Luật hình sự không thể phát huy vai trò điều tiết các quan hệ xã hội, không thể đi vào cuộc sống nếu thiếu hình phạt. Hình phạt là một thuộc tính không thể thiếu của pháp luật hình sự và là công cụ giúp bảo đảm tính khả thi cũng như nhiệm vụ phòng, chống tội phạm của nhà nước trong thực thi pháp luật. Vì vậy, hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thêm về nội dung của Hình phạt trong Bộ luật hình sự.
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899
1. Khái niệm hình phạt
Điều 30 BLHS năm 2015 đã quy định khái niệm hình phạt như sau: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”.
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, được Nhà nước sử dụng như là công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và các lợi ích hợp pháp của công dân. Tính nghiêm khắc của hình phạt được thể hiện ở chỗ người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị tước bỏ hoặc bị hạn chế những quyền, lợi ích nhất định. Không chỉ phải chấp hành hình phạt đã tuyên, đối tượng bị kết án còn phải mang án tích trong một thời gian nhất định tùy thuộc vào loại tội phạm và tính chất nguy hiểm của tội do chủ thể đã thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong hệ thống hình phạt, BLHS quy định gồm các hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Một người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một tội phạm bắt buộc phải chấp hành một hình phạt chính nhưng đồng thời họ còn có thể phải chấp hành một hoặc nhiều hình phạt bổ sung khác kèm theo.
Hình phạt được luật hình sự quy định và do Tòa án áp dụng. Trong BLHS Việt Nam, hình phạt được quy định ở cả Phần những quy định chung và Phần các tội phạm. Phần những quy định chung quy định những vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến hình phạt như khái niệm hình phạt, mục đích của hình phạt, hệ thống hình phạt, quyết định hình phạt, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt… Còn Phần các tội phạm quy định các loại hình phạt và mức hình phạt cho từng tội phạm cụ thể.
Trong mọi trường hợp, không được áp dụng một loại hình phạt nào đó nếu hình phạt ấy không được quy định trong hệ thống hình phạt hoặc không được quy định trong chế tài của điều luật mà hành vi bị xử phạt thỏa mãn. Mặc dù, hình phạt thì được quy định trong BLHS nhưng hình phạt cụ thể áp dụng cho từng cá nhân người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội phải do Tòa án quyết định. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Tòa án là cơ quan duy nhất có quyên áp dụng loại và mức hình phạt đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Tòa án nhân danh Nhà nước xét xử và quyết định một người hoặc pháp nhân thương mại có tội hay không có tội, quyết định mức hình phạt cụ thể đối với đối tượng phạm tội. Thông qua việc xét xử, Tòa án thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Do đó mà ngoài Tòa án thì không có một cơ quan, tổ chức nào có quyền áp dụng hình phạt đối với chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm.
Hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Ngay cả trong trường hợp người phạm tội trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật thì cũng không thể áp dụng hình phạt đối với các thành viên trong gia đình cũng như những người thân khác của người phạm tội. Dựa trên nguyên tắc này, luật hình sự Việt Nam không cho phép việc chấp hành hình phạt thay cho người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội mặc dù sự chấp hành thay là hoàn toàn tự nguyện. Bở lẽ, bản thân người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội là chủ thể đã thực hiện hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó xâm hại đến lợi ích nhất định được luật hình sự bảo vệ và như vậy hình phạt thể hiện sự trừng phạt xứng đáng đối với hành vi nguy hiểm đó và nhằm giáo dục chủ thể phạm tội, nên hình phạt phải được áp dụng đối với chính đối tượng phạm tội nhằm làm cho họ nhận ra những sai lầm của mình để từ đó tạo cơ sở để họ cải tạo tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội ngăn ngừa họ phạm tội mới.
2. Mục đích của hình phạt
Mục đích của hình phạt được quy định tại Điều 31 BLHS năm 2015: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.
Mục đích của hình phạt trong luật hình sự Việt Nam được xác định đối với hai nhóm đối tượng: Một là đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội. Hai là đối với người, pháp nhân thương mại khác trong xã hội. Mục đích của hình phạt đối với nhóm đối tượng thứ nhất là người, pháp nhân thương mại phạm tội (mục đích này còn được gọi là mục đích phòng ngừa riêng của hình phạt) được thể hiện ở chỗ hình phạt nhằm trừng trị và giáo dục họ.
Trừng trị trong luật hình sự là Nhà nước áp dụng những hình phạt cụ thể với người, pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc gây ra những hạn chế nhất định về quyền và lợi ích đối với người, pháp nhân thương mại bị kết án. Mức độ của việc tước bỏ và hạn chế những quyền và lợi ích của người, pháp nhân thương mại phạm tội phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện, phụ thuộc vào các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, phụ thuộc vào nhân thân người phạm tội hoặc việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội. Về nguyên tắc, hình phạt đã tuyên phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi. Do đó, tội phạm càng nguy hiểm thì mức độ trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội càng nghiêm khắc. Hình phạt áp dụng cho người, pháp nhân thương mại phạm tội phải đúng mức, đúng người, đúng tội, kịp thời và công minh.
Tuy nhiên, theo luật hình sự Việt Nam, trừng trị không được coi là mục đích chủ yếu của hình phạt mà mục đích chủ yếu trong phòng ngừa riêng của hình phạt là giáo dục người, pháp nhân thương mại phạm tội ý thức tuân theo pháp luật để ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt thể hiện sự lên án, sự trừng phạt của Nhà nước, của xã hội đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội nhưng đó không phải là sự lên án, sự trừng phạt đơn thuần mà là biện pháp đặc biệt để răn đe, để giáo dục người, pháp nhân thương mại bị kết án, ngăn ngừa họ phạm tội mới.
Mục đích của hình phạt đối với nhóm đối tượng thứ hai là người, pháp nhân thương mại khác trong xã hội (mục đích này còn được gọi là mục đích phòng ngừa chung của hình phạt) được thể hiện ở chỗ hình phạt giúp giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Việc áp dụng hình phạt đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội trong từng trường hợp cụ thể bao giờ cũng tác động đến các thành viên khác trong xã hội. Hình phạt khi đã được tòa án tuyên đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội thường được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người thấy trước được hậu quả pháp lý tất yếu mà họ phải gánh chịu nếu họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm để từ đó, họ từ bỏ ý định phạm tội đối với những người đang định thực hiện tội phạm hoặc thận trọng hơn trong mọi xử sự để tránh những xử sử của mình trở thành xử sự phạm tội đối với những thành viên khác. Mặt khác, hình phạt cũng có mục đích giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật cho đông đảo quần chúng nhân dân, động viên, khuyến khích họ tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
3. Các hình phạt đối với người phạm tội
Hệ thống hình phạt trong luật hình sự Việt Nam được hình thành từ hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo quy định tại Điều 32 BLHS năm 2015, hình phạt chính bao gồm 7 loại hình phạt. Đó là: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Hình phạt bổ sung gồm 7 loại hình phạt. Đó là: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế, tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền và trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính. Trong hệ thống hình phạt, trục xuất và phạt tiền là hai hình phạt vừa có thể được áp dụng là hình phạt chính, vừa có thể được áp dụng là hình phạt bổ sung.
Căn cứ để phân biệt hình phạt chính với hình phạt bổ sung khả năng áp dụng hình phạt đối với mội tội phạm. Cụ thể, hình phạt chính được tuyên độc lập và mỗi tội phạm chỉ có thể bị tuyên một hình phạt chính. Ngược lại, hình phạt bổ sung không thể tuyên độc lập mà chỉ có thể tuyên kèm với hình phạt chính và mỗi tội phạm, kèm theo hình phạt chính có thể tuyên một hình phạt bổ sung, có thể tuyên nhiều hình phạt bổ sung hoặc không tuyên hình phạt bổ sung nào.
3.1. Các hình phạt chính
Các hình phạt chính có thể áp dụng đối với người phạm tội bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình.
Cảnh cáo (Điều 34 BLHS năm 2015): Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của Nhà nước do tòa án áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Đây là hình phạt chính nhẹ nhất trong hệ thống hình phạt, thể hiện sự lên án công khai của Nhà nước đối với người phạm tội về hành vi của họ. Hình phạt cảnh cáo không gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng hay quyền tự do thân thể của người bị kết án nhưng nó tác động lên tinh thần người bị kết án để răn đe, giáo dục họ.
Theo quy định tại Điều 34 BLHS năm 2015 thì chỉ áp dụng hình phạt cảnh cáo với người phạm tội nếu thỏa mãn những điều kiện sau: Một là, tội phạm mà người đó thực hiện là tội ít nghiêm trọng. Tội ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm. Hai là, tội phạm mà người đó thực hiện có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Nhiều tình tiết giảm nhẹ tức là có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên. Những tình tiết này có thể là những tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nhưng cũng có thể là những tình tiết giảm nhẹ khác đã được tòa án ghi trong bản án. Ba là, tội phạm mà người đó thực hiện chưa đến mức miễn hình phạt. Tức là mặc dù người phạm tội thực hiện tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy vẫn cần phải có biện pháp cưỡng chế nhất định tác động đến người phạm tội để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, giúp phòng ngừa, răn đe và giáo dục người phạm tội.
Phạt tiền (Điều 35 BLHS năm 2015): Phạt tiền là hình phạt tước của người phạm tội khoản tiền nhất định sung công quỹ Nhà nước. Phạt tiền là hình phạt có tính chất kinh tế nhằm vào tài sản của người phạm tội, nó tước đi quyền lợi vật chất của người bị kết án, tác động đến tình trạng tài sản của họ và thông qua đó tác động đến ý thức của người phạm tội. Hình phạt tiền khi áp dụng với một số tội phạm có tác dụng thiết thực, vừa giảm tải trong các trại giam do việc áp dụng quá nhiều hình phạt tù, vừa bảo đảm tính khả thi của bản án. Mặt khác, lại có tác dụng sung công quỹ Nhà nước một lượng tiền nhất định mà vẫn bảo đảm được mục đích của hình phạt. Theo quy định của luật hình sự Việt Nam, phạt tiền là hình thức hình phạt có thể áp dụng là hình phạt chính hoặc có thể áp dụng là hình phạt bổ sung.
– Khi là hình phạt chính, phạt tiền được áp dụng đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do BLHS quy định hoặc có thể áp dụng đối với người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do BLHS quy định.
– Khi là hình phạt bổ sung, phạt tiền được áp dụng đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội khác do BLHS quy định.
– Về mức phạt tiền được quyết định căn cứu vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.
Cải tạo không giam giữ (Điều 36 BLHS năm 2015): Trong hệ thống hình phạt, cải tạo không giam giữ là hình phạt chính có tính chất nghiêm khắc hơn so với hình phạt cảnh cáo và phạt tiền nhưng nhẹ hơn hình phạt tù. Hình phạt cải tạo không giam giữ không tước hoàn toàn quyền tự do của người bị kết án, không buộc người bị kết án cách ly khỏi xã hội mà vẫn tạo điều kiện cho người bị kết án hòa nhập với cộng đồng nhưng trong những điều kiện nhất định, dưới sự giám sát, giáo dục của gia đình và cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương.
– Hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do BLHS quy định và người bị kết án có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Thời hạn áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 1 ngày tạm giam, tạm giữ bằng 3 ngày cải tạo không giam giữ.
– Sau khi kết án, tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức, Ủy ban nhân dấn cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó. Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập tù 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
– Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần.
Trục xuất (Điều 37 BLHS năm 2015): Trục xuất là hình phạt buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất là hình phạt chỉ áp dụng đối với người nước ngoài, tức là người không có quốc tịch Việt Nam. Sau khi bị tòa án tuyên hình phạt trục xuất, người bị kết án có nghĩa vụ phải rời khỏi lãnh thổ VN đúng thời hạn.
Tuy nhiên, người bị trục xuất có thể được kéo dài thời hạn rời khỏi lãnh thổ Việt Nam nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Người đó đang ốm nặng, đang phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe mà không thể đi lại được và được cơ quan y tế hoặc bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên chứng nhận; phải chấp hành các hình phạt khác hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam; có lý do chính đáng khác cản trở việc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam được thủ trưởng cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xác nhận. Trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tùy theo trường hợp được tòa án áp dụng.
Tù có thời hạn (Điều 38 BLHS năm 2015): Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Có thể nói, tù có thời hạn là hình phạt mang tính phổ biến và được luật hình sự Việt Nam quy định áp dụng đối với hầu hết các tội phạm cụ thể trong BLHS. Đây là hình phạt nghiêm khắc hơn hình phạt cải tạo không giam giữ bởi sự hạn chế tự do của người bị kết án.
– Thời hạn áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 3 tháng, tối đa là 20 năm. Trong trường hợp phạm nhiều tội thì mức tối đa là 30 năm. Trường hợp nếu người bị kết án đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời gian đó được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù có thời hạn, cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 1 ngày tù.
– Hình phạt này không áp dụng đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng.
Tù chung thân (Điều 39 BLHS Năm 2015): Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
– Trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam, tù chung thân là hình phạt rất nghiêm khắc, chỉ nhẹ hơn hình phạt tử hình. Cũng giống như hình phạt tù có thời hạn, hình phạt tù chung thân tước tự do của người bị kết án, cách ly họ khỏi xã hội để giáo dục, cải tạo và phòng ngừa tội phạm nhưng mức độ nghiêm khắc hơn thể hiện ở chỗ sự tước tự do của tù chung thân là không có thời hạn, nghĩa là nó có khả năng tước tự do của người bị kết án đến hết đời.
– Hình phạt tù chung thân chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tử hình (Điều 40 BLHS năm 2015): Tử hình là hình phạt tước bỏ quyền sống của người bị kết án áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định.
– Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt. Tuy nhiên, loại hình phạt này không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.
– Hình phạt tử hình cũng không thi hành đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên hoặc người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trong những trường hợp này, hình phạt tử hình được chuyển thành hình phạt tù chung thân.
3.2. Các hình phạt bổ sung
Các hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người phạm tội bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế, tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền và trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính .
Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (Điều 41 BLHS năm 2015): Đây là hình phạt bổ sung áp dụng với người bị kết án khi tòa án xét thấy nếu để người bị kết án tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định sau khi chấp hành xong hình phạt hoặc sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Thời hạn cấm là từ 1 năm đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Cấm cư trú (Điều 42 BLHS năm 2015): Đây là hình phạt bổ sung buộc người bị kết án phạt tù sau khi chấp hành xong hình phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định trong một khoảng thời gian từ 1 năm đến 5 năm. Đây là hình phạt bổ sung chỉ được tuyên kèm với hình phạt chính là tù có thời hạn.
Quản chế (Điều 43 BLHS năm 2015): Đây là hình phạt bổ sung được áp dụng đối với người bị kết án sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù phải cư trú làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và bị tước một số quyền công dân.
Thời hạn quản chế là từ 1 năm đến 5 năm. Hình phạt bổ sung nay được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do BLHS quy định.
Tước một số quyền công dân (Điều 44 BLHS năm 2015): Đây là hình phạt chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam. Hình phạt bổ sung này được áp dụng đối với người bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do BLHS quy định. Những quyền công dân có thể bị tước bỏ bao gồm: quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước; quyền làm việc trong cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 1 năm đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Tịch thu tài sản (Điều 45 BLHS năm 2015): Đây là hình phạt bổ sung tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. Hình phạt bổ sung này chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do BLHS quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Trên đây là bài phân tích về Hình phạt trong Bộ luật hình sự. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6586 để được tư vấn và hỗ trợ.