Những trường hợp vô hiệu của hợp đồng

nhung-truong-hop-vo-hieu-cua-hop-dong

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Các nguyên nhân chủ quan chính là hành vi của chủ thể khi xác lập hợp đồng như vi phạm nguyên tắc xác lập hợp đồng; phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; lừa dối, đe dọa, cưỡng ép đối tác; xác lập hợp đồng một cách giả tạo.

Các nguyên nhân khách quan là những sự kiện xảy ra ngoài ý chí, không phải là mong muốn chủ quan của chủ thể như một trong hai bên bị nhầm lẫn khi giao kết hợp đồng; chủ thể xác lập hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; do hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được; do hợp đồng chính bị vô hiệu. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về những trường hợp vô hiệu của hợp đồng.

Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự năm 2015

1. Hợp đồng vô hiệu do không đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Nguyên nhân dẫn đến hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này bao gồm cả nguyên nhân chủ quan, cả nguyên nhân khách quan nhưng đều là các nguyên nhân dẫn đến hợp đồng không đáp ứng được các yêu cầu củ pháp luật.

– Hợp đồng có mục đích, nội dung phạm vào điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Để bảo vệ lợi của Nhà nước, lợi ích của xã hội, của các chủ thể khác ngoài hợp đồng, Tòa án có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu ngay cả khi không có ai yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Chẳng hạn, A bán cho B một chiếc xe máy mà có không giấy tờ chứng minh quyền sở hữu. B đã nhận xe nhưng không trả tiền nên A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc B phải trả tiền cho mình. Trong quá trình giải quyết vụ án này thì C cũng khởi kiện đòi lại chiếc xe máy đó vì C là chủ sở hữu đích thực của chiếc xe. Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán xe máy giữa A với B là vô hiệu do A định đoạt tài sản của người khác. Theo đó, bác quyền đòi tiền của A và buộc B phải trả lại xe máy cho C.

Một ví dụ khác: A cho B vay 50 ngàn USD trong thời hạn 06 tháng với lãi suất là 1%/tháng. Do B vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc B trả nợ gốc và tiền lãi cho mình. Mặc dù cả hai bên không yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng Tòa án vẫn có quyền tuyên vô hiệu để giải quyết vụ đòi nợ khi xét thấy hợp đồng vay tài sản này vi phạm điều cấm của luật bởi Pháp lệnh ngoại hối quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. (Điều 22, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 14 Điều 1 của Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014). Theo đó, buộc B trả lại 50 ngàn USD cho A nhưng A không được hưởng lãi vì hợp đồng vay bị vô hiệu.

Ngoài các hợp đồng có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, Tòa án cũng tuyên bố vô hiệu đối với những hợp đồng có nội dung vi phạm đạo đức xã hội (trái với những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng).

Chẳng hạn, trong vụ án xét xử Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Hoa hậu Phương Nga đã nhận 16,5 tỷ đồng của ông M. để mua nhà giúp ông này, nhưng nhận tiền xong Nga không mua nhà và tránh gặp ông M. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Nga khai giữa Nga và ông M. có một “Hợp đồng tình ái”. Theo đó, Phương Nga chấp nhận quan hệ tình dục với ông M. trong 7 năm (lúc này ông M đã có vợ, con), theo đó, ông M. phải trả cho Nga 16,5 tỷ đồng.

Giả sử “Hợp đồng tình ái” giữa Nga và đại gia M là có thật thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu do có nội dung trái đạo đức xã hội, chưa kể các bên phải chịu Trách nhiệm hình sự với tội danh “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng”.

– Chủ thể bị lừa dối nên đã xác lập hợp đồng

Lừa dối trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng nên đã xác lập hợp đồng đó. Dù Tòa án biết được hợp đồng đó được xác lập do sự lừa dối nhưng nếu người bị lừa dối không có yêu cầu gì thì mặc nhiên coi như họ đã chấp nhận hợp đồng nên Tòa án không thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Chẳng hạn, B mua của A một tài sản với giá cao do bị A lừa dối nên hình dung sai về tính chất của tài sản mua. Vì cay cú do bị lừa dối nên B không trả hết tiền mua. A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc B thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản theo thỏa thuận trong hợp đồng nhưng trước Tòa, B không yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà chỉ yêu cầu được thanh toán tiền đúng với tính chất, chất lượng tài sản mua bán. Trong trường hợp này, Tòa án phải giải quyết tranh chấp giữa hai bên trong một hợp đồng có hiệu lực, theo đó cần định giá lại tài sản mua bán để xác định số tiền mà B phải thanh toán cho A.

– Chủ thể bị đe dọa, cưỡng ép nên phải xác lập hợp đồng

Đe dọa, cưỡng ép trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện hợp đồng nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích.

Cũng giống như hợp đồng xác lập do bị lừa dối, chủ thể có tự nguyện hay không trong việc xác lập hợp đồng thì chỉ chính họ mới biết. Thậm chí, dù họ bị đe dọa, cưỡng ép nên việc xác lập hợp đồng hoàn toàn không phải là ý chí tự nguyện của họ nhưng họ không yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu thì cũng coi như họ chấp nhận hợp đồng đó và vì vậy, Tòa án không thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu được.

– Hợp đồng được xác lập một cách giả tạo

Về bản chất thì hợp đồng giả tạo là hợp đồng được xác lập mang tính ý chí tự nguyện của các bên nhưng không có sự thống nhất giữa ý chí đích thực/ý chí bên trong với sự thể hiện ý chí đó ra bên ngoài theo một hình thức nhất định. Các bên trong hợp đồng giả tạo không mong muốn và không nhằm làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ đối với nhau.

Chẳng hạn A tặng B một căn hộ nhưng vì nhiều lý do, hai bên thống nhất xác lập một hợp đồng mua bán căn hộ đó. Trong trường hợp này ý chí đích thực của hai bên là tặng cho nhau một tài sản (hợp đồng không có đền bù) nhưng lại thể hiện ra bên ngoài bằng một hợp đồng mua bán (hợp đồng có đền bù) với mục đích dùng hợp đồng mua bán để che dấu hợp đồng có thật là hợp đồng tặng cho.

Trong thực tế có nhiều trường hợp các bên mua bán với nhau những tài sản có giá trị lớn như ô tô, bất động sản trong đó bên mua với mục đích mua để bán lại cho người khác khi được giá nhằm kiếm lợi nhuận. Để tránh phải nộp thuế trước bạ, sang tên và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, các bên thường xác lập thêm một hợp đồng ủy quyền trong đó bên bán ủy quyền cho bên mua toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng giả tạo có mục đích là trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.

– Chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

Hợp đồng do những người trên xác lập và thực hiện vẫn được coi là có hiệu lực trong các trường hợp:

i) Hợp đồng được giao kết nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ. Chẳng hạn, một người chưa thành niên mua một số đồ dùng phục vụ nhu cầu họ tập như vở viết, bút chì, thước kẻ.

ii) Hợp đồng được họ xác nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự. Chẳng hạn, một người chưa thành niên xác lập một hợp đồng mà theo quy định của luật, hợp đồng đó phải có sự đồng ý của người đại diện nhưng khi người đó đã thành niên đã công nhận hiệu lực của hợp đồng đó (khi hợp đồng chưa bị tuyên là vô hiệu).

iii) Hợp đồng chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện hợp đồng với họ. Chẳng hạn, hợp đồng tặng cho tài sản mà người được tặng cho là những người nói trên.

– Chủ thể bị nhầm lẫn nên xác lập hợp đồng

Có thể do một hoặc cả hai bên nhầm lẫn nên mới xác lập hợp đồng nhưng lý do nhầm lẫn là do khách quan mang lại, hoàn toàn không phải là do ý chí chủ quan của chủ thể. Do đó, nếu vì nhầm lẫn mà dẫn đến bất lợi, không đạt được mục đích của việc xác lập hợp đồng thì người bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Tòa án chỉ có thể tuyên hợp đồng vô hiệu khi có đơn yêu cầu và người yêu cầu phải chứng minh được sự nhầm lẫn của mình nên mới xác lập hợp đồng.

– Chủ thể xác lập hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Nếu hợp đồng được xác lập bởi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu chỉ cần chứng minh người xác lập hợp đồng là một trong những người nói trên. Tuy nhiên, việc yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do hợp đồng được xác lập vào đúng thời điểm người xác lập hợp đồng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình phải có đủ chứng cứ để chứng minh về tình trạng không nhận thức và làm chủ được hành vi trong việc giao kết hợp đồng bởi người này trước đó là người có năng lực hành vi trong giao kết hợp đồng.

– Hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức

Hình thức của hợp đồng là biểu hiện bên ngoài của nội dung đã được cam kết thỏa thuận giữa các bên chủ thể, với hai dạng: Văn bản và không bằng văn bản. Hình thức là: “Toàn thể nói chung những gì làm thành mặt bề ngoài của sự vật, cái chứa dựng hoặc biểu hiện nội dung”3. 

Các hợp đồng xảy ra trong đời sống thực tiễn hết sức đa dạng và phong phú nên các chủ thể được quyền lựa chọn hình thức xác lập hợp đồng, trừ những trường hợp luật quy định hợp đồng phải tuân theo một hình thức, thủ tục nhất định. Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 121 và 122, Luật nhà ở 2014 thì hợp đồng mua bán nhà ở giữa các cá nhân với nhau phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực thì khi xác lập hợp đồng mua bán nhà ở, các bên phải lập thành văn bản và văn bản đó phải được công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc được chứng thực của UBND nơi có nhà ở được mua bán.

Luật đã quy định: Hợp đồng vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu. Tuy nhiên, nếu hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó.

Nếu hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

2. Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

Ngay cả khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì hợp đồng cũng có thể vô hiệu nếu như ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được. Có thể các bên trong giao kết hợp đồng đều hoàn toàn không biết nhưng có thể một hoặc cả hai bên đều đã biết về tình trạng đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được nhưng dù sao thì hợp đồng đó không thể mang lại lợi ích cho các bên nên bị vô hiệu. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp mà mỗi bên phải gánh chịu các hậu quả pháp lý khác nhau. Chẳng hạn, hai bên mua bán một căn nhà nhưng căn nhà đó thuộc nhà phải phá dỡ, đập bỏ.

3. Hợp đồng vô hiệu do hợp đồng chính vô hiệu

Trong mối liên quan giữa các hợp đồng thì mối liên quan về hiệu lực giữa một hợp đồng chính với một hợp đồng phụ xác định hiệu lực của hợp đồng phụ luôn phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Cho đến thời điểm này chưa có một văn bản pháp luật nào xác định khái niệm về hợp đồng phụ. Bộ luật dân sự 2015 chỉ xác định hợp đồng chính, hợp đồng phụ thông qua sự phụ thuộc về hiệu lực giữa các hợp đồng: “Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ; Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính” (Khoản 3 và khoản 4, Điều 402). Bất kỳ hợp đồng nào muốn có hiệu lực đều phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực mà pháp luật đã yêu cầu. Đối với hợp đồng phụ thì bên cạnh việc tuân thủ các điều kiện luật định thì hợp đồng này cũng chỉ có hiệu lực khi hợp đồng chính có hiệu lực.

Chẳng hạn, hai công ty A và B giao kết một hợp đồng mua bán 50 tấn hàng hóa với thỏa thuận giao hàng tại trụ sở của bên bán là Công ty A, sau đó các bên ký kết với nhau một hợp đồng vận chuyển để Công ty A vận chuyển chính số lượng hàng hóa đó từ địa điểm C đến địa điểm D. Trong trường hợp này thì hợp đồng mua bán hàng hóa được xác định là hợp đồng chính, hợp đồng vận chuyển được xác định là hợp đồng phụ, vì thế nếu hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu thì hợp đồng vận chuyển hàng hóa cũng vô hiệu.

Trong ví dụ trên, bên cạnh hợp đồng phụ là hợp đồng vận chuyển, các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa còn có thể xác lập phụ lục hợp đồng kèm theo để chi tiết hợp đồng mua bán hàng hóa như xác định rõ ràng hơn về thông tin hàng hóa mua bán nên cần phân biệt giữa hợp đồng phụ với phụ lục hợp đồng.

Căn cứ theo Điều 403 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi ”.

Như vậy, phụ lục hợp đồng được kèm theo hợp đồng để chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Nó luôn gắn kết và là một phần của một hợp đồng gốc, nếu tách rời hợp đồng gốc thì phụ lục hợp đồng không có giá trị. Hợp đồng phụ là hợp đồng có nội dung hoàn toàn khác với hợp đồng chính dù mục đích là hỗ trợ quá trình thực hiện hợp đồng chính.

4. Hợp đồng vô hiệu theo quy định riêng của pháp luật

Bên cạnh những trường hợp vô hiệu theo quy định chung của Bộ luật dân sự thì các luật chuyên ngành điều chỉnh hợp đồng đặc thù trong từng lĩnh vực còn có các quy định riêng về những trường hợp vô hiệu của hợp đồng. Hợp đồng rơi vào những trường hợp luật chuyên ngành nào quy định thì sẽ áp dụng luật đó để giải quyết việc tuyên hợp đồng vô hiệu và áp dụng hậu quả pháp lý do hợp đồng vô hiệu.

Chẳng hạn, hợp đồng kinh doanh bảo hiểm được điều chỉnh bởi Luật kinh doanh bảo hiểm và tại điểm a, khoản 1, Điều 25, luật này đã quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp “Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm ”.

Theo đó, nếu người mua bảo hiểm cho một tài sản mà họ không có quyền sở hữu, chiếm hữu, sử dụng tài sản đó thì hợp đồng bảo hiểm tài sản đó bị vô hiệu hoặc một người mua bảo hiểm nhân thọ cho một người mà họ không có quan hệ hôn nhân, huyết thống hay nuôi dưỡng với người đó thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đó sẽ bị vô hiệu.

Trên đây là những quy định pháp luật liên quan đến những trường hợp vô hiệu của hợp đồng. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon