Việc xử lý đối người phạm tội sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại hiện vẫn có nhiều quan điểm khác nhau. Thực tiễn xét xử và định tội danh đối với trường hợp này ở mỗi địa phương cũng chưa có sự thống nhất. Vậy, có phải trong mọi trường hợp việc sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác đều phạm tội “Giết người”?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự;
- Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Án lệ số 47;
- Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Công văn số: 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 của Tòa án nhân dân tối cao;
1. Hung khí nguy hiểm là gì?
– Tại tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
– Tại tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 quy định:
2.1. “Vũ khí” là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).
2.2. “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
a. Về công cụ, dụng cụ
Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…
b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…
c. Về vật có sẵn trong tự nhiên
Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…
Mặc dù những văn bản hướng dẫn trên đã hết hiệu lực, nhưng vẫn có ý nghĩa trong việc tham khảo giải quyết một số vụ án có liên quan.
Như vậy, hung khí nguy hiểm rất đa dạng, có thể là vật có sẵn trong tự nhiên, hoặc dụng cụ, công cụ do con người chế tạo ra có tính sắt, nhọn, bề mặt cứng… mà khi người sử dụng loại hung khí này tấn công vào cơ thể của người khác sẽ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người này.
2. Vùng trọng yếu trên cơ thể là gì?
Nghiên cứu Án lệ số 17/2018/AL của Tòa án nhân dân tối cao và các Thông báo rút kinh nghiệm số 05/TB-VC1-HS ngày 13/02/2019; Thông báo rút kinh nghiệm số 06/TB-VC1-HS ngày 25/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì có thể hiểu vùng trọng yếu của cơ thể là những vùng quan trọng, chủ yếu của cơ thể con người nếu bị tổn thương có thể quyết định việc tồn tại hoặc tử vong của con người như:
Vị trí đầu, cổ, gáy (gây tổn thương sọ, đốt sống cổ); ngực, lưng, bụng (gây tổn thương tim, phổi hoặc cơ quan nội tạng); vùng hông, đùi (gây tổn thương động mạch chủ…)
3. Xác định tội danh trong trường hợp sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu của người khác
Trường hợp 1: Người phạm tội sử dụng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân với cường độ tấn công quyết liệt, có ý thức tước đoạt mạng sống của người khác làm cho người bị tấn công tử vong, trường hợp này người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp 2: Người phạm tội không có ý định tước đoạt mạng sống và không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng khi thực hiện hành vi sử dụng hung khí tấn công và chủ đích đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân, mặc dù nạn nhân không chết, nhưng người thực hiện hành vi phải nhận thức rằng hậu quả tất yếu sẽ xảy ra. Việc nạn nhân không chết có thể xem là ngoài ý muốn.
Do đó, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”. Đối với trường hợp này, tình huống Án lệ số 47/2021/AL cũng nêu rõ: “Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo” và giải pháp pháp lý là “Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.
Trường hợp 3: Người phạm tội không có ý định tước đoạt mạng sống và không mong muốn hậu quả xảy ra, nhưng khi người sử dụng hung khí thực hiện hành vi tấn công (đâm, chém, đánh…) vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân là việc ngoài ý muốn, cường độ tấn công không quyết liệt, mức độ thương tích không nghiêm trọng, nạn nhân không chết. Tương ứng với các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.
Ví dụ: A và B đang xô xát đánh nhau, A sử dụng cây dao dài 50cm chém 01 nhát về phía B, lúc này B cũng đang cầm tuýp sắt, A không chủ đích chém vào vị trí trọng yếu nào trên cơ thể B, tuy nhiên quá trình dùng dao chém về phía B thì lưỡi dao chém trúng vào tuýp sắt của B đang dùng làm lưỡi dao văng trúng vào đầu B gây thương tích ngoài da đầu, vị trí mà A không mong muốn, mức độ không nghiêm trọng. Trường hợp này, mặc dù thương tích nằm ở vùng trọng yếu nhưng A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích.
– Theo Công văn số: 721/V14 ngày 25/11/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tham gia ý kiến đối với việc xử lý các vụ án xâm phạm sức khỏe liên quan đến Án lệ số 47: “Phải xem xét đánh giá toàn diện các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí trên cơ thể nạn nhân mà bị cáo có ý định tấn công (bị cáo cố ý tấn công vào vị trí trọng yếu trên cơ thể nạn nhân hay chỉ cố ý tấn công vào vị trí không trọng yếu nhưng vì lý do khách quan dẫn đến tấn công vào vị trí mà bị cáo không mong muốn…). Cần lưu ý rằng: chứng minh được đến đâu thì xử lý đến đó, tránh việc gây oan, sai; việc áp dụng Án lệ số 47 cần hiểu là áp dụng đối với những vụ án có tình huống, tình tiết diễn ra tương tự, không “cắt khúc” thời điểm, khoảnh khắc hành vi xảy ra để áp dụng xử lý.
– Theo Công văn số: 1751/C01-P2 ngày 21/4/2023 của Bộ Công an về việc hướng dẫn áp dụng Án lệ số 47/2021/AL trong khối cơ quan điều tra có nêu: “Để áp dụng Án lệ số 47/2021/AL, trong từng vụ án cụ thể, Cơ quan điều tra phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, trong đó cần đánh giá toàn diện, xem xét mọi dấu hiệu pháp lý của hành vi như: Vị trí tấn công; công cụ, phương tiện sử dụng; cường độ, mức độ tấn công, cơ chế hình thành vết thương, tính chất quyết liệt trong thực hiện hành vi; mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, động cơ, mục đích, ý thức chủ quan của đối tượng về hành vi và hậu quả… và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án (tài liệu, chứng cứ có được đến đâu thì xử lý đến đó, không để xảy ra oan, sai). Do đó, không phải trường hợp nào, đối tượng có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại cũng áp dụng Án lệ 47/2021/AL, mà chỉ xem xét áp dụng án lệ này đối với những vụ án có tình huống, tình tiết diễn ra tương tự, có đầy đủ yếu tố nêu trên để xác định đối tượng thực hiện hành vi “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, không cắt khúc, thời điểm, khoảnh khắc hành vi xảy ra để áp dụng xử lý.”
Công văn số 100TANDTC-PC ngày 1362023 của Tòa án nhân dân tối cao– Theo Công văn số: 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL thì “ngoài việc chứng minh bị cáo đã dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án, các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại; hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo. Do đó, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47, mà chỉ xem xét hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố nêu trên để xác định bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Như vậy, không phải trường hợp nào người sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác đều phạm tội “Giết người”, mà tùy từng trường hợp phải đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ để xác định mục đích thực hiện hành vi, mức độ, cường độ tấn công, yếu tố lỗi, thái độ của người thực hiện hành vi, vị trí tác động trên cơ thể…
Trên đây là phân tích về nội dung “Dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác, có phạm tội Giết người?”. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.