Tái phạm, tái phạm nguy hiểm là gì?

tai-pham-tai-pham-nguy-hiem-la-gi

Tái phạm, tái phạm nguy hiểm là một trong những chế định được quy định tại Bộ luật hình sự, đây là chế định khá phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn áp dụng. Việc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hình phạt, trách nhiệm hình sự và  đường lối xử lý đúng đắn đối với người phạm tội trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vậy, tái phạm và tái phạm nguy hiểm dưới góc độ pháp luật được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật hình sự năm 2015
  • Nghị quyết số: 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao;
  • Nghị quyết số: 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Luật sư là gì? Những lợi ích khi thuê luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự

1. Tái phạm là gì?

Thuật ngữ “tái phạm” trong tiếng anh là “recidivism” có nguồn gốc từ “recidivus”, trong tiếng La tinh được hiểu là “sự lặp lại”, trong Tiếng việt có nghĩa là mắc lại những sai lầm cũ. Hiểu theo nghĩa rộng là việc một người lặp lại hành vi của mình, mà hành vi đó gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, trái pháp luật, trái đạo đức.

Dưới góc độ pháp luật, tái phạm được đề cập đến trong luật hành chính, bộ luật lao động và đặc biệt là trong lĩnh vực hình sự. Theo đó, căn cứ vào khoản 1 Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.”

Như vậy, có thể hiểu tái phạm là việc cá nhân lặp lại hành vi phạm tội của mình trong khi đã bị xử phạt bằng một bản án có hiệu lực pháp luật mà bản án đó chưa bị xoá theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Tháng 5/2022, anh Nguyễn Văn T dùng xe máy di chuyển đến xã X thuộc huyện Y để thực hiện trộm cắp 01 chiếc điện thoại di động trị giá 10 triệu đồng. Quá trình điều tra, xác định T đã từng bị kết án về tội trộm cắp tài sản vào năm 2019, bị Toà án huyện Y xử phạt 24 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, buộc bồi thường 5.000.000 đồng. Tháng 6/2021, T chấp hành án xong và ra trại.

Như vậy, trong tình huống trên, bị cáo T đã từng bị kết án về tội trộm cắp tài sản, thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, tuy nhiên chưa được xoá án tích mà tháng 5/2022, T lại tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với lỗi cố ý. Do đó, trong trường hợp này A thuộc trường hợp “tái phạm” theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.

2. Căn cứ để xác định trường hợp tái phạm

Trên cơ sở các điều kiện và khái niệm của tái phạm, có thể thấy căn cứ để xác định trường hợp tái phạm bao gồm:

Thứ nhất, người phạm tội thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên. Xuất phát từ bản chất của khái niệm tái phạm là sự lặp lại hành vi phạm tội. Do đó, người phạm tội không chỉ thực hiện một hành vi phạm tội. Hành vi lặp lại tội có thể cùng hoặc khác loại với tội phạm trước kia, có thể thực hiện với cùng hình thức lỗi hoặc khác hình thức lỗi.

Thứ hai, người phạm tội trước đây đã bị kết án và bị xử phạt. Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, để thuộc trường hợp tái phạm thì trước đây người phạm tội đã thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và hành vi đó phải thoả mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Đồng thời, hành vi phạm tội này phải bị đưa ra xét xử, bị kết án và bị xử phạt. Trường hợp nếu bị đưa ra xét xử, bị kết án nhưng miễn hình phạt thì  không được xem là dấu hiệu của hành vi tái phạm sau này. Tội mà trước đây người đó thực hiện có thể là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Lỗi có thể là cố ý hoặc vô ý, không bắt buộc quy định dấu hiệu là đã chấp hành bản án hay chưa.

Thứ ba, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mới trong khoảng thời gian nhất định sau khi bị kết án lần nhất. Theo đó, người phạm tội đã bị kết án đối với lần thứ nhất, sau đó chưa được xoá án tích đã phạm phải tội mới. Án tích là hậu quả pháp lý của người bị kết án bị áp dụng hình phạt theo bản án đã kết tội theo hiệu lực pháp luật của Toà án. Án tích bao giờ cũng gắn với việc một người bị kết án. Phát sinh từ khi bản án có hiệu lực và kết thúc khi thời hạn đã hết theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, người thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội do lỗi vô ý đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, có thể hiểu đối với tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng, dấu hiệu tái phạm chỉ đặt ra khi họ gây ra lỗi cố ý, ngược lại nếu thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý thì không thuộc dấu hiệu của tái phạm. Tiếp đó, đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng thì cho dù người phạm tội thực hiện với lỗi vô ý thì vẫn được xem là dấu hiệu của tái phạm.

3. Tái phạm nguy hiểm là gì?

Trước đây, khái niệm tái phạm nguy hiểm chưa được ghi nhận chính thức về mặt lập pháp mà chỉ được xem như một hình thức định khung tăng nặng của một số loại tội phạm.

Khái niệm tái phạm nguy hiểm lần đầu tiên được định nghĩa trong dự thảo Thông tư ngày 16/3/1973 của liên bộ Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an: “Trường hợp đã bị xử án về một tội nghiêm trọng sau cũng phạm một tội nghiêm trọng hoặc trước đã bị xử án về tội không nghiêm trọng nay phạm vào một tội nghiêm trọng”. Như vậy với khái niệm trên thì để xác định hành vi tái phạm nguy hiểm là: đã bị kết án về một tội nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng, nay lại phạm tội nghiêm trọng. Được xác định dựa trên: loại tội, lỗi, án tích, tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.

Hiện nay, dưới góc độ Bộ luật hình sự năm 2015 thì khái niệm tái phạm nguy hiểm được định nghĩa như sau: “…Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”

Như vậy, có thể hiểu tái phạm nguy hiểm là một hình thức của tái phạm, tuy nhiên lại có tính nguy hiểm cao đồng thời các điều kiện của nó phải đáp ứng các điều kiện tăng cao so với điều kiện của tái phạm.

Ví dụ: Năm 2015, Nguyễn Văn A bị kết án 02 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Tháng 12/2016, A chấp hành xong hình phạt tù và chấp hành xong các quyết định khác của bản án. Năm 2018, A tiếp tục trộm cắp tài sản, tháng 4/2018, A bị kết án 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản với tình tiết tăng nặng “tái phạm”. Tháng 12/2021, A chấp hành xong hình phạt tù, đã thực hiện xong phần án phí và bồi thường. Đến tháng 6/2022, A tiếp tục trộm cắp tài sản là 3 chiếc điện thoại trị giá 20 triệu đồng.

Như vậy, A thuộc trường hợp đã từng kết án có tình tiết tăng nặng “tái phạm”, nhưng chưa được xoá án tích mà lại tiếp tục thực hiện trộm cắp tài sản có trị giá 20 triệu đồng với lỗi cố ý. Do đó, A phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”.

4. Căn cứ để xác định trường hợp tái phạm nguy hiểm

Căn cứ để xác định trường hợp tái phạm nguy hiểm bao gồm:

Thứ nhất, đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Như vậy, đối với tái phạm nguy hiểm thì tội phạm được giới hạn trong hai tội là đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; lỗi cũng được giới hạn bởi hình thức lỗi cố ý. Bên cạnh đó, tội phạm thực hiện hành vi trên phải trong thời gian chưa được xoá án tích, trường hợp đã xoá án tích mà vẫn phạm tội thì không được xem là tái phạm nguy hiểm.

Thứ hai, đã tái phạm chưa được xoá án tích mà thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý. Đối với trường hợp này pháp luật không giới hạn tội phạm thuộc trường hợp nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng mà chỉ giới hạn lỗi phải là lỗi cố ý. Bên cạnh đó, phải xác định trước đây khi bị đưa ra xét xử người phạm tội đã hai lần bị kết án vì tội độc lập. Đặc biệt đối với lần kết án thứ hai, người phạm tội đã bị áp dụng tình tiết “tái phạm” tại Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015 mà hành vi phạm tội này chưa được xoá án tích nay lại phạm tội mới do lỗi cố ý.

* Những lưu ý khi áp dụng tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm:

– Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Khi áp dụng tình tiết “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, cần phân biệt:

  • Trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo.
  • Trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

– Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao: “Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 các điều 353, 354 và 355 của Bộ luật Hình sự là trước đó người phạm tội đã bị kết án trong 01 lần về một hoặc nhiều tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê tại khoản 1 của một trong các điều 353, 354 và 355 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp ngoài tiền án nêu trên, người phạm tội còn có tiền án khác thì tiền án này được sử dụng để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, trừ trường hợp các tiền án đều đã được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội trong các lần kết án trước đó.

5. Phân biệt tái phạm và tái phạm nguy hiểm

Tiêu chí Tái phạm  Tái phạm nguy hiểm
 Cơ sở pháp lý   Khoản 1 điều 53 Bộ luật hình sự 2015 Khoản 2 điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015
Khái niệm  Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý Tái phạm nguy hiểm được coi là dạng đặc biệt của hành vi tái phạm, nếu thuộc một trong các trường hợp sau sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm:

Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trước đó do lỗi cố ý nhưng chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý thì được coi là “tái phạm nguy hiểm”.

Đã bị kết án 2 lần về bất kỳ tội danh nào, đồng thời trong lần kết án thứ 2 người này đã bị áp dụng tình tiết “tái phạm” mà hành vi phạm tội này chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới do lỗi cố ý sẽ được xác định là “tái phạm nguy hiểm”.

Dấu hiệu  – Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đó đã bị kết án.

– Người bị kết án và bản án đó chưa được xoá án tích.

– Người phạm tội lại phạm tội mới do lỗi cố ý hoặc vô ý đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp 1: 

– Trước khi thực hiện hành vi tội phạm, người phạm tội đó đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do cố ý

– Người bị kết án chưa được xoá án tích

– Người phạm tội lại phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng

Trường hợp 2

– Người phạm tội đã tái phạm, đã hai lần bị kết án về tội độc lập, đối với lần thứ 2 đã áp dụng tình tiết tái phạm. Dấu hiệu tái phạm phải được xác định bằng quyết định hoặc bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật

– Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý

– Chưa được xoá án tích

 

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Tái phạm, tái phạm nguy hiểm là gì?”. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon