Các hiệp định khác của FTA và một số BIT của Việt Nam cũng chứa đựng các cam kết về đầu tư tương tự như ACIA, nên được giới thiệu ngắn gọn về thông tin chung sau đây.
1. Các cam kết của Việt Nam trong một số Hiệp định thương mại tự do (FTA)
Ngoài các IIA ký kết trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết một số FTA song phương và đa phương có một chương giống một hiệp định đầu tư. Việt Nam và một số nước đồng thời là thành viên của nhiều hiệp định khác nhau gây ra sự chồng chéo và phức tạp trong thực tiễn. Dù các hiệp định này có cấu trúc, nội dung khá tương đồng nhưng vẫn chứa đựng những khác biệt về cách thức quy định, từ ngữ lựa chọn trong những điều khoản cụ thể và vì thế, là cam kết khác nhau.
Thí dụ, Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dưong (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tê’ toàn diện khu vực (RCEP), chưa kể đến Hiệp định đầu tư giữa ASEAN và Nhật Bản. Chương về quan hệ đầu tư của các Hiệp định TPP và RCEP được xây dựng trong những năm gần đây, có nội dung mang tính toàn diện và chi tiết như Hiệp định ACIA phân tích ở trên.Trong khi đó, VJEPA không thiết lập khung pháp lý mới về đầu tư mà dẫn chiếu tới các quy định ngắn gọn hơn của BITViệt Nam – Nhật Bản năm 2003.
Năm 2010, ông Michael McKenzie, công dân Hoa Kỳ, cho rằng Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là UBND tỉnh Bình Thuận, đã vi phạm cam kết liên quan đến tước quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các tiêu chuẩn FET và minh bạch đối với dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận, ông ta đã sử dụng quyền khởi kiện nước tiếp nhận đầu tư ra Trọng tài quốc tê’ thành lập theo Quy tắc tố tụng trọng tài UNCITRAL theo quy định của BTA. Năm 2013, Hội đồng trọng tài đã bác đơn kiện của ông ta (trong một phán quyết không công khai) vì ông McKenzie đã thiếu trung thực, thiếu thiện chí ngay từ khi làm thủ tục xin phép đầu tư tại Việt Nam, và khoản đầu tư của ông McKenzie không được bảo hộ theo BTA Việt Nam – Hoa Kỳ.
Gần đây nhất, Việt Nam tham gia hai FTA đa phương là Hiệp định TPP ký kết ngày 04/02/2016 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mà văn bản đàm phán được thông qua ngày 01/02/2016. Tính đến năm 2017, cả hai hiệp định đều chưa có hiệu lực. Chương 9 của Hiệp định TPP nhằm điều chỉnh quan hệ đầu tư giữa các bên ký kết. Tương tự, EVFTA cũng dành một phần quy định về thúc đẩy và bảo hộ đầu tư của nhau. Khung pháp lý về đầu tư trong các Hiệp định này được xây dựng theo hướng chi tiết giống như Hiệp định ACIA. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp của EVFTA có một đặc điểm mới, khác biệt – đó là hệ thống tòa án đầu tư với hai cấp xét xử, sơ thẩm và phúc thẩm, thay thế phương thức trọng tài quốc tế.
2. Các cam kết của Việt Nam trong một số Hiệp định đầu tư song phương (BIT)
Việt Nam tham gia khoảng hơn 60 BIT. Xét về nội dung, các hiệp định này có thể chia thành hai dạng, truyền thống và hiện đại. Đa số các hiệp định truyền thống được ký kết giai đoạn đầu từ những năm 1990, thường ngắn hơn hiệp định hiện đại nhiều, với khoảng hơn 10 điều khoản có cách quy định vắn tắt, ngữ nghĩa nhiều điểm khó xác định, ít dự liệu, cho phép nước tiếp nhận đầu tư có sự linh hoạt trong việc theo đuổi các mục tiêu chính sách công khác nhau. Hiệp định hiện đại được ký kết từ đầu thế kỷ XXI, phản ánh nhu cầu sửa đổi, soạn thảo lại các nghĩa vụ để giảm thiểu căn cứ phát sinh tranh chấp, và giúp nước tiếp nhận đầu tư tự do hơn trong hoạch định chính sách.
Tuy vậy, một số hiệp định với các đối tác mà quan hệ kinh tê’ và thương mại với Việt Nam còn hạn chế vẫn ở dạng BIT truyền thống. Hiệp định hiện đại giải quyết được sự mập mờ, gây tranh cãi của nhiều điều khoản trong hiệp định truyền thống. Kinh nghiệm từ thực tiễn các vụ kiện trọng tài ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình soạn thảo, đàm phán cam kết đầu tư của các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê của UNCTAD, cho đến thời điểm năm 2017, Việt Nam bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện dựa trên các BIT trong ba vụ, trong đó hai vụ Việt Nam thắng kiện và một vụ đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Một vụ kiện theo BIT Việt Nam – Hà Lan năm 1994 và hai vụ kiện theo BIT ký kết với Pháp 1992. Ngoài những vụ kiện mà Việt Nam là một bên tranh chấp trực tiếp, hàng trăm phán quyết trọng tài giải quyết tranh chấp theo các BIT đã góp phần giúp cho các nước nhận thức rõ bất cập trong các cách thức đưa ra cam kết cũ.
Vì thế, BIT làm rõ ngữ nghĩa, bổ sung nội dung ở nhiều khía cạnh như phạm vi áp dụng, quy định thực chất về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các quy định về giải quyết tranh chấp của BIT. Cụ thể, từ định nghĩa ‘đầu tư,’nhà đầu tư đến các tiêu chuẩn đối xử như MFN, FET và FPS, cách xác định tước quyền sở hữu gián tiếp đều được soạn thảo lại. Ngoài ra, nhiều ngoại lệ, bảo lưu cho phép nước tiếp nhận đầu tư ưu tiên theo đuổi các mục tiêu công cộng như bảo vệ sức khỏe, đời sống con người, động thực vật, bảo vệ môi trường, đạo đức cộng đồng, trật tự công,…