Hứa thưởng là gì? Hứa thưởng có được rút lại không?

hua-thuong-la-gi-hua-thuong-co-duoc-rut-lai-khong

Hứa thưởng là hành vi dân sự khá phổ biến. Theo đó, người hứa thưởng thực hiện một cách công khai thưởng cho người được hứa thưởng, khi thực hiện một công việc nào đó. Tuy nhiên, thực tế có không ít các trường hợp sau khi người được hứa thưởng thực hiện xong công việc của mình thì người hứa thưởng lại rút lại lời hứa này. Vậy, hứa thưởng theo quy định của luật dân sự là gì? Hứa thưởng có được rút lại không? Hành vi hứa thưởng nhưng không thực hiện có vi phạm pháp luật không ? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự 2015

Hứa thưởng là gì?

1. Hứa thưởng là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 570 Bộ luật dân sự 2015:

“Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.

Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”

Trước hết, cần hiểu Giao dịch dân sự là gì, theo Bộ luật dân sự 2015, Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Vậy có thể xác đinh đối với hứa thưởng là một hành vi pháp lí đơn phương trong Giao dịch dân sự nói chung đó, hứa thưởng là việc một chủ thể đưa ra những điều kiện thưởng nhất định cho ai đó (cá nhân, tổ chức), điều kiện này phải cụ thể, rõ ràng, không bị pháp luật cấm và không trái đạo đức xã hội. Đối tượng của việc hứa thưởng là một công việc như: tìm kiếm một tài sản, hoàn thành một công việc nào đó.

Theo đó bên đưa ra lời tuyên bố hứa thưởng có mục đích làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự cho một chủ thể khác. Lời tuyên bố hứa thưởng khi đã được thể hiện một cách công khai, thì người tuyên bố hứa thửởng sẽ phải trả thưởng cho người đáp ứng điều kiện hoặc đã thực hiện công việc theo yêu cầu của bên hứa thưởng

2. Các chủ thể tham gia vào hứa thưởng

Chủ thể trong quan hệ này bao gồm 2 bên:

+ Bên có nghĩa vụ: là bên đã đưa ra cam kết hứa thưởng. Bên này có nghĩa vụ phải trả thưởng theo nội dung đã công bố.

+ Bên có quyền: là người đã hoàn thành công việc hứa thưởng đúng với yêu cầu mà bên hứa thưởng đã nêu trong tuyên bố hứa thưởng. Bên này có quyền nhận thưởng mà bên hứa thưởng đã cam kết. Bên có quyền này có thể là do một người thực hiện hoặc do nhiều người thực hiện.

3. Việc hứa thưởng có bắt buộc thực hiện không?

Theo quy định tại Điều 570 Bộ luật dân sự 2015 nêu trên, có thể thấy việc hứa thưởng là một hành vi pháp lý đơn phương của một chủ thể, thể hiện ý chí của một bên chủ thể đối với bên còn lại, cho nên, hành vi hứa thưởng là một hành vi tự nguyện đơn phương và không bắt buộc.

Theo đó:

– Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự, trong đó thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình hoặc bên còn lại trong quan hệ. Tuy nhiên, bên kia có thể tham gia hoặc không tham gia giao dịch. Điều này thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 570 và khoản 2 điều 573 Bộ luật Dân sự 2015.

– Hứa thưởng không ấn định và cũng không giới hạn về chủ thể tham gia, thường là chỉ đưa ra một số tiêu chuẩn hay điều kiện nhất định. Xét về mặt chủ thể sẽ có điểm khác biệt căn bản so với quan hệ hợp đồng, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, đồng thời phải được xác định cụ thể trong hợp đồng. Trong khi đó, đối tượng tham gia vào quan hệ hứa thưởng lại không bị giới hạn bởi các điều kiện này.

– Tham gia vào việc hứa thưởng các bên hoàn toàn không bị rằng buộc bởi một sự cam kết hay thỏa thuận nào. Mặt khác, theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 về khái niệm hợp đồng thì, hợp đồng dân sự, phải là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Như vậy, từ những phân tích trên có thể thấy, hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương không ràng buộc bởi quan hệ hợp đồng nên hứa thưởng không mang tính bắt buộc phải thực hiện.

4. Hứa thưởng có được rút lại không?

Theo quy định tại Điều 571 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

“Khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc thì người hứa thưởng có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình. Việc rút lại tuyên bố hứa thưởng phải được thực hiện theo cách thức và trên phương tiện mà việc hứa thưởng đã được công bố.”

Quy định này để đảm bảo quyền lợi của bên được hứa, trao thưởng, vì vậy, việc rút lại hứa thưởng chỉ được thực hiện khi thuộc các trường hợp sau đây:

+ Việc rút thưởng được thực hiện trước thời hạn chưa bắt đầu công việc để đảm bảo quyền lợi, công bằng cho bên còn lại.

+ Việc rút hứa thưởng phải thực hiện bằng phương tiện và cách thức như khi tuyên bố hứa thưởng. Nếu không, việc rút lại đó là không có hiệu lực, và người hứa thưởng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, mọi trường hợp rút lại hứa thưởng khác được xem là vi phạm tuyên bố/thỏa thuận hứa thưởng.

Như vây, nếu như bên có nghĩa vụ muốn rút lại hứa thưởng thì theo quy định của pháp luật thì hoàn toàn có thể. Tuy nhiên. việc rút lại hứa thưởng  phải được thực hiện trước thời hạn chưa bắt đầu công việc hoặc ngoài ra các bên có thể thoả thuận với nhau về việc rút lại hứa thưởng.

5. Việc trả thưởng thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại Điều 572 Bộ luật dân sự 2015, việc trả thưởng được thực hiện như sau:

+ Trường hợp một công việc được hứa thưởng do một người thực hiện thì khi công việc hoàn thành, người thực hiện công việc đó được nhận thưởng.

+ Khi một công việc được hứa thưởng do nhiều người cùng thực hiện nhưng mỗi người thực hiện độc lập với nhau thì người hoàn thành đầu tiên được nhận thưởng.

+ Trường hợp nhiều người cùng hoàn thành công việc được hứa thưởng vào cùng một thời điểm thì phần thưởng được chia đều cho những người đó.

+ Trường hợp nhiều người cùng cộng tác để thực hiện công việc được hứa thưởng do người hứa thưởng yêu cầu thì mỗi người được nhận một phần của phần thưởng tương ứng với phần đóng góp của mình.

6. Nếu việc hứa thưởng không được thực hiện phải chịu trách nhiệm gì?

Thông qua quy định tại khoản 1 Điều 570 Bộ luật Dân sự 2015, có thể thấy việc hứa thưởng là một hành vi pháp lý đơn phương của một chủ thể, thể hiện ý chí của một bên chủ thể không có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên như hợp đồng dân sự. Vì vậy, tại Bộ luật Dân sự 2015 cũng không có quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp không thực hiện việc hứa thưởng. Do đó, trong trường hợp người hứa thưởng không thực hiện nghĩa vụ hứa thưởng của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên, để xác định một người có phải trả thưởng cho người được hứa thưởng hay không; thì còn phải xem người hứa thưởng có rút lại lời hứa hay không ? Thời điểm rút lại lời hứa diễn ra khi nào, khi đó bên có quyền đã thực hiện công việc xong chưa…..Ngoài ra, Nếu như hai bên có thoả thuận về việc hứa thưởng theo hợp đồng pháp lý thì theo quy định của pháp luật đã nêu và phân tích, do đó, cũng giống như các giao dịch dân sự khác, nếu vi phạm tuyên bố hứa thưởng, bên vi phạm thỏa thuận phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định.

Theo đó, Điều 351 Bộ Luật dân sự 2015 quy định trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:

“Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.”

Lưu ý: Trừ trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Do đó, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của sự vi phạm nghĩa vụ mà trách nhiệm dân sự sẽ phát sinh một số trường hợp như sau:

+ Trường hợp hứa thưởng hiện vật: Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật

Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.

Trường hợp nghĩa vụ giao vật cùng loại không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao vật cùng loại khác; nếu không có vật cùng loại khác thay thế thì phải thanh toán giá trị của vật.

+ Trường hợp hứa thưởng bằng tiền: Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

+ Bồi thường thiệt hại: Mọi trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về ” Hứa thưởng? Hứa thưởng có được rút lại không?”, các quy định về hứa thưởng. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon