Miễn chấp hành hình phạt

mien-chap-hanh-hinh-phat

Chấp hành hình phạt là nghĩa vụ của người bị kết án sau khi được Tòa tuyên án, người bị kết án phải nghiêm túc thực hiện hình phạt áp dụng với họ theo bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đây được xem là kết quả mà người đã gây ra nguy hiểm cho xã hội phải gánh chịu. Tùy vào mức độ nguy hiểm mà hành vi của người đó gây ra mà pháp luật sẽ quy định các mức hình phạt khác nhau và Tòa sẽ xem xét để đưa ra mức phạt hợp lý. Tuy nhiên trong một số trường hợp những người bị kết án này không phải chịu bất kỳ hình phạt nào hoặc chỉ chịu một phần hình phạt, gọi chung là miễn chấp hành hình phạt. Những phân tích pháp lý của quy định miễn chấp hành hình phạt dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các trường hợp được miễn của vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

1. Miễn chấp hành hình phạt là gì ?

1.1. Khái niệm miễn chấp hành hình phạt:

Hình phạt được xem như là biện pháp cưỡng chế một cách nghiêm khắc và mạnh mẽ của Nhà nước dành cho các đối tượng phạm tội nhằm mục đích tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của các đối tượng đó sau những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà chính họ đã gây ra. Khi rơi vào trường hợp được miễn chấp hành hình phạt điều này đồng nghĩa với việc các đối tượng đó không phải chịu những hình phạt mà Nhà nước áp dụng và không bị tước bỏ, hạn chế các quyền lợi của họ.

Tóm lại, miễn chấp hành hình phạt là không buộc người bị kết án phải chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt đã tuyên.

Người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do toà án tuyên trong bản án. Tuy được Nhà nước và pháp luật xem xét là người được miễn chấp hành hình phạt nhưng về mặt dân sự thì họ vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hành vi phạm tội của họ gây ra như việc chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền, các giấy tờ hoặc thực hiện các việc khác hoặc không thực hiện các việc nhất định. Mục đích để bảo đảm quyền lợi, lợi ích cho bên có quyền hay bên bị thiệt do hành vi phạm tội gây ra.

1.2. Đặc điểm miễn chấp hành hình phạt:

Miễn chấp hành hình phạt có những đặc điểm sau đây:

– Người bị kết án không bị buộc phải chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt đã tuyên.

– Người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do toà án tuyên trong bản án.

1.3. Ý nghĩa của miễn chấp hành hình phạt:

Miễn chấp hành hình phạt là một chính sách nhân đạo được Nhà nước khuyến khích áp dụng nhằm tạo điều kiện, cơ hội đối với những đối tượng gặp khó khăn về các vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân họ, cũng một phần giúp đỡ người thân thuộc, gia đình. Bên cạnh đó, đây cũng là một khía cạnh để những công dân khác nhìn nhận được tính nghiêm trọng của mức hình phạt để cân nhắc lại hành vi của mình nói riêng và có góc nhìn sâu rộng hơn về pháp luật nói chung.

2. Các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt:

Với mục đích áp dụng đúng người đúng hoàn cảnh, pháp luật đã quy định cụ thể về các đối tượng được miễn chấp hành hình phạt tại điều 62 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

2.1. Miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá (Khoản 1):

“Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.”

Đặc xá là một chính sách khoan hồng từ thẩm quyền của Chủ tịch nước dành cho một hoặc nhiều phạm nhân nếu họ đã đáp ứng đủ các điều kiện nhất định để được đặc xá. Đối với đại xá, đại xá cũng là một biện pháp khoan hồng nhưng thuộc thẩm quyền của Quốc hội được áp dụng để tha tội cho tất cả những phạm nhân đang phạm một tội nào đó nhất định.

Xét theo thẩm quyền thì có thể thấy đây là trường hợp đặc biệt, việc ban hành ra những quy định này phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước chính xác hơn là Chủ tịch nước và Quốc hội. Nghĩa là, việc người bị kết án không phải dựa vào bất kì nào quyết định của Tòa án có thẩm quyền. Ngoài ra, về mặt hình phạt áp dụng thì đặc xá, đại xá được áp dụng rộng rãi cho nhiều hình phạt khác nhau từ những hình phạt của tội ít nghiêm trọng đến các hình phạt của các tội nghiệm trọng và cả đặc biệt nghiêm trọng.

2.2. Miễn chấp hành toàn bộ hình phạt với người bị phạt cải tạo không giam giữ và người bị phạt tù có thời hạn (Khoản 2, khoản 3):

“Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị kết án đã lập công;

b) Mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.” (Khoản 2)

“Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nêu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.”(Khoản 3).

Theo quy định tại các khoản trên, chủ thể chính là người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn đến 03 năm hoặc tù có thời hạn trên 03 năm. Tất cả chủ thể trên đều chưa chấp hành hình phạt sẽ được miễn chấp hành hình phạt nếu thuộc các trường hợp sau:

Người đã lập công, tức là người đã có những việc làm ý nghĩa lớn lao được Nhà nước và xã hội công nhận, cụ thể: Người này đã có hành vi giúp đỡ cơ quan nhà nước trong việc phát hiện truy bắt điều tra tội phạm; hoặc trong các hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo họ đã có hành vi cứu người khác hoặc tài sản của Nhà nước, tập thể, của người dân với tài sản từ 30 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, lập công lớn còn xét về mặt sáng tạo, trí tuệ, người lập công lớn có những phát minh, sáng kiến có giá trị được Nhà nước công nhận hoặc khen thưởng, chứng nhận.

Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012 thì người mắc bệnh hiểm nghèo được xem người bị các bệnh về ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4, bại liệt, suy tim mức dộ 3, suy thận từ mức độ 4 trở lên, HIV giai đoạn nhiễm trùng cơ hội không còn khả năng chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

Cũng theo thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012 thì người người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội là người đã hoàn lương, chấp hành đúng quy định pháp luật, chăm chỉ lao động. Bên cạnh đó, còn chăm chỉ tham gia các hoạt động công ích xã hội, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn, tự giác thực hiện tốt các nghĩa vụ của một công dân.

Điểm khác nhau về các trường hợp ở khoản 2 và khoản 3, nếu như khoản 2 chỉ nói về việc lập công lớn, mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì khoản 3 được bổ sung thêm việc chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn

Khi có những hành vi lập công như trên thì người bị kết án sẽ được Viện kiểm sát đề nghị với Tòa án về việc miễn chấp hành hình phạt cho họ.

2.3. Miễn chấp hành phần hình phạt còn lại trong trường hợp đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt (Khoản 4):

“Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nêu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.”

Tương tự, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, việc miễn chấp hành hình phạt trong các trường hợp đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa cũng sẽ được áp dụng đối với đối tượng người bị kết án phạt tù đến 03 năm được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình họ đã thực hiện những hành vi đã được liệt kê ở trên.

2.4. Miễn chấp hành phần hình phạt tiền còn lại (Khoản 5):

“Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.”

Ngoài những trường hợp điợc miễn chấp hành hình phạt đối với những người bị kết án nhưng chưa hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì pháp luật cũng đã quy định rõ ràng về trường hợp đối với người bị kết án phạt tiền và đã tích cực chấp hành một phần hình phạt, nhưng nếu họ rơi vào trường hợp đặc biệt khó khăn như những quy định trên dẫn đến không thể tiếp tục chấp hành hình phạt còn lại. Ngoài ra, chủ thể quy định tại điều này còn được miễn chấp hành hình phạt cả trong trường lập được công lớn. Viện trưởng Viện kiểm soát là người đề nghị Tòa án quyết định miễn chấp hành hình phạt phần còn lại đối với họ.

2.5. Miễn chấp hành hình phạt bổ sung cấm cư trú hoặc quản chế (Khoản 6):

Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.”

Việc miễn hình phạt bổ sung cấm cư trú hoặc quản chế được áp dụng với người đã chấp hành một nửa thời hạn và trong suốt thời gian chấp hành hình phạt người đó có thái độ cải tạo tốt. Khác với những quy định trên, thẩm quyền đề nghị không thuộc về Viện trưởng Viện kiểm soát mà thuộc về Cơ quan thi hành án cấp huyện nơi người người bị chấp hành hình phạt.

Bài viết trên đây là toàn bộ những vấn đề pháp lý liên quan đến các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt đối với các đối tượng cụ thể. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006586 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon