Tổng hợp hình phạt trong các bản án

tong-hop-hinh-phat-trong-cac-ban-an

Tổng hợp hình phạt là một khái niệm quan trọng trong hệ thống pháp luật hình sự, nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong việc xử lý tội phạm. Khi một cá nhân thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau và bị kết án cho từng hành vi đó, việc tổng hợp các hình phạt trở thành cần thiết để xác định mức án chung cuộc mà người phạm tội phải chịu.

Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự chính xác và minh bạch trong việc tính toán, mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo. Đồng thời, tổng hợp hình phạt cũng phản ánh quan điểm của nhà nước về mức độ nghiêm trọng của các hành vi phạm tội và định hướng chính sách hình sự đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Căn cứ pháp lý

1. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Theo Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Theo đó, khi tiến hành việc xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án sẽ quyết định hình phạt cụ thể đối với từng tội và tổng hợp hình phạt dựa theo quy định sau đây:

Đối với hình phạt chính:

– Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;

– Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015;

– Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;

– Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;

– Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

– Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;

Đối với hình phạt bổ sung:

– Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật Hình sự quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

– Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

2. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án

Theo Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, cụ thể:

– Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015.

Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

– Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật Hình sự 2015.

– Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn về việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhưng có thể tham khảo hướng dẫn tại Mục 5 của Thông tư liên tịch 02/TT-LN ngày 20/12/1991 của TAND tối cao – VKSND tối cao có nội dung như sau:

– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một tòa án thì chánh án tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt.

– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong một tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu), thì chánh án tòa án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt, cụ thể là:

+ Nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án cấp huyện khác nhau (trong cùng một tỉnh hay khác tỉnh), thì chánh án tòa án cấp huyện đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt;

+ Nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án quân sự khu vực khác nhau (trong cùng một quân khu hay khác quân khu), thì chánh án tòa án quân sự khu vực đã ra bản án sau cùng quyết định tổng hợp hình phạt;

+ Nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều là của các tòa án cấp tỉnh (hoặc đều là của tòa án quân sự cấp quân khu), thì chánh án tòa án cấp tỉnh (hoặc chánh án tòa án quân sự cấp quân khu) ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt.

– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án không cùng cấp thì chánh án tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau.

– Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án của tòa án nhân dân, có bản án của tòa án quân sự, thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện tương tự như hướng dẫn trên đây.

– Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của tòa án nước ngoài đã được tòa án Việt Nam công nhận, có bản án là của tòa án Việt Nam, thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định tổng hợp hình phạt.

3. Bất cập của pháp luật liên quan tới tổng hợp hình phạt

Theo quy định tại Điều 56 BLHS, thì việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án mới chỉ được quy định đối với trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này. Như vậy, Điều 56 BLHS chưa quy định việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp một người chưa chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này.

Trường hợp một người chưa chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này bao gồm: đang thi hành án treo mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này; tạm hoãn thi hành án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này. Tuy nhiên: Tại khoản 5 Điều 65 BLHS quy định trường hợp đang chấp hành án treo mà thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS;

Tại khoản 2 Điều 67 BLHS quy định trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS.

Như vậy, còn hai trường hợp cần thiết nhưng chưa được BLHS quy định việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Đó là: (1) Trường hợp một người đang thi hành án treo mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này; (2) Trường hợp một người đang được tạm hoãn thi hành án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này.

Hiện nay, TANDTC mới chỉ hướng dẫn “Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.

Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn “người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự” là không hợp lý. Bởi lẽ:

– Thứ nhất, nếu hình phạt áp dụng đối với tội phạm được thực hiện trước khi được hưởng án treo là tù giam, tù chung thân thì không thể cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù giam hoặc tù chung thân để thi hành án treo xong mới thi hành. Còn nếu thi hành hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân thì không thể nói rằng người đó sẽ đương nhiên được chấp hành án treo trong trại giam;

– Thứ hai, mặc dù Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nêu “… do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự” nhưng Luật Thi hành án hình sự không có quy định nào về trường hợp này.

Thi hành án treo không đồng nghĩa với việc người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù nhưng được tạm hoãn. Án treo không phải là một hình phạt mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Điều này có nghĩa là, người đang thi hành án treo chưa phải chấp hành hình phạt tù được tuyên trong bản án mà được hưởng án treo với điều kiện cụ thể.

Việc Tòa án cho hưởng án treo đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội và vẫn đang trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là không thỏa mãn điều kiện “nhân thân tốt”. Do đó, trong thủ tục tố tụng hình sự, việc phát hiện người này đã thực hiện tội phạm trước khi có bản án treo phải được coi là tình tiết mới. Đây cũng là một trong những căn cứ để kháng nghị tái thẩm, nhằm hủy bản án treo và xét xử lại vụ án.

Tuy nhiên, nếu tiến hành tố tụng theo các thủ tục như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian và mục đích cuối cùng cũng chỉ là không cho hưởng án treo đối với tội phạm đã xét xử và tổng hợp hình phạt của bản án xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án treo đó.

Đối với trường hợp đang hoãn chấp hành hình phạt tù mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì phải tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc chung quy định tại Điều 56 BLHS.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon