Ôn thi Luật sư Môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư – Đề số 02

https://danang.luatduonggia.vn/kien-thuc-phap-luat/de-on-tap-so-02-…-su-co-dap-an-so.html

Với mong muốn hỗ trợ thí sinh ôn tập hiệu quả cho Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, Luật Dương Gia đã tổng hợp các tài liệu ôn tập môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư bao gồm các đề mẫu bám sát cấu trúc và nội dung đề thi thực tế. Các đề thi mẫu giúp thí sinh: nắm được các dạng câu hỏi thường gặp, củng cố kiến thức chuyên môn, rèn luyện được kỹ năng làm bài thi.

Hy vọng với bộ đề ôn tập này, quý anh/chị sẽ có thêm tài liệu hữu ích để củng cố kiến thức và kỹ năng nghề luật sư, tự tin bước vào kỳ thi và đạt được kết quả tốt nhất.

Cùng tham khảo đề ôn tập Kỹ năng nghề luật sư qua bài viết dưới đây.

Chúc các bạn có một kỳ thi thành công!

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 02

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

Ôn tập về lý thuyết:

– Phần chung: quy định của Bộ luât lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn về kỷ luật lao động. Hậu quả pháp lý khi sa thải trái pháp luật. So sánh với quy định của BLLĐ 2019 và văn bản hướng dẫn thi hành

– Đề tự chọn 1 (hình sự): Quy định về tạm giam ; các tội danh chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại

– Đề tự chọn 2 (thương mại): Quy định về phạt, bồi thường thiệt hại theo Luật thương mại 2005 

CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

Trong Đơn khởi kiện ngày 20/7/2016 và các lời khai tại Tòa án, anh Tr V trình bày: Anh làm việc tại Công ty A (có trụ sở tại Quận G, TP. H) từ ngày 01/02/2012. Sau thời gian thử việc, ngày 01/3/2012 anh được Công ty A ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng, công việc là công nhân lắp ráp.

Trong quá trình làm việc, anh luôn cố gắng hoàn thành việc được giao, không hề vi phạm kỷ luật lao động. Tuy nhiên, ngày 24/11/2015 Tổng giám đốc cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty A căn cứ Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012, ra Quyết định số 70/QĐ sa thải anh V với lý do:

“Anh V đã nhiều lần vi phạm nội quy Công ty, đi trễ giờ làm việc, có thái độ chống đối, gây sự với cấp trên, đã nhắc nhở nhiều lần vẫn không khắc phục, sửa chữa”;

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2015. Anh V nhận được quyết định ngày 29/11/2015 và không đồng ý với việc xử lý kỷ luật theo Quyết định số 70/QĐ ngày 24/11/2015 của Công ty A vì theo anh việc xử lý kỷ luật này là trái pháp luật. Trong thời gian làm việc, anh V có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Anh V khởi kiện yêu cầu:

(i) Tòa án hủy Quyết định số 70/QĐ ngày 24/11/2015 của Cty A và buộc Cty A phải nhận anh V trở lại làm việc;

(ii) Cty A phải bồi thường cho anh V tiền lương trong thời gian anh V bị nghỉ việc trái pháp luật (từ ngày 1/12/2015 đến ngày Tòa án xét xử) và 04 tháng lương theo mức lương 8 triệu đồng/tháng; Cty A phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian từ ngày 1/12/2015 đến ngày Tòa án xét xử;

(iii) Cty A phải trả cho anh V tiền lương tháng 9,10,11/2015 mà Cty chưa thanh toán cho anh theo mức lương 8 triệu đồng/tháng. Tòa án thụ lý vụ án vào ngày 21/7/2016.

Về phía bị đơn, Cty A trình bày: trong quá trình làm việc, anh V liên tục có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Cụ thể: Tháng 8/2015, anh V đi làm trễ 04 lần; tháng 9/2015, anh V đi làm trễ 04 lần; tháng 10/2015, anh V đi làm trễ 03 lần.

Ngày 14/10/2015, anh V nghỉ việc không xin phép Công ty, gây cản trở cho hoạt động của dây chuyền sản xuất vì anh V đảm nhiệm một vị trí trong dây chuyền đó. Vào ngày 22/11/2015, trong khi Ban giám đốc Công ty A đang xem xét về thái độ làm việc của anh V thì anh V đã có hành vi xông vào đánh Quản đốc người Đài Loan nhưng đã được anh em công nhân ngăn cản kịp thời nên hậu quả nghiêm trọng không xảy ra.

Tuy nhiên, hành vi của anh đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của Cty. Cty đã mời anh V tham dự cuộc họp xét kỷ luật tổ chức vào ngày 23/11/2015 nhưng anh không dự họp. Hội đồng kỷ luật đã tiến hành họp theo đúng quy định của pháp luật vào ngày 23/11/2015 và Tổng giám đốc đã ra quyết định sa thải đối với anh V.

Cty A không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của anh V và cung cấp cho Tòa án các tài liệu:

(1) Nội quy lao động của Cty A (đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chuẩn y việc đăng ký vào ngày 2/6/2013), trong đó Điều 55 quy định: Người lao động bị kỷ luật sa thải khi: (i) có các hành vi vi phạm quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012; (ii) người lao động tổ chức, lãnh đạo, viết truyền đơn huy động người khác tham gia đình công;

(2) Bảng báo cáo tình hình công nhân đi trễ không phép của Phòng sơn vào tháng 8,9,10/2015

(3) Biên bản lập ngày 22/11/2015 về việc anh V có hành vi đánh chủ quản người Đài Loan;

(4) Biên bản họp kỷ luật đối với anh V ngày 23/11/2015 với thành phần tham gia gồm Tổng giám đốc, Trưởng phòng nhân sự, đại diện Ban chấp hành công đoàn Cty A, trong đó ghi ý kiến của Đại diện Ban chấp hành công đoàn “đề nghị Cty chỉ nên áp dụng hình thức kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương đối với anh V”.

1. Anh/Chị hãy:

a) Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án và tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án?

b) Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, thời hiệu khởi kiện? Căn cứ pháp lý?

3. Nếu là luật sư của anh V, Anh/Chị có nhận xét gì về trách nhiệm của người đại diện Ban chấp hành công đoàn Cty A trong việc xử lý kỷ luật anh V?

4. Nếu là luật sư của anh V, Anh/Chị hãy trình bày nội dung chính trong luận cứ bảo vệ quyền lợi cho anh V tại phiên tòa sơ thẩm?

CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau): 5,0 điểm

ĐỀ 1:

Khoảng 12 giờ ngày 01/03/2018 H.Đ về nhà thấy chị M (vợ Đ) và chị C là bạn của chị M đang ngồi nói chuyện trong phòng ngủ của vợ chồng Đ. Do có bực tức với vợ từ trước nên Đ đi xuống bếp lấy 02 con dao: 01 con dao dài 30 cm mũi nhọn cầm bên tay trái, 01 con dao dài 20 cm cầm bên tay phải đi lên đứng chặn ở cửa phòng ngủ, khống chế bắt chị M đưa điện thoại di động cho Đ kiểm tra.

Chị M không đưa và định đi ra khỏi phòng, Đ liền dùng dao cầm ở tay trái chém nhiều nhát vào tay trái chị M gây thương tích. Khi thấy chị M bị chảy máu nhiều thì Đ dừng lại. Lúc này chị C chạy được ra khỏi phòng và kêu cứu còn Đ bỏ chạy về nhà cha mẹ ở gần đó. Đến hôm sau, Đ ra công an trình diện khai báo toàn bộ hành vi phạm tôi và tỏ ra hối hận do nóng nảy, thiếu bình tĩnh đã gây thương tích cho vợ mình.

Theo kết luận giám định pháp y thì chị M bị thương tích: “Đa vết thương phần mềm, vết thương ở bàn tay trái đứt gân gấp ngón 3,4, đứt thần kinh trụ trái do vật sắc tác động với tỷ lệ thương tật là 10%”.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với H.Đ về “Tội cố ý gây thương tích” theo Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự và ra lệnh tạm giam Đ 03 tháng.

Tại phiên sơ thẩm, chị M vắng mặt và đã có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt chị.

1. Anh/Chị có nhận xét gì về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn của Cơ quan điều tra?

Giả sử Anh/Chị là luật sư của H.Đ và tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, được Đ cho biết hiện sức khỏe rất yếu, vợ đang điều trị tại bệnh viện, còn 02 con nhỏ (15 tuổi và 4 tuổi) ở nhà không ai chăm sóc. Chị M có đơn xin bãi nại cho Đ và cho rằng: Đ là người tốt, chỉ vì tính nóng và hay ghen tuông; nay chị phải điều trị vết thương, các con không ai chăm sóc; trước khi ra trình diện, Đ có vào bệnh viện đưa cho chị số tiền 3.000.000đ để mua thuốc và nộp tiền viện phí.

2. Với nội dung thông tin do Đ và chị M cung cấp, Anh/Chị sẽ trao đổi với Cơ quan điều tra về vấn đề gì để bảo vệ quyền lợi cho Đ?

3. Với tư cách là luật sư bào chữa cho bị can Đ, Anh/Chị cần chuẩn bị những thủ tục gì để vào trại tạm giam gặp Đ?

4. Anh/chị hãy trình bày những điểm chính trong luận cứ bào chữa cho bị cáo Đ tại phiên tòa sơ thẩm.

ĐỀ 2:

Ngày 21/11/2017, Cty TNHH A (gọi tắt là Cty A) ký hợp đồng mua của Cty Cổ phần B (gọi tắt là Cty B) 100 máy tính có giá trị 01 tỷ đồng. Theo Hợp đồng, bên bán (Cty B) phải giao hàng cho bên mua (Cty A) toàn bộ hàng (100 máy tính) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Cùng thời điểm Cty A và Cty B ký hợp đồng nêu trên thì Cty A đã ký HĐ bán 100 máy tính cho Trường Kỹ thuật nghề C.

30 ngày trôi qua nhưng Cty B vẫn không giao máy tính cho Cty A. Để thực hiện đúng thỏa thuận về thời hạn giao máy tính cho Trường Cao đẳng nghề C, Cty A đã phải mua 100 máy tính của các đối tác khác với giá cao hơn 10% (tương đương 100 triệu đồng)

Cty A khởi kiện Cty B ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền đề nghị Tòa án buộc Cty B phải bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ giao hàng và phải trả cho Cty A một khoản tiền phạt 8% giá trị Hợp đồng.

Cty A đề nghị mời Luật sư tư vấn và tham gia tố tụng trước Tòa án. Là luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho Cty A, Anh/Chị cho biết:

1. Yêu cầu Cty A cung cấp những tài liệu gì?

2. Cần hỏi để làm rõ những tình tiết nào?

3. Những nội dung cần quan tâm khi yêu cầu phạt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng?

4. Ngoài Cty A và Cty B tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn và bị đơn thì cần phải đưa ra những chủ thể nào vào tham gia tố tụng? Với tư cách gì? Tại sao?

ĐÁP ÁN ĐỀ ÔN TẬP SỐ 02

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

ĐÁP ÁN CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

1. Nội dung cần trả lời 5đ

– Thẩm quyền giải quyết vụ án: TAND Quận 1, Tp. H

 (Căn cứ đ.a, k.1, đ.32; đ.a, k.1 đ.35 và đ.a, k.1, đ.39 BLTTDS 2015) (0.25đ)

– Tư cách người tham gia tố tụng:

+ Nguyên đơn: Anh V; (k.2, đ.68 BLTTDS 2015) (0.25đ)

+ Bị đơn: Cty A; (k3, đ.68 BLTTDS 2015) (0.25đ)

+ Người làm chứng: Đại diện BCH Công đoàn Cty A (Người đã tham gia phiên họp xử lý kỷ luật anh V – để hỏi làm rõ thêm về phiên họp xử lý kỷ luật vào ngày 23/11/2015) (đ.77 BLTTDS 2015) (0.25đ)

(Lưu ý: Nếu thí sinh làm bài xác định đại diện BCH Công đoàn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì không được điểm, vì BCH Công đoàn có trách nhiệm tham gia trong việc xử lý kỷ luật anh V, nhưng không có quyền lợi hay nghĩa vụ phát sinh từ vụ tranh chấp này)

– Loại tranh chấp lao động: Tranh chấp lao động cá nhân về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải (điểm a, khoản 1 điều 201 BLLĐ) (0.25đ)

– Thời hiệu: 01 năm kể từ ngày phát hiện hành vi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại (ngày 29/11/2015) (khoản 2 điều 202 BLLĐ) (0.25đ)

(Lưu ý : so sánh với quy định của BLLĐ 2019)

2. Nhận xét trách nhiệm của đại diện BCH CĐ cty A khi xử lý kỷ luật anh (1.0đ) 

– Ý kiến của đại diện BCH Công đoàn là một trong các căn cứ để xét kỷ luật lao động. Khi Cty không xem xét đến ý kiến đó (BCH Công đoàn đề nghị hình thức kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương) mà BCH công đoàn không báo cáo BCH Công đoàn cấp trên là không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. (k.7, đ.10 Luật Công đoàn) (0.5đ)

– Theo quy định tại Khoản 1, Điều 123 BLLĐ năm 2012 và Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 thì cuộc họp xét kỷ luật lao động phải có mặt người lao động. Người sử dụng lao động chỉ được quyền xử lý kỷ luật vắng mặt khi đã 03 lần thông báo bằng văn bản mà người lao động không đến. (0.25đ)

– Trong khi anh V mới chỉ vắng mặt lần đầu mà Cty vẫn tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật vắng mặt anh V, đại diện BCH Công đoàn có mặt tại phiên họp không có ý kiến gì phản đối là không thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình. (0.25đ)

(Lưu ý : so sánh với quy định của BLLĐ 2019 và NĐ 145/2020 hướng dẫn thực hiện)

3: Nội dung chính của luận cứ bảo vệ anh V tại phiên sơ thẩm (2.5đ)

– QHLĐ: Đến thời điểm anh V bị kỷ luật sa thải giữa anh V và cty A tồn tại hợp đồng lao động không xác định thời hạn (0.25đ)

– Bởi vì sau khi HĐLĐ ký ngày 1/3/2012 hết hạn vào 1/3/2013, anh V vẫn làm việc tại cty A và hai bên không ký HĐLĐ mới. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22, BLLĐ 2012 thì HĐLĐ đã giao kết trên trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn (0.25đ)

– QĐ kỷ luật sa thải anh V là trái pháp luật. (0.25đ)

– Vì Cty A đã vi phạm quy định của pháp luật lao động về thủ tục xử lý kỷ luật sa thải. (0.25đ)

Cụ thể: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 123 BLLĐ năm 2012 và Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐCP thì cuộc họp xét kỷ luật phải có mặt người lao động.

– Người sử dụng lao động chỉ được quyền xử lý kỷ luật vắng mặt khi đã 03 lần thông báo bằng văn bản mà người lao động không đến, trong khi anh V mới chỉ vắng mặt lần đầu. (0.25đ)

– Do quyết định xử lý kỷ luật là trái pháp luật nên đề nghị Tòa án áp dụng Điều 42 BLLĐ: (0.25đ)

+ Buộc Cty A phải nhận anh V trở lại làm việc; nếu không muốn nhận anh V làm việc lại thì phải bồi thường 02 tháng tiền lương (0.25đ)

+ Bồi thường cho anh V tiền lương trong thời gian bị nghỉ việc trái pháp luật (từ ngày 1/12/2015 đến ngày Tòa án xét xử) và 04 tháng lương theo mức lương 8 triệu đồng/tháng (quy định của pháp luật ít nhất 02 tháng) (0.25đ)

+ Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho anh V trong thời gian từ ngày 01/12/2015 đến ngày Tòa án xét xử;(0.25đ)

+ Cty A còn nợ 03 tháng lương (tháng 9,10,11) của anh V. Do đó, Cty phải có trách nhiệm trả cho anh V 03 tháng lương theo mức lương 8 triệu đồng/tháng.  (0.25đ)

ĐÁP ÁN CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau): 5,0 điểm

ĐỀ 1:

1. Nhận xét về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn của Cơ quan điều tra:

Việc Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giao bị can Đ trong thời hạn 3 tháng là không đúng pháp luật. (0,5 đ)

Vì: Theo quy định tại khoản 1, điều 173 Bộ luật TTHS 2015 thì thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng. Trong trường hợp này, mặc dù tỷ lệ thương tật của chị M chỉ có 10%, nhưng Đ lại có hành vi dùng dao nhọn gây thương tích (được coi là hung khí nguy hiểm theo hướng dẫn tại mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần 1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003) nên hành vi của Đ thuộc khoản 1 Điều 134 BLHS là tội phạm ít nghiêm trọng. Do vậy, việc ra lệnh tạm giam Đ thời hạn 3 tháng là sai. (0.5đ)

2. Với nội dung thông tin do Đ và chị M cung cấp, để bảo vệ quyền lợi cho Đ, luật sư cần trao đổi với Cơ quan điều tra về vấn đề sau:

–   Chị M có đơn bãi nại thì cần phải đối chiếu với yêu cầu bãi nại vì các lý do: Đ có sức khỏe yếu, vợ đang điều trị tại bệnh viện, 2 con còn tuổi ăn học (15 tuổi và 4 tuổi) không ai chăm sóc, Đ có chỗ ở ổn định, không có dấu hiệu bỏ trốn hay phạm tội mới, không có dấu hiệu gây khó khăn cho cơ quan điều tra; trước khi trình diện Đ đưa cho vợ 3 triệu mua thuốc và nộp tiền viện phí nên LS đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn (0,5đ)

–   Với những nội dung chị M và Đ cung cấp cho LS từ giai đoạn điều tra, hành vi của Đ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều 134 BLHS, chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại nhưng trong hồ sơ không thể hiện chị Minh có yêu cầu khởi tố. Vì vậy cần đề nghị áp dụng khoản 2 điều 105 BLTTHS ra QĐ đình chỉ vụ án đối với Đức (0,5đ)

3. Là luật sư cần chuẩn bị các thủ tục sau:

– GCN người bào chữa do Cơ quan tiến hành tố tụng cấp (0,25đ)

– Thẻ Luật sư (0,25đ)

– Liên hệ với nơi tạm giữ, tạm giam đề nghị trích xuất bị can để làm việc (0,5đ)

4. Những điểm chính trong luận cứ bào chữa cho Đ:

+ Ý 1: Đ có hành vi dùng dao chém vào tay trái chị Minh nhiều nhát gây tỷ lệ thương tật là 10%. Mặc dù tỉ lệ thương tật của chị Minh chỉ có 10%, nhưng Đ lại có hành vi dùng dao nhọn (được coi là hung khí nguy hiểm theo hướng dẫn tại mục 2.1 và 2.2 mục 2 phần 1, Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003) nên hành vi của Đức thuộc khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.  (0,5 đ)

+ Ý 2: Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự thì hành vi của Đ thuộc khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại – chị M. (0,5 đ)

+ Ý 3: Trong trường hợp này, chị M có đơn bãi nại, nhưng hồ sơ vụ án không thể hiện chị Minh có yêu cầu khởi tố vụ án. (0,5 đ)

+ Ý 4: Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đ mà không có yêu cầu của người của người bị hại là vi phạm nghiêm trọng tố tụng theo đ. 105 BLTTHS. Đề nghị HĐXX căn cứ đ.105, đ. 180 BLTTHS ra QĐ đình chỉ vụ án (0,5 đ)

ĐỀ 2:

1. Yêu cầu Cty A cung cấp những tài liệu gì.

+ Cung cấp hồ sơ pháp lý của Cty A để làm rõ về phạm vi ngành nghề kinh doanh, thẩm quyền ký kết HĐ… (0.25đ)

+ Cung cấp hợp đồng mua bán máy tính giữa Cty A với Cty B; giữa Cty A với trường Cao đẳng nghề C. (0.25đ)

+ Cung cấp những tài liệu, văn bản giao dịch giữa các bên (giữa A và B, A và C) kể từ ngày ký hợp đồng đến thời điểm phát sinh tranh chấp. (0.25đ)

+ Cung cấp các tài liệu chứng minh thiệt hại theo yêu cầu đòi bồi thường và phạt vi phạm HĐ. (0.25đ)

2. Làm rõ những tình tiết nào 1,00đ

+ Hiệu lực của HĐ mua bán máy tính giữa Cty A và Cty B; giữa Cty A và Trường Cao đẳng nghề C. (0.25đ)

+ Những vấn đề phát sinh sau khi ký kết hợp đồng. (0.25đ)

+Thương lượng, hòa giải giữa các bên (nếu có) (0.25đ)

+ Thiệt hại thực tế của Cty A. (0.25đ)

3. Những nội dung cần quan tâm khi yêu cầu phạt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng (2,00 đ)

+ Xác định lỗi của bên vi phạm HĐ là Cty B không giao hàng đúng thời hạn.  (0.5đ)

+ Xác định thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa việc không giao hàng theo HĐ của Cty B với thiệt hải của Cty A phải gánh chịu (0.25đ)

+ Các HĐ giữa Cty A mua máy tính của các chủ thể khác để giao hàng cho Trường Cao đẳng nghề C. (0.25đ)

+ Xác định hiệu lực HĐ mua bán máy tính giữa Cty A với các chủ thể khác.  (0.25đ)

+ Các chứng từ giao nhận hàng và thanh toán giữa Cty A với các chủ thể khác. (0.25đ)

+ Căn cứ pháp luật để yêu cầu đòi bồi thường. (0.25đ)

+ Căn cứ pháp luật để yêu cầu phạt vi phạm HĐ (0.25đ)

Lưu ý:

Điều kiện để yêu cầu phạt và mức phạt (Đ.300, 301 LTM 2005)

Điều kiện để yêu cầu BTTH và số lượng BTTH (Đ.302, 303 LTM)

4. Cần phải đưa những chủ thể nào vào tham gia tố tụng với tư cách gì? Tại sao? (1,00đ)

+ Trường Cao đẳng nghề C tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. (0.25đ)

Vì: (0.25đ)

–    C ký HĐ mua bán máy tính với A;

–    Góp phần làm rõ sự thật của vụ án;

–    Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của anh A.

+ Các chủ thể bán máy tính cho Cty A tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. (0.25đ)

Vì: (0.25đ)

–    Các chủ thể này đã ký HĐ mua bán máy tính với A;

–    Góp phần làm rõ sự thật của vụ án;

Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của A.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon