Sửa đổi một số nội dung trong các chế định loại trừ trách nhiệm hình sự

sua-doi-mot-so-noi-dung-trong-cac-che-dinh-loai-tru-tnhs

Loại trừ trách nhiệm hình sự là những trường hợp được quy định trong các điều của Bộ luật Hình sự về việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội, khi có đủ các căn cứ do pháp luật hình sự quy định, việc gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự, nhưng không bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi nguy hiểm đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đến nay, BLHS năm 2015 quy định các trường hợp loại trừ TNHS trong chương IV với các nội dung bao gồm: Điều 20. Sự kiện bất ngờ; Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; Điều 22. Phòng vệ chính đáng; Điều 23. Tình thế cấp thiết. Vậy hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về một số nội dung trong các chế định loại trừ TNHS.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

1. Sự kiện bất ngờ

Điều 20 BLHS quy định:

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về nội dung cơ bản của trường hợp sự kiện bất ngờ trong BLHS năm 2015 so sánh với quy định tại BLHS năm 1999 Điều 11 về sự kiện bất ngờ không có gì thay đổi. Điểm khác biệt trong nội dung Điều 20 BLHS năm 2015 và Điều 11 trong BLHS năm 1999 là sự là nhà làm luật viết lại cho ngắn gọn hơn.

Điều 11 BLHS năm 1999 nêu sự kiện bất ngờ: “ Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Còn Điều 20 BLHS 2015 nêu ngắn gọn: Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định “ sự kiện bất ngờ” trong luật hình sự làm cơ sở pháp lý để phân biệt với trường hợp gây hại có lỗi, nhất là phân biệt với trường hợp có lỗi vô ý vì cẩu thả và từ đó có đường lối xử lý phù hợp.

2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21)

“ Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Nội dung quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 1999 được quy định tại Điều 13 với nội dung cơ bản như quy định của Điều 21 BLHS năm 2015. Điểm khác là trong nội dung quy định của Điều 13 BLHS năm 1999 đã đưa ra cách thức xử lí:1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”; đối với người này phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, Điều 13 BLHS năm 1999 không chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự mà còn quy định cách thức xử lí đối với các trường hợp mắc bệnh tâm thần trong khi thực hiện tội phạm hoặc mắc bệnh tâm thần sau khi thực hiện tội phạm.

 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ đơn thuần quy định những trường hợp đang mắc bệnh tâm thần mà  gây thiệt hại cho xã hội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, phù hợp với tiêu chí của chương 4. “Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự”. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc quy định như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, BLHS năm 1999 quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13) liền sát với Điều 12 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự là những những dấu hiệu cơ bản trong việc xác định chủ thể của tội phạm có thể thuận lợi hơn trong việc áp dụng trong thực tế cũng như quá trình nghiên cứu các dấu hiệu chủ thể của tội phạm.

3. Phòng vệ chính đáng (Điều 22)

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Về nội dung cơ bản quy định phòng vệ chính đáng trong Điều 22 BLHS năm 2015 giống với nội dung quy định phòng vệ chính đáng tại Điều 15 BLHS năm 1999 nhưng có một số điểm mới được bổ sung như sau:

Thứ nhất, BLHS năm 2015 đã đặt việc bảo vệ lợi ích của chính đáng của mình, của người khác lên trước lợi ích của nhà nước, tổ chức. Điều này phù hợp với tinh thần đề cao quyền tự do của cá nhân con người, bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời cũng phù hợp với thực tế xảy ra trong thời gian qua khi áp dụng BLHS năm 1999, cho thấy các vụ phòng vệ chính đáng hay các vụ án về vượt quá giới hạn chính đáng chủ yếu xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của người thân bị xâm phạm, từ đó mới có hành động phòng vệ chính đáng.

Thứ hai, BLHS năm 1999 chỉ quy định: “ bảo vệ lợi của Nhà nước, của tổ chức” vàngười có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự” thì BLHS năm 2015 đã thêm cụm từ bảo vệ lợi ích : “của cơ quan” và trách nhiệm hình sự của người có hành vi vượt quá…được nêu thêm cụm từ:“ theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, quy định mới trong BLHS năm 2015 đã làm rõ thêm nội dung các lợi ích bảo vệ do hành vi phòng vệ chính đáng và phạm vi trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

4. Tình thế cấp thiết (Điều 23)

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, cũng như chế định phòng vệ chính đáng, chế định tình thế cấp thiết có thay đổi về trình tự bảo vệ các lợi ích hợp pháp, trong đó quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân được đưa lên hàng đầu theo quy định của BLHS năm 2015, sau đó mới đến lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức. Còn nội dung pháp lý cơ bản không có gì thay đổi so với quy định của Điều 16 BLHS 1999

Điểm mới thứ hai, trong khi Điều 16 BLHS năm 1999 quy định: “ vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước…” và “ quyền , lợi ích chính đáng của mình…thì Điều 23 BLHS năm 2015 quy định: “ vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình…”. Chúng tôi cho rằng cách thể hiện trong Điều 23 BLHS năm 2015 có phần cụ thể hơn, phù hợp với bản chất pháp lý của tình thế cấp thiết so với cách thể hiện trong nội dung Điều 16 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, về nội dung pháp lý của hai Điều luật không có gì thay đổi.

Trên đây là nội dung về Sửa đổi một số nội dung trong các chế định loại trừ TNHS. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon