản trong phạm vi của quyền tác giả và các quyền liên quan; quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu công nghiệp và quyền tài sản đối với giống cây trồng; Nhóm 3, các quyền tài sản phát sinh trên cơ sở quy định của Luật, các quyền tài sản dạng này mang đặc điểm của quyền đối vật, bao gồm: quyền sử dụng đất, quyền bề mặt, quyền hưởng dụng và quyền đối với bất động sản liền kề.
Trên thực tế, một hợp đồng thế chấp quyền tài sản có thể bị Toà án tuyên vô hiệu bởi những nguyên nhân: (i) Do các bên chủ thể khi xác lập thế chấp quyền tài sản vi phạm điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thế chấp (vi phạm điều kiện về chủ thể, bị lừa dối, ép buộc, đe doạ khi giao kết hợp đồng…); hoặc (ii) Do lỗi của công chứng viên khi công chứng hợp đồng thế chấp quyền tài sản trong trường hợp pháp luật có quy định bắt buộc phải công chứng. Đối với trường hợp hợp đồng thế chấp quyền tài sản bị Toà án tuyên vô hiệu do các bên chủ thể khi xác lập đã vi phạm điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thế chấp, dẫn đến hậu quả bên nhận thế chấp không được công nhận quyền ưu tên trên tài sản thế chấp, khi đó quan hệ nghĩa vụ chính được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm. Đối với trường hợp hợp đồng thế chấp quyền tài sản pháp luật có quy định bắt buộc phải công chứng[3] (ví dụ: hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất), khi bị Toà án tuyên vô hiệu do lỗi của công chứng viên, theo quy định của Luật Công chứng năm 2014[4], chủ thể bị thiệt hại trong hợp đồng thế chấp có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại.
2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp hợp đồng thế chấp quyền tài sản bị Toà án tuyên vô hiệu
Để có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng bồi thường thiệt hại khi hợp đồng thế chấp quyền tài sản bị Toà án tuyên vô hiệu, chủ thể bị thiệt hại phải chứng minh được các yếu tố sau:
Thứ nhất, có hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên khi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp quyền tài sản.
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng[5]. Khi hợp đồng, giao dịch được công chứng sẽ có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên khi công chứng hợp đồng thế chấp quyền tài sản rất đa dạng như: thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng thế chấp thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác nhằm chuộc lợi; gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong việc hành nghề công chứng…
Thứ hai, có lỗi của công chứng viên khi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp quyền tài sản
Dưới góc độ lý luận, lỗi được xác định bởi sự thống nhất giữa 02 (hai) yếu tố: ý chí bên trong của chủ thể và hành vi của chủ thể (biểu hện bên ngoài của lỗi). Lỗi xét về ý chí bên trong của người thực hiện hành vi là thái độ tiêu cực của người thực hiện hành vi đối với hậu quả của hành vi do chính người đó thực hiện. Lỗi phải được biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng hành vi trái pháp luật cụ thể. Có thể chia lỗi thành 02 (hai) loại: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn cho thiệt hại xảy ra hoặc không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại mặc dù pháp luật yêu cầu phải biết hoặc có thể thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc xảy ra thì có thể ngăn chặn được. Lỗi của công chứng viên khi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp quyền tài sản có thể tồn tại dưới 02 (hai) dạng: (i) Lỗi cố ý (công chứng viên biết rõ mục đích và nội dung của hợp đồng thế chấp vi phạm điều cấm pháp luật; công chứng viên biết rõ bên thế chấp không đủ năng lực chủ thể để giao kết hợp đồng mà vẫn công chứng…); hoặc (ii) Lỗi vô ý (công chứng viên bị các chủ thể giao kết hợp đồng thế chấp “lừa dối” dẫn đến hiểu sai về chủ thể, về đối tượng của hợp đồng thế chấp nên đã công chứng hợp đồng; công chứng viên chủ quan trong việc xác minh chủ thể sở hữu tài sản trên giấy tờ với chủ thể ký kết hợp đồng thế chấp…).
Thứ ba, có thiệt hại xảy ra
Xuất phát từ mục đích của việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại là nhằm khôi phục lại tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại, do đó nếu không có thiệt hại xảy ra thì sẽ không đặt ra vấn đề bồi thường. Thiệt hại ở đây được hiểu là những tổn thất thực tế tính được bằng tiền mà một chủ thể phải gánh chịu khi hợp đồng thế chấp quyền tài sản bị Toà án tuyên vô hiệu do vi phạm về thủ tục công chứng. Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất đối với các Toà án khi giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng thế chấp quyền tài sản bị vô hiệu là việc xác định thiệt hại. Bởi, nếu không xác định được thiệt hại thì không thể áp trách nhiệm bồi thường cho tổ chức hành nghề công chứng. Có ý kiến cho rằng, khi hợp đồng thế chấp quyền tài sản bị Toà án tuyên vô hiệu không có thiệt hại xảy ra cho bên nhận thế chấp, bởi khi hợp đồng thế chấp quyền tài sản bị tuyên vô hiệu, bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp quyền tài sản vẫn phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp. Bên nhận thế chấp chỉ mất đi quyền ưu tiên xử lý tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, có ý kiến lại cho rằng khi hợp đồng thế chấp quyền tài sản bị Toà án tuyên vô hiệu, tại thời điểm đó có thể chưa phát sinh thiệt hại cho bên nhận thế chấp. Tuy nhiên, do đã mất quyền ưu tiên xử lý tài sản thế chấp, nếu bên được bảo đảm không chủ động thực hiện nghĩa vụ hoặc bên được bảo đảm có khả năng thực hiện nghĩa vụ nhưng trây ì, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì rõ ràng đã gây ra những thiệt hại cho bên nhận thế chấp.
Thứ tư, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên với thiệt hại xảy ra
Để có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng bồi thường thiệt hại ngoài việc phải chứng minh các yếu tố: hành vi công chứng hợp đồng thế chấp của công chứng viên là trái pháp luật; công chứng viên có lỗi khi công chứng hợp đồng; có thiệt hai xảy ra. Chủ thể yêu cầu bồi thường thiệt hại còn phải chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên khi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp với thiệt hại xảy ra. Ở đây, hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên được xác định là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại, còn thiệt hại phải là hậu quả do chính hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên gây ra.
[1] Nguyễn Ngọc Điện (2005), Cần xây dựng khái niệm quyền tài sản trong Luật Dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 03 năm 2005.
[2] Nguyễn Văn Cừ – Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật dân sự 2015, Nxb Công An Nhân dân
[3] Xem điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về Đăng ký biện pháp bảo đảm
[4] Xem Điều 38 Luật Công chứng năm 2014
[5] Xem khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014