Cấp dưỡng nuôi con một lần hay định kỳ?

cap-duong-nuoi-con-mot-lan-hay-dinh-ky

Ly hôn, ngoài việc làm chấm dứt quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ thì còn làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của họ đối với các thành viên còn lại trong gia đình, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Pháp luật nước ta đã có những quy định về cấp dưỡng và những vấn đề liên quan đến cấp dưỡng hết sức rõ ràng và chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho con chưa thành niên khi cha mẹ ly hôn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn, việc cấp dưỡng nuôi con được thực hiện theo phương thức cấp dưỡng một lần hay định kỳ và những vấn đề liên quan khác.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Nghị quyết 02/2000 của HĐTPTANDTC;

– Nghị định 70/2001/NĐ/CP;

– Nghị định 167/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

1. Cấp dưỡng là gì?

Theo quy định tại khoản 24, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.

Theo quy định trên có thể hiểu, cấp dưỡng chính là một nghĩa vụ của một bên đối với một bên. Hai bên chủ thể phải không sống chung và giữa họ có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Nghĩa vụ này đòi hỏi chủ thể cấp dưỡng phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bên còn lại. Đồng thời bên chủ thể nhận cấp dưỡng phải là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi dưỡng mình hoặc là người khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu tối thiểu, những nhu cầu về sinh hoạt thông thường như thức ăn, quần áo, chỗ ở, học tập, khám chữa bệnh và các nhu cầu sinh hoạt thông thường khác của một người bình thường để họ có thể sống được.

Đặc trưng nhất của nghĩa vụ cấp dưỡng chính là không thể được thay thế bằng nghĩa vụ khác,cũng như không thể chuyển giao cho người khác. Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải nghiêm túc thực hiện theo đúng nghĩa vụ mà mình phải làm, không được thay thế bằng nghĩa vụ khác và càng không được phép chuyển giao nghĩa vụ này cho người khác thực hiện hộ.

2. Phương thức cấp dưỡng

Điều 117 Luật HN&GĐ năm 2014 đã phân loại phương thức cấp dưỡng thành hai phương thức, đó là cấp dưỡng định kỳ và một lần. Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Ở mỗi phương thức đều có những ưu điểm riêng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như hoàn cảnh, điều kiện sống và cơ sở vật chất cũng như những biến chuyển của xã hội mà các bên sẽ chọn phương thức cấp dưỡng phù hợp.

Theo đó nên trong trường hợp này, việc cấp dưỡng nuôi con định kỳ hay một lần được xác định theo sự thỏa thuận của các bên hoặc theo quyết định của Tòa án nếu các bên không thỏa thuận được.

2.1. Phương thức cấp dưỡng định kỳ

Đây là phương thức được sử dụng nhiều nhất trên thực tế tạo điều kiện cho các bên lựa chọn phương thức dễ dàng, thuận lợi, phù hợp nhất trong việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Các bên được thỏa thuận về nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản theo phương thức định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm. Việc lựa chọn phương thức nào trước hết dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết căn cứ vào mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng trừ trường hợp cấp dưỡng cho con sau khi cha mẹ li hôn theo Nghị quyết 02/2000 của HĐTPTANDTC, khi các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

2.2. Phương thức cấp dưỡng một lần

Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần được quy định rất cụ thể tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 70/2001 của Chính phủ. Theo đó việc nghĩa vụ cấp dưỡng một lần được thực hiện trong 4 trường hợp:

+ Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế và được người cấp dưỡng đồng ý;

+ Theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và được Tòa án đồng ý;

+ Theo yêu cầu của người được cấp dưỡng (hoặc người giám hộ) trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có các hành vi phá tán tài sản hoặc cố tính trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần và được tòa án chấp nhận;

+ Theo yêu cầu của người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích phần tài sản được chia của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì có thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần.

Khoản cấp dưỡng một lần có thể gửi tại ngân hàng hoặc giao cho người được cấp dưỡng (hoặc người giám hộ) quản lí theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Người được quản lí có nhiệm vụ bảo quản tài sản và chỉ được trích ra để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Thông thường cấp dưỡng một lần được thực hiện xong thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, người được cấp dưỡng để đảm bảo cuộc sống của mình trong những điều kiện đặc biệt khó khăn vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng tiếp như trong trường hợp người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần có khả năng thực tế để cấp dưỡng ở mức cao hơn thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng.

3. Mức cấp dưỡng

Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình:

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào:

+ Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng

+ Và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng;

Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể được thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Người có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó. Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng.

Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

Khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng, Tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, thông thường thực tế, mức cấp dưỡng sẽ dao động từ 15% -30% mức thu nhập của người cấp dưỡng. Vì vậy, mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong trường hợp mức cấp dưỡng nuôi con Tòa án phán quyết vẫn vượt quá khả năng của người cấp dưỡng thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị Tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng.

4. Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng bị xử lý như thế nào?

Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ được quy định trong pháp luật và đương nhiên có những biện pháp xử lý, cưỡng chế khi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng. Cụ thể như sau:

– Về trách nhiệm dân sự: Tòa án có trách nhiệm buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nếu người đó không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ hoặc trốn tránh nghĩa vụ khi có yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

– Về xử lý vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:

“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

1. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.

2. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.”

– Về trách nhiệm hình sự: Nếu có vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà vẫn vi phạm thì có thể bị xử phạt hình sự. Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng nuôi con định kỳ hay một lần. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon