Vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng các nguồn của luật dân sự khi giải quyết vụ việc dân sự

vuong-mac-bat-cap-trong-thuc-tien-ap-dung-cac-nguon-cua-luat-dan-su-khi-giai-quyet-vu-viec-dan-su

Việc áp dụng các nguồn của luật dân sự khi giải quyết các vụ việc dân sự tại tòa án là một lĩnh vực mới, ít gặp. Do đó, khi áp dụng trong thực tế sẽ không tránh khỏi vướng mắc, bất cập. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về một số Vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng các nguồn của luật dân sự khi giải quyết vụ việc dân sự.

1. Về việc hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Theo khoản 3 Điều 150 BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Quy định của điều luật này dẫn đến cách hiểu: Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện là một trong các điều kiện khởi kiện vụ án dân sự. Quan điểm này cho rằng: “Pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện vừa có ý nghĩa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân không bị xâm phạm vừa bảo đảm việc giải quyết vụ án dân sự được thuận lợi. Do đó, việc khởi kiện vụ án dân sự phải được tiến hành trong thời hiệu khởi kiện như quy định tại các điều 184, 185 BLTTDS năm 2015”.[1]

Tác giả không đồng tình quan điểm trên, bởi để xác định một tranh chấp dân sự còn thời hiệu khởi kiện hay hết cần phải xét đến các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Trong khi đó, khi khởi kiện người khởi kiện chỉ mới cung cấp cho tòa án các tài liệu chứng cứ ban đầu để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án theo Điều 96 BLTTDS năm 2015[2].

Do đó, theo khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015, tòa án sẽ không trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết tức là khi xem xét thụ lý vụ án dân sự, tòa án chưa xét đến điều kiện về thời hiệu khởi kiện. Sau khi thụ lý vụ án, các đương sự cung cấp bổ sung tài liệu chứng cứ, tòa án thu thập thêm chứng cứ mà không có căn cứ chứng minh còn thời hiệu khởi kiện và đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án thì tòa án sẽ áp dụng điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

– Về Án lệ số 26/2018/AL về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Án lệ số 26/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ là Quyết định giám đốc thẩm số 06/2017/DS-GĐT ngày 27-3-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “tranh chấp thừa kế tài sản và chia tài sản chung” ở Hà Nội. Theo nội dung Án lệ thì các nguyên đơn khởi kiện chi di sản thừa kế là bất động sản của cụ T (chết năm 1972) và cụ K (chết 2002).

Đây là trường hợp chia di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án này, các cấp tòa án đã có quan điểm khác nhau về vấn đề thời hiệu khởi kiện đối với phần di sản của cụ T có còn hay đã hết. Án lệ lập luận: “Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo quy định của khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015”.

Theo tác giả, ngày 30/8/1990 là ngày Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam thông qua Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, còn ngày công bố Pháp lệnh này là ngày 10/9/1990. Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định: “Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này”.

Điểm b Điều 10 Nghị quyết số 02/HĐTP của HĐTPTATC ngày 19/10/1990 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế cũng quy định: “Đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990”. Do đó, nhận định: “Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990” là không chính xác.

Về xác định hậu quả pháp lý đối với trường hợp hợp đồng vay tài sản đã hết thời hiệu khởi kiện

Theo quy định tại Điều 427 BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.

Điều 429 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều quy định yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, trừ trường hợp BLDS, luật khác có liên quan quy định khác[3].

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của HĐTPTATC lại hướng dẫn: “Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Ví dụ 1: Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.”[4].

Theo tác giả, hướng dẫn nêu trên là không chính xác bởi Điều 469 BLDS năm 1995, Điều 472 BLDS năm 2005 và Điều 464 BLDS năm 2015 đều quy định: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”. Do đó, kể từ thời điểm bên vay nhận tiền thì bên vay đã trở thành chủ sở hữu đối với số tiền vay và người cho vay không còn quyền sở hữu đối với số tiền đó. Vì vậy, hướng dẫn trên cho rằng tranh chấp hợp đồng vay tài sản là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản để không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với phần nợ gốc là khiên cưỡng.

2. Về tính bắt buộc của việc áp dụng áp dụng án lệ khi giải quyết vụ việc dân sự

Về vấn đề có bắt buộc áp dụng áp dụng án lệ khi giải quyết vụ việc dân sự hay không là vấn đề hiện nay có các ý kiến khác nhau. Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các tòa án cho thấy, từ ngày 1/12/2018  đến 30/11/2019, toàn ngành tòa án đã thụ lý 554.269 vụ việc, đã giải quyết được 494.403 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,2%), trong đó các TAND đã thụ lý 432.666 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 379.441 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,7%, nhưng chỉ có hơn 600 bản án, quyết định của tòa án viện dẫn án lệ[5].

Theo điểmc khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì HĐTPTATC có nhiệm vụ, quyền hạn lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của HĐTPTANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của HĐTPTATC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thì án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.

Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự[6].

Để hướng dẫn chi tiết hơn, Công văn số 146/ TANDTC-PC về việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử ngày 11/7/2017 của TANDTC thì Việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng án lệ khi xét xử, giải quyết những vụ việc cụ thể phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28-10-2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của HĐTPTANDTC ( nay được thay thế bởi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của HĐTPTATC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ).

Theo đó, khi xét xử, giải quyết những vụ việc đã có án lệ thì Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu án lệ đó để quyết định việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng. Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”;

Tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn những nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự. Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm thấy rằng án lệ và vụ việc mà Tòa án đang giải quyết không có tính chất tương tự hoặc do pháp luật đã thay đổi, do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng một trong các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ … đề nghị áp dụng án lệ thì việc không áp dụng án lệ cũng phải được nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án[7].

Tuy nhiên, có thể thấy, các hướng dẫn nêu trên không quy định cụ thể chế tài đối với trường hợp Thẩm phán không áp dụng án lệ đối với các vụ việc có tính chất tương tự. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn về chế tài đối với việc không áp dụng án lệ.

[1] Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà nội, năm 2019, tr 246

[2] Khoản 5 Điều 189 và Điều 96 BLTTDS năm 2015.

[3] Điều 155 BLDS năm 2015.

[4] TANDTC, Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của HĐTPTATC về Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS năm 2011.

[5] TANDTC, Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các tòa án.

[6] TANDTC, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của HĐTPTATC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

[7] TANDTC, Công văn số 146/ TANDTC-PC về việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử ngày 11/7/2017 của TANDTC.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon