Quyền được sống là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân, được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng con người đều bị xử lý nghiêm khắc. Thực tiễn có những hành vi về hình thức có dấu hiệu của tội phạm giết người nhưng nội dung lại có chứa những tình tiết làm giảm đi tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Do vậy, hành vi đó vẫn bị coi là tội phạm nhưng mức độ chịu trách nhiệm hình sự giảm đáng kể so với trường hợp phạm tội giết người bình thường, chẳng hạn như tội giết người do vượt quá giới hạn phòng về chính đáng. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
1. Cấu thành tội phạm của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Khoản 1 Điều 22 BLHS năm 2015 quy định Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Khoản 2 Điều 22 BLHS năm 2015 quy định Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Chính sự vượt qua giới hạn cần thiết một cách rõ ràng đó đã chuyển hóa hành vi phòng vệ chính đáng thành một hành vi phạm tội, tức là không loại trừ trách nhiệm hình sự như trường hợp phòng vệ chính đáng.
Như vậy, tội giết người do vượt quá giới hạn phòng về chính đáng được hiểu là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác khi thực hiện quyền phòng vệ chính đáng nhưng đã vượt quá giới hạn của quyền phòng vệ chính đáng.
Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
“1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”
Cấu thành tội phạm của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gồm:
* Mặt khách thể của tội phạm:
– Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có khách thể loại thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự của con người. Khách thể trực tiếp của tội phạm này là quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của mỗi con người.
– Đối tượng tác động của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là con người đang sống, có hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức, xâm phạm quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phạm tội hoặc của người khác.
* Mặt khách quan của tội phạm:
– Hành vi khách quan:
Theo quy định của BLHS năm 2015, hành vi khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác khi thực hiện quyền phòng vệ nhưng người phạm tội đã phòng vệ quá mức cần thiết để ngăn chặn hành vi xâm phạm và đã gây ra hậu quả chết người cho chính người có hành vi xâm phạm.
+ Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho người khác hay có khả năng chấm dứt sự sống của người khác như đâm, chém,…
+ Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là việc thực hiện hành vi phòng vệ nhưng hành vi phòng vệ đó lại rõ ràng là vượt quá mức cần thiết gây ra cái chết cho nạn nhân.
– Hậu quả:
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có hậu quả là thiệt hại do hành vi chống trả của người phòng vệ gây ra. Đó là thiệt hại về tính mạng cho nạn nhân là người có hành vi tấn công.
– Mối quan hệ nhân qua giữa hành vi khách quan và hậu quả:
Hành vi khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được coi là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người khi thỏa mãn đủ ba điều kiện sau:
+ Hành vi tước đoạt tính mạng người có hành vi xâm phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng xảy ra trước hậu quả chết người về mặt thời gian;
+ Hành vi tước đoạt tính mạng người có hành vi xâm phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người;
+ Hậu quả chết người có hành vi xâm phạm đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi tước đoạt tính mạng người có hành vi xâm phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
– Lỗi:
Đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Lỗi cố ý ở đây có thể là lỗi có ý trực tiếp khi người phạm tội nhận thức rõ được hành vi chống trả của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra đồng thời mong muốn hậu quả đó xảy ra, hoặc có thể là lỗi cố ý gián tiếp khi họ nhận thức được hành vi phòng vệ quá mức của mình có khả năng dẫn đến hậu quả chết người đối với nạn nhân, mặc dù họ không mong muốn cho hậu quả xảy ra nhưng vẫn bỏ mặc hoặc chấp nhận cho hậu quả xảy ra.
Trên thực tế, người phạm tội thường có lỗi cố ý gián tiếp, họ thực hiện hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn dẫn đến hậu quả chết người cho nạn nhân với mục đích để ngăn chặn tức khắc hoặc khắc phục hậu quả nguy hiểm do hành vi tấn công của nạn nhân gây ra, họ không mong muốn hậu quả đó nhưng chấp nhận cho hậu quả xảy ra, miễn là họ đạt được mục đích phòng vệ của mình.
– Động cơ:
Đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, động cơ của người phạm tội là muốn ngăn chặn hành vi xâm phạm của nạn nhân nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác. Động cơ là dấu hiệu bắt buộc được phản ánh trong cấu thành tội phạm của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
* Mặt chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Đối chiếu với Điều 12 BLHS năm 2015, chủ thể của tội phạm này phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Ngoài ra, quy định của Điều 126 BLHS năm 2015 còn đòi hỏi dấu hiệu của chủ thể đặc biệt. Dấu hiệu này được thể hiện ở chỗ, chủ thể của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải là người thực hiện quyền phòng vệ chính đáng.
Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là khi có hành vi xâm phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho cá nhân hoặc Nhà nước, cơ quan, tổ chức đang diễn ra, hành vi này được thực hiện có lỗi hoặc không có lỗi và phải mang tính trái pháp luật. Tính trái pháp luật của hành vi xâm phạm là căn cứ để xác định tính hợp pháp của hành vi phòng vệ. Hành vi xâm phạm sẽ là cơ sở của quyền phòng vệ chính đáng khi nó đang xảy ra hoặc đe dọa sẽ xảy ra ngay tức khắc. Khi hành vi xâm phạm đã thực sự kết thúc thì việc phòng vệ không còn phù hợp do không đòi hỏi phải có hành vi ngăn chặn Trường hợp này được gọi là phòng vệ “quá muộn”. Trường hợp hành vi xâm phạm chưa xảy ra và chưa có dấu hiệu đe dọa hành vi đó sẽ xảy ra ngay tức khắc mà đã phòng vệ thì coi là phòng vệ “quá sớm”.
2. Hình phạt của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
– Hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 126 BLHS năm 2015:
Khung hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 126 với 02 loại hình phạt là cải tạo không giam giữ và hình phạt tù. Mức phạt cải tạo không giam giữ là đến 02 năm; mức phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khung hình phạt này được áp dụng cho trường hợp giết 01 người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
– Hình phạt quy định tại Khoản 2 Điều 126 BLHS năm 2015:
Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm quy định tại khoản 2 của Điều luật được áp dụng cho trường hợp giết từ 02 người trở lên do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Đối với trường hợp này, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 125 BLHS nếu đáp ứng các điều kiện, bao gồm: Về hậu quả phải có từ 02 người chết trở lên, đồng thời, lỗi của người phạm tội trong trường hợp này phải là lỗi cố ý đối với việc gây ra cái chết của các nạn nhân.
Trường hợp người phạm tội giết từ 02 người trở lên nhưng chỉ có một người có hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức, xâm phạm quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phạm tội hoặc của người khác, còn những người khác không có hành vi nói trên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 1 Điều 126 BLHS và tội giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.
Trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây ra hậu quả chết 01 người còn vô ý đối với cái chết của người khác thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết từ 02 người trở lên” mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 1 Điều 126 BLHS và tội vô ý làm chết người.
Trường hợp nhiều người có hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức, xâm phạm quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phạm tội hoặc của người khác, nhưng chỉ có một người bị giết chết, còn những người khác chỉ bị thương và có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội, đó là tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 136 BLHS.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.