Quyền và nghĩa vụ của bên mua lại tài sản

quyen-va-nghia-vu-cua-ben-mua-lai-tai-san

Mua bán tài sản là một giao dịch khá phổ biến và diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Đó là giao dịch giữa bên mua và bên bán thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nhưng đặc biệt mua bán tài sản thường xảy ra ở hai hình thức đó là mua bán tài sản không thông qua hợp đồng và mua bán tài sản kèm theo hợp đồng. Thông thường nếu giá trị của vật được mua có giá gị cao thì giữa người mua và người bán sẽ lựa chọn phương thức mua tài sản kèm theo hợp đồng để bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên tham gia giao dịch mua bán. Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên có quyền với tài sản sẽ chuyển giao quyền tài sản của mình cho người mua. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán tài sản? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia xin giải đáp thắc mắc về quyền và nghĩa vụ của bên mua lại tài sản theo quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý:

1. Khái quát chung về mua bán tài sản theo quy định của pháp luật

1.1. Hợp đồng mua bán tài sản là gì?

Căn cứ vào Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng mua bán tài sản như sau:

“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”

Theo đó, hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, các bên chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho bên mua và bên bán trả tiền. Nên có thể thấy đối với việc trao đổi tài sản này cần phải có hợp đồng để có thể bảo vệ quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong giao dịch mua bán tài sản theo nguyên tắc tự nguyện và thoả thuận giữa các bên.

1.2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán tài sản

Thứ nhất, Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng song vụ có những đặc điểm như bên bán và bên mua đều có quyền và nghĩa vụ đối nhau.

Trong hợp đồng mua bán tài sản, bên bán có quyền yêu cầu bên mua nhận vật và trả tiền mua vật và ngược lại, bên mua có quyền yêu cầu bên bán chuyển giao vật và nhận tiền bán vật.

Thứ hai, Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng có đền bù. Theo đó, nếu bên mua và bên bán không thực hiện đúng một hoặc toàn bộ các nội dung ghi trong hợp đòng thì bên có lỗi phải có nghĩa vụ đối với các quy định giao kết trong hợp đồng

Thứ ba, Đặc điểm của hợp đồng có sự chuyển giao quyền sở hữu tài sản là đặc điểm để phân biệt với Hợp đồng cho mượn hay cho thuê tài sản.

1.3. Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản

Căn cứ vào Điều 431 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản là: “Tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó.Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.”

Như vậy, Luật quy định đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản là tài sản, và tài sản không thuộc điều cấm của pháp luật đồng thời tài sản đó phải thuộc quyền sở hữu của người bán hoặc người có quyền bán.

2. Quyền và nghĩa vụ của bên mua tài sản

2.1. Quyền của bên mua lại tài sản

Thứ nhất, Quyền đối với tài sản giao không đúng chủng loại

Căn cứ vào khoản 2 Điều 437 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

– Nhận và thanh toán theo giá do các bên thoả thuận;

– Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại;

– Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

Trường hợp tài sản mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận đối với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, Quyền yêu cầu bảo hành

Trong thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.

(Căn cứ pháp lý: Điều 447 Bộ luật Dân sự 2015)

Thứ ba, Quyền bán đấu giá tài sản

Tài sản có thể được đem bán đấu giá theo ý chí của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Tài sản thuộc sở hữu chung đem bán đấu giá phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Việc bán đấu giá tài sản phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia và được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.( Điều 451 Bộ luật dân sự 2015)

Thứ tư, Quyền được mua trả chậm, trả dần

Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

(Căn cứ pháp lý: Điều 453 Bộ luật dân sự 2015)

Thứ năm, Quyền được yêu cầu bảo hành và bồi thường trong thời gian bảo hành

Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền. (Khoản 3 Điều 448 Bộ luật Dân sự 2015)

Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành theo khoản 1 điều 449 Bộ luật Dân sự năm 2015

2.2. Nghĩa vụ của bên mua

Thứ nhất, Nghĩa vụ trả tiền

Căn cứ vào Điều 440 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

– Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

– Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

– Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự 2015.

Thứ hai, Nghĩa vụ về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu

– Chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Trường hợp các bên không có thoả thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định theo chi phí đã được công bố, quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.

– Trường hợp không có căn cứ xác định theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng.

Như vây, Nghĩa vụ quan trọng nhất của bên mua là “nghĩa vụ trả tiền”. Nghĩa vụ này gắn với quyền đối ứng của bên bán là quyền “yêu cầu trả tiền”. Khoản 1, Điều 440 Bộ luật dân sự đã khẳng định: “Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.” Thông thường, khi bên bán giao tài sản thì bên mua sẽ thực hiện luôn nghĩa vụ trả tiền, tuy nhiên việc thực hiện nghĩa vụ này cũng do các bên thỏa thuận, pháp luật tôn trọng ý chí của các bên, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc: “Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.” Nếu bên mua chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo đúng thời hạn thì họ phải chịu thêm khoản lãi trên số tiền chậm trả.

Trên đây là một số quy định của pháp luật về “Quyền và nghĩa vụ của bên mua lại tài sản” được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Nếu các bạn có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ số Hotline 19006586 để nhận được sự tư vấn tốt nhất từ Luật Dương Gia.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon