Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán

toi-lam-gia-tai-lieu-trong-ho-so-chao-ban-niem-yet-chung-khoan

Một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán là hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Hành vi này có thể bị xử phạt rất nghiêm minh trong những năm gần đây. Vậy, hành vi làm giả này có thể bị xử phạt hành chính hay hình sự? Mức hình phạt cụ thể như thế nào? Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán qua nội dung bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Luật Chứng khoán 2019;

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;

Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

1. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán

Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

– Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

– Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

– Chứng khoán phái sinh;

– Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Chào bán chứng khoán là hoạt động phát hành các loại chứng khoán ra công chúng để thu hút vốn nhằm thỏa mãn nhu cầu về vốn của chủ thể chào bán.

Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là hành vi tạo lập giả các tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán nhằm thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư (liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán).

Theo đó tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi cố ý làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán và thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng từ hành vi đó.

2. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán theo quy định Bộ luật Hình sự

“Điều 212. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán

1. Người nào làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;

c) Có tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Căn cứ quy định tại Điều 212 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán sẽ cấu thành thỏa mãn các điều kiện sau:

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán, xâm phạm đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức.

Đối tượng của tội phạm là hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Hồ sơ chào bán chứng khoán (hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán) ví dụ như đối với hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu đối với công ty cổ phần bao gồm:

– Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng;

– Bản cáp bạch;

– Điều lệ của tổ chức phát hành;

– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán và văn bản cam kết niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán;

– Văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều 15 của luật này;

– Văn bản cam kết của các cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành về việc cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;

– Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với công ty chứng khoán;

– Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán;

– Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán được thực hiện bằng hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Làm giả tài liệu là hành vi tạo lập, in ấn, phát hành những tài liệu một cách giả tạo, không có thực, không phải là do tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát hành trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể thực hiện tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội người đó có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và có khả năng điều khiển được hành vi ấy.

Chủ thể phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, ở đây là người đủ 16 tuổi trở lên.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan đó nhằm mục đích trục lợi hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư với giá trị rất lớn.

3. Xử lý vi phạm hành chính

Căn cứ Điều 9 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam như sau:

– Phạt tiền từ 2.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

– Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là giấy tờ giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này trong trường hợp đã chào bán chứng khoán ra công chúng. Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp chào bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu.

4. Truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm giả tài liệu hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán

4.1. Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản

Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp sau: Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

4.2. Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng

Phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các trường hợp:

– Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;

– Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;

– Có tổ chức;

– Tái phạm nguy hiểm.

4.3. Hình phạt bổ sung

Ngoài các khung hình phạt trên thì người phạm tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung phân tích các quy định của pháp luật về Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Trường hợp cần hỗ trợ tư vấn hoặc sử dụng dịch vụ luật sư, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Dương Gia theo số hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon