Thuật ngữ “nguyên tắc bồi thường’’ trong các giao dịch thường được biết là trường hợp phát sinh khi trong giao dịch thỏa thuận phát sinh vấn đề ngoài mong muốn và người gây thiệt hại có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho bên chịu thiệt hại. Trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về tất cả các vấn đề liên quan như mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường Vậy, nguyên tắc bồi thường là gì và một vài kiến nghị để hoàn thiện nguyên tắc bồi thường trong bộ luật dân sự năm 2015.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật thương mại năm 2005;
1. Khái quát về nguyên tắc bồi thường
Nguyên tắc được hiểu là “hệ thống các quan điểm, tư tưởng xuyên suốt toàn bộ hoặc một giai đoạn nhất định đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân theo” hoặc được lý giải “nguyên” là “gốc”, còn tắc là “phép tắc” nên nguyên tắc là “điều cơ bản đã được quy định để dùng làm cơ sở cho các mối quan hệ xã hội” hoặc “điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo nguyên tắc sống, làm việc có nguyên tắc”. Dù các khái niệm có thể đưa ra với cách lý giải khác biệt về ngôn từ chính xác nhưng đều thống nhất nguyên tắc là những phép tắc cơ bản, gốc nhằm điều chỉnh một quan hệ hoặc một nhóm quan hệ nào đó mà buộc các chủ thể có liên quan tuân thủ.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được hiểu là các xử sự được coi là chuẩn mực và được luật quy định để áp dụng chung cho các trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đáp ứng các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là khắc phục những tổn thất mà người bị thiệt hại phải gánh chịu khi có hành vi gây thiệt hại cũng như có sự kiện tài sản gây thiệt hại. Trên cơ sở đó nhằm duy trì trật tự xã hội, đảm bảo cho lẽ công bằng được áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Để có thể đạt được mục đích này, không chỉ đòi hỏi các quy định về bổi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải được ban hành kịp thời, đầy đủ và đúng đắn, mà còn đòi hỏi việc áp dụng các quy định này cũng phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Đây chính là lý do khẳng định việc xây dựng các nguyên tắc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hoàn toàn cần thiết.
Trong BLDS Việt Nam hiện hành, các nguyên tắc bồi thường thiệt hại được ghi nhận tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015.
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”
2. Một vài yêu câu đối với nguyên tắc bồi thường
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau:
Một là, các nguyên tắc này phải được luật hoá và áp dụng cho các trường hợp bồi thường thiệt hại xảy ra trong thực tiễn đời sống. Khi các nguyên tắc được luật hoá sẽ đảm bảo cơ chế áp dụng các quy định của pháp luật. Khi không tuân thủ, các chủ thể phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý mang tính bất lợi.
Hai là, đảm bảo bảo vệ lợi ích đầy đủ, nhanh chóng cho những người bị thiệt hại. Mụctiêu cuối cùng khi quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại là nhằm đảm
bảo người bị thiệt hại phải được bù đắp những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do hành vi hoặc tài sản của người khác gây ra.
Ba là, đảm bảo áp dụng nguyên tắc “cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự” (khoản 5 Điều 3 BLDS năm 2015 về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự). Khi có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín hay tài sản của người khác có nghĩa đã không thực hiện đúng nghĩa vụ tôn trọng sự tuyệt đối đối với tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín hay tài sản của người khác nên phải phát sinh trách nhiệm pháp lý mang tính bất lợi tương ứng với hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Bốn là, đảm bảo sự công đồng, bảo vệ quyền lợi của mọi chủ thể trong xã hội. Bất kỳ chủ thể nào trong xã hội bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người khác hoặc do tài sản thuộc sở hữu của người khác gây ra với mình đều được pháp luật bảo đảm bằng cách quy định quyền của họ cũng như cơ chế đảm bảo thực hiện quyền được bồi thường này.
3. Một số đánh giá và kiến nghị hoàn thiện các nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Những quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại đã cung cấp nền tảng pháp lý để các chủ thể thực hiện việc bồi thường này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có những điểm còn khó khăn cho việc áp dụng như sau:
Thứ nhất, tính toán tổng thiệt hại thực tế là một “thách thức” không chỉ cho người bị thiệt hại mà cho cả người gây thiệt hại hoặc các chủ thể có liên quan. Những điểm còn khó áp dụng bao gồm:
Những chi phí không dễ dàng có bằng chứng như chi phí đi lại bằng các phương tiện không có hoá đơn hoặc các chi phí quá nhỏ nhưng cũng khó khăn cho việc cộng gộp nên việc xác định chi phí dạng này mang tính tương đối, khó có thể tính toán chính xác.
Sự chênh lệch trong xác định giá trị thiệt hại thực tế được đưa ra bởi các chuyên gia trong lĩnh vực đó với giá trị thực của giao dịch khi xử lý tài sản hoặc khi bỏ ra chi phí thực tế để thực hiện công việc. Như vậy, lúc này, giá trị thực tế nên căn cứ vào các chi phí, con số thực tế cụ thể và đương nhiên cũng cần đáp ứng yêu cầu hợp lý.
Thứ hai, việc xem xét huỷ bỏ quyết định giảm mức bồi thường cần được ghi nhận như một quyền của Toà án khi Toà án có đầy đủ căn cứ chứng minh khả năng kinh tế của người bồi thường thiệt hại được cải thiện đáng kể. Vì nếu để xử lý theo tình huống quy định tại Khoản 3 Điều 585 BLDS năm 2015 thì lại phải theo một quy trình khác và hoàn toàn dựa trên yêu cầu của bên bị thiệt hại hoặc bên bồi thường thiệt hại.
Chính vì lẽ đó, nhà làm luật nên bổ sung quyền cho Toà án được phép huỷ bỏ quyết định giảm mức bồi thường khi thoả mãn các điều kiện: có đầy đủ căn cứ chứng minh sự cải thiện khả năng kinh tế của bên bồi thường thiệt hại; bên được bồi thường thiệt hại không có văn bản thể hiện ý chí về việc từ chối thay đổi mức bồi thường dù bên phải bồi thường đã cải thiện khả năng kinh tế. Thời hạn để Toà án được phép huỷ bỏ quyết định giảm mức bồi thường có thể theo một thời hạn nhất định như 03 tháng hoặc 06 tháng. Hết khoảng thời gian này thì Toà án sẽ không có quyền huỷ bỏ quyết định giảm mức bồi thường và xem xét ra quyết định mới về mức bồi thường.
Thứ ba, khi xem xét mức thiệt hại áp dụng cho nguyên tắc giảm mức bồi thường được quy định tại khoản 2 Điều 585 BLDS năm 2015 và để tránh sự mâu thuẫn khi áp dụng nguyên tắc tại khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 thì phải xác định, mức bồi thường được xem xét giảm phải là giá trị bồi thường tính theo công thức: giá trị thiệt hại thực tế trừ đi phần thiệt hại bị gây ra do lỗi của bên bị thiệt hại. Chỉ như vậy các nguyên tắc khi áp dụng sẽ không bị chồng chéo.
Thứ tư, một nội dung đặt ra khi áp dụng nguyên tắc ghi nhận tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015 chính là nếu trường hợp người bị thiệt hại khi không áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại dẫn đến thiệt hại thì có làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người khác không. Tại khoản 5 của Điều luật này mới chỉ dừng lại phần giá trị thiệt hại của chính bản thân người này mà do hành vi không áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thì sẽ không được bồi thường. Nhưng thực tế, phải xác định, phần thiệt hại người thứ ba cũng do hành vi không áp dụng các biện pháp được nêu tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015. Nên chính vì thế, cần phải xác định, người bị thiệt hại khi không áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế mà gây thiệt hại cho người thứ ba thì cũng phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thứ ba.
Thứ năm, khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015 cũng nên tách ra thành một điều luật độc lập nhằm đảm bảo sự logic, phù hợp khi đưa vào Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại điều này. Như vậy, nội dung điều luật mới vẫn đảm bảo là nguyên tắc chung áp dụng trong trường hợp không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về nguyên tắc bồi thường và một số kiến nghị về việc hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự với nền tảng là Bộ luật dân sự năm 2015 hiện hành. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.