Tội môi giới mại dâm

toi-moi-gioi-mai-dam

Hiện nay, tệ nạn mại dâm ngày càng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi và khó lường, nhất là do sự phát triển của mạng xã hội, từ đó gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như nguy cơ lây lan các bệnh xã hội HIV/AIDS, tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng tăng, kéo theo tệ nạn mua bán người,… gây ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, trật tự an toàn xã hội. Do đó, công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm, đặc biệt là môi giới mại dâm ngày càng được đẩy mạnh triệt để. BLHS năm 2015 đã có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với hành vi môi giới mại dâm rất nghiêm khắc, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội phạm của tội môi giới mại dâm

Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội môi giới mại dâm như sau:

Điều 328. Tội môi giới mại dâm

“1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

* Mặt khách quan của tội phạm:

Điều 328. Tội môi giới mại dâm quy định:

“1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Theo quy định này, môi giới mại dâm là hành vi làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm. So với quy định của Bộ luật hình sự 1999 về tội môi giới mại dâm “Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm…” thì quy định về hành vi môi giới mại dâm tại điều 328 Bộ luật hình sự mang tính cụ thể, rõ ràng hơn.

– Trung gian được hiểu là người đứng ở giữa, giữ vai trò kết nối trong quan hệ giữa hai chủ thể khác. Đối với quy định về tội môi giới mại dâm theo điều 328 thì trung gian là hành vi của người môi giới, đứng giữa người bán dâm và người mua dâm, giữ vai trò móc nối cho hành vi bán dâm và mua dâm.

– Dụ dỗ có thể hiểu là việc làm cho một ai đó xiêu lòng mà nghe theo, làm theo bằng những lời hứa hẹn về quyền lợi. Trong tội môi giới mại dâm thì làm trung gian dụ dỗ là việc một người dùng lời nói, hành động như đưa ra các điều kiện về kinh tế, kích thích sự ham muốn,… để cho người khác nghe theo mình và thực hiện hành vi mua dâm, bán dâm. Hay nói cách khác, dụ dỗ được hiểu là hành vi thuyết phục người khác chấp nhận việc mua dâm, bán dâm.

– Dẫn dắt được hiểu là dẫn, chỉ dẫn để đi cho đúng hướng hay để đạt mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra. Với tội môi giới mại dâm thì hành vi làm trung gian dẫn dắt trong môi giới mại dâm là hành vi của một người nhằm tạo điều kiện, cơ hội, lên kế hoạch để người khác có thể tiếp cận, thỏa thuận việc mua dâm, bán dâm. Hành vi dẫn dắt môi giới mại dâm rất đa dạng, có thể là hành vi làm trung gian giao dịch trong việc mua bán dâm (thỏa thuận giá cả và các điều kiện khác như: thời gian, địa điểm để đưa đón, bố trí cho người mua, bán dâm gặp nhau) hoặc dắt mối cho người bán dâm hoặc mua dâm; tổ chức để người mua dâm và người bán dâm gặp nhau; đứng ra thu tiền mua dâm và phân chia tiền bán dâm…

Như vậy, hành vi khách quan của tội môi giới mại dâm là hành vi của một người, làm trung gian giữa người bán và mua dâm, để dụ dỗ, dẫn dắt họ (bên bán dâm hoặc bên mua dâm) thực hiện việc mua dâm, bán dâm nhằm tạo điều kiện cho bên bán dâm và mua dâm gặp nhau, thương lượng, thỏa thuận để họ thực hiện các hành vi mại dâm. Trong thời đại cách mạng công nghệ phát triển thì hành vi môi giới mại dâm ngày càng trở nên phổ biến trên các nền tảng MXH Người phạm tội lợi dụng những sơ hở, sự khó kiểm soát trong quản lý nền tảng MXH để thúc đẩy, quảng bá việc môi giới mại dâm.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

Trong tội môi giới mại dâm, lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, bị pháp luật hình sự cấm, nhưng vẫn thực hiện hành vi đó và mong muốn hành vi đó được thực hiện. Hơn nữa, người phạm tội còn phải biết rõ hành vi dụ dỗ, dẫn dắt người bán dâm, người mua dâm là để họ thực hiện việc mua bán dâm.

Động cơ của người phạm tội thường là mục đích tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Trên thực tế, một người thực hiện việc môi giới mại dâm thường là để thu lợi bất chính, để nhận được một khoản phí gọi là phí môi giới từ người bán dâm hoặc người mua dâm. Hoặc người phạm tội có thể vì động cơ cá nhân khác như giới thiệu “gà” cho sếp để hai bên mua bán dâm nhằm được sếp quan tâm trong việc thăng quan tiến chức,… Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội môi giới mại dâm nhưng nó có ý nghĩa trong việc xác định tính chất,mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi nhằm xác định mức hình phạt cho hành vi đó.

Trong trường hợp một người có thực hiện hành vi được coi là hành vi môi giới mại dâm nhưng vì lý do nào đó mà họ không biết hoặc không thể biết có việc mua bán dâm thì không coi là phạm tội môi giới mại dâm.

* Mặt chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội môi giới mại dâm là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 12 Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể, người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về tội môi giới mại dâm. Người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 điều 328 Bộ luật hình sự 2015.

* Mặt khách thể của tội phạm:

Tội môi giới mại dâm xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý trật tự xã hội. Đồng thời, tội môi giới mại dâm còn xâm phạm đến đạo đức, giá trị truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

2. Quy định về khung hình phạt của tội môi giới mại dâm

2.1. Quy định về khung hình phạt

Theo quy định của BLHS 2015 khung hình phạt đối với Tội môi giới mại dâm quy định tại Điều 328 của Bộ luật này bao gồm ba khung hình phạt chính và một khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trong trường hợp người phạm tội thuộc một trong các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 328 BLHS 2015 bao gồm: Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội từ 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm, thì khung hình phạt tăng nặng thứ nhất được áp dụng đối với người phạm tội có mức hình phạt tù từ 03 đến 07 năm.

Trường hợp phạm tội thuộc một trong các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 3 Điều 328 BLHS 2015 bao gồm: Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên, thì khung hình phạt tăng nặng thứ hai cũng là khung hình phạt cao nhất được áp dụng đối với người phạm tội có mức hình phạt từ 07 năm đến 15 năm.

2.2. Quy định về tình tiết định khung hình phạt

– Tình tiết “Có tổ chức”: Môi giới mại dâm có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người đồng phạm với nhau, cùng bàn bạc, thảo luận và thực hiện tội phạm.

– Tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp”: Tính chất chuyên nghiệp là cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm, không phân biệt tội phạm đó đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích; hoặc trường hợp người phạm tội để lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

– Tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên”: là trường hợp phạm tội mà trước đó người phạm tội đã phạm tội này ít nhất là một lần và chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Tình tiết “Đối với 02 người trở lên”: Tại Công văn số 64/TANDTC – PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính đưa ra giải thích cho tình tiết đối với 02 người trở lên theo hướng là thực hiện hành vi môi giới mại dâm cho 02 người bán dâm trở lên. 

– Tình tiết “Thu lợi bất chính”: thu lợi bất chính là hành vi thu lợi không chính đáng, việc thu lợi đó bị một điều luật, một quy phạm pháp luật ngăn cấm.

– Tình tiết “Tái phạm nguy hiểm”: Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS 2015, tái phạm nguy hiểm bao gồm các trường hợp: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Người phạm tội bị áp dụng tình tiết này thể hiện một sự xem thường pháp luật ở mức cao.

– Tình tiết “Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” hoặc “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”: quy định này được hiểu là hành vi môi giới mại dâm cho người mua dâm hoặc người bán dâm chưa thành niên để thực hiện hành vi mua bán dâm. Quy định này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định chính xác độ tuổi của người phạm tội để áp dụng cho đúng mức độ phạm tội.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội môi giới mại dâm. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon