Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

toi-xam-pham-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan

Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ án hình sự kinh tế đã bị khởi tố, nổi bật trong đó là các tội phạm xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế. Đây là nhóm tội phạm thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại nền kinh tế xã hội, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và của công dân qua việc vi phạm quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế. Đặc biệt, hiện nay, nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, pháp luật Việt Nam ban hành các chế tài nào đối với tội phạm xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan? Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết sau:

Căn cứ pháp lý

1. Khái niệm về quyền tác giả, quyền liên quan

Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định như sau:

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản:

Quyền nhân thân gồm các quyền: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố sử dụng; công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản bao gồm các quyền: làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vụ tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Quyền liên quan cũng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Tuy nhiên, nội dung quyền nhân thân và quyền tài sản của quyền liên quan phụ thuộc vào đối tượng của quyền liên quan trong từng trường hợp cụ thể (ví dụ: nếu người nhạc sĩ đồng thời là chủ đầu tư của cùng một tác phẩm âm nhạc thì họ có đầy đủ cả các quyền về nhân thân và các quyền về tài sản. Nếu người nhạc sĩ bán ca khúc do mình sáng tác cho một chủ thể khác thì người nhạc sĩ có các quyền nhân thân còn chủ thể đó có các quyền về tài sản,… gắn liền với ca khúc trên).

2. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Là hành vi cố ý thực hiện một trong các hành vi, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính. Dấu hiệu pháp lý của tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định như sau:

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của tổ chức, cá nhân.

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở một trong những hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam:

+ Cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan;

Cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình là cố ý tạo ra bản sao của tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình (bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình) bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử.

Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan được hiểu là sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép của chủ thể (cá nhân hoặc tổ chức) có những quyền nhất định đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, bao gồm tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả hoặc không được phép của chủ thể có các quyền nhất định đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

+ Cố ý phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao ghi hình mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan;

Cố ý phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình là cố ý chuyển tải, đưa đến công chúng bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình (bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình) bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào mà không được phép của chủ thể (cá nhân hoặc tổ chức) có những quyền nhất định đối với tác phẩm do mình sáng tạp ra hoặc sở hữu, bao gồm tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả hoặc không được phép của chủ thể có các quyền nhất định đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam trên đây cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nếu hành vi đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 100.000.000 đồng trở lên hoặc hàng hoá vi phạm trị giá 100.000.000 đồng trở lên.

Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên là trường hợp thu được lợi ích vật chất không chính đáng từ việc phạm tội trị giá 50.000.000 đồng trở lên.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là hành vi không được phép nhưng vẫn muốn thực hiện hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ và mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Thông thường hành vi xâm phạm quyền tác giả này vì vụ lợi.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có thể là cá nhân hoặc pháp -nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội.

+ Trường hợp chủ thể của tội phạm là cá nhân

Theo quy định của BLHS thì cá nhân là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

+ Trường hợp chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại thì phải thoả mãn điều kiện  chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

3. Hình phạt

Căn cứ theo Điều 225 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, chế tài đối với “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” được quy định như sau:

a) Hình phạt đối với người phạm tội

– Khung hình phạt tại khoản 1 Điều này:

Người phạm tội bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

– Khung hình phạt tại khoản 2 Điều này:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Có tổ chức

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

+ Phạm tội 02 lần trở lên

Phạm tội 02 lần trở lên được hiểu là đã có từ 02 lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội đều có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều luật tương ứng theo quy định. Đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị xử lý hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, được đưa ra truy tố, xét xử cùng một lúc.

Trường hợp phạm tội 02 lần trở lên mà người phạm tội cùng với những người đồng phạm khác phạm tôi theo một kế hoạch thống nhất trước đó, thoả mãn dấu hiệu “phạm tội có tổ chức”, thì người phạm tội phải bị áp dụng hai tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tổ chức” và “phạm tội 02 lần trở lên” tại điểm a, b khoản 2 Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

+ Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên

Đây là trường hợp thu được lợi ích vật chất không chính đáng từ việc phạm tội trị giá 300.000.000 đồng trở lên.

+ Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên

+ Hàng hoá vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

– Hình phạt bổ sung tại khoản 3 Điều này:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

b) Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội 

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại khoản 4 Điều 225 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì bị phạt như sau:

– Hình phạt chính:

+ Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 225 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hoá vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hoá vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 225 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

– Hình phạt bổ sung

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trên đây là nội dung phân tích các quy định của pháp luật về “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”. Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon