Tội trốn thuế theo Bộ luật Hình sự

toi-tron-thue

Mỗi cá nhân, tổ chức khi làm việc và hoạt động phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước. Trong số đó, nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc đối với tất cả các cá nhân, tổ chức. Việc nộp thuế có ý nghĩa duy trì, chi dùng cho các hoạt động của Nhà nước nói riêng và cho đất nước nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận cá nhân, tổ chức có hành vi trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Vậy khi vi phạm nghĩa vụ này thì đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tội trốn thuế.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
  • Luật quản lý thuế 2019.

1. Khái quát về nghĩa vụ nộp thuế

1.1. Nghĩa vụ nộp thuế

Nghĩa vụ nộp thuế được xem là trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức. Theo thời hạn quy định của pháp luật. Những người có trách nhiệm trên phải tiến hành thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách nộp thuế cho Nhà nước theo các phương thức trực tiếp hoặc điện tử. Việc nộp thuế là cơ sở, nền tảng cho các hoạt động của Nhà nước, giúp Nhà nước chi trả các khoản tiền cần thiết để xây dựng bộ máy Nhà nước, công trình xã hội và nhiều hoạt động khác.

Một cá nhân, tổ chức hoàn thành nghĩa vụ thuế là nộp thuế đúng hạn, đúng mức thuế cần phải nộp và đúng trình tự thủ tục quy định. Các đối tượng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế được xem là một công dân tiêu biểu của đất nước, luôn cống hiến và làm tròn bổn phận của mình.

1.2. Đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế

Nghĩa vụ nộp thuế được áp dụng cho các cá nhân, tổ chức nhưng không phải cá nhân, tổ chức nào cũng phải nộp thuế, pháp luật đã quy định và phân chia thành các nhóm đối tượng để thuận tiện cho việc quản lý, người dân dễ dàng tiếp cận, như sau:

Thứ nhất là tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Chẳng hạn như hộ gia đình sẽ đóng tiền sử dụng đất, Đóng tiền thuê đất, Đóng tiền lệ phí trước bạ, Đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp, Đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; cá nhân không có người phụ thuộc và có thu nhập trên 11 triệu đồng hằng tháng sau khi trừ các khoản bảo hiểm, khoản đóng góp khác phải nộp thuế thu nhập cá nhân; các tổ chức có thể nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế gia trị gia tăng,…

Thứ hai là tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước bao gồm khoản thu do cơ quan quản lý thuế quản lý thu (Phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí; tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tiền nộp ngân sách nhà nước từ bán tài sản trên đất,…) và không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu ( tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai; tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trừ lĩnh vực thuế và hải quan;…)

Thứ ba là tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế. Về đối tượng này có thể hiểu Khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là việc cá nhân được doanh nghiệp thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của cá nhân (trước khi được trả thu nhập). Thu nhập đã được tính trừ là thu nhập từ tiền công, thu lao hoặc tiền chi khác. Trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp.

1.3. Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế:

Quyền của người nộp thuế:

Các nhà làm luật đã ban hành ra những quy định nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi tối đa cho các đối tượng nộp thuế. Căn cứ theo điều 16 của Luật quản lý thuế 2019 ta có thể rút ra được các quyền sau đây:

– Về mặt trình tự thủ tục, người nộp thuế được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

– Về mối quan hệ giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật; được nhận quyết định xử lý về thuế, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định xử lý về thuế; được bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế; được nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý thuế.

– Về mặt pháp lý, người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình; không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công chức quản lý thuế và tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Nghĩa vụ của người nộp thuế:

Đồng thời theo Điều 17 Luật quản lý thuế năm 2019 thì người nộp thuế phải thực hiện những nghĩa vụ sau:

– Về mặt thông tin, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật; khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế; ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, bao gồm cả thông tin về giá trị đầu tư; số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ lập, lưu trữ, kê khai, cung cấp hồ sơ thông tin về người nộp thuế và các bên liên kết của người nộp thuế bao gồm cả thông tin về các bên liên kết cư trú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ.

– Về thủ tục nộp thuế, người nộp thuế phải nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm; chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; lập và giao hóa đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật; chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.

Ngoài các quyền và nghĩa vụ nói trên, người nộp thuế còn có các lợi ích vật chất cũng như các trách nhiệm cá nhân đối với việc nộp thuế quy định tại các khoản của điều 16,17 Luật quản lý thuế 2019.

2. Tội trốn thuế

2.1. Khái niệm tội trốn thuế

Nếu như nghĩa vụ nộp thuế là việc nộp một khoản tiền theo quy định cho Nhà nước thì trốn thuế là thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép nhằm mục đích không phải nộp thuế hoặc nộp với mức thấp hơn. Đây được xem là hành vi không làm tròn bổn phận công dân, không hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước.

Xét về cấu thành tội phạm của tội trốn thuế, chủ thể của tội này là các cá nhân, pháp nhân có trách nhiệm nộp thuế nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Về khách thể bị ảnh hưởng là chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước. Mặt khách quan, những người phạm tội này đã xâm phạm đến chế độ, chính sách thuế của pháp luật nước ta. Về chủ quan, người phạm tội có hành vi với lỗi cố ý, dù đã biết hành vi của mình là sai, không tuân thủ pháp luật nhưng vẫn thực hiện vì lợi ích riêng cá nhân, tổ chức.

2.2. Khung hình phạt áp dụng cho tội trốn thuế

Tội trốn thuế đã dựa trên hành vi phạm tội để phân chia thành các mức phạt khác nhau, đây cũng là tội có mức độ gây nguy hiểm cho xã hội đương đối cao nên mức phạt được đưa ra cũng vô cùng nặng. Căn cứ theo điều 200 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định mức phạt như sau:

Thứ nhất, với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm dành cho các những cá nhân trốn thuế từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng cùng với các hành vi sau:

– Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;

– Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

– Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

– Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

– Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

– Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;

– Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

– Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;

– Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

Bên cạnh đó, mức phạt trên còn áp dụng với các cá nhân trốn thuế dưới 100.000.000 đồng và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đới với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 200 của Bộ luật hình sự 2015, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

Thứ hai, dựa trên mức độ hành vi vi phạm, những hành vi có mức độ nặng hơn, có tình tiết tăng nặng bao gồm hành vi vi phạm có tổ chức; số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm. Những hành vi vi phạm của cá nhân có những tình tiết trên sẽ bị phạm tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc từ 01 năm đến 03 năm. Đối với pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

Thứ ba, những cá nhân có hành vi trốn thuế từ 1.000.000.000 đồng trở lên nhưng không có tình tiết tăng nặng (khoản 2 điều 200 Luật này) thì mức phạt sẽ từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Còn đối với pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Thứ tư, ngoài những hình phạt được quy định trên thì người  phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Riêng với pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến tội trốn thuế. Luật Dương Gia hi vọng bài viết này đã giúp ích cũng như giải đáp những thắc mắc mà bạn đang gặp phải. Nếu trong trường bạn cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon