Việc cấp, chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án nhân dân các cấp cho Cơ quan Thi hành án dân sự là quy định bắt buộc được luật định; đồng thời việc chuyển giao bản án, quyết định cho Cơ quan Thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các phán quyết của Tòa án.
1. Những bản án, quyết định được thi hành trong thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 1, 2 LTHADS thì những bản án, quyết định sau được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự, gồm:
a) Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
Bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại (sau đây gọi chung là bản án, quyết định) đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm:
Thứ nhất, bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy đối với phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì chưa được đưa ra thi hành vì chưa có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm. Thứ ba, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;
Thứ ba, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;
Thứ tư, bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
Thứ năm, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án;
Thứ sáu, quyết định của Trọng tài thương mại. Theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại thì các quyết định của Trọng tài thương mại đều có hiệu lực ngay sau khi được ban hành nên được đưa ra thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
b) Những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay
Thứ nhất, bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc.
Về mặt nguyên tắc, những bản án, quyết định sơ thẩm này chưa có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, với mục đích là nhằm bảo vệ một cách kịp thời lợi ích của người được cấp dưỡng (ví dụ trong trường hợp cha mẹ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên sau khi ly hôn), bảo vệ lợi ích của người lao động, người bị thiệt hại về tính mạng sức khoẻ nên được đưa ra thi hành ngay cho dù bản án, quyết định sơ thẩm đó có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Thứ hai, trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, các đương sự hoặc là vì lợi ích của mình hoặc do thiếu thiện chí nên nhiều người đã có hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại hoặc xâm phạm chứng cứ, mua chuộc người làm chứng v.v…Chính vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời một mặt chống lại những hành vi đó, bảo vệ được chứng cứ, giữ nguyên được giá trị chứng minh của chứng cứ, tránh cho hồ sơ vụ việc dân sự bị sai lệch bảo đảm việc giải quyết đúng được vụ việc dân sự (Ví dụ như quyết định cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp).
Mặt khác, qua đó còn bảo toàn được tình trạng tài sản, tránh việc gây thiệt hại không thể khắc phục được, giữ được tài sản bảo đảm cho việc thi hành bản án, quyết định của tòa án sau này (ví dụ như quyết định kê biên tài sản đang tranh chấp, phong toả tài khoản tại ngân hàng, cho thu hoạch, cho bán hoa màu đang tranh chấp v.v..).
Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của đương sự, tạo điều kiện cho đương sự sớm ổn định được cuộc sống của họ và những người sống phụ thuộc vào họ (ví dụ như quyết định giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm. Vì vậy, theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì các quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng được đưa ra thi hành ngay.
2. Cấp bản án, quyết định
Khi ra bản án, quyết định, Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định nói trên phải cấp cho đương sự bản án, quyết định có ghi “ĐỂ THI HÀNH”.
3. Chuyển giao bản án, quyết định
Theo quy định tại Điều 28 LTHADS thì đối với bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2′ LTHADS thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Đối với bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 LTHADS thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định.
Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án đã ra quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự ngay sau khi ra quyết định.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có liên quan thi hành án thì khi chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự, Toà án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan.
4. Thủ tục nhận bản án, quyết định
Khi nhận bản án, quyết định do Toà án chuyển giao, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định.
Sổ nhận bản án, quyết định phải ghi rõ số thứ tự; ngày, tháng, năm nhận bản án, quyết định; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định và tên Toà án đã ra bản án, quyết định; họ, tên, địa chỉ của đương sự và tài liệu khác có liên quan.
Việc giao, nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của hai bên. Trong trường hợp nhận được bản án, quyết định và tài liệu có liên quan bằng đường bưu điện thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho Toà án đã chuyển giao biết (Điều 29 LTHADS).