Vướng mắc trong thủ tục hành chính tại Đà Nẵng

vuong-mac-trong-thu-tuc-hanh-chinh-tai-da-nang

Công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở nước ta trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước thực hiện phương châm “Đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Nhiều thủ tục rườm rà được “đơn giản hóa”, nhằm giảm bớt những khó khăn, vướng mắc cho người dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít thủ tục hành chính vẫn còn đòi hỏi nhiều giấy tờ nhiêu khê, phiền phức, đâu đó vẫn còn nhiều điểm khó khăn, vướng mắc trong khâu giải quyết. Mặc dù đã có các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn, đổi mới về thủ tục hành chính, nhưng người dân vẫn còn than trách rất nhiều vì sự bất cập trong lĩnh vực này. Nguyên nhân vì sao và cách giải quyết khi gặp phải những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính như thế nào? Trên cơ sở thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng, hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu nội dung bài viết dưới đây.

1. Khái quát chung về thủ tục hành chính trên địa bàn

Đà Nẵng là đô thị loại I và là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ. Đây được xem là thành phố trung tâm và là vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung. Thành phố Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cả về kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, là trung tâm công nghiệp, tài chính, giáo dục, du lịch, công nghệ, dịch vụ…

Vì thế, Đà Nẵng luôn tích cực trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao an sinh xã hội và trong đó có cả việc cải cách hành chính. Việc cải cách hành chính nhằm tạo ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành của nền hành chính, giúp cho các cơ quan hành chính nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, đâu đó người dân vẫn còn khá nhọc trong quá trình thực hiện những thủ tục hành chính này.

2. Một số thủ tục hành chính rườm rà, không đúng quy định

2.1. Thủ tục cấp lại giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất do bị mất

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (còn được gọi tắt là sổ đỏ). Theo luật quy định, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Vì lý do chủ quan hay khách quan mà người dân bị hư hỏng hoặc mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn A có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 99 tờ bản đồ 88 diện tích 100m2, số phát hành GCN: BY9….9, cấp ngày 28/05/201X. Do ông A thay đổi địa chỉ nhà, trong quá trình vận chuyển, di dời đã làm thất lạc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay ông A muốn làm thủ tục cấp lại sổ bị mất nên ông A đã đến Ủy ban nhân dân phường H, quận C để khai báo về việc mất sổ đỏ theo quy định tại nơi có đất. Sau khi khai báo, Ủy ban nhân dân phường H đã tiếp nhận và thông báo niêm yết công khai.

Khi kết thúc thời hạn niêm yết và nhận được thông báo, ông A chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin cấp lại đến Ủy ban nhân dân quận C. Tuy nhiên, cán bộ tiếp nhận yêu cầu ông A phải thực hiện việc đăng báo (02 kỳ) và đăng truyền hình (02 kỳ).

Xét thấy, Tại Điều 77 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP quy định về Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất.

“1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.”

– Tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số: 24/2014/TT-BTNMT quy định:

“2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

b) Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.”

Như vậy, việc cán bộ Ủy ban nhân dân quận C yêu cầu người dân phải đăng báo (02 kỳ) và đăng truyền hình (02 kỳ) là việc làm không cần thiết. Việc đăng tin báo mất trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương chỉ áp dụng đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư. Không áp dụng đối với trường hợp cá nhân, hộ gia đình như trường hợp ông A đang thực hiện thủ tục xin cấp lại GCNQSD đất. Và không có quy định nào quy định cá nhân phải thực hiện việc đăng báo (02 kỳ) và đăng truyền hình (02 kỳ) trong quy trình thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất.

2.2. Đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Người dân có quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng, hay cấp đổi do thực hiện việc đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất,…

Trường hợp bà Lê Thị K do lũ lụt, nhà ngập khiến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà đã bị dính nước, nhòe và rách, do đó bà muốn cấp đổi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tiện cho các giao dịch, lưu trữ. Bà có nộp hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận đến Ủy ban nhân dân quận nơi có đất để được cấp đổi. Sau khi nộp, bà K nhận lại phiếu hẹn trả kết quả.

Tuy nhiên, tới ngày hẹn thì cán bộ UBND báo từ chối tiếp nhận hồ sơ do sai mẫu tờ khai. Sau đấy bà K theo hướng dẫn nộp lại và tới ngày trả kết quả như phiếu hẹn lần 2 thì cán bộ thông báo hồ sơ của bà K chưa được duyệt vì phải bổ sung biên bản đo đạc bản đồ thì mới được xử lý giải quyết. Xét thấy, việc đo đạc bản đồ hay kiểm tra thực địa là thẩm quyền của cơ quan nhà nước, người dân không có trách nhiệm phải nộp hay thực hiện việc đó thay cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện việc xác nhận tại Ủy ban nhân dân phường, cán bộ địa chính có yêu cầu phải thực địa và có biên bản bàn giao với chủ đầu tư. Do bà K là người dân, cán bộ hướng dẫn sao thì làm vậy, chỉ mong việc làm sổ đỏ của mình thuận lợi nên bà K đồng ý làm theo yêu cầu của cán bộ địa chính phường (tự liên hệ và trả chi phi cho việc đo đạc).

Việc hẹn trả kết quả theo phiếu hẹn là 12 ngày, tuy nhiên bà K không nhận được bất cứ nội dung gì, đề cập đến việc trả kết quả cán bộ lại lấy lý do cho việc chậm xử lý hồ sơ. Việc trễ trả kết quả kéo dài hơn 40 ngày, làm vi phạm nghiêm trọng thời hạn xử lý hồ sơ.

2.3. Đối với thủ tục thành lập hộ kinh doanh

Cá nhân, thành viên hộ gia đình đáp ứng các điều kiện theo luật định thì có quyền thành lập hộ kinh doanh. Người thành lập hộ kinh doanh phải thực hiện đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh.

Chị Hồ Thị Mỹ C muốn đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Chị đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cho việc đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đến nơi cán bộ Ủy ban nhân dân quận H không chấp nhận hồ sơ đăng ký thành lập với lý do là không đủ hồ sơ, trả về yêu cầu bổ sung thêm Hợp đồng thuê nhà có công chứng.

Căn cứ theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015; Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cụ thể như sau:

Tại Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Quy định này đã hoàn toàn bãi bỏ quy định công chứng, chứng thực đối với hợp đồng thuê nhà ở, thuê nhà kinh doanh so với quy định tại Điều 492 của Bộ Luật dân sự 2005 trước đây.

Tại khoản 2 Điều 122 của Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định:

“Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.”

Như vậy, việc công chứng chứng thực đối với hợp đồng cho thuê nhà là không bắt buộc. Việc cán bộ không tiếp nhận hồ sơ là không đúng quy định của pháp luật, gây phiền hà, mất thời gian của công dân.

2.4. Đối với thủ tục thay đổi họ tên

Chúng ta không được chọn nơi sinh ra, cũng không được lựa chọn giới tính của mình. Thế nhưng mỗi người vẫn có quyền thay đổi giới tính (về mặt sinh học), kèm theo đó là họ tên của mình nếu đủ điều kiện và trong những trường hợp luật quy định.

Anh Võ Văn D muốn thay đổi tên của mình do anh đã phẫu thuật chuyển giới thành nữ. Và anh thấy tên D ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Việc giữ nguyên tên gọi cũ gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của anh. Do vậy anh có làm hồ sơ đến Ủy ban nhân dân quận K để thay đổi chữ đệm và tên của mình. Sau khi hoàn tất đầy đủ hồ sơ và nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân, cán bộ xem xét và đưa phiếu hẹn ngày trả kết quả. Tuy nhiên đến ngày trả kết quả, cán bộ trực tiếp xử lý lại sử dụng điện thoại gọi yêu cầu phải bổ sung thêm giấy khai sinh bản gốc và 01 hình ảnh chụp toàn thân và một số hồ sơ, giấy tờ khác… (không có trong luật định).

Việc bổ sung tài liệu không được cán bộ phòng tư pháp ban hành mà chỉ gọi điện, không trả kết quả theo đúng giấy hẹn đã vi phạm căn cứ tại điều 3 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch.

“Điều 3. Cách thức nộp và tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch

1. Người yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch; người yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch khác có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Hồ sơ đăng ký hộ tịch chỉ cần lập một (01) bộ.

2. Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ để đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bổ sung hoàn thiện. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả.

Trường hợp người yêu cầu nộp giấy tờ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính; nếu người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký vào bản chụp xác nhận về việc đã đối chiếu nội dung giấy tờ đó.

Trường hợp pháp luật quy định giấy tờ xuất trình thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu nộp thêm bản sao hoặc bản chụp của giấy tờ xuất trình…”.

3. Nguyên nhân, hạn chế bất cập trong giải quyết thủ tục hành chính

Thứ nhất, một trong những hạn chế, bất cập lớn trong việc giải quyết hành chính cần phải kể đến là tình trạng mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khiến cơ quan nhà nước gặp khó khăn, mâu thuẫn trong việc giải quyết. Ví dụ như sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm… khiến pháp luật trở nên khó hiểu, mỗi người nhìn nhận quan điểm pháp luật khác nhau dẫn đến cản trở đối với việc thực hiện pháp luật, làm giảm niềm tin vào pháp luật, tạo cơ hội phát sinh các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng nhất là trong thực hiện các công trình, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thứ hai, cán bộ xử lý vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để giải quyết hồ sơ. Hiện nay, các thủ tục hành chính đang dần cải cách, các thủ tục được thực hiện trực tuyến trên dịch vụ công để tiết kiệm nhanh nhất thời gian của người dân và của cán bộ xử lý. Tuy nhiên, đâu đấy vẫn còn những cán bộ với lối tư duy mòn, không cập nhật thủ tục mới, giải quyết theo quy trình có sẵn, hồ sơ rập khuôn trong khi luật và nghị định, thông tư hướng dẫn thay thế đã được ban hành, điều chỉnh và đã có hiệu lực.

Thứ ba, một số trường hợp cán bộ xử lý hồ sơ gây phiền hà đến người dân, lấy lý do bổ sung những văn bản không cần thiết để  “ngâm”, làm chậm trễ thời hạn trả kết quả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Ngoài ra, việc gây phiền hà, sách nhiễu còn khiến cho bệnh cậy quyền, nhờ người ‘quen” trong việc giải quyết các giấy tờ trong hệ thống cơ quan hành chính trở nên phổ biến hơn. Do vậy, dễ phát sinh tiêu cực, người nào “nhờ” thì giải quyết nhanh, ngược lại thì phải đi lên đi xuống mãi vẫn chưa được xử lý, trả hồ sơ. Ảnh hưởng đến công sức, tiền bạc, lãng phí thời gian và lỡ cơ hội đầu tư, công việc của người dân.

4. Phương án giải quyết

4.1. Khiếu nại

Hiện nay nhiều người mặc định rằng việc thực hiện các thủ tục hành chính là phải nghe theo hướng dẫn của cán bộ xử lý, mặc dù hồ sơ đã nộp đầy đủ nhưng vẫn bị hướng dẫn thêm những thủ tục không đáng có làm tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức chạy đi chạy lại để làm vừa lòng, đúng như hướng dẫn. Thế nhưng câu chuyện vẫn tồn đọng, vẫn không thể giải quyết được, đến hẹn trả kết quả nhưng cứ bị kéo dài thời hạn, ngoài việc chạy lên chạy xuống hỏi thăm thì không còn biết phải làm cách nào.

Việc chậm xử lý hồ sơ, yêu cầu bổ sung thêm những quy trình không cần thiết gây phiền hà, ảnh hưởng đến chi phí, công sức thì công dân có quyền khiếu nại đến cơ quan giải quyết hồ sơ cũng như gửi đến cơ quan chủ quản cấp trên để biết, theo dõi.

Theo Luật khiếu nại, thì khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khiếu nại có 02 hình thức là khiếu nại bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp. Tuy nhiên, việc khiếu nại bằng đơn, có đầy đủ căn cứ pháp lý và tài liệu về việc cán bộ xử lý chậm trễ, gây khó khăn trong xử lý hồ sơ sẽ hiệu quả hơn là khiếu nại trực tiếp.

4.2. Ủy quyền công ty luật

Việc ủy quyền cho một công ty luật uy tín thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp là phương án tối ưu, vừa tốn ít chi phí, không phải đi lại nhiều lần, tốn công sức, vừa đúng thời hạn. Công ty luật là cơ sở dịch vụ về tất cả các lĩnh vực liên quan đến pháp luật, những vấn đề liên quan đến các quy trình thực hiện đều đã được đào tạo chuyên môn, từng nghiên cứu và đã thực hiện thành công nhiều loại hồ sơ, thủ tục liên quan, giúp cho việc thực hiện sẽ trở nên thuận lợi hơn, đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức đã ủy quyền.

Người được ủy quyền sẽ nhân danh thực hiện các công việc và liên hệ với cơ quan Nhà nước, các bên liên quan một số công việc như:

  • Lập và nộp hồ sơ, kê khai các văn bản tại cơ quan nhà nước;
  • Nộp thay phí, lệ phí (nếu có);
  • Lập và ký tên trên các giấy tờ có liên quan đến nội dung đã ủy quyền, nhận kết quả.

Thời hạn ủy quyền sẽ có hiệu lực kể từ ngày giấy ủy quyền được công chứng chứng nhận cho đến khi hoàn thành xong công việc hoặc giữa hai bên có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền.

5. Dịch vụ pháp lý tại Công ty Luật Dương Gia

Luật sư tư vấn pháp luật tại Đà Nẵng

Công ty Luật TNHH Dương Gia với tôn chỉ “Thống lĩnh – Tiên Phong”, luôn mong muốn đem lại cho quý khách hàng những dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng bằng kinh nghiệm và sự tận tâm của mình.

Luật Dương Gia chuyên cung cấp các dịch vụ giải quyết các thủ tục hành chính. Với đội ngũ Luật sư tư vấn giàu kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực và tranh tụng sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo và tốt nhất của khách hàng.

Luật Dương Gia hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng với những cam kết sau:

  • Bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng;
  • Luật sư có kiến thức, trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực dân sự, đất đai, nhà ở, thừa kế, di chúc…
  • Có kỹ năng, kinh nghiệm tư vấn pháp luật, tham gia nhận ủy quyền các thủ tục hành chính
  • Có tinh thần trách nhiệm với công việc.
  • Có tác phong làm việc chuyên nghiệp.
  • Đưa ra phương án tối ưu, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Thông tin liên hệ để sử dụng dịch vụ của Luật Dương Gia tại Đà Nẵng:

Để sử dụng dịch vụ, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin liên hệ chi tiết như sau:

– Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

– Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900.6568 – 1900.6586

– Số điện thoại yêu cầu Luật sư tư vấn: 093.154.8999

– Email tiếp nhận yêu cầu dịch vụ: danang@luatduonggia.vn

Trên đây là nội dung về một số nguyên nhân, hạn chế bất cập trong thực tiễn thực hiện thủ tục hành chính và các phương án giải quyết. Nếu bạn có thắc mắc, nhu cầu sử dụng dịch vụ, hãy liên hệ ngay Luật Dương Gia để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon