Tư tưởng chính trị ở các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông cổ đại

tu-tuong-chinh-tri-o-cac-nha-nuoc-chiem-huu-no-le-phuong-dong-co-dai

Tư tưởng chính trị đã nẩy sinh và bắt đầu phát triển cùng với sự xuất hiện các nhà nước hiếm hữu nô lệ đầu tiên và các hệ thống pháp luật ở phương Đông cổ đại. Các nhà nước phương Đông cổ đại gồm: Ai Cập, Babilon, Ấn Độ và Trung Quốc. Những nhà nước này xuất hiện dọc theo lưu vực sông Nin, sông Ấn, sông Hoàng Hà.

Chúng mang những nét đặc thù, khác với những nhà nước chiếm hữu nô lệ xuất hiện muộn hơn các nước vùng biển Địa Trung Hải. Những nhà nước này xuất hiện dọc theo lưu vực sông Nin, sông Ấn, sông Hoàng Hà. Những nét đặc thù của các nhà nước phương Đông cổ đại do đặc điểm của chế độ kinh tế của những nhà nước ấy quyết định. Do vậy, ở những nước nói trên chế độ sở hữu tư nhân tập thể đối với đất đai, nguồn nước và một bộ phận nô lệ của tầng lớp chủ nô thượng lưu đã tồn tại trong một thời gian dài.

1. Sự hình thành tư tưởng chính trị ở các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông cổ đại

Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: “các công xã cổ, ở nơi nào chúng vẫn tiếp tục tồn tại thì từ hàng nghìn năm nay đều cấu thành cái có sở của hình thức nhà nước thô sơ nhất, tức là chế độ chuyên chế phương Đông”. Số nô lệ làm thủy lợi và những người tự do không có tài sản ngày một đông hơn. Chỉ có chính quyền nhà nước mãnh mẽ mới có thể cai quản được họ.

Trong điều kiện phương Đông cổ đại, bộ máy chính phủ, như C. Mác đã chỉ ra, gồm ba bộ chính: bộ quốc phòng có chức năng cướp bóc các dân tộc khác cũng như phục vụ cho mục đích chiếm đoạt nô lệ; bộ tài chính được thành lập để bóc lột dân sở tại; bộ nội vụ (công cộng) đảm nhiệm công việc xây dựng và phục vụ có liên quan đến nông nghiệp. Tất cả điều này đã quyết định sự ra đời một hình thức nhà nước đặc biệt – nhà nước chuyên chế phương Đông với sự tập trung quản lý rộng lớn, trong đó mọi quyền lực đều tập trung trong tay một nhà chuyên chế.

Khi đàn áp những người bị bóc lột, giai cấp thống trị không chỉ sử dụng bạo lực trực tiếp mà còn sử dụng các phương tiện tác động tư tưởng khác nhau để chống lại họ. Một trong những phương tiện quan trọng nhất là tôn giáo, vốn đã làm tăng thêm quyền lực chuyên chế và được bao bọc bởi vầng hào quang của thượng đế. Mối liên hệ chặc chẽ với các quan niệm tôn giáo là đặc trung của tư tưởng chính trị của giai cấp thống trị.

Quần chúng bị áp bức, trong khi muốn đập tan ách gông cùm nô lệ, đã cố gắng chống lại tư tưởng chính trị của bọn bóc lột bằng tư tưởng chính trị của mình. Một trong số các phương tiện tư tưởng của những người bị bóc lột là sự phê phán các tôn giáo thống trị. Tư tưởng nhân dân là tối cao và tư tưởng về sự xuất hiện nhà nước như là một khế ước đã xuất hiện.

Do đấu tranh giai cấp, ở phương Đông cổ đại đã xuất hiện mầm móng các tri thức chính trị, hình thành các nguyên lý chính trị như là một lĩnh vực tri thức. Những vấn đề về sự xuất hiện nhà nước bản chất của nhà nước và pháp luật, về quan hệ bang giao giữa các quốc gia, về chiến tranh và hòa bình, … cũng được đặt ra.

2. Tư tưởng chính trị ở các nước cổ đại

2.1. Tư tưởng chính trị ở Ai Cập cổ đại

Sự xuất hiện của nhà nước chiếm hữu nô lệ cổ đại ở Ai Cập đã kéo dài đến thế kỷ IV và III trước CN, nó được coi như nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền đứng đầu là hoàng đế.

Tư tưởng chính trị thống soái của giai cấp chủ nô là các quan điểm về tính tất yếu của sự bất bình đẳng về chính trị – xã hội, tính ưu việt của “các đấng tối cao” dối với “những kẻ hạ đẳng”, sự “hèn mạt” của người ngoại bang vốn là nguồn nô lệ chủ yếu. Mọi biểu hiện chống đối giai cấp đều bị coi là vi phạm các quy luật muôn đời của vũ trụ. Học thuyết thần quyền về nhà nước thể hiện sự tôn sùng hoàng đế. Trong các huyền thoại, hoàng đế được coi là chú trời, là con của thần mặt trời và người đàn bà đã chết. Cũng trong thời kỳ ấy, các nhà tư tưởng của giới thượng lưu chủ nô đã lưu ý hoàng đế về sự cần thiết phải chú ý tới các nhu cầu của họ. Họ coi hoạt động của các quan lại là công việc cao quý khác với lao động “thấp hèn” của thường dân.

Nhưng những người nô lệ và người tự do không tài sản không nghĩ như những kẻ bóc lột họ. Họ thấy sự bất công của chế độ bất bình đẳng về chính trị – xã hội. Các tư tưởng chính trị cự tuyệt các quan điểm về bản chất thần quyền của nhà nước và quyền lực của hoàng đế phản ánh thái độ của những người nô lệ.

Cuộc khởi nghĩa đã phá hủy toàn bộ trật tự đời sống cũ và các quan niệm của con người, đã giáng một đòn vào quan niệm mang tính chất thần thánh của chính quyền hoàng đế, mặt khác gây ra nhiều ý kiến về sự đúng đắn và bất biến của những tập quán và thuyết lý vốn có từ lâu.

Không khó nhận ra ý nghĩa của những nghi ngờ ấy, của sự phản đối chống chính quyền nhà nước đang tồn tại, nếu như chú ý tới chế độ độc tìa chuyên chế của triều đình Ai Cập. Sự phản đối âm ỉ của những người bị bóc lột chống lại ách áp bức của bọn bóc lột vang lên mạnh mẽ nhất trong các bài ca lao động do nhân dân sáng tác ra.

2.2. Tư tưởng chính trị Babilon cổ đại

Các tư tưởng chính trị củ chủ nô ở Babilon cổ đại xuyên suốt các quan niệm tôn giáo. Chúng thể hiện rõ nét trong “Các đạo luật của hoàng đế Babilon Hammurapi” (thế kỷ XVIII Tr.CN).

Trong “Các đạo luật” phản ánh tư tưởng nhà nước bảo vệ bằng mọi cách các lợi ích của chủ nô. Quyền lực vô hạn của hoàng đế được đề cao. Đặc biệt, hệ thống pháp luật hình sự bảo vệ sở hữu tư nhân của chủ nô cũng đã xây dựng tỉ mỉ.

Khi nói về tính chất thần thánh của quyền lực, về lòng nhân ái của mình, về các đạo luật của ông dường như đã bảo bệ những kẻ yếu và bảo vệ sự công bằng, Hammurapi đã cố che đậy tính chất bóc lột của nhà nước chiếm hữu nô lệ. Nhưng trên thực tế, ông ta đã duy trì tư tưởng bảo bệ và trường tồn xã hội, nhà nước và pháp luật chiếm hữu nô lệ.

Sự gay gắt của các mâu thuẫn xã hội và cuộc đấu tranh giai cấp diên ra ở Babilon cổ đại cũng như ở Ai Cập cổ đại đã làm xuất hiện những điều hoài nghi về sự công bằng của các thần linh, và cả về sự công bằng của chế độ chiếm hữu nô lệ vốn được soi rọi bằng tôn giáo. Những mối hoài nghi này được biểu lộ trong “Trường ca về người mộ đạo đau khổ”.

Có một nét đặc trưng là trong “Cuộc tọa đàm”, bên cạnh sự phản đối ngấm ngầm của nô lệ chống lại ách thống trị đã không còn chịu đựng được nữa, còn nghe thấy cả sự mất lòng tin của cả chủ nô vào sự giúp đỡ của các thần linh. Những sự bi quan, mất lòng tin này do những mâu thuẫn của xã hội chiếm hữu nô lệ sinh ra.

2.3. Tư tưởng chính trị Ấn Độ cổ đại

Các quốc gia nô lệ ở Ấn Độ cổ đại xuất hiện vào thế kỉ X – VI tr.CN.

Đặc điểm quan trọng của tư tưởng chính trị Ấn Độ cổ đại là thừa nhận và khẳng định hệ thống phân chia đẳng cấp vácna. Vácna là những nhóm xã hội khác nhau của những người tự do, không bình đẳng về quyền hạn, trách nhiệm và vị trí xã hội. Ngay trong những Vệđà – sách kinh của người Ấn (sự ra đời của các Vệđà vào khoảng thiên niên kỷ II tr.CN) đã ghi rõ có 4 loại vácna của người tự do: 1) vácna tư tế – Bàlamôn; 2) vácna chiến binh Ksatri; 3) vácna Vaisia bao gồm những người làm ruộng công xã, thợ thủ công và thương nhân; 4) vácna Xuđra bao gồm những người nghèo khổ bị đày đọa vào hoàn cảnh như nô lệ. Ba vácna đầu là những đẳng cấp có quyền đầy đủ, còn Xuđra là những người nghèo không có quyền gì.

Tư tưởng chính trị nhằm bảo vệ chế độ chiếm hữu nô lệ được phản ánh trong hệ tư tưởng chính trị – tôn giáo của đạo Bàlamôn, đạo Phật, trong luận thuyết chính trị “Arthasaxtra” v.v…

Theo tư tưởng của thuyết Bàlamôn (hình thành vào nửa đầu thiên niên kỷ I tr.CN) từng vácna phải tuân thủ những trật tự thiên định của mình (“đhácma”). Trong điều này thuyết Bàlamôn xuất phát từ luận điểm là hai vácna đầu là cao nhất và bởi vậy có quyền điều khiển những công việc quốc gia; Vaisia có trách nhiệm làm ruộng, nghề thủ công và buôn bán, còn Xuđra chỉ có trách nhiệm chấp thuận phục vụ ba vácna thượng tầng trên. Trong Vệđà, người ta đưa ra tư tưởng là không một ai được ganh tỵ với thành đạt và giàu sang của người khác. Mỗi người phải bằng lòng với vị trí của mình và tuân thủ những đhácma quy định cho vácna của mình. Bằng điều đó, người bị áp bức buộc phải có ý nghĩ về sự cần thiết và phải phục tùng và quy thuận. Ngay trong những Vệđà cổ xưa, người ta đã đưa ra sự lý giải mang tính tôn giáo thiên định về quyền lực nhà vua, quyền lực được tôn sung là có xuất xứ thần thánh.

Trong nền tảng tư tưởng của thuyết Bàlamôn còn có điều khẳng định: thế giới, cảm giác con người là ảo tưởng. Do vậy, sự đau khổ của con người, sự bần cùng, bất hạnh, thê lương cũng là ảo tưởng. Khẳng định rằng trong con người cái quan trọng là linh hồn, chứ không phải thể xác, thuyết Bàlamôn kêu gọi mọi người từ bỏ ý nguyện cải thiện điều kiện sống của mình, từ bỏ ý nguyện cải tạo xã hội. Mọi người chỉ cần hoàn thiện linh hồn có tính trường sinh của mình.

Do vậy, tư tưởng chính trị của hệ tư tưởng Bàlamôn giáo là nô dịch người nghèo khổ về mặt tinh thần, tạo cho họ sự hoài nghi vào khả năng được giải phóng khỏi sự bóc lột trên trần thế.

Đương nhiên, người lao động cũng có những tư tưởng chống lại thuyết giáo Bàlamôn. Có những tư liệu về những người không tin vào trời phật, thậm chí còn phủ nhận, chống đối kịch liệt các giáo sĩ Bàlamôn. Nhà tư tưởng và lãnh tụ của các phong trào Xuđra – Makhali Gôxala – đã chống lại việc phân chia xã hội ra các vácna và khẳng định rằng việc phân chia này không công bằng và phản tự nhiên.

Thuyết Bàlamôn với tư tưởng khẳng định những đặc quyền của đẳng cấp Bàlamôn ngay từ khi xuất hiện đã bị phê phán từ phía quần chúng lao khổ, những người đã bị các giáo sĩ Bàlamôn tìm cách áp đặt cho ý nghĩ về vai trò đặc biệt của các đẳng cấp thượng đẳng và có quyền đặc biệt được “cứu vớt”. Trong điều kiện xác lập các quốc gia lớn, Bàlamôn giáo không còn đáp ứng được giới quý tộc chiếm hữu nô lệ mới ngày càng có sức nặng trong quá trình tập trung hóa các quốc gia chiếm hữu nô lệ ở Ấn Độ, quá trình đang bị Bàlamôn giáo cản trở bằng tư tưởng cát cứ bộ lạc.

Sự gia tăng bóc lột nô lệ, sự phá sản và nô dịch nông dân đã làm nảy sinh và làm tăng sức chống đối tư tưởng thống trị Bàlamôn giáo. Vào giữa thiên niên kỉ I tr.CN việc xuất hiện những giáo phái khác nhau thể hiện sự bất bình đẳng về tinh thân của tất cả mọi người không phụ thuộc vào đẳng cấp.

Phật giáo là một trong những tôn giáo đó, xuất hiện vào thế kỷ VI – V tr. Cn như một tư tưởng đối lập với hệ thống đẳng cấp. Phật giáo coi tất cả mọi người đều có quyền được “cứu vớt” như nhau. Tuyên bố sự bình đẳng về tinh thần của mọi người, tư tưởng yêu thương người thân, Phật giáo buổi sơ khai đã thấm đượm tình thương đối với tầng lớp bị áp bức. Phật giáo đã chĩa mũi nhọn của mình chống lại đẳng cấp Bàlamôn và hệ tư tưởng của nó.

Phật giáo buổi sơ khai có tư tưởng cho rằng thuở ban đầu tất cả mọi người đều sống hạnh phúc, bình đẳng và tự do. Nhưng sau khi xuất hiện sự cướp bóc và lừa đảo nên sinh ra bất bình đẳng xã hội. Lúc đó thông qua con đường bầu cử, mọi người đã thiết lập nên chính quyền nhà vua với tư cách là người phân xử và đã xóa bỏ được những hiềm khích. Việc Phật giáo không thừa nhận tính chất công bằng của hệ thống đẳng cấp và truyền bá sự thanh bình đã được quần chúng ủng hộ.

Phật giáo thời kỳ sơ khai phản ánh sự bất bình của những nông dân bị phá sản do sự nô dịch của chính quyền nhà nước, cái chính quyền không muốn và không thể bằng lòng duy trì lâu dài sự mở đầu nền dân chủ của tổ chức bộ lạc. Phật giáo thời kì sơ khai đã có những ý tưởng chống lại sự bóc lột, nhưng không kêu gọi đấu tranh tích cực chống lại điều đó, mà kêu gọi phục tùng tuyệt đối, nó hoàn toàn tách khỏi đời sống chính trị – xã hội và tuyên truyền không dùng bạo lực chống lại cái ác. Ngay từ thuở ban đầu, với những quan niệm vay mượn của Bàlamôn giáo về sự phiêu liêu của linh hồn, về sự nghiệp v.v…, Phật giáo đã mang những nét huyền bí và siêu thoát cuộc đời, do vậy nó không phải là học thuyết nguy hiểm đối với giai cấp thống trị.

Thuyết lý không chống lại cái ác, thờ ơ với cuộc sống nghèo đói và nô dịch rất có lợi cho những kẻ muốn khuất phục các tầng lớp bị áp bức. Những tư tưởng của Phật giáo sơ khai được giới quý tộc chiếm hữu nô lệ sử dụng nhằm nô dịch tinh thần những người bị áp bức. Tính chất chống giáo sĩ tư tế của Phật giáo cũng được sử dụng. Sau khi có những thay đổi cơ bản và “điều chỉnh” cần thiết (thế kỷ III tr.CN), Phật giáo đã trở thành quốc giáo của đế chế Ấn Độ vĩ đại.

2.4. Tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ đại

2.4.1. Xã hội và quốc gia chiếm hữu nô lệ ở Trung Quốc cổ đại được hình thành vào khoảng thiên niên kỷ II trước CN

Lịch sử xã hội chiếm hữu nô lệ Trung Quốc cổ đại là lịch sử đấu tranh tàn khốc giữa chủ nô và nô lệ, tầng lớp thượng lưu của xã hội chiếm hữu nô lệ với những nông dân bị phá sản, bị nô dịch và trở thành phụ thuộc, giữa tầng lớp quý tộc gia truyền bị bần cùng hóa với những thương nhân trọc phú tiếm quyền. Những xung đột giai cấp giữa trong quốc gia chiếm hữu nô lệ Trung Quốc trở lên sâu sắc (thiên niên kỷ II tr.CN) đã tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh của các trường phái tư tưởng chính trị khác nhau. Hệ tư tưởng của giới quý tộc chủ nô, với sự khẳng định tính chất thần thánh của quyền lực nhà vua, giữ địa vị thống trị.

Sau khi thành lập quốc gia nhà chiếm hữu nô lệ nhà Ân (thiên niên kỉ II tr.CN), trong đó giới quý tộc nhà Ân giữ vài trò thống trị, các tư tưởng gia của nó đã khẳng định. Nhà vua được coi là người siêu phàm. Đó là “”thiên tử”, người quản lý quốc gia vâng lệnh theo trời. Tư tưởng này được nhà Chu phát triển sau khi chinh phục nhà Ân và biến họ thành nô lệ. Tư tưởng về “lệnh trời” được sử dụng vào chính trị. Che đậy bằng quyền uy của “trời”, “người trao quyền” trị vì cho vua, giai cấp thống trị đã bóc lột nô lệ và các tầng lớp lao động.

Vì sự phát triển của các quan hệ kinh tế – xã hội tác động tức thì tới những quan hệ pháp luật, nên các vấn đề pháp quyền cũng được các nhà tư tưởng chú ý. Một khuynh hướng của các nhà tư tưởng trong đó người đại diện lớn nhất là Khổng Tử, đã bảo vệ quyền lợi dựa trên cơ sở những quy phạm truyền thống không thành văn và những quan hệ qua lại hình thành giữa “những kẻ tiểu nhân” với “người quân tử”. Các khuynh hướng khác bao gồm những nhà tư tưởng thuộc các nhóm xã hội khác nhau (Mặc Tử, Hàn Phi Tử) xây dựng ý tưởng điều hành nhà nước trên cơ sở các đạo luật thống nhất và xác định.

2.4.2. Những mâu thuẫn xã hội sâu sắc hơn và cuộc đấu tranh giai cấp mạnh mẽ hơn ở thế kỷ VI – III tr.CN

Tư tưởng chống đối thụ động của  các tần lớp bị áp bức được hình thành trong học thuyết của Đạo giáo, theo truyền thuyết, người sang lập là Lão Tử (thế kỷ VI – V tr.CN). Cơ sở của học thuyết này được trình bày trong cuốn “Đạo đức kinh” do các đệ tử của Lão Tử soạn thảo vào thế kỷ IV – III tr.CN).

Trong “Đạo đức kinh”, ý niệm về nguồn ngốc thần thánh của quyền lực nhà vua, nguồn gốc sự bóc lột… đã bị vạch trần. Mọi điều ác trong xã hội đều do “đạo nhân” sinh ra, tức các đạo luật do vua chúa quy định trái với quy luật tự nhiên là mọi người đều được bình đẳng. Những tư tưởng của Lão Tử phản ánh quyền lợi của nông dân phá sản, thấm đượm tình thương dân chúng, và Lão Tử coi việc phục vụ họ là việc cao thượng nhất của nhà hiền triết. “Nhà hiền triết không có trái tim riêng. Trái tim ông ta bao gồm từ những trái tim dân chúng”.

Lão Tử phê phán sự áp bức và thuế má nặng nề của kẻ bóc lột, lên án sự lộng hành và tàn bạo của vua chúa. “Nhân dân, – ông nói, – bị đói khổ vì sưu cao, thuế nặng”. Ông lên án những đạo luật nhằm mục đích cướp bóc người lao động. Ông so sánh giữ sự đói nghèo của người lao động với sự xa hoa của bọn giàu có và gọi sự xa hoa này là kết quả của sự cướp bóc.

Khổng Tử (551 -1479 tr.CN), nhà tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ đại, người đối lập với tư tưởng của Lão Tử, đã được bảo vệ cho quyền lợi của các tầng lớp đặc quyền chủ nô. Khổng Tử nói về mình rằng ông chỉ trình bày những tư tưởng truyền thống, chứ không nghĩ được điều mới. Thực vậy, Khổng Tử bảo vệ những trật tự chính trị xã hội lỗi thời, truyền tư tưởng sung bái tổ tiên, duy trì sự điều hành dựa trên cơ sở lễ nghi, tập tục. Thêm vào đó chiểu theo lễ nghị, việc điều hành nhà nước phải tiến hành sao cho “nhân dân không có khả năng bàn luận việc quốc sự”. Chỉ bằng cách đó mới có thể duy trì được sự thống trị của giới quý tộc gia truyền và tránh được những thay đổi bất lợi cho nó.

Khổng Tử coi trọng việc giáo dục, khai trí và truyền bá sự cần thiết tự hoàn thiện đạo đức. Song mọi điều đó được giới quý tộc chủ nô sử dụng nhằm giáo dục nhân dân theo tinh thần tuân thủ tuyệt đối kẻ có của và quyền binh.

Điểm trung tâm trong học thuyết chính trị – mỹ học của Khổng Tử là khái niệm “nhân”, theo cách hiểu của ông thì một bộ phận của nó là nguyên tắc tôn trọng và phục tùng tuyệt đối bề trên. Nguyên tắc này đưa vào chính trị cả tình yêu, sự phục tùng và long trung thành của thần dân với quân vương. Tư tưởng “nhân” trước hết khẳng định sự cần thiết phải đoàn kết tầng lớp quý tộc thượng đẳng trên cơ sở truyền thống cổ xưa. Việc bảo vệ những trật tự cũ và đấu tranh chống cái mới – mục đích chính của Khổng Tử – là hết sức phản động.

Khác với Lão Tử, Khổng Tử coi trời là thần thánh định trước số phận con người. Từ lập trường này, ông xem xét các vấn đề nhà nước, cai trị, quy tắc hành vi con người,.. Quan niệm về bản chất thần thánh của chính quyền nhà vua là một trong những điểm trung tâm trong học thuyết của Khổng Tử. Vua được ông mô tả là “thiên tử”, do vậy hành động của vua cũng là cũng được thần thánh hóa. Song bản thân các đức vua không phải là con trời. Quyền lực của họ là thần thánh khi họ vẫn còn cai trị “có lý trí” theo ý trời. Luận điểm này của Khổng Tử tạo ra khả năng phê phán những quốc vương cai trị không có lý trí, sự chuyên quyền, điều mà các quốc vương không phải bao giờ cũng thích. Nhiều môn đệ của Khổng Tử đã phê phán các quốc vương tàn ác, nhưng không đòi hỏi thay đổi chế độ đương thời, mà truyền bá “nguyên tắc trung dung”.

Học thuyết của nhà tư tưởng này đầy mâu thuẫn. Những tư tưởng phản động và bảo thủ kết hợp trong đó với những nét tiến bộ. Sau này, những yếu tố phản động của đạo Khổng được các giai cấp thống trị Trung Quốc sử dụng. Không phải ngẫu nhiên, vào thế kỷ II tr.CN, đạo Khổng được thừa nhận là hệ tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị. Nó được sử dụng rộng rãi trong các nhóm dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc.

2.4.3. Trong cuộc đấu tranh chống Khổng giáo đã phát sinh học thuyết Mặc Tử (479-381 tr.CN)

Mặc Tử đã xuất phát từ việc thuần nhận quyền bình đẳng tự nhiên của mọi người. Bởi vậy, mọi người cần phải sử dụng quyền ngang nhau trong đời sống chính trị, và tham gia điều hành các công việc nhà nước. Tiêu chí ở đây không phải là dòng dõi, mà là khả năng điều hành nhà nước và ý nguyện phục vụ nhân dân. Quan niệm của nhà tư tưởng về quyền tự nhiên gắn với quan niệm của ông về nguồn gốc của nhà nước theo khế ước. Mong muốn chấm dứt sự chia rẽ và thù địch trong điều kiện tự nhiên, khi mọi người chưa biết đến chính quyền nhà nước, nhân dân đã lựa chọn một người thông thái nhất và suy tôn người đó làm vua.

Để nhà nước hùng mạnh và bền vững, cần từ bỏ việc bổ nhiệm vào các chức vụ nhà nước theo nguyên tắc nguồn gốc xuất thân, giàu sang hay quan hệ họ hàng, mà phải căn cứ vào nhân phẩm và năng lực của con người. Bạo lực và chuyên quyền gắn liền với việc những người cầm quyền đã không tuân thủ nguyên tắc này. Mọi người muốn được bổ nhiệm chức vụ nào đấy phải “được sự đánh giá của xã hội xem tài năng của họ thích hợp đến đâu so với chức vụ, chỉ sau đó họ mới được lựa chọn”.

Như vậy, theo Mặc Tử, chính quyền tối cao thuộc về nhân dân, người có quyền cao nhất lựa chọn người lãnh đạo và kiểm tra hoạt động của họ. Để khẳng định tư tưởng về sự bình quyền của tất cả mọi người trong quốc gia, Mặc Tử đưa ra lập luận về ý trời, một trong những tư tưởng chính của thế giới quan của ông. Ông cho rằng “tuân thủ thiên ý – đó là sự yêu thương nhau và hai bên cùng có lợi Nó được sử dụng để khẳng định sự tất yếu của tự do, bình đẳng và thủ tiêu sự áp bức người dân bình thường. Nếu tuân thủ ý trời và thực hiện sự yêu thương lẫn nhau, nếu như yêu quý quốc gia khác, ngôi nhà của người khác như chính của bản thân mình, nếu đối xử với mọi người như với chính mình, thì sẽ không còn có chiến tranh, cướp bóc, giết chóc.

Nhà tư tưởng đã chống lại thuyết định mệnh của Khổng giáo. Ông cho rằng hạnh phúc của con người phụ thuộc vào lao động của anh ta, mọi thứ đều do lao động của nhân dân tạo ra. Nếu nhân ân tích cực đấu tranh vì quyền lợi của mình, bằng sức mình, họ sẽ giành được tự do, công bằng, giàu có và độc lập.

Mặc Tử đã phát triển tư tưởng lên án chiến tranh xâm lược, mà ông coi là không chính nghĩa. Ông vạch trần sự bào chữa của kẻ đi xâm lược cho rằng chúng tiến hành chiến tranh vì danh sự vì chính nghĩa, chứ không phải chiếm đất đai, của cải và nô lệ. Các cuộc chiến tranh đều trái ngược với nguyện vọng của nhân dân các nước đi xâm lược, cũng như các nước bị xâm lược.

Những tư tưởng chính trị của Mặc Tử về quyền bình đẳng tự nhiên của mọi người, quyền nhân dân được tham gia quản lý nhà nước, nổi dậy chống sự nô dịch, lên án chiến tranh xâm lược, phê phán trật tự chính trị – xã hội của giai cấp thống trị có ý nghĩa tiến bộ. Bởi thế, các đệ tử của Khổng Tử đấu tranh quyết liệt với tư tưởng của các môn đồ của Mặc Tử, nơi mà quần chúng bị áp bức tìm thấy sức mạnh trong cuộc đấu tranh chống bọn áp bức.

2.4.4. Đại diện lớn nhất của trường phái pháp trị là Hàn Phi Tử (khoảng 280 – 230 tr.CN)

Ông cho rằng những luật không còn phù hợp với thời đại phải được thay thế bằng những luật mới. Luật pháp chứ không phải ý muốn cá nhân, không phải sự chuyên quyền của vua chúa, phải là cơ sở cho việc điều hành nhà nước. “Ý muốn cá nhân của các vị quân vương là cội nguồn của tình trạng vô pháp luật”. Đây là luận thuyết chính trị mang tính trần gian, bởi lẽ thiên ý, theo Hàn Phi Tử, không quyết định cuộc sống con người.

Hàn Phi Tử cho rằng ưu điểm của việc điều hành theo luật pháp là ở chỗ, luật pháp đối với người quyền quý cũng như kẻ hèn mọn đều như nhau. Đương nhiên, Hàn Phi Tử đâu có quan tâm đến người dân thường. Ông thể hiện quyền lợi của phú nông và cho rằng những người này khi bảo vệ tài sản và quyền lực của mình có quyền sử dụng mọi biện pháp. Vấn đề ở đây là muốn nói đến quyền lực nhà nước mạnh mẽ. Hàn Phi Tử cho rằng trong chính trị cần phải có sự tàn nhẫn. Trong quốc gia, tất cả mọi người phải tuân thủ một cách mù quáng các đạo luật và chính quyền nhà nước – người bảo vệ các đạo luật đó.

Do những mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, từ cuối thế kỷ I tr.CN những cuộc nổi dậy của nô lệ và những người tự do nghèo khổ phát triển mạnh.

Tư tưởng chính trị ở các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông cổ đại là hệ tư tưởng đầu tiên của xã hội có giai cấp. Với sự nảy sinh và phát triển của nó đã hình thành những mầm móng kiến thức chính trị đầu tiên, những khuynh hướng chính trị chính của các giai cấp đối kháng trong xã hội chiếm hữu nô lệ. Những tư tưởng chính trị nảy sinh ở phương Đông cổ đại đã ảnh hưởng đến tư tưởng chính trị của các quốc gia chiếm hữu nô lệ Hy Lạp và La Mã.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon