Phân biệt tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

phan-biet-toi-giet-nguoi-trong-trang-thai-tinh-than-bi-kich-dong-manh-voi-toi-giet-nguoi-do-vuot-qua-gioi-han-phong-ve-chinh-dang

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hai trường hợp giết người có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đặc biệt. Cả hai tội này đều có những dấu hiệu pháp lý chung của tội giết người và có các dấu hiệu pháp lý riêng do có thêm các dấu hiệu đặc biệt là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân biệt tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

* Mặt khách thể của tội phạm:

– Khách thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh đó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.

– Đối tượng tác động trực tiếp của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là những người đang sống, tồn tại trong thế giới khách quan là thực thể tự nhiên và xã hội, có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng xâm hại đến lợi ích của người phạm tội, hoặc người thân thích của họ.

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Hành vi khách quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Đó là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ, bao gồm đâm, chém, bắn, đấm đá, bóp cổ…

Tuy nhiên, hành vi tước đoạt trái pháp luật tinh mạng của người khác chỉ được coi là hành vi khách quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Thứ nhất, người phạm tội phải thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

+ Thứ hai, người phạm tội ban đầu không chủ định thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác mà hành vi này chỉ được người phạm tội thực hiện trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân của người phạm tội gây nên.

+ Thứ ba, đối tượng mà hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hướng đến có thể là đối với chính người phạm tội hoặc có thể là đối với người thân thích của người đó. 

– Hậu quả của hành vi: Hậu quả mà hành vi phạm tội có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra là thiệt hại đến quyền sống của con người, thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất là chết người.

– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả: Theo quy định tại Điều 125 BLHS năm 2015, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tội phạm có cấu thành vật chất nên hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. 

* Mặt chủ quan của tội phạm:

– Lỗi trong cấu thành tội phạm của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định là dấu hiệu bắt buộc. Lỗi ở đây có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

* Mặt chủ thể của tội phạm:

– Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh đòi hỏi người phạm tội cũng phải là người có năng lực TNHS, đạt tới độ tuổi luật định, từ đủ 16 tuổi trở lên.

2. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

* Mặt khách thể của tội phạm:

– Khách thể trực tiếp của tội phạm này là quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của mỗi con người.

– Đối tượng tác động của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là con người đang sống, có hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức, xâm phạm quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phạm tội hoặc của người khác.

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Hành vi khách quan:

Theo quy định của BLHS năm 2015, hành vi khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác khi thực hiện quyền phòng vệ nhưng người phạm tội đã phòng vệ quá mức cần thiết để ngăn chặn hành vi xâm phạm và đã gây ra hậu quả chết người cho chính người có hành vi xâm phạm.

– Hậu quả:

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có hậu quả là thiệt hại do hành vi chống trả của người phòng vệ gây ra. Đó là thiệt hại về tính mạng cho nạn nhân là người có hành vi tấn công. 

– Mối quan hệ nhân qua giữa hành vi khách quan và hậu quả:

Hành vi khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được coi là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người khi thỏa mãn đủ ba điều kiện sau:

+ Hành vi tước đoạt tính mạng người có hành vi xâm phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng xảy ra trước hậu quả chết người về mặt thời gian;

+ Hành vi tước đoạt tính mạng người có hành vi xâm phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người;

+ Hậu quả chết người có hành vi xâm phạm đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi tước đoạt tính mạng người có hành vi xâm phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

– Lỗi:

Đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Trên thực tế, người phạm tội thường có lỗi cố ý gián tiếp, họ thực hiện hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn dẫn đến hậu quả chết người cho nạn nhân với mục đích để ngăn chặn tức khắc hoặc khắc phục hậu quả nguy hiểm do hành vi tấn công của nạn nhân gây ra, họ không mong muốn hậu quả đó nhưng chấp nhận cho hậu quả xảy ra, miễn là họ đạt được mục đích phòng vệ của mình.

– Động cơ:

Đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, động cơ của người phạm tội là muốn ngăn chặn hành vi xâm phạm của nạn nhân nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác. Động cơ là dấu hiệu bắt buộc được phản ánh trong cấu thành tội phạm của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

* Mặt chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Đối chiếu với Điều 12 BLHS năm 2015, chủ thể của tội phạm này phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Ngoài ra, quy định của Điều 126 BLHS năm 2015 còn đòi hỏi dấu hiệu của chủ thể đặc biệt. Dấu hiệu này được thể hiện ở chỗ, chủ thể của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải là người thực hiện quyền phòng vệ chính đáng.

3. Phân biệt tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Chủ thể đặc biệt – Chủ thể của tội phạm phải là người thực hiện quyền phòng vệ chính đáng nhưng đã vượt quá giới hạn của quyền phòng vệ chính đáng.

– Ở tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trạng thái tinh thần của người phạm tội có thể bị kích động nhưng chưa đến mức mất tự chủ hoặc cũng có thể không bị kích động do hành vi xâm phạm trái pháp luật của nạn nhân, người phạm tội vẫn còn khả năng lựa chọn biện pháp ngăn chặn phù hợp, nhưng họ đã lựa chọn biện pháp vượt quá mức cần thiết so với mức độ hành vi tấn công của nạn nhân, và hành vi đó rõ ràng là vượt quá giới hạn cần thiết mà pháp luật cho phép. Việc lựa chọn cách chống trả lại quá mức cần thiết đó là nguy hiểm và là nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người xảy ra.

– Chủ thể của tội phạm phải là người đang trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

 

 

– Còn ở tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì người phạm tội thực hiện hành vi trong tình trạng tinh thần bị dồn nén do hành vi trái pháp luật của nạn nhân, người phạm tội bị lâm vào tình trang quẫn bách về tinh thần, tâm lý, gần như không còn sự lựa chọn và hành động bột phát ngay tức khắc khi ý nghĩ xuất hiện.

 

Hành vi khách quan Là hành vi tước đoạt tính mạng người khác nhưng hành vi của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có dấu hiệu “rõ ràng quá mức cần thiết” hay “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân của người phạm tội gây nên.
Nạn nhân – Nạn nhân là người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến lợi ích chính đáng của chính người phạm tội, của Nhà nước, tổ chức hoặc của người khác nên người phạm tội đã phải chống trả một cách quá mức cần thiết gây ra hậu quả chết người cho nạn nhân.

– Ở tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hành vi trái pháp luật của nạn nhân phải đang diễn ra và về mặt thời gian đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc hoặc chưa xảy ra nhưng đe dọa xảy ra ngày tức khắc.

– Nạn nhân là người đã có hành vi xâm phạm đến lợi ích của chính người phạm tội và hoặc lợi ích của những người thân thích của người phạm tội. Người thân thích là người quan hệ hôn nhân nuôi dưỡng người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.

 

–  Ở tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì hành vi của nạn nhân đã xảy ra và chấm dứt.

Lỗi – Là lỗi cố ý.

– Ở tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trạng thái tinh thần của người phạm tội có thể bị kích động nhưng chưa đến mức mất tự chủ hoặc cũng có thể không bị kích động do hành vi xâm phạm trái pháp luật của nạn nhân, người phạm tội không bị hạn chế khả năng nhận thức và kiềm chế hành vi, họ vẫn còn khả năng lựa chọn biện pháp ngăn chặn phù hợp nhưng họ đã lựa chọn biện pháp vượt quá mức cần thiết so với mức độ hành vi tấn công của nạn nhân, và hành vi đó rõ ràng là vượt quá giới hạn cần thiết mà pháp luật cho phép.

– Lỗi cố ý.

– Ở tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, người phạm tội thực hiện hành vi giết người trong tình trạng khả năng nhận thức và kiềm chế đều bị hạn chế ở mức cao và hơn nữa tình trạng đó lại do chính nạn nhân gây ra.

Động cơ Động cơ của người phạm tội là muốn ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của nạn nhân nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác trước hành vi tấn công trái pháp luật của nạn nhân. Cấu thành tội phạm của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không đòi hỏi cụ thể về dấu hiệu động cơ phạm tội.

 

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về phân biệt tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon