Trách nhiệm trong việc phổ biến, tuyên truyền BLHS 2015

trach-nhiem-trong-viec-pho-bien-tuyen-truyen-blhs-2015

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự điều phối, tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, đoàn thể; là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu Trách nhiệm trong việc phổ biến, tuyên truyền BLHS 2015 qua nội dung sau đây.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

1. Trách nhiệm của mỗi công dân trong việc phổ biến, tuyên truyền BLHS 2015

1.1. Vai trò của việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Phổ biến giáo dục pháp luật là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Nói cách khác, quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống được bắt đầu bằng hoạt động PBGDPL. Thực hiện pháp luật dù bằng hình thức nào – tuân thủ, thi hành (chấp hành) pháp luật, sử dụng (vận dụng) pháp luật hay áp dụng pháp luật.

Thứ nhất tất cả các hoạt động PBGDPL đều phải có hiểu biết pháp luật. Nếu không nhận thức đầy đủ vị trí quan trọng và không thực hiện tốt công tác PBGDPL thì dù công tác xây dựng pháp luật có làm tốt đến mấy cũng không đạt được hiệu quả thực thi pháp luật.

Pháp luật của Nhà nước không phải khi nào cũng được mọi người trong xã hội biết đến, tìm hiểu, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy rằng bản chất pháp luật của Nhà nước ta là tốt đẹp, nó phản ánh ý chí, nguyện vọng, mong muốn của đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội. Tuy nhiên, dù những quy định pháp luật có tốt đẹp nhưng không được nhân dân biết đến thì vẫn không đi vào cuộc sống.

PBGDPL chính là phương tiện truyền tải những thông tin, những yêu cầu, nội dung và các quy định pháp luật đến với người dân, giúp cho người dân hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời mà không mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu, tự học tập. Đó chính là phương tiện hỗ trợ tích cực để nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân.

Thứ hai muốn PBGDPL cần phải hình thành lòng tin vào pháp luật của đối tượng.

Pháp luật chỉ có thể được mọi người thực hiện nghiêm chỉnh khi họ tin tưởng vào những quy định của pháp luật. Pháp luật được xây dựng là để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, đảm bảo công bằng và dân chủ xã hội. Khi nào người dân nhận thức đầy đủ được như vậy thì pháp luật không cần một biện pháp cưỡng chế nào mà mọi người vẫn tự giác thực hiện.

Tạo lập niềm tin vào pháp luật cho mỗi người và cả cộng đồng đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng là PBGDPL để mọi người hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về quá trình thực  hiện và áp dụng pháp luật. Pháp luật cũng như mọi hiện tượng khác trong xã hội bao giờ cũng có hai mặt, không phải lúc nào nó cũng thoả mãn hết, phản ánh được đầy đủ nguyện vọng, mong muốn của tất cả mọi người trong xã hội.

Quá trình điều chỉnh pháp luật sẽ lấy lợi ích của đông đảo nhân dân trong xã hội làm tiêu chí, thước đo, do đó sẽ có một số ít không thoả mãn được. Chính các yếu tố hạn chế của các quy định pháp luật càng tạo nên sự cần thiết của công tác PBGDPL để mọi người hiểu đúng pháp luật, đồng tình ủng hộ pháp luật. Có như vậy mới hình thành lòng tin vào pháp luật của đông đảo nhân dân trong xã hội.

Thứ ba công tác PBGDPL nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đối tượng.

Ý thức pháp luật của người dân được hình thành từ hai yếu tố đó là tri thức pháp luật và tình cảm pháp luật.

Tri thức pháp luật là sự hiểu biết pháp luật của các chủ thể có được qua việc học tập, tìm hiểu pháp luật, qua quá trình tích luỹ kiến thức của hoạt động thực tiễn và công tác. Tình cảm pháp luật chính là trạng thái tâm lý của các chủ thể khi thực hiện và áp dụng pháp luật, họ có thể đồng tình ủng hộ với những hành vi thực hiện đúng pháp luật, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.

Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân chỉ có thể được nâng cao khi công tác PBGDPL cho nhân dân được tiến hành thường xuyên, kịp thời và có tính thuyết phục. PBGDPL không đơn thuần là phổ biến các văn bản pháp luật đang có hiệu lực mà còn lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đồng tình ủng hộ các hành vi thực hiện đúng pháp luật, hình thành dư luận và tâm lý đồng tình ủng hộ với hành vi hợp pháp, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.

PBGDPL nhằm hình thành, củng cố tình cảm tốt đẹp của con người với pháp luật, đồng thời ngày càng nâng cao sự hiểu biết của con người đối với các văn bản pháp luật và các hiện tượng pháp luật trong đời sống, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân.

Thứ tư là PBGDPL góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội

Vai trò quan trọng này của công tác PBGDPL bắt nguồn từ chính vai trò và giá trị xã hội của pháp luật là phương tiện hàng đầu để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. PBGDPL giúp cho mọi người có tri thức pháp lý, tình cảm pháp luật đúng đắn và hành vi hợp pháp, tạo tiền đề cho việc sử dụng quyền lực nhà nước, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ và quyền tự do của mỗi người.

PBGDPL đồng thời tạo ra khả năng đổi mới các quan hệ xã hội trong môi trường quản lý nhà nước bằng pháp luật, hình thành các điều kiện và nhân tố thuận lợi cho quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội; tạo ra khả năng phát hiện và loại trừ những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật diễn ra trong quá trình quản lý.

1.2. Trách nhiệm của công dân trong việc phổ biến, tuyên truyền BLHS năm 2015

Trong lịch sử pháp luật nước ta, BLHS luôn có vai trò rất quan trọng, được các triều đại phong kiến sử dụng như một công cụ duy trì trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà nội dung cơ bản là ghi nhận và đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân và thực hiện Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp, chủ động hội nhập quốc tế, BLHS lại càng khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt của mình và được ghi nhận ngay tại Điều 1 của BLHS năm 2015 – đó là BLHS có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, vì con người, vì công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Từ đó, tất cả các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương cần tập trung quán triệt, phổ biến, giới thiệu những nội dung hết sức cơ bản, tinh thần cốt lõi nhất của BLHS. Thông qua các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để có thể đưa BLHS đến với toàn thể nhân dân.

1.3. Trách nhiệm của Nhà nước

Một là, chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng đoàn, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức quán triệt và chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, có kế hoạch triển khai ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực được giao phụ trách, các điều kiện đảm bảo cho việc phổ biến, tuyên truyền BLHS năm 2015.

Hai là, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng BLHS, trong đó bảo đảm thực hiện các nội dung, yêu cầu sau:

+ Chỉ đạo các cơ quan làm tốt công tác biên soạn tài liệu, tổ chức đào tạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về BLHS; giúp cho công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, những điểm mới của BLHS sửa đổi; trên cơ sở đó có sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về việc triển khai và thực thi BLHS.

+ Cơ quan Nhà nước các cấp, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các cơ quan khác tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung của BLHS tại cơ quan, tổ chức và địa phương mình nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành đúng các quy định của BLHS.

+ Việc tuyên truyền đầy đủ các nội dung của BLHS cần được tiến hành thường xuyên, liên tục; đồng thời cùng với quá trình thể chế hóa các vấn đề cơ bản của BLHS thành các văn bản dưới luật gắn với quá trình tổ chức thực hiện; phải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ, của cả hệ thống Chính trị, trong các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân; phải tuyên truyền, phổ biến làm cho toàn dân quan tâm đến việc thực hiện đúng các quy định của BLHS.

+ Các cơ quan thông tấn, báo chí có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp để tuyên truyền nội dung cơ bản của BLHS, nhất là những điểm mới được sửa đổi, bổ sung; tổ chức tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên về BLHS, giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của BLHS đến mọi tầng lớp nhân dân.

Ba là, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, kiểm tra, tổ chức triển khai tập huấn, tuyên truyền BLHS trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; chỉ đạo chặt chẽ công tác bải đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Bốn là, các cấp Ủy,  tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị đưa nội dung này vào sinh hoạt để quán triệt trong toàn thể Đảng viên, cán bộ, về mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc tuân thủ, chấp hành BLHS cũng như nhiệm vụ của các cơ quan mình trong việc triển khai tìm hiểu BLHS; yêu cầu cấc cấp Ủy, các tổ chức Đảng cơ sở và từng Đảng viên, cán bộ nghiên cứu BLHS, tuyên truyền, hướng dẫn chấp hành đúng các quy định của BLHS.

1.4. Trách nhiệm của mỗi người dân

Chỉ khi đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc về BLHS thì đây sẽ là cơ sở bảo đảm BLHS được thực thi nghiêm túc và hiệu quả. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và các tầng lớp nhân dân về các quy định của BLHS là nội dung đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, đặc biệt đề cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nội dung, tinh thần của BLHS năm 2015 trong nhân dân.

Đồng thời, cần hướng dẫn, giải thích cụ thể những điểm mới trong Bộ luật này để tạo điều kiện cho cơ quan áp dụng pháp luật hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng trong thực tế. Vì vậy, công tác ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự và rà soát lại toàn bộ các văn bản có liên quan đến BLHS cũng là công việc hết sức quan trọng

Từ nhận thức về BLHS mới, với vai trò của nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các các cơ quan khác của Nhà nước, từ việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia quản lý, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan của Nhà nước.

Từ đó, phải tuyên truyền để người dân hiểu tinh thần và nội dung của BLHS mới vì một thực tế hiện nay là rất nhiều người phạm tội do người ta không biết hành vi đó là vi phạm quy định pháp luật. Phải làm cho người dân hiểu rằng hành vi nào bị luật hình sự cấm, và nếu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Một điều không thể phủ nhận, ngày nay đời sống của các tầng lớp nhân dân đang được nâng cao, đi cùng với nó là sự nâng lên của trình độ tri thức, nhận thức nói chung và nhận thức pháp luật nói riêng. Nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến pháp luật, ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật có những tiến bộ rõ rệt. Họ đã tiếp thu khá nhiệt tình, tích cực sự tuyên truyền pháp luật từ phía các cơ quan, ban ngành cũng như hưởng ứng nhiệt tình các cuộc vận động pháp luật. Vì vậy, nhân dân đã nhận thức sâu sắc hơn hành vi của mình để có thể thực hiện tốt hơn những quy định của pháp luật.

Tuy vậy, bên cạnh đó ý thức pháp luật trong nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận không nhỏ nhân dân trình độ nhận thức pháp luật kém. Kiến thức pháp luật của nhân dân, đặc biệt những vùng nông thôn, miền núi còn rất thấp. Rất nhiều người tham gia pháp luật mà không biết những quy định của pháp luật mặc dù nó rất gần gũi, phổ biến trong cuộc sống.

Ví dụ hiện nay, trên địa bàn cả nước, số lượng phương tiện giao thông đang tăng nhanh, số người tham gia giao thông đường bộ rất nhiều, nhưng điều đáng buồn là rất nhiều trong số đó không biết luật giao thông đường bộ quy định bao nhiêu tuổi được phép điều khiển xe máy, khi tham gia giao thông bằng xe máy phải cần những giấy tờ gì… Nhận thức pháp luật của người dân ở nước ta hiện nay là điều đáng lo ngại.

Những hạn chế về ý thức pháp luật của nhân dân xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết đó là do trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nhất là ở những vùng nông thôn miền núi, vì vậy nên trình độ nhận thức pháp luật của nhân dân kém. Công tác tuyên truyền pháp luật trong quần chúng chưa toàn diện, chưa sâu rộng và chưa hiệu quả. Những hành vi vi phạm pháp luật của người dân có thể do không nhận thức được hành động của mình, có thể nhận thức được nhưng vẫn cố tình vi phạm…

Do đó, bên cạnh vai trò của Nhà nước thì trách nhiệm của mỗi công dân trong việc phổ biến giáo dục pháp luật là rất quan trọng, bởi lẽ không cách nào tốt hơn bằng việc tự chính mỗi người dân tự ý thức chấp hành pháp luật tốt, tự lan tỏa cho nhau những hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự thông qua các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Pháp luật là yếu tố không thể thiếu được đối với mọi nhà nước, xã hội. Muốn tổ chức, quản lý tốt nhà nước, xã hội đòi hỏi mỗi người trong cộng đồng đó phải hiểu biết và không ngừng nâng cao ý thức pháp luật. Nếu công dân không có ý thức pháp luật tốt sẽ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, sẽ tìm những kẽ hở của pháp luật để vụ lợi cá nhân, bất chấp lợi ích cộng đồng. Vì thế yếu cầu các tầng lớp nhân dân phải không ngừng nâng cao hiểu biết pháp luật.

2. Các giải pháp tuyên truyền hiệu quả BLHS năm 2015

Các giải pháp mang tính định hướng chung đó là:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL. Các cấp ủy phải thường xuyên tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch PBGDPL trên địa bàn cấp mình và phải luôn xác định vai trò gương mẫu và tiên phong của đảng viên trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình PBGDPL.

Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp PBGDPL. Cần đổi mới nội dung tuyền truyền, PBGDPL theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để một mặt nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, mặt khác giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống.

Thứ ba, nâng cao chất lượng dạy học pháp luật trong trường học. Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật trong các hoạt động ngoại khoá bằng nhiều hình thức như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các buổi nói chuyện chuyên đề; giới thiệu văn bản mới trong các buổi sinh hoạt thường kỳ; tổ chức các cuộc ra quân tuyên truyền, cổ động; lồng ghép nội dung pháp luật trong các cuộc thi văn hoá, văn nghệ.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyền truyền, PBGDPL không tách rời với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho nhân dân. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là áp dụng pháp luật một cách đúng đắn và nghiêm minh, nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Trên đây là nội dung về Trách nhiệm trong việc phổ biến, tuyên truyền BLHS 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon