Những năm gần đây, rửa tiền đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế. Hoạt động rửa tiền có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào trên thế giới, đặc biệt là ở những nước có đường lối, chính sách cũng như hệ thống quy định pháp luật về chống rửa tiền lỏng lẻo, thiếu hiệu quả. Tác hại của rửa tiền đối với xã hội và nền kinh tế rất nguy hiểm. Do đó, việc BLHS hiện hành quy định về tội rửa tiền đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý hiệu quả về phòng chống rửa tiền, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
1. Khái niệm rửa tiền
Tội rửa tiền được khá nhiều cơ quan, tổ chức của quốc tế quan tâm nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu phòng, chống tội phạm này. Mỗi cơ quan, tổ chức đều có đưa ra một khái niệm riêng về hành vi rửa tiền nhưng bản chất đều có sự giống nhau. Ví dụ:
Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) khi giới thiệu về tội rửa tiền đã định nghĩa một cách khái quát: “rửa tiền là phương pháp mà những người phạm tội che giấu nguồn gốc bất hợp pháp tài sản của họ và bảo vệ những cơ sở cho quyền tài sản của họ, để tránh sự nghi ngờ của cơ quan thực thi pháp luật và đề phòng việc để lại những dấu vết có thể trở thành bằng chứng buộc tội”.
Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) cũng định nghĩa một cách ngắn gọn rằng rửa tiền là “bất kì hành vi hoặc nỗ lực thực hiện hành vi che giấu hoặc ngụy trang nhận diện của tài sản có được một cách bất hợp pháp để chúng có vẻ bắt nguồn từ nguồn gốc hợp pháp.”
Tương tự như vậy, Ngân hàng thế giới (World Bank) đưa ra định nghĩa: “rửa tiền là quá trình trong đó tài sản có được từ hành vi phạm tội được ngụy trang để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của chúng. Về bản chất, rửa tiền liên quan đến tài sản thu được từ tài sản do phạm tội mà có hơn là bản thân tài sản do phạm tội mà có”.
Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) – một tổ chức quốc tế được đánh giá cao về những nỗ lực chống rửa tiền đã đưa ra định nghĩa tương đối khái lược cho khái niệm rửa tiền, đó là “quá trình xử lý tài sản do phạm tội mà có để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của chúng, tức là để hợp pháp hóa những lợi ích vật chất thu được từ việc phạm tội”.
Những định nghĩa này một lần nữa khẳng định bản chất của rửa tiền là hành vi cố ý hợp pháp hóa các khoản tiền, tài sản là kết quả của hoạt động phạm tội trước đó. Các định nghĩa còn phản ánh mục đích của tội rửa tiền là để tránh sự phát hiện của cơ quan thực thi pháp luật về nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản hoặc tránh hậu quả pháp lý bất lợi cho người đã phạm tội tạo ra tiền, tài sản bất hợp pháp trước đó. Như vậy, rửa tiền là hành vi nguy hiểm cho xã hội của cá nhân hay tổ chức cố ý che giấu, hợp pháp hóa tiền, tài sản có nguồn gốc từ hoạt động phạm tội.
– Rửa tiền là loại tội phạm có tính phái sinh. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của tội rửa tiền. Như đã biết, tội rửa tiền luôn đi kèm với những hoạt động phạm tội trước đó, có thuộc tính phụ thuộc tự nhiên vào tội phạm nguồn. Tội phạm nguồn là bất cứ tội phạm nào mà tiền, tài sản có được từ việc thực hiện tội phạm đó có thể trở thành đối tượng của một tội phạm rửa tiền. Nếu không có tội phạm nguồn thì cũng không có tội rửa tiền.
Điều 3 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP quy định về tội phạm nguồn như sau:
“Điều 3. Tội phạm nguồn
1. Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền (ví dụ: Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội mua bán người; Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội trộm cắp tài sản; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội trốn thuế; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm;
Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội khủng bố; Tội tài trợ khủng bố; Tội bắt cóc con tin; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội đánh bạc; Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…). Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm.
2. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.”
2. Đối tượng tác động
– Đối tượng tác động của tội rửa tiền là tiền, tài sản do phạm tội mà có. Tài sản ở đây phải được hiểu theo một nghĩa rộng, ở mọi hình thức, hữu hình hay vô hình, động sản hay bất động sản, vật chất hay phi vật chất, và toàn bộ các văn bản pháp lý hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý chứng nhận quyền sở hữu, hay các lợi ích liên quan đến tài sản đó.
Đây là loại đối tượng đặc biệt bởi nguồn gốc hình thành chúng xuất phát từ hệ quả của một hành vi phạm tội.
3. Dấu hiệu pháp lý của tội rửa tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự
3.1. Chủ thể của tội phạm rửa tiền
Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể. Do rửa tiền là loại tội phạm được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là một chuỗi các hành vi rất phức tạp và xuất phát từ sự đa dạng trong các loại tội phạm nguồn khi chúng tạo ra các khoản tiền, tài sản bất hợp pháp nên chủ thể của tội rửa tiền cũng rất đa dạng.
3.2. Mặt khách thể của tội phạm
– Khách thể của tội phạm:
BLHS Việt Nam quy định tội rửa tiền tại Điều 324 thuộc chương XXI về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Do đó, khách thể của tội rửa tiền là những quan hệ xã hội về trật tự, an toàn công cộng được luật hình sự bảo vệ.
– Đối tượng tác động của tội phạm:
Theo quy định của Điều 324 BLHS thì đối tượng tác động của tội rửa tiền là tiền, tài sản do phạm tội mà có. Đây là một loại đối tượng đặc biệt với nguồn gốc hình thành từ một hành vi phạm tội trước đó. Hành vi phạm tội làm sản sinh ra tiền, tài sản mà sau đó trở thành đối tượng tác động của tội rửa tiền không bị giới hạn, tức là các tội phạm nguồn của tội rửa tiền là tất cả các tội phạm được quy định trong BLHS hiện hành.
3.3. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội rửa tiền là một trong những nhóm hành vi quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 324 BLHS, cụ thể:
– Nhóm hành vi thứ nhất: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ Sở để biết là do người khác phạm tội mà có.
+ Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có: Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức; Rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật; Cầm cố, thế chấp tài sản; Cho vay, cho thuê tài chính; Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị; Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác; Tham gia phát hành chứng khoán; Bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng; Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể; Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác; Các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật.
+ Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có: Hoạt động (chơi, kinh doanh) casino; Tham gia (chơi, kinh doanh) trò chơi có thưởng; Mua bán cổ vật; Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng.
– Nhóm hành vi thứ hai: Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác.
+ Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh là hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
+ Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.
– Nhóm hành vi thứ ba: Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.
Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có là hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ: cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ…).
– Nhóm hành vi thứ tư: Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
3.5. Mặt chủ quan của tội phạm
– Lỗi: Người phạm tội thực hiện tội phạm rửa tiền với lỗi cố ý trực tiếp.
– Về mục đích phạm tội, hành vi rửa tiền phải có mục đích “nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản” do phạm tội mà có. Hành vi giao dịch, sử dụng hay che giấu tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc là tiền, tài sản đó có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có phải nhằm mục đích che đậy cho nguồn gốc phi pháp của tiền, tài sản đó. Mục đích phạm tội phải là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP của tội rửa tiền.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội rửa tiền. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.