Kết hôn là một sự cam kết trọng đại trong đời người, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì một gia đình. Tuy nhiên, không phải tất cả các cuộc hôn nhân đều kéo dài mãi mãi. Trong một số trường hợp, việc hủy kết hôn trở thành sự lựa chọn không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi quá trình hủy kết hôn diễn ra trái pháp luật, nó không chỉ tác động đến các bên liên quan, mà còn gây ra hậu quả pháp lý và đạo đức đáng báo động. Án lệ dưới đây sẽ là tiền đề cho việc xử lý hủy kết hôn trái pháp luật, những hậu quả của nó và cách tiếp cận pháp lý để giải quyết vấn đề này.
Án lệ số 53/2022/AL Về việc hủy kết hôn trái pháp luật
Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07 tháng 9 năm 2022 và được công bố theo Quyết định số 323/QĐ-CA ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 04/2021/HNGĐ-GĐT ngày 07/7/2021 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc dân sự “Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”; người yêu cầu là bà Nguyễn Thị S, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 03 người.
Vị trí nội dung án lệ:
Đoạn 2, 3, 4, 8, 9, 10 và 11 phần “Nhận định của Tòa án”.
Khái quát nội dung của án lệ:
– Tình huống án lệ:
Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực), không đăng ký kết hôn, có tổ chức lễ cưới và có thời gian chung sống tại Việt Nam. Sau đó, hai bên ra nước ngoài sinh sống và phát sinh mâu thuẫn. Khi chưa giải quyết ly hôn thì một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
– Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định quan hệ hôn nhân đầu tiên là hôn nhân thực tế. Khi chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân thực tế mà một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì việc kết hôn này là trái pháp luật. Tòa án chấp nhận yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
- Điểm c khoản 2 Điều 5, điểm a khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 11, khoản 1
- Điều 122 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
- Điểm d Mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
- Điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTCVKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Từ khóa của án lệ:
“Hôn nhân thực tế”; “Hủy việc kết hôn trái pháp luật”.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Tại Đơn đề nghị hủy việc kết hôn trái pháp luật đề ngày 28/6/2017 và lời khai trong quá trình tham gia tố tụng của bà Nguyễn Thị S và người đại diện theo ủy quyền của bà S là chị Lương Thị T trình bày:
Bà S và ông Phạm Bá H chung sống, có tổ chức đám cưới theo phong tục của địa phương và đã đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã (nay là phường) P, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh ngày 23/11/1980. Tháng 4/1981, vợ chồng bà S, ông H sang Hồng Kông và sau đó được nhập cư tại Canada. Đến năm 2008, vợ chồng bà S, ông H trở về Việt Nam sinh sống tại nhà số 24, Tổ 14, Khu 03 phường T, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh (sổ hộ khẩu số 500296496 ngày 03/11/2014, họ và tên chủ hộ: Phạm Bá H; quan hệ với chủ hộ: vợ Nguyễn Thị S). Quá trình chung sống, ông bà sinh được 03 nguời con chung là anh Phạm Hồng K, sinh năm 1981 chị Phạm Thị Thu H1, sinh năm 1984 và chị Phạm Thị Thu H2, sinh năm 1991. Hiện tại các con của bà S và ông H đều đang định cư tại Canada.
Từ năm 2011, khi ông H có quan hệ ngoại tình với bà Nguyễn Thị L thì vợ chồng bà S và ông H thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bất hòa. Bà S bị ông H đánh đập, đuổi ra khỏi nhà, nên bà S đã sang Canada chơi với các con cho khuây khỏa. Mấy tháng sau, khi bà S trở về thì ông H đã đón bà L cùng con chung của hai người về nhà bà S, ông H ở và không cho bà S vào nhà mặc dù bà S đã báo với chính quyền địa phương can thiệp giải quyết. Nay bà S biết được ông H và bà L đã đăng ký kết hôn theo Giấy chứng nhận kết hôn số 09 ngày 17/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh. Do đó, bà S yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông Phạm Bá H với bà Nguyễn Thị L.
Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh trình bày:
Ủy ban nhân dân thành phố M khẳng định thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn và cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho bà Nguyễn Thị L và ông Phạm Bá H là đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nay bà S có đơn khởi kiện yêu cầu tuyên hủy việc kết hôn giữa bà L và ông H là trái pháp luật; nếu có căn cứ thì đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh giải quyết việc dân sự nêu trên theo quy định pháp luật.
Tại Quyết định giải quyết việc dân sự sơ thẩm số 01/2018/QĐDS-ST ngày 02/02/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định:
- Chấp nhận yêu cầu “Hủy việc kết hôn trái pháp luật” của bà Nguyễn Thị S.
- Hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông Phạm Bá H và bà NguyễnThị L theo Giấy chứng nhận kết hôn số 09 đăng ký ngày 17/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh. Buộc ông Hvà bà L phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
- Giao con chung của ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị L là cháuPhạm Thành Đ, sinh ngày 12/12/2015 cho bà Nguyễn Thị L trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đến khi cháu Đ đủ 18 tuổi. Ông Phạm Bá H không phải cấp dưỡng nuôi con chung. Ông H có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về lệ phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 23/02/2018, bà Nguyễn Thị L có đơn kháng cáo đối với Quyết định nêu trên.
Tại phiên họp phúc thẩm, ông Phạm Bá H trình bày: Năm 1980, ông H có quen biết bà Nguyễn Thị S nhưng không có chuyện tổ chức đám cưới hay chung sống với nhau ngày nào khi ở Việt Nam. Năm 1981, khi sang Hồng Kông, ông và bà S gặp lại nhau mới trở nên thân thiết chung sống với nhau. Mặc dù có con chung nhưng ông bà không đăng ký kết hôn, độc lập kinh tế, tài sản. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội để xác định giữa ông và bà S là quan hệ hôn nhân thực tế là không có căn cứ.
Quan hệ hôn nhân giữa ông với bà Nguyễn Thị L là hợp pháp vì hai bên có đăng ký kết hôn. Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tại nhiều nơi, trong đó có việc xác minh lãnh sự quán Việt Nam tại Canada về việc ông chưa đăng ký kết hôn với bất cứ ai, không đang trong thời kỳ hôn nhân với ai.
Tại phiên họp phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị L là ông Đặng Thành V trình bày: Đề nghị Tòa án bác đơn yêu cầu của bà S về việc hủy hôn nhân hợp pháp giữa ông H và bà L, ông H và bà S có chung sống với nhau ở Hồng Kông nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2008, ông H về nước trước, ông H và bà S không chung sống với nhau như vợ chồng ở Việt Nam mà chỉ cùng tổ chức đám cưới cho các con.
Tại Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định:
Chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị L và sửa Quyết định giải quyết việc dân sự sơ thẩm số 01/2018/QĐDS-ST ngày 02/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc không chấp nhận yêu cầu “Hủy việc kết hôn trái pháp luật” của bà Nguyễn Thị S. Công nhận quan hệ giữa ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị L là quan hệ hôn nhân hợp pháp, theo giấy chứng nhận kết hôn số 09 đăng ký ngày 17/4/2017 của UBND thành phố M, tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về lệ phí và chi phí ủy thác tư pháp.
Ngày 06/02/2020, bà Nguyễn Thị S có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục
giám đốc thẩm đối với Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, yêu cầu tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị L.
Ngày 27/4/2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2021/KN-HNGĐ đối với Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc “Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật” giữa người yêu cầu giải quyết việc dân sự là bà Nguyễn Thị S; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Bá H, bà Nguyễn Thị L và Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và giữ nguyên Quyết định giải quyết việc dân sự số 01/2018/QĐDS-ST ngày 02/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Tạm đình chỉ thi hành Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Tại phiên họp giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2021/KN-HNGĐ ngày 27/4/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
- Tại Công văn số 424/UBND ngày 07/9/2017 của Ủy ban nhân dân phường P, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh trả lời Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh có nội dung: “Hiện nay tại Ủy ban nhân dân phường P sổ gốc đăng ký kết hôn chỉ còn lưu từ năm 1989 đến nay, còn từ năm 1988 trở về trước Ủy ban nhân dân phường P không còn lưu trữ được. Sổ đăng ký kết hôn của Ủy ban nhân dân phường P, thành phố U còn lưu từ năm 1989 đến nay không có lưu trường hợp đăng ký kết hôn của ông Phạm Bá H, sinh năm 1959 và bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1960”. Quá trình giải quyết vụ án, bà S không cung cấp được Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giữa bà S với ông H. Do đó, không có căn cứ xác định bà S và ông H có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã P vào năm 1980.
- Căn cứ Biên bản xác minh ngày 13/11/2014 của Ủy ban nhân dân phường P và lời khai của những người làm chứng, trong đó có lời khai của ông Bùi Ngọc C (người cao tuổi, hàng xóm bên cạnh nhà bố mẹ đẻ bà S), ông Nguyễn Văn N (Khu trưởng Khu T, phường P) đều khai: Năm 1980, ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị S có tổ chức đám cưới, chung sống với nhau; sau đó, hai ông bà vượt biên.
- Tại Bản chứng thực bản sao sổ khai sinh của anh Phạm Hồng K, sinh ngày 07/8/1981, thể hiện tên cha là Phạm Bá H và tên mẹ là Nguyễn Thị S. Như vậy, có cơ sở xác định bà S và ông H có thời gian chung sống tại Việt Nam và bà S sang Hồng Kông sau khi đã mang thai anh Phạm Hồng K.
- Ngoài ra, Bản sao sổ hộ khẩu số 500296496 do Công an thành phố M cấp ngày 03/11/2014 và Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 13/4/2015 tại Phòng Công chứng số 02 tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện ông Phạm Bá H có vợ là bà Nguyễn Thị S.
- Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội “a. Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;..”
- Điểm d Mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BTP ngày 03/01/2001 quy định: “Nam nữ được coi là sống chung với nhau như vợ chồng nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc hai bên) chấp nhận; Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”.
- Điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT- TANDTCVKSNDTC-BTP quy định người được coi là đang có vợ, chồng gồm “Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết”.
- Do đó, có cơ sở xác định quan hệ giữa bà S và ông H sống chung với nhau như vợ chồng trước năm 1987 là hôn nhân thực tế; tuy không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng.
- Việc ông H đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị L theo Giấy chứng nhận kết hôn số 09 ngày 17/4/2017 tại Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh trong khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân với bà Nguyễn Thị S là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc đăng ký kết hôn cho ông H và bà L là không đúng quy định của pháp luật.
- Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà S, tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H và bà L và giải quyết hậu quả của việc kết hôn trái pháp luật là có căn cứ.
- Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: “Theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1987, năm 2000 và năm 2013 chỉ điều chỉnh và có hiệu lực về không gian, thời gian và địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam. Còn việc ông H và bà S ăn ở với nhau bất hợp pháp chủ yếu là ở nước ngoài và sinh sống vào thời điểm ở trước và sau năm 1987, năm 2000 và trước năm 2013 khi có Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam được ban hành, sửa đổi… ” từ đó không công nhận quan hệ giữa ông H và bà S là vợ chồng và công nhận quan hệ hôn nhân giữa ông H và bà L là quan hệ hôn nhân hợp pháp là không đúng quy định pháp luật. Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 337, khoản 1 Điều 342, khoản 2 Điều 343 và Điều 344 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2021/KN-HNGĐ ngày 27/4/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
- Hủy Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 12/2019/QĐPT-DS ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
- Giữ nguyên Quyết định giải quyết việc dân sự số 01/2018/QĐDS-ST ngày 02/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
NỘI DUNG ÁN LỆ
- Tại Bản chứng thực bản sao sổ khai sinh của anh Phạm Hồng K, sinh ngày 07/8/1981, thể hiện tên cha là Phạm Bá H và tên mẹ là Nguyễn Thị S. Như vậy, có cơ sở xác định bà S và ông H có thời gian chung sống tại Việt Nam và bà S sang Hồng Kông sau khi đã mang thai anh Phạm Hồng K.
- Ngoài ra, Bản sao sổ hộ khẩu số 500296496 do Công an thành phố M cấp ngày 03/11/2014 và Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 13/4/2015 tại Phòng Công chứng số 02 tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện ông Phạm Bá H có vợ là bà Nguyễn Thị S.
…
- Do đó, có cơ sở xác định quan hệ giữa bà S và ông H sống chung với nhau như vợ chồng trước năm 1987 là hôn nhân thực tế; tuy không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng.
- Việc ông H đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị L theo Giấy chứng nhận kết hôn số 09 ngày 17/4/2017 tại Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh trong khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân với bà Nguyễn Thị S là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc đăng ký kết hôn cho ông H và bà L là không đúng quy định của pháp luật.
- Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà S, tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H và bà L và giải quyết hậu quả của việc kết hôn trái pháp luật là có căn cứ.
- Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: “Theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1987, năm 2000 và năm 2013 chỉ điều chỉnh và có hiệu lực về không gian, thời gian và địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam. Còn việc ông H và bà S ăn ở với nhau bất hợp pháp chủ yếu là ở nước ngoài và sinh sống vào thời điểm ở trước và sau năm 1987, năm 2000 và trước năm 2013 khi có Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam được ban hành, sửa đổi… ” từ đó không công nhận quan hệ giữa ông H và bà S là vợ chồng và công nhận quan hệ hôn nhân giữa ông H và bà L là quan hệ hôn nhân hợp pháp là không đúng quy định pháp luật.”