Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

toi-vi-pham-che-do-mot-vo-mot-chong

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái thành những công dân tốt, con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. Để đảm bảo chế độ hôn nhân gia đình tiến bộ, tuân thủ Hiến pháp, Bộ luật hình sự đã quy định cụ thể tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, nhằm bảo vệ quyền nhân thân và quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội phạm của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng xâm phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân gia đình là nguyên tắc một vợ, một chồng.

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”

1.1. Mặt khách thể của tội phạm

Khách thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chính là chế độ một vợ, một chồng, chế độ hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyên, tiến bộ quy định tại Điều 36 Hiến pháp năm 2013:

“Nam nữ có quyền kết hôn ly hôn Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ một vợ một chồng vợ chồng bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”.

Theo nguyên tắc này, người đang có vợ, có chồng bị cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng bị cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà minh biết là đang cỏ chồng, có vợ.

Người có hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng không những vi phạm nguyên tắc một vợ, một chồng mà còn vi phạm nghĩa vụ chung thủy giữa chống và vợ trong hôn nhân, đồng thời tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình.

Như vậy, hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ, thi hành vi đó xâm hại trực tiếp đến quan hệ xã hội là chế độ một vợ, một chồng được pháp luật bảo vệ.

1.2. Mặt chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, đòi hỏi phải thỏa mãn hai dấu hiệu chung của chủ thể tội phạm là đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể đó phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội phạm mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ 14 tuổi trở lên được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015.

Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng còn được quy định tại khoản 1 Điều 182 BLHS năm 2015 hoặc là người đang có vợ, có chồng (trong trường hợp thực hiện hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác) hoặc là người chưa có vợ, chưa có chồng (trong trường hợp thực hiện hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết là đang có chồng, có vợ).

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, người đang có vợ hoặc có chồng là người có đủ hai điều kiện:

+ Họ phải là người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của Luật hôn nhân và gia đình hoặc là người (có hôn nhân thực tế) xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn hoặc là người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

+  Họ phải là người chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết.

1.3. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định là 2 dạng sau:

– Hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng (của người đang có vợ hoặc đang có chồng) với người khác.

– Hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng (của người chưa có vợ, chưa có chồng) với người đang có chồng, có vợ.

Theo khoản 5 và 7 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014, kết hôn là hành vi xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Chung sống như vợ chống là hành vi tổ chức cuộc sống chung với người khác như vợ chồng.

Hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng chỉ bị coi là hành vi khách quan của tội phạm này khi thỏa mãn một trong hai dấu hiệu sau:

– Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn. Ly hôn của một hoặc hai bên được coi như là hậu quả của hành vi khách quan nêu trên. Để chứng minh vì do thực hiện hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ như chồng với người khác dẫn tới ly hôn… thì phải chứng minh có mối quan hệ nhân – quả giữa hành vi nêu trên và hậu quả ly hôn.

Ly hôn có thể vì lý do một bên chung sống như vợ như chồng với người khác hay là lý do trong suốt quá trình chung sống vợ chống thưởng xuyên xảy ra mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung giữa hai người không thể kéo dài, tình cảm không còn, mục đích hôn nhân không đạt được. Ly hôn có thể xuất phát từ nhiều lý do, trong đó hành vi “ngoại tình” có thể là một lý do nhưng không phải là lý do chính dẫn đến ly hôn.

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà còn vi phạm. Đây là trường hợp một người đã bị xử phạt hành chính về hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 182 BLHS năm 2015 nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi đó.

1.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được thực hiện với lỗi cổ ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình là người đang có vợ, có chồng hoặc biết người mà mình kết hôn hoặc chung sống đang có chồng, có vợ nhưng vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đó. Trường hợp vì một lý do nào đó mà không biết hoặc lầm tưởng là vợ hoặc chồng của mình đã chết, nên đã kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, thì không phạm tội này.

2. Hình phạt của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

– Khung cơ bản có mức phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 182 BLHS năm 2015.

– Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm được quy định áp dụng cho các trường hợp phạm tội sau đây:

+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.

Dấu hiệu “Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát” được hiểu là trường hợp phạm tội mà nguyên nhân của việc tự sát là do hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chống mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ. Việc tự sát chỉ đòi hỏi xảy ra ở một người và không đòi hỏi việc tự sát đã dẫn đến chết người. Việc tự sát phải có căn cứ chứng minh như có người làm chứng, thư tuyệt mệnh… xác định việc tự sát là do hành vi kết hôn hoặc chung sống với người khác của vợ, chồng gây ra hoặc đối với con là do hành vi kết hôn hoặc chung sống với người khác của bố, mẹ gây ra.

+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Dấu hiệu “Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó” được hiểu là khi một người bị Tòa án ra bản án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng với một người khác trái với chế độ một vợ, một chồng, tuy nhiên người có hành vi trên không chấp hành bản án của Tòa án mà vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ vợ chồng đỏ với người khác.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon