Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

toi-bat-giu-hoac-giam-nguoi-trai-phap-luat

Việc bắt, tạm giữ, tạm giam con người phải tuân theo đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền, căn cứ, đối tượng, trình tự thủ tục và thời hạn. Mọi trường hợp xâm phạm trái pháp luật quyền tự do thân thể của công dân đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Tội “bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều vụ án có nhiều đồng phạm tham gia, mục đích bắt giữ người để thực hiện các tội phạm khác như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản hoặc xâm phạm danh tự nhân phẩm của người bị hại. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích nội dung về tội bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội phạm của tội bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật như sau:

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

* Mặt khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là quyền tự do thân thể của con người. Quyền tự do thân thể của con người là một trong những quyền cơ bản, quan trọng và bất khả xâm phạm, không ai bị tước đoạt trái pháp luật.

Đối tượng tác động của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là con người, việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể của họ và có thể gián tiếp gây ra những thiệt hại khác về tính mạng, sức khỏe của người bị bắt giữ.

* Mặt chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là người có năng lực trách nhiệm và từ đủ 16 tuổi trở lên.

* Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội “bắt giữ hoặc giam người trải pháp luật” bao gồm ba dạng hành vi là hành vi bắt người trái pháp luật, hành vi giữ người trái pháp luật và hành vi giam người trái pháp luật.

Người phạm tội có thể chỉ thực hiện một, hai hành vi hoặc thực hiện cả ba hành vi nêu trên. Hành vi bắt, giữ hoặc giam người bị coi là trái pháp luật khi nó không tuân thủ các quy định của pháp luật về việc bắt, giữ, giam người. Tính trái pháp luật thể hiện ở các nội dung như không đúng về thẩm quyền, không có căn cứ không đúng trình tự thủ tục mà pháp luật quy định trong việc bắt giữ hoặc gian người. Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có nhiều biểu hiện khác nhau như người không có thẩm quyền ra lệnh bắt, giữ, giam người trong các cơ quan tiến hành tố tụng lại ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam; việc thi hành lệnh bắt không đúng quy định, thời hạn tạm giữ, tạm giam vượt quá quy định của pháp luật.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Mục đích phạm tội có thể là để trả thù cá nhân hoặc để thực hiện tội phạm khác nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Nếu trước khi người phạm tội thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có mục đích để thực hiện một tội phạm khác như hiếp dâm, giết người, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, việc bắt, giữ người chỉ để tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tội phạm khác thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về tội hiếp dâm, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích theo quy định tại các điều luật quy định về các tội danh trên.

Nếu người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đồng thời hoặc sau khi bắt, giữ người trái pháp luật còn có hành vi phạm tội khác như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự sự về hai tội theo quy định của Bộ luật hình sự.

2. Khung hình phạt của tội bắt, giam, giữ người trái pháp luật

* Quy định về hình phạt tại Khoản 1 Điều 157 BLHS:

Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, đây là loại tội ít nghiêm trọng.

* Quy định về hình phạt tại Khoản 2 Điều 157 BLHS:

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất được quy định tại khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015, mức hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tinh tiết định khung hình phạt tăng nặng sauu:

+ Có tổ chức: Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức là trường hợp phạm tội có nhiều người tham gia bàn bạc, lên kế hoạch thực hiện, có sự chuẩn bị từ trước. Giữa những người phạm tội có sự câu kết, phân công nhiệm vụ cụ thể dưới sự chỉ huy, điều khiển của người chủ mưu, người chỉ huy, người cầm đầu.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: là trường hợp người thực hiện tội phạm là chủ thể đặc biệt, có chức vụ quyền hạn, nghề nghiệp và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của mình để phạm tội.

+ Đối với người đang thi hành công vụ: Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính tố tụng hoặc thi hành án.

+ Phạm tội 02 lần trở lên: Là trường hợp người phạm tội (hoặc nhiều người phạm tội trong vụ án có đồng phạm) có từ hai lần trở lên có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Mỗi lần thực hiện hành vi đều đã cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu có một lần hành vi không cấu thành tội phạm thì không được coi là phạm tội hai lần trở nên

+ Đối với 02 người trở lên: Đây là trường hợp người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật từ hai người trở lên.

+ Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ: Những người bị hại trong trường hợp này là những người cần phải được bảo vệ đặc biệt khỏi những hành vi xâm hại, họ không có hoặc hạn chế khả năng tự vệ, việc bắt giữ họ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của họ.

+ Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn: : Đây là tình tiết mới được quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015, người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật trong trường hợp này có thể là lao động chính trong gia đình khiến họ không có khả năng lao động nuôi gia đình hoặc việc họ bị bắt, giữ là nguyên nhân trực tiếp khiến họ và gia đình họ phải chịu những thiệt hại lớn về kinh tế.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60 %: Trường hợp này cần chú ý, tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại từ 31% đến 60% được xác định bằng kết luận giám định pháp y của cơ quan chuyên môn, thương tích của người bị hại phải có mối quan hệ nhân quả trực tiếp với hành vi phạm tội của người phạm tội.

* Quy định về hình phạt tại Khoản 3 Điều 157 BLHS:

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất được quy định tại khoản 3 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015, mức hình phạt từ 05 năm đến 12 năm tù được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

+ Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát: Đây là trường hợp trong quá trình bắt, giữ, giam làm nạn nhân chết hoặc tự sát, trong trường hợp này cần chú ý cái chết của nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả trực tiếp với hành vi bắt, giữ, giam trái pháp luật của người phạm tội nhưng người phạm tội không có hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Nếu người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân thì hành vi cấu thành tội giết người.

+ Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam: Trong quá trình bắt, giữ, giam nạn nhân, người phạm tội có hành vi khác như tra tấn nạn nhân, bỏ đói, đánh đập về thể xác, làm nhục đối với người bị hại như không cho mặc quần áo, đỗ chất bẩn lên người. Ngoài việc xâm hai tự do thân thể, người phạm tội còn xâm hại danh dự nhân phẩm của con người thì bị áp dụng tình tiết tăng nặng này.

+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61 % trở lên.

* Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định chỉ áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon