Cấp dưỡng nuôi con là gì? Số tiền cấp dưỡng nuôi con?

cap-duong-nuoi-con

Cấp dưỡng là trách nhiệm của người có nghĩa vụ cấp dưỡng với người được cấp dưỡng. Vậy việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn được quy định như thế nào, pháp luật hiện hành có quy định mức nuôi một đứa trẻ trung bình là bao nhiêu hay không, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

1. Cấp dưỡng nuôi con là gì?

Khoản 24 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 giải thích về cấp dưỡng như sau: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột và cháu; giữa vợ và chồng (Điều 107).

Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình phát sinh khi có các điều kiện sau:

– Người được cấp dưỡng và người có nghĩa vụ cấp dưỡng có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng;

– Người được cấp dưỡng và người có nghĩa vụ cấp dưỡng không cùng sống chung với nhau hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

– Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên hoặc là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu;

– Người có nghĩa vụ cấp dưỡng là người đã thành niên, có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Nghĩa vụ cấp dưỡng có những đặc điểm sau:

– Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ về tài sản mang tính chất đặc biệt là không thể được thay thế bằng nghĩa vụ khác.

Khi người chưa thành niên hoặc người đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình cần được cấp dưỡng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu, nhằm đảm bảo cuộc sống của họ. Do vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng không thể được thay thế bằng nghĩa vụ khác.

– Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể chuyển giao cho người khác.

Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, là nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân mỗi chủ thể mà không thể chuyển giao cho người khác.

– Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ có đi có lại nhưng không mang tính chất đồng thời và tuyệt đối. Tính chất có đi, có lại thể hiện ở chỗ các chủ thể đều có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau nếu một bên chủ thể rơi vào tình trạng cần được cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng không mang tính chất đồng thời có nghĩa là trong cùng một thời điểm thì chỉ có thể một bên cấp dưỡng cho bên kia, không thể ngược lại là bên kia lại cấp dương cho bên này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không mang tính tuyệt đối bởi nghĩa vụ này không phải luôn xảy ra với các chủ thể mà nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi có những điều kiện nhất định.

2. Các yếu tố quyết định số tiền cấp dưỡng nuôi con

Theo Điều 116 Luật HNGĐ 2014, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Việc xác định mức cấp dưỡng giữa cha mẹ với con dựa trên hai yếu tố chính: các nhu cầu chính đáng cần được đáp ứng của người con và khả năng tài chính trên thực tế của cha, mẹ.

Thứ nhất, mức cấp dưỡng được xác định dựa trên nhu cầu thiết yếu của người con được cấp dưỡng. Ngoại trừ những nhu cầu chung mà bất cứ một cá nhân nào cũng cần được đáp ứng để duy trì sự sống (như ăn, mặc, ở), nhu cầu thiết yếu của mỗi người thường được xác định dựa trên độ tuổi. Càng ở độ tuổi phát triển, nhóm nhu cầu thiết yếu càng có xu hướng mở rộng hơn.

Thứ hai, mức cấp dưỡng được xác định trên khả năng tài chính của cha mẹ. Khả năng tài chính của cha mẹ có thể được đánh giá thông qua giá trị tài sản mà cha, mẹ sở hữu, nguồn thu nhập cũng như những nghĩa vụ tài sản mà cha, mẹ phải thực hiện. Thu nhập được xác định để tính mức cấp dưỡng nên là những nguồn thu có tính ổn định. Điều này xuất phát từ tính chất quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con. Thông thường, mức cấp dưỡng được định sẵn trong một khoảng thời gian dài, những khoản thu nhập tăng hoặc giảm có tính “đột biến” chỉ nên được xác định để yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng. Việc thực hiện nghĩa vụ này cần được diễn ra một cách ổn định để không tạo nên biến động lớn trong đời sống của con được cấp dưỡng.

3. Trường hợp người cấp dưỡng không cấp dưỡng nuôi con

Sau khi có quyết định của Tòa án về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì người cấp dưỡng phải thực hiện việc cấp dưỡng của mình cho con theo số tiền mà Tòa án đã quy định dựa trên nhu cầu sinh hoạt của các con và thu nhập thực tế của người này. Trong trường hợp người cấp dưỡng cố tình không thực hiện nghĩa vụ của mình thì người kia có thể yêu cầu Tòa án buộc người cấp dưỡng thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân gia đình.

Về thẩm quyền giải quyết theo Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

…..

Tranh chấp về cấp dưỡng”.

Người khởi kiện cần chuẩn bị đơn yêu cầu về việc cấp dưỡng gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu giải quyết. Trong đơn người khởi kiện cần trình bày các thông tin như: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên Tòa án nơi yêu cầu; họ, tên, địa chỉ của người bị yêu cầu; nội dung yêu cầu; ghi rõ ngày, tháng, năm, ký tên hoặc điểm chỉ,…Kèm theo đó phải có bản án, quyết định được yêu cầu và các tài liệu khác có liên quan (nếu có). 

Còn vấn đề về phương thức cấp dưỡng thì sẽ do hai bên tự thỏa thuận việc cấp dưỡng theo phương thức nào hoặc trường hợp muốn cấp dưỡng cho con qua hình thức chuyển tiền qua tài khoản thì các bên có thể đề nghị với Tòa án để Tòa án xem xét.

4. Quy định về thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Theo đó, nếu có lý do chính đáng thì hai bên có thể thỏa thuận để tăng hoặc giảm mức cấp dưỡng. Lí do chính đáng đó có thể là người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn hơn do bị bệnh tật, tai nạn, không còn việc làm nên không có lương hoặc có thu nhập hợp pháp khác, hay con cái ngày càng lớn, nhu cầu chi tiêu cho việc học hành ngày càng nhiều, giá cả thị trường có sự biến động,… Trong trường hợp không thỏa thuận được, các bên có thể gửi đơn đến Tòa án yêu cầu giải quyết.

5. Ý nghĩa của việc cấp dưỡng nuôi con

Cấp dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, tư tưởng của mỗi cá nhân cũng như trong quan hệ hôn nhân và gia đình, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đổi với con khi ly hôn đã góp phần nâng cao trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Đồng thời, là cơ sở cần thiết để đảm bảo cho con cái được nuôi dạy tốt trong hoàn cảnh đặc biệt khi cha mẹ ly hôn.

Cấp dưỡng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con khi ly hôn, khắc phục được phần nào hậu quả của việc ly hôn ảnh hưởng đến con cái. Khi con được cấp dưỡng từ cha hoặc mẹ thì sẽ không cảm thấy bị bỏ rơi khi cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi mình. Ngoài ra, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ sẽ phần nào bả đắp tổn thất về tinh thần mà hậu quả của ly hôn mang lại. Thể hiện qua việc cấp dưỡng bằng vật chất để bảm bảo nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống bình thường của con khi cha mẹ ly hôn.

Cấp dưỡng có ý nghĩa trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của thành viên trong xã hội. Các quy định trong việc cấp dưỡng có dan xen với các quy tắc đạo đức, phong tục tập quán, truyền thống gia đình. Các quy định đó thấm sâu vào tư tưởng của người Việt Nam và nhanh chóng trở thành xử sự chung của đông đảo người dân Việt Nam.

Qua đó giáo dục tinh thần “tương thân, tương ái”, “Lá lành dùm lá rách”, sự đùm bọc sẽ chia khi gặp hoạn nạn, khó khăn không chỉ những người có quan hệ gia đình mà phát triển rộng ra toàn xã hội. Cấp dưỡng đã góp phần tôn vinh các giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam, thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam.

Bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về Cấp dưỡng nuôi con là gì? Các yếu tố quyết định số tiền cấp dưỡng nuôi con, trường hợp thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con,… Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon