Tội bức cung theo Bộ luật Hình sự năm 2015

toi-buc-cung

Trong bối cảnh đất nước đang thực hiện cải cách tư pháp toàn diện để nâng cao đời sống tinh thần xã hội thì tình hình tội phạm xâm hại đến hoạt động tư pháp ngày càng gia tăng. Đáng nói là những hành vi này phần lớn xuất phát từ các cán bộ công chức của các cơ quan tư pháp, trong đó phổ biến nhất là hành vi bức cung. Vấn đề này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật một cách công minh. Vậy tội bức cung là gì? Dưới góc độ pháp luật tội bức cung bị xử lý ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Tội bức cung là gì?

Khái niệm bức cung hiện không được quy định cụ thể trong các văn bản luật, tuy nhiên có thể hiểu rằng bức cung là việc người lấy lời khai sử dụng hành vi, thủ đoạn trái pháp luật trong hoạt động tố tụng buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án. Thủ đoạn trái pháp luật có thể là: đe doạ, khủng bố, uy hiếp tinh thần người bị thẩm vấn (bỏ đói, doạ bắt người thân,…)…

Bức cung xâm hại đến quyền nhân thân của người lấy lời khai, người bị hỏi cung đồng thời dẫn đến giam sai, xử sai, bỏ lọt tội phạm. Điều này dẫn đến mất trật tự xã hội, khiến cho người dân mất lòng tin vào chủ thể thực hiện hoạt động tố tụng.

2. Chế tài xử lý người thực hiện hành vi bức cung

Theo quy định tại điều 374 Bộ luật hình sự năm 2015, có 4 khung hình phạt dành cho tội bức cung được quy định như sau:

Khung 1

Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung 2

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

d) Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Dẫn đến làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;

g) Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật.

Khung 3

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bức cung tự sát;

b) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

Khung 4

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm người bị bức cung chết;

b) Dẫn đến làm oan người vô tội;

c) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị xử phạt bổ sung như sau: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

3. Các yếu tố cấu thành tội bức cung

Cũng như các tội khác, có 4 yếu tố cấu thành tội bức cung: chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.

3.1. Chủ thể

Chủ thể của tội bức cung là người thực hiện hoạt động tố tụng, bao gồm: cán bộ chiến sỹ công an xã phường, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm,… mà có hành vi bức cung người bị lấy lợi khai, bị hỏi cung.

Chủ thể thực hiện hành vi này phải thoải mãn điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự, tức có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình và khả năng kìm chế hành vi đó để lựa chọn thực hiện hành vi khác phù hợp với đòi hỏi xã hội. Bên cạnh đó chủ thể thực hiện hành vi phải đáp ứng yêu cầu về độ tuổi. Cụ thể theo quy định tại điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 thì đối với tội bức cung chủ thể từ đủ 16 tuổi trở lên là người đủ điều kiệu chịu trách nhiệm hình sự đối với tội này.

3.2. Về khách thể

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ nhưng bị xâm hại bởi tội phạm. Theo đó, khách thể của tội bức cung là uy tín của các chủ thể thực hiện tố tụng, các nguyên tắc xác định sự thật của vụ án và quyền nhân thân của người bị thẩm vấn được pháp luật bảo vệ mà tội phạm xâm phạm đến.

3.3. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm là biểu hiện bên ngoài của tội phạm. Bao gồm: Hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả,…

3.3.1. Hành vi

Hành vi của tội bức cung là việc người thực hiện hoạt động tố tụng sử dụng thủ đoạn trái pháp luật để ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai theo ý mình muốn về những thông tin có liên quan đến vụ án.

Hành vị đó có thể là: đe doạ, khủng bố uy hiếp tinh thần của người bị thẩm vấn hoặc thể hiện rõ bằng hành động như bỏ đói, đánh đập, dùng sức ép của nhiều người để bắt họ làm theo ý muốn của bản thân.

3.3.2. Hậu quả

Hậu quả trong trường hợp này là việc khiến cho sức khoẻ, tinh thần, tính mạng, danh dự của người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung tổn hại nghiêm trọng dẫn đến việc người bị thẩm ván khai sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ án: xử phạt quá nặng hoặc quá nhẹ, hoặc có thể bắt giam sai người. Hậu quả đối với hành vi bức cung không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi phạm tội xảy ra

3.3.3. Mối quan hệ nhân quả

Mối quan hệ nhân quả trong trường hợp này là việc chủ thể thực hiện các hoạt động tố tụng trên có hành vi sử dụng thủ đoạn trái pháp luật để bức cung trực tiếp dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự nhân phẩm của người bị hỏi cung, bị lấy lời khai và ảnh hưởng đến kết quả của vụ án.

3.4. Mặt chủ quan

Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm. Nó là trạng thái tâm lý, ý chí của người phạm tội đối với hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà họ gây ra. Đối với tội bức cung, người thực hiện hành vi phạm tội là do lỗi cố ý trực tiếp, họ thấy rõ hành vi của mình là trái pháp luật, nhận thức được hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Ngoài ra, mặt chủ quan của tội này còn cần xác định động cơ phạm tội. Thông thường động cơ phạm tội gồm: vì muốn nhanh chóng kết thúc vụ án; vì mục đích cá nhân như nhận tiền để thay đổi nội dung vụ án,…Động cơ của tội này mặc dù không phải dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm nhưng rất quan trọng trong việc xác định tình tiết vụ việc.

4. Một số điểm mới của tội bức cung trong Bộ luật hình sự năm 2015

Thứ nhất, Bộ luật hình sự năm 2015 có sự điều chỉnh về hình phạt và hình phạt bổ sung.

Trước đó, tội bức cung được quy định tại điều 299 Bộ luật hình sự năm 1999 với 3 khung hình phạt và 4 khoản  Cụ thể:

Khung 1: người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Khung 2: phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Khung 3: phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

Bên cạnh đó, Luật còn quy định hình phạt bổ sung là người phạm tội cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến năm năm.

Như vậy, so với Bộ luật hình sự năm 2015 thì khung hình phạt đối với tội bức cung được mở rộng hơn thành 4 khung, 5 khoản. Quy định tại mỗi khung cũng mang tính chất cụ thể cho từng hành vi hơn so với Bộ luật hình sự năm 1999. Đối với khung hình phạt thứ ba, Bộ luật hình sự mở rộng từ 5 năm đến 10 năm thành 7 năm đến 12 năm. Bổ sung thêm khung hình phạt thứ 4 là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu: làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tương tự như việc điều chỉnh khung hình phạt thì hình phạt bổ sung đối với tội bức cung cũng có thay đổi. Cụ thể là Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm cụm từ “cấm hành nghề” đối với chủ thể thực hiện hành vi bức cung.

Việc gia tăng và cụ thể hơn khung hình phạt, hình phạt bổ sung thể hiện tính răn đe nghiêm khắc hơn của pháp luật hình sự đối với tội bức cung. Từ đó nâng cao ý thức tuân thủ trình tự thủ tục tố tụng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai, sửa đổi bổ sung một số thuật ngữ pháp lý cơ bản

Điều 374 Bộ luật hình sự năm 2015 đã thay đổi một số thuật ngữ tại điều 299 Bộ luật hình sự năm 1999. Đầu tiên là thay đổi thuật ngữ “tiến hành điều tra, truy tố, xét xử” thành “trong hoạt động tố tụng”. Theo đó, thuật ngữ “trong hoạt động tố tụng” mang nghĩa rộng và bao hàm hơn thuật ngữ trên. Ngoài người tiến hành điều tra, xét xử còn bao hàm cả người thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tố tụng nhưng không phải là người tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Tiếp đó, thuật ngữ “người bị thẩm vấn” thay thế thành “người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung”. Cũng giống như việc thay thế thuật ngữ trên, việc đổi thành “người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung” nhằm mở rộng phạm vi chủ thể, đồng thời cũng phù hợp với nội dung quy định về chủ thể bị thẩm vấn.

Ngoài ra, tại điều 299 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định chủ thể tiến hành hành vi bức cung sử dụng thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn khai ra sự thật gây hậu quả nghiêm trọng trong khi điều 374 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định chủ thể tiến hành hành vi bức cung chỉ cần ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc đã đủ cấu thành tội phạm, không quy định có trái với sự thật hay không.

Trên đây là những phân tích về “Tội bức cung”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về tội phạm này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon