Phân tích các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ

phan-tich-cac-can-cu-cham-dut-nghia-vu

Nghĩa vụ được coi là một bộ phận không tách rời trong nội dung của một quan hệ pháp luật dân sự. Bao gồm những hành vi mà một bên chủ thể phải thực hiện vì lợi ích của chủ thể bên kia như chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc đã được các bên tham gia quan hệ đó hoặc pháp luật xác định…

Bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ trước quyền yêu cầu của phía bên kia. Trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự có thể có những trường hợp dẫn tới chấm dứt nghĩa vụ dân sự, từ đó giải phóng cho bên có nghĩa vụ khỏi việc thực hiện nghĩa vụ. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Chấm dứt nghĩa vụ là gì?

Chấm dứt nghĩa vụ được hiểu là việc một người có nghĩa vụ phải giao một tài sản hoặc thực hiện công việc nhằm đáp ứng lợi ích cho bên có quyền sẽ không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Việc chấm dứt nghĩa vụ sẽ giải phóng cho bên có nghĩa vụ khỏi việc thực hiện nghĩa vụ mà không bị coi là vi phạm và không phải chịu bất cứ một chế tài nào.

Nói cách khác, nghĩa vụ chấm dứt đồng nghĩa với việc chấm dứt một mối quan hệ pháp luật về nghĩa vụ giữa hai bên và lúc này bên có quyền sẽ không có quyền yêu cầu và bên có nghĩa vụ cũng không phải thực hiện nghĩa vụ.

2. Các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ

Quan hệ nghĩa vụ không tự nhiên chấm dứt mà nó phải được chấm dứt dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định. Điều 372 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về 11 căn cứ làm chấm dứt nghĩa vụ:

Điều 372. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ

Nghĩa vụ chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được hoàn thành;

2. Theo thỏa thuận của các bên;

3. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;

4. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác;

5. Nghĩa vụ được bù trừ;

6. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một;

7. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết;

8. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;

9. Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác;

10. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;

11. Trường hợp khác do luật quy định.

– Nghĩa vụ được hoàn thành: Nghĩa vụ được coi là hoàn thành khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong toàn bộ nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ cũng được coi là hoàn thành khi bên có nghĩa vụ thực hiện được một phần nghĩa vụ nhưng phần còn lại được bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ. Nếu đối tượng của nghĩa vụ là tài sản mà người có quyền chậm tiếp nhận thì nghĩa vụ cũng coi là hoàn thành khi bên có nghĩa vụ gửi giữ tài sản đó tại nơi nhận gửi giữ theo quy định của pháp luật.

– Theo thỏa thuận của các bên: Là sự thống nhất ý chí của các bên về việc chẫm dứt nghĩa vụ. Nghĩa vụ sẽ chấm dứt kể từ thời điểm thỏa thuận của các bên có hiệu lực pháp luật. Xuất phát từ nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận trong việc xác lập, thực hiện cũng như chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể, pháp luật cho phép các bên có thể thỏa thuận để chấm dứt nghĩa vụ dân sự bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, việc thỏa thuận đó không được gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích họp pháp của các chủ thể khác.

– Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ: Là việc thể hiện ý chí của bên mang quyền trong quan hệ nghĩa vụ về việc không yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ. Quan hệ nghĩa vụ sẽ chấm dứt kể từ thời điểm người có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

– Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác: Khi các bên thỏa thuận thay thế nghĩa vụ ban đầu bằng nghĩa vụ khác thì nghĩa vụ ban đầu chấm dứt đồng thời phát sinh quan hệ nghĩa vụ mới.

Ví dụ: Các bên thỏa thuận giao vật thay bằng trả tiền thì nghĩa vụ giao vật chấm dứt và phát sinh nghĩa vụ trả tiền giữa các bên.

– Nghĩa vụ được bù trừ: Là việc hai bên cùng có nghĩa vụ cùng loại đến thời hạn thì bù trừ nghĩa vụ cho nhau. Khi nghĩa vụ được bù trừ mà đối tượng của nghĩa vụ có sự chênh lệch về giá trị thì các bên phải thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch. Khi nghĩa vụ được bù trừ thì quan hệ nghĩa vụ chấm dứt.

– Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một: Là trường hợp bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ lại trở thành người có quyền đối với nghĩa vụ đó. Ví dụ như pháp nhân có quyền và pháp nhân có nghĩa vụ sáp nhập với nhau. Theo Điều 89 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 89. Sáp nhập pháp nhân

“Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.”

– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết: Khi thời hạn pháp luật quy định cho bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đã hết thì theo quy định của pháp luật chủ thể mang nghĩa vụ sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ nữa và nghĩa vụ chấm dứt kể từ thời điểm kết thúc của thời hạn.

– Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện: Đây thường là nghĩa vụ gắn với nhân thân của người có nghĩa vụ hoặc theo thỏa thuận của các bên thì nghĩa vụ phải do chính chủ thể mang nghĩa vụ thực hiện thì khi bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại thì nghĩa vụ sẽ chấm dứt. Ví dụ: Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt khi bên cấp dưỡng chết.

– Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác. Ngược lại với căn cứ trên thì trong trường hợp này bên chấm dứt tư cách chủ thể lại là bên mang quyền. Trong trường hợp quyền yêu cầu gắn với nhân thân của cá nhân hoặc pháp nhân mà theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên khi cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt quyền yêu cầu đó không thể để lại thừa kế hoặc không thể chuyển giao thì quan hệ nghĩa vụ cũng chấm dứt.

– Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác. Do vật đặc định là vật phân biệt được với vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí… nên vật đặc định không thể thay thể cho nhau. Khi các bên có nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó và khi vật đặc định không còn thì nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, trong trường hợp này các bên có thể thỏa thuận thay thế bằng nghĩa vụ khác. Nếu không thỏa thuận được thì bên có nghĩa vụ giao vật sẽ phải thanh toán giá trị của vật và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp khác do luật quy định: Là những trường hợp pháp luật dự liệu mà khi các trường hợp này xảy ra thì nghĩa vụ không thể được thực hiện mà phải chấm dứt theo quy định của pháp luật như phá sản hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

3. Những nghĩa vụ không được bù trừ

Nghĩa vụ được bù trừ là một trong những căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, không phải nghĩa vụ nào cũng được bù trừ. Tại Điều 379 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về các trường hợp nghĩa vụ không được bù trừ như sau:

Điều 379. Những trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ

“Nghĩa vụ không được bù trừ trong trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ đang có tranh chấp;

2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

3. Nghĩa vụ cấp dưỡng;

4. Nghĩa vụ khác do luật quy định.”

– Nghĩa vụ đang có tranh chấp: Là quan hệ nghĩa vụ đang có mâu thuẫn, bất đồng và có yêu cầu giải quyết của một trong các bên. Đối với loại nghĩa vụ này cần phải có một quyết định giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định chính xác quyền và nghĩa vụ của các bên.

– Hơn nữa, cần phải hiểu rộng, kể cả trong trường hợp đối tượng của nghĩa vụ đang có người thứ ba tranh chấp thì việc bù trừ nghĩa vụ cũng không thể thực hiện được bởi lẽ chưa xác định được chính xác chủ thế có quyền và nghĩa vụ đối với đối tượng thì việc bù trừ nghĩa vụ có thể sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của những người có liên quan đến tranh chấp đó.

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Nghĩa vụ này không chỉ bù đắp tổn thất về vật chất mà còn bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại và thân nhân của họ. Chính vì vậy, đây là một loại nghĩa vụ về tài sản gắn với nhân thân mà phảp luật không cho phép bù trừ.

– Nghĩa vụ cấp dưỡng: Cũng là nghĩa vụ về tài sản gắn với nhân thân người phải cấp dưỡng và người được cấp dưỡng. Chỉ những người trong những hoàn cảnh và những mối quan hệ đặc biệt mới được pháp luật ghi nhận có mối quan hệ cấp dưỡng đối với nhau. Việc được hưởng quyền cấp dưỡng cũng là để đảm bảo mức sống tối thiểu của người được cấp dưỡng. Chính vi vậy, việc bù trừ nghĩa vụ đối với những chủ thể này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ. Do đó, pháp luật quy định đối với nghĩa vụ cấp dưỡng thì không được bù trừ nghĩa vụ.

– Các nghĩa vụ khác do pháp luật quy định: Đây là các trường họp pháp luật dự liệu đối với nghĩa vụ không được bù trừ. Nếu các văn bản pháp luật khác có quy định về trường họp không được bù trừ nghĩa vụ thì các bên phải tuân theo.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon