Tội phạm chức vụ là một loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến lợi ích quốc gia và sự thụ hưởng các quyền và lợi ích của người nghèo. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân cơ bản dẫn đến gia tăng sự bất công trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Nhà nước. Bộ luật Hình sự quy định như thế nào về nhóm tội phạm về chức vụ? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
1. Khái niệm tội phạm về chức vụ
Căn cứ Điều 352 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về khái niệm tội phạm về chức vụ được quy định như sau:
Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Theo đó, tội phạm về chức vụ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Mà hành vi này do người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
2. Dấu hiệu pháp lý của các tội phạm
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và được chia thành hai nhóm, tương ứng với 2 mục, đó là các tội phạm tham nhũng (Mục 1) và các tội phạm khác về chức vụ (Mục 2).
2.1. Khách thể
Các tội phạm về chức vụ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
Hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức là hoạt động bình thường tuân thủ các quy định của pháp luật của cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Ngoài ra, các tội phạm về chức vụ còn xâm phạm đến quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Mỗi cơ quan hoặc tổ chức có một chức năng, nhiệm vụ nhất định và hoạt động trên cơ sở các quy định của Nhà nước được ghi nhận trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật hoặc điều lệ. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước và của các tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức được hiểu là hoạt động của các cơ quan, tổ chức đó được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Mọi hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức đều có thể gây thiệt hại ở những mức độ khác nhau cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
2.2. Mặt khách quan
Mặt khách quan của các tội phạm về chức vụ thể hiện ở các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi thiếu trách nhiệm xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn, uy tín của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hành vi phạm tội về chức vụ có thể biểu hiện cả dưới dạng hành động hoặc không hành động. Người có chức vụ, quyền hạn có thể trực tiếp lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình (trong phạm vi thẩm quyền công tác) để phạm tội hoặc lợi dụng địa vị, uy tín, mối quan hệ trong công tác, khả năng, điều kiện để thúc đẩy người khác có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép (ngoài phạm vi thẩm quyền công tác). Hành vi phạm tội về chức vụ dưới hình thức không hành động được thể hiện ở chỗ, người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hoặc không làm một việc phải làm gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hậu quả là dấu hiệu của một số cấu thành tội phạm cơ bản của các tội phạm chức vụ, như tội tham ô tài sản (Điều 353), tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); Tội giả mạo trong công tác (Điều 359); Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362); Tội đào nhiệm (Điều 363); Tội đưa hối lộ (Điều 364); Tội môi giới hối lộ (Điều 365); Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (Điều 366).
2.3. Chủ thể
Chủ thể của các tội phạm về chức vụ được quy định tại chương XXIII là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Đa số các tội phạm về chức vụ có dấu hiệu chủ thể đặc biệt, họ có thêm dấu hiệu có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức khu vực nhà nước và ngoài nhà nước).
Người có chức vụ ở đây có thể là người do bổ nhiệm, do dân cử hoặc là do hợp đồng hoặc một hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ đó. Những người khác có thể là chủ thể của các tội phạm này trong trường hợp đồng phạm. Người có chức vụ thường có thể là những người sau đây:
+ Người đại diện chính quyền, tức là người có quyền ra những quyết định có tính chất bắt buộc đối với người khác. Trong một số trường hợp nhất định, họ còn có thể áp dụng một số biện pháp cưỡng chế đối với người khác như người đại diện Uỷ ban nhân dân các cấp, đại diện cơ quan công an, thanh tra, hải quan,… Dân quân, du kích, thanh niên cờ đỏ, dân phòng hoặc bất kỳ người nào khi được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an ninh cũng được coi là người đại diện chính quyền, vì trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình họ có quyền ra quyết định mang tính bắt buộc đối với người khác.
+ Người thực hiện chức năng tổ chức, quản lý đối với người khác là người giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện,… Những người này có quyền theo dõi, chỉ đạo, tuyển dụng, thuyên chuyển, khen thưởng, đề bạt, kỷ luật,… đối với nhân viên’dưới quyền.
+ Người có chức năng quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo vệ tài sản,… như kế toán trưởng, thủ quỹ, thủ kho, người quản lý vật tư, hàng hoá, nhân viên bán hàng,…
Đối với một số trường hợp, chủ thể của tội phạm quy định trong Chương XXI Bộ luật hình sự không phải là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng người có chức vụ quyền hạn để xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan hoặc tổ chức như: tội đưa hối lộ; tội làm môi giới hối lộ;…
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Căn cứ theo Điều 352 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
Các tội phạm về chức vụ có thể được thực hiện do lỗi cố ý hoặc do lỗi vô ý. Phần lớn các tội phạm về chức vụ được thực hiện do lỗi cố ý như các tội phạm về tham nhũng. Đối với các tội phạm về chức vụ do lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc để mặc cho hành vi đó xảy ra.
Đối với các tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, người phạm tội thấy được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc không thấy trước được khả năng sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Những người này phạm tội là do tắc trách, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với chức năng, nhiệm vụ của mình nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
3. Hình phạt
Các hình phạt chính đối với các tội phạm về chức vụ nhẹ nhất là cảnh cáo, nặng nhất là tử hình. Mức hình phạt cao nhất là tử hình được quy định đối với tội tham ô (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354).
Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, phạt tiền, tịch thu tài sản.
4. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo đó, khi bị cáo có một trong các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 thì Hội đồng xét xử có thể xem xét cho giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ví dụ như: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;…
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về việc áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thì:
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Vì vậy, bị cáo có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 hoặc trong trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì bị cáo còn có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Để được tư vấn pháp luật qua điện thoại, hãy gọi ngay cho Luật sư theo số điện thoại 1900.6568. Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật qua điện thoại sẽ được chúng tôi giải đáp!