Tội đánh bạc bị phạt bao nhiêu năm tù

toi-danh-bac-bi-phat-bao-nhieu-nam-tu

Tội đánh bạc được ghi nhận khá sớm trong pháp luật hình sự của Việt Nam. Tội danh đánh bạc có định nghĩa pháp lý chung là hành vi được thua bằng tiền giữa cá nhân với cá nhân bằng bất kỳ hình thức nào mà không được pháp luật cho phép. Gần như định nghĩa này không có sự thay đổi qua các lần sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam từ trước đến nay, chỉ có điểm khác là định lượng của hành vi đánh bạc có sự thay đổi theo hướng ngày càng tăng về giá trị. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Các quy định về hình phạt đối với Tội đánh bạc qua nội dung sau đây.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

1. Tội đánh bạc bị phạt tù bao nhiêu năm?

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người phạm tội đánh bạc có thể bị xử lý theo các mức hình phạt như:

  • Cải tạo không giam giữ.
  • Phạt tù tối thiểu 06 tháng.
  • Phạt tù tối đa 07 năm.
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

Cụ thể, mức hình phạt của tội Đánh bạc được chia thành hai khung và hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015.

 * Khoản 1: Theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015, thì người phạm tội đánh bạc có thể bị phạt, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể.

* Khoản 2: Đối với những hành vi thỏa mãn các tình tiết tăng nặng định khung tại khoản 2 Điều 321, hình phạt chính được nhà làm luật quy định là phạt tù từ 3 đến 7 năm, các tình tiết đó là: Có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; tái phạm nguy hiểm.

a) Có tính chất chuyên nghiệp: Đây là trường hợp người phạm tội thường xuyên thực hiện hành vi đánh bạc, coi hành vi đánh bạc là một nghề kiếm sống, sử dụng tài sản thu lời bất chính làm nguồn sống chính. Theo hướng dẫn tại điểm 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì tình tiết phạm tội chuyên nghiệp áp dụng như sau: Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Cố ý phạm tội từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích.

+ Người phạm tội lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Khi áp dụng tình tiết phạm tội có tính chuyên nghiệp cần phân biệt:

+ Đối với việc phạm tội từ 5 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả 3 tình tiết: ‘”Phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc tái phạm nguy hiểm) và  “phạm tội có tính chuyên nghiệp”.

+ Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng với quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự.

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000đ trở lên.

Số tiền để tính truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh bạc là tổng số tiền thu trên chiểu bạc và trên người những người đánh bạc, nếu có căn cứ chứng minh họ sẽ sử dụng vào việc đánh bạc thì tổng số tiền đó sẽ là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tổng số tiền thu giữ từ 50.000.000đ trở lên, thì tất cả những người tham gia đánh bạc đó đều bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này.

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

 Đây là quy định mới hoàn toàn so với BLHS 1999, phù hợp với diễn biến tội phạm đánh bạc hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hành vi đánh bạc sử dụng công nghệ cao ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trước đây, các văn bản pháp luật đã điều chỉnh vấn đề này là: Khoản 1 Điều 8 Luật Công nghệ cao năm 2008 quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là lợi dụng hoạt động công nghệ cao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tại Điều 15 Nghị định 25/2014/NĐ-CP về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, người thực hiện hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý hành chính, nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Thực tiễn những đường dây đánh bạc qua mạng lên tới cả trăm, nghìn tỷ đồng liên tiếp được phát hiện và triệt phá trong thời gian gần đây, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, cũng như tạo cơ sở pháp lý giúp các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng xử lý tội phạm, BLHS năm 2015 mới chính thức luật hóa tình tiết đây là quy định mới hoàn toàn so với BLHS 1999, theo đó tất cả các hành vi đánh bạc với hình thức công nghệ cao đều phải chịu tình tiết định khung tăng nặng như đã nêu.

d) Tái phạm nguy hiểm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 thì tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án mà lại phạm tội do cố ý. Như vậy, đối với tội đánh bạc, người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là người đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội đánh bạc, vì đối với tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm, là tội phạm nghiêm trọng.

2. Hình phạt bổ sung của tội đánh bạc

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội đánh bạc còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đánh bạc cần lưu ý:

Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính.

3. Một số điểm mới, sửa đổi đối với tội đánh bạc

Ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chính thức có hiệu lực, thay thế cho Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. So với quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì quy định về tội phạm đánh bạc tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có một số điểm mới.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 321 đã nâng mức khởi điểm để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc từ 2.000.000 đồng lên 5.000.000 đồng đối với người phạm tội lần đầu. Đồng thời, thay vì quy định việc có thể lựa chọn giữa hai hình phạt chính là phạt tiền và phạt tù như quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, thì Điều 321 đã bỏ đi hình phạt tiền.

Theo đó, người nào có hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, hoặc dưới 5.000.000 đồng mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc, hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội đánh bạc, gá bạc, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Bên cạnh đó, khung hình phạt tù đối với người phạm tội này cũng đã tăng từ 03 tháng đến 03 năm lên 06 tháng đến 03 năm. Như vậy, mức cải tạo không giam giữ giữa quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với người vi phạm lần đầu vẫn là 03 năm; nhưng mức khởi điểm của hình phạt tù đã tăng từ 03 tháng đến 06 tháng.

Tại khoản 2 Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã nâng mức khởi điểm của khung hình phạt tù từ 02 năm lên 03 năm và vẫn giữ nguyên mức phạt tù cao nhất trong khung hình phạt là 07 năm.

Hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 đều là hình phạt tiền, tuy nhiên, quy định tại Điều 321 đã tăng mức hình phạt tiền từ “3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng” lên “10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.

Như vậy, nhìn chung tổng quan so sánh tội đánh bạc được quy định giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, có thể thấy rằng tội đánh bạc được quy định trong BLHS năm 2015 đã nới rộng hơn mức khởi điểm để truy cứu trách nhiệm hình sự của tội đánh bạc từ 2.000.000 đồng lên 5.000.000 đồng đối với người phạm tội lần đầu. Tuy nhiên, khi người phạm tội đánh bạc bị bắt thì mức phạt đối với người này lại tăng nặng hơn.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành BLHS mới, việc hướng dẫn thi hành vẫn được áp dụng theo các văn bản cũ từ BLHS sửa đổi năm 2009, do vậy trên thực tế, hiệu quả của việc ban hành BLHS năm 2015 đối với loại tội phạm đánh bạc này chưa thực sự cao, thậm chí, những vướng mắc, khó khăn tồn đọng từ Bộ luật cũ trên thực tế vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Trên đây là nội dung về Các quy định về hình phạt đối với Tội đánh bạc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon