Quyền tài sản là gì? Các loại quyền đối với tài sản

quyen-tai-san-la-gi-cac-loai-quyen-doi-voi-tai-san

Trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay, quyền tài sản và các loại quyền đối với tài sản là vấn đề luôn được quan tâm. Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền tài sản và các loại quyền đối với tài sản cụ thể như sau:

Căn cứ pháp lý:

1. Quyền tài sản là gì?

1.1. Tài sản là gì? Tài sản bao gồm những loại nào?

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

Phân loại tài sản theo Bộ luật Dân sự 2015:

  • Tài sản là vật:

– Vật chính và vật phụ

+ Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng.

+ Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính.

+ Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

– Vật chia được và vật không chia được

+ Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu

+ Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

+ Khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia.

– Vật tiêu hao và vật không tiêu hao

+ Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn.

+ Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

– Vật cùng loại và vật đặc định

+ Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường.

Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.

+ Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đùng vật đó.

– Vật đồng bộ

Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ tường hợp có thoả thuận khác.

  • Tài sản là tiền

Tiền là một phương tiện trao đổi đa năng, là vật ngang giá chung để trao đổi hàng hoá, dịch vụ.

  • Tài sản là giấy tờ có giá

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT – NHNN thì giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.

Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 11/2012/NĐ – CP thì giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch.

  • Quyền tài sản

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Trong đó, theo quy định tại Điều 107 Bộ luật dân sự 2015, bất động sản bao gồm:

  • Đất đai;
  • Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
  • Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
  • Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Động sản là những tài sản không phải bất động sản.

Theo Điều 108 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.

Tức là loại tài sản này đã được thuộc quyền sở hữu của chủ thể nhất định trước khi xảy ra sự kiện pháp lý.

Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:

  • Tài sản chưa hình thành;
  • Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời diểm xác lập giao dịch.

Loại tài sản hình thành trong tương lai này chưa được được hình thành hoặc chưa hình thành đầy đủ ở hiện tại nhưng sẽ xuất hiện trong tương lai và thuộc sở hữu của bên thế chấp

1.2. Quyền tài sản

Tại Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Theo đó:

Quyền tài sản là quyền trị giá được tính bằng tiền, không đòi hỏi có sự chuyển giao trong giao dịch dân sự. Đối với quyền tài sản là đối tượng thì phải đáp ứng được hai yêu cầu là trị giá được tính bằng tiền và được chuyển giao cho người khác trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản gồm có: quyền sử dụng tài sản thuê, quyền thực hiện hợp đồng, quyền đòi nợ, quyền trị giá bằng tiền, quyền sở hữu trí tuệ. Các quyền tài sản khác gắn với nhân thân thì không thể chuyển giao như: quyền cấp dưỡng, quyền thừa kế, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ.

Quyền tài sản gồm có quyền sử dụng đất, quyền tài sản đối với sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Quyền tài sản có thể được chia ra thành hai loại: quyền đối nhân và quyền đối vật. Quyền đối vật là quyền chủ thể được tác động trực tiếp vào vật nhằm thoả mãn nhu cầu của mình như quyền cầm cố, quyền sở hữu, quyền hưởng hoa lợi, quyền thế chấp,… Quyền đối nhân là quyền chủ thể này đối với chủ thể khác. Quyền đối nhân được đáp ứng nếu bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền.

2. Các loại quyền đối với tài sản

2.1. Quyền sở hữu

Theo Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt của chủ sở hữu theo quy định của luật.

  • Quyền chiếm hữu:

Điều 186. Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu

“Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”

Theo quy định của luật thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, không được trái đạo đức xã hội. Quyền chiếm hữu sẽ có hai loại đó là: chiếm hữu ngay tình (chiếm hữu có căn cứ pháp luật) và chiếm hữu không ngay tình (chiếm hữu không có căn cứ pháp luật).

– Đối với trường hợp chiếm hữu ngay tình, chủ sở hữu thực hiện quản lý tài sản trong phạm vi chiếm hữu của mình hoặc uỷ quyền cho người khác quản lý tài sản trong phạm vi uỷ quyền; hay quyền chiếm hữu được thực hiện thông qua các giao dịch dân sự bảo đảm phù hợp với ý chí của chủ sở hữu.

– Đối với trường hợp chiếm hữu không ngay tình, đây là loại chiếm hữu không dựa trên bất cứ quy định nào của luật. Người chiếm hữu biết rằng hành vi của họ là không có căn cứ hợp pháp nhưng vẫn thực hiện hành vi chiếm hữu hoặc về chủ quan họ không biết nhưng quy định của pháp luật bắt buộc họ phải biết. Những trường hợp các chủ thể thực hiện hành vi chiếm hữu không ngay tình thường rơi vào các loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu như bất động sản hay động sản mà pháp luật bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu.

  • Quyền sử dụng:

Điều 189. Quyền sử dụng

“Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.

Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”

Nội dung về quyền sử dụng trong Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Quyền sử dụng là quyền thực hiện các hành vi khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Khai thác giá trị của tài sản nhằm đáp ứng lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần của chủ trong đời sống kinh tế – xã hội.

Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu được quyền sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Đối với trường hợp quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu thì người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.

  • Quyền định đoạt:

Điều 192. Quyền định đoạt

“Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”.

Nội dung về quyền định đoạt trong Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

Điều kiện để thực hiện quyền định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật.

Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.

Chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản như quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Trường hợp, quyền định đoạt của người không phải chủ sở hữu thì người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

– Hạn chế quyền định đoạt

+ Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.

+ Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.

2.2. Quyền khác đối với tài sản

  • Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
  • Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

+ Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).

+ Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.

+ Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác.

Trên đây là nội dung chi tiết về quy định của pháp luật đối với quyền tài sản và các loại quyền đối với tài sản. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon