Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi

quyen-nghia-vu-cua-cha-nuoi-me-nuoi-va-con-nuoi

Xuất phát từ quan niệm mọi trẻ em đều cần có sự quan tâm, nuôi dưỡng và chăm sóc về mặt thể chất và tinh thần. Do đó, nhà nước luôn tạo điều kiện để trẻ em có được một gia đình đầy đủ bằng cách ban hành quy định pháp luật về luật nuôi con nuôi. Theo đó, việc nhận con nuôi không chỉ được thực hiện từ ý chí chủ quan của các cá nhân mà khi nhận con nuôi các bên còn có quyền và nghĩa vụ riêng. Vậy quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi cụ thể như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

– Luật nuôi con nuôi năm 2010

– Luật hôn nhân gia đình năm 2014

– Bộ luật dân sự năm 2015

1. Nuôi con nuôi là gì?

Dưới góc độ xã hội, con nuôi là con không cùng huyết thống với người nhận nuôi. Nhận con nuôi được hiểu là việc một hoặc hai người (đã trưởng thành) nhận con của người khác về nuôi dưỡng, chăm sóc và xem như con ruột nhằm thoả mãn nhu cầu lợi ích của của bên.

Dưới góc độ pháp luật, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật nuôi con nuôi thì:

“Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.”

Việc nuôi con nuôi được hình thức hoá dưới dạng pháp luật. Mục đích của việc nhận con nuôi xuất phát từ tình yêu thương, thoả mãn nhu cầu lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên mục đích đó không được trái quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

2. Điều kiện nhận con nuôi

Về nguyên tắc, việc nhận con nuôi phải đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi, không phân biệt giới tính, không trái đạo đức xã hội và pháp luật. Để người được nhận nuôi có thể phát triển toàn diện nhất về mặt thể chất và tinh thần thì người nhận con nuôi cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010. Cụ thể như sau:

“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này.”

Ngoài ra, bên được nhận làm con nuôi cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định tại điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010. Cụ thể như sau:

“1. Trẻ em dưới 16 tuổi

 2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.”

Như vậy, việc nhận con nuôi cần phải đáp ứng đồng thời các điều kiện trên của cả hai bên thì việc nhận nuôi mới được pháp luật thừa nhận và cho phép.

3. Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ nuôi đối với con nuôi

Theo quy định tại khoản 2, điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010 thì “Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.”

Sau khi hoàn tất các thủ tục về việc nhận con nuôi thì hệ quả của việc nhận con nuôi sẽ được đi kèm. Theo đó, khoản 1 điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định rất rõ về hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau: “Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.” Lại có, khoản 1 điều 78 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 cũng có quy định “Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi.” Như vậy, thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi là kể từ khi các bên xác lập quan hệ pháp luật theo quy định pháp luật về Luật nuôi con nuôi. Lúc này, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ ruột sẽ được chuyển sang cha mẹ nuôi, bao gồm quyền nhân thân và tài sản.

Như vậy, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi đối với con nuôi sẽ được dẫn chiếu đến điều 69 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau :

“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3.Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sựcho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”

Ngoài ra, người nhận nuôi còn có quyền thay đổi một số quan hệ về nhân thân trên giấy khai sinh của con nuôi. Cụ thể theo khoản 2,3 điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 thì việc nhận con nuôi không đương nhiên làm thay đổi họ tên của con nuôi mà theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Trường hợp con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó. Bên cạnh đó, dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi cũng được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

4. Quyền và nghĩa vụ của con nuôi đối với cha, mẹ nuôi

Theo quy định tại khoản 3 điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010 thì “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.”

Cũng giống như quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi đối với con nuôi thì kể từ khi phát sinh quan hệ nhận nuôi theo quy định của pháp luật thì con nuôi cũng có những quyền và nghĩa vụ giống như con ruột.

Cụ thể quyền và nghĩa vụ của con nuôi đối với cha mẹ nuôi được quy định tại điều 70 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:

“1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

3.Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

4. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

5. Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.”

Như vậy, trên nguyên tắc không phân biệt con nuôi hay con ruột thì quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi đối với con nuôi và của con nuôi đối với cha mẹ nuôi là giống với quyền và nghĩa vụ của cha mẹ ruột đối với con ruột và giữa con ruột đối với cha mẹ ruột. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ chấm dứt kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Khi đó cha, mẹ đẻ và con đẻ (người đã được nhận làm con nuôi) được khôi phục quyền và nghĩa vụ như cũ. Trong trường hợp, cha mẹ đẻ không còn hoặc không có điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi”. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon