Hợp đồng thương mại là gì? Nội dung của hợp đồng thương mại?

hop-dong-thuong-mai-la-gi-noi-dung-cua-hop-dong-thuong-mai

Những năm qua, trong công cuộc đổi mới và phát triển chung của đất nước, các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, cải thiện và hoàn chỉnh mình. Trong quá trình thực hiện các chuỗi hoạt động nhằm phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều phải thường xuyên giao kết, thực hiện các hợp đồng thương mại với đối tác của mình. Việc xác lập, thực hiện được nhiều hay ít hợp đồng có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, các giao dịch thương mại góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích nội dung về hợp đồng thương mại và nội dung của hợp đồng thương mại.

Căn cứ pháp lý:

– Luật thương mại năm 2005;

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Hợp đồng thương mại là gì?

Hợp đồng thương mại là hợp đồng được hình thành trong lĩnh vực thương mại. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên về sự xác lập, chấm dứt, thay đổi quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thương mại.

Hợp đồng thương mại có bản chất là hợp đồng dân sự, là sự thỏa thuận giữa các bên dựa trên nguyên tắc tự do, bình đẳng, thiện chí. Mặc dù, hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự có những điểm chung, nhưng hợp đồng thương mại có những đặc thù riêng, cụ thể về chủ thể của hợp đồng bắt buộc phải có một bên là thương nhân, mục đích của các bên tham gia hợp đồng chính là lợi nhuận…

Hợp đồng thương mại có những đặc điểm sau:

– Thứ nhất, có ít nhất một bên của chủ thể hợp đồng là thương nhân.

Chủ thể của hợp đồng thương mại được xác lập giữa thương nhân với thương nhân hoặc giữa thương nhân với các chủ thể khác khi các bên giao dịch và lựa chọn Luật Thương mại năm 2005 để điều chỉnh.

Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Tùy thuộc từng hợp đồng thương mại cụ thể mà các bên chủ thể giao kết hợp đồng phải là thương nhân (như hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng khuyến mại…) hoặc chỉ cần một bên chủ thể hợp đồng là thương nhân (như hợp đồng môi giới thương mại, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa).

Các chủ thể khác là các chủ thể hoạt động không thường xuyên, mục đích giao dịch là đáp ứng tiêu dùng, nhu cầu bản thân không mang tính chất lợi nhuận được coi như là các chủ thể của Bộ luật Dân sự khi tham gia các hoạt động thương mại.

– Thứ hai, hợp đồng thương mại gắn liền với hoạt động mang tính nghề nghiệp của thương nhân – hoạt động thương mại.

Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Vì vậy, mục đích của hợp đồng thương mại phải gắn với mục đích sinh lợi.

– Thứ ba, hình thức của hợp đồng thương mại là rất đa dạng, có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Hình thức của hợp đồng là cách thức thể hiện và ghi nhận ý chí của các bên trong việc giao kết hợp đồng. Về nguyên tắc, các bên được tự do lựa chọn hình thức hợp đồng trừ trường hợp pháp luật có quy định về hình thức cụ thể của hợp đồng. Đối với hợp đồng thương mại mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì thương nhân phải tuân thủ các quy định đó.

2. Nội dung của hợp đồng thương mại

Nội dụng hợp đồng thương mại là các điều khoản do các bên chủ thể tự do thỏa thuận thể hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng thương mại. Nội dung hợp đồng thương mại có bản chất giống như nội dung của hợp đồng dân sự, đó là thỏa thuận để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa các bên chủ thể. Nội dung của hợp đồng thương mại cũng được chia thành ba nhóm là điều khoản thông thường, điều khoản cơ bản và điều khoản tùy nghi. Luật Thương mại năm 2005 không quy định về nội dung của hợp đồng thương mại như quy định tại Điều 398 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nội dung của hợp đồng.

Nội dung của hợp đồng thương mại phải dựa trên sự thỏa thuận của các bên giao kết và đồng thời phải tuân thủ những nguyên tắc, những quy định chung của pháp luật hợp đồng nói chung được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài những điều khoản mang tính chất bắt buộc phải có trong nội dung của hợp đồng thương mại thì các bên có quyền được thỏa thuận những nội dung khác không nằm trong quy định của pháp luật.

Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2.Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

Đối tượng của hợp đồng.

b) Số lượng, chất lượng,

c) Giá, phương thức thanh toán

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng.

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.”

Luật thương mại 2005 không có quy định bắt buộc các bên phải thỏa thuận những nội dung nào buộc phải có trong hợp đồng thương mại và tùy trong mỗi trường hợp, điều kiện cụ thể các bên có thể tự thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng nhưng cần chú ý đến các điều khoản quan trọng như: đối tượng, số lượng, chất lượng, phương thức thanh toán, phạt vi phạm, giải quyết tranh chấp.

– Đối tượng của hợp đồng thương mại: có thể là hàng hoá hoặc dịch vụ. Đối với hợp đồng thương mại có đối tượng là dịch vụ, cần chỉ rõ cách thức thực hiện, quá trình thực hiện, trình độ chuyên môn của người cung cấp dịch vụ, kết quả công việc, tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ (nếu có). Đối với hợp đồng thương mại có đối tượng là hàng hoá, cần nêu rõ: tên hàng hóa, các thông số kỹ thuật của hàng hóa, miêu tả hàng hóa, giá trị hàng hóa, chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo một hệ thống nhất định của nước sở tại hoặc thế giới…

– Số lượng, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ: Điều khoản số lượng hàng hóa rất quan trọng trong hợp đồng thương mại có đối tượng là hàng hoá. Thể hiện qua đơn vị tinh, số lượng, thậm chí cả phương pháp xác định số lượng.

– Phương thức thanh toán: Trong điều khoản giá cả thì tối thiểu cần đề cập các nội dung: đơn giá, tổng giá trị (bằng chữ và bằng tiền), đồng tiền thanh toán. Đơn giá có thể xác định theo giá cố định hoặc xác định theo giá thị trường.

– Thỏa thuận phạt vi phạm: Các bên có thể thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm và mức phạt vi phạm nhưng không vượt quá 8% giá trị của phần nghĩa vụ bị vi phạm trong hợp đồng.

– Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp: Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, có thể là Tòa án nhân dân hoặc Trọng tài thương mại.

Như vậy, trong mỗi loại hợp đồng, tùy vào tính chất của hợp đồng đó mà các bên chủ thể có thể thỏa thuận những nội dung được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 hoặc thỏa thuận những nội dung khác không được quy định trong văn bản luật mà các bên cho rằng những nội dung đó là cần thiết. Việc bổ sung thêm những quy định trong hợp đồng các bên phải được thỏa thuận bằng phụ lục hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng, phù hợp với hình thức của hợp đồng và không được trái với nội dung đã đăng ký trước đó.

3. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại

Luật thương mại năm 2005 không có quy định cụ thể về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại. Do đó, để xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại có thể xác định dựa vào điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015.

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Căn cứ Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, để hợp đồng thương mại có hiệu lực cần đảm bảo các điều kiện sau:

– Điều kiện về chủ thể:

Các chủ thể tham gia hợp đồng thương mại phải đáp ứng đủ các điều kiện năng lực về chủ thể bao gồm năng lực hành vi, năng lực pháp luật. Trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng thương mại chủ yếu là thương nhân. Khi tham gia hợp đồng thương mại, thương nhân phải đáp ứng điều kiện có đăng ký kinh doanh.

Một số trường hợp mua bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ có điều kiện ngoài việc đăng ký kinh doanh, thương nhân còn phải đáp ứng các điều kiện luật chuyên ngành quy định, ví dụ như về vốn tối thiểu hoặc về tiêu chuẩn người đại diện của công ty.

Chủ thể của hợp đồng thương mại có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền. Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Dân sự 2015 người không có quyền đại diện mà xác lập, thực hiện thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời gian hợp lý.

– Điều kiện về nội dung:

+ Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm những điều mà pháp luật cấm đồng thời không trái đạo đức xã hội.

+ Hàng hóa, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng không nằm trong ngành nghề kinh doanh mà pháp luật cấm. Trong mỗi giai đoạn của nền kinh tế, pháp luật cũng đã có những quy định chặt chẽ về danh mục các hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh và không được phép kinh doanh. Do đó khi tham gia giao kết hợp đồng, chủ thể cần phải xem xét và tìm hiểu kỹ đối tượng để khi ký kết hợp đồng có hiệu lực pháp luật.

– Điều kiện về sự tự nguyện, tự do ý chí của chủ thể tham gia giao dịch:

Điều này được thể hiện rằng khi tham gia giao kết hợp đồng các bên phải tự nguyện, binh đẳng, thiện chí, tự do giao kết nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Việc quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo phù hợp ý chí nguyện vọng của các bên, mang đến những lợi ích chính đáng như mong muốn của các bên mà không xâm phạm đến lợi ích của bên thứ ba nào khác.

– Điều kiện về hình thức:

Một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực đó là hình thức của hợp đồng phải đáp ứng theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở quy định về hình thức của hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2015 thì hình thức của hợp đồng thương mại cũng được xác lập bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong một số trường hợp pháp luật quy định rất cụ thể về hình thức của hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc phải được công chứng, chứng thực thì các bên phải tuân thủ về hình thức của hợp đồng Ví dụ đối với hợp đồng mua bán nhà ở theo Luật Nhà ở 2014 phải được công chứng, chứng thực hoặc đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được các bên lập thành văn bản thì khi đó mới có giá trị pháp lý.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về hợp đồng thương mại. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon