Gia đình là gì? Chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam

gia-dinh-la-gi-che-do-hon-nhan-va-gia-dinh-o-viet-nam

Mỗi gia đình là mỗi tế bào của xã hội, gia đình có phát triển khỏe mạnh thì xã hội này mới trở nên giàu mạnh, tiến bộ được. Gia đình là sự biến đổi mang tính lịch sử và ghi nhận sự thay đổi của văn hóa thời đại. Vậy gia đình là gì? Chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn rõ hơn về nội dung trên.

Căn cứ pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

1. Gia đình là gì?

Gia đình là một thiết chế của xã hội, nơi những người có quan hệ ruột thịt cùng chung sống với nhau. Gia đình là một phạm trù biến đổi mang tính lịch sử của nhân loại và phản ánh nét văn hóa đặc trưng của dân tộc và thời đại. Trước khi ra ngoài xã hội để học tập và làm việc, gia đình được xem là trường học đầu tiên.

Gia đình – đơn vị xã hội là một hình thức tổ chức xã hội quan trọng nhất dựa trên các mối quan hệ huyết thống và hôn nhân, tức là quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha và mẹ, giữa anh chị em và người thân cùng chung sống với nhàu và có kinh tế chung.

Gia đình là tập hợp những người sống gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

“…

2. Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này.”

2. Chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam

Căn cứ theo khoản 3, Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 định nghĩa về chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

Chế độ hôn nhân và gia đình là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn; quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Từ định nghĩa trên, có thể nhận thấy chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam được hình thành dựa trên việc đảm bảo các nguyên tắc theo luật định.

3. Nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam

Thứ nhất, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được hiểu như sau: Hôn nhân được xuất phát từ cả hai bên nam và nữ, họ cùng nhau quyết định việc kết hôn của mình. Mọi hành vi để cưỡng ép kết hôn, lừa dối để kết hôn, cản trở việc kết hôn tự nguyện đều bị coi là vi phạm pháp luật. Khi vợ chồng đang chung sống với nhau hòa thuận thì không ai có thể buộc họ ly hôn. Nhưng một khi cuộc sống hôn nhân có nhiều quan điểm trái nhau, mục đích hôn nhân không đạt được, không thể tiếp tục kéo dài tình cảm thì vợ chồng có quyền yêu cầu ly hôn theo một trong hai thủ tục thuận tình ly hôn hoặc đơn phương ly hôn.

Nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng: Hôn nhân một vợ một chồng là vào thời điểm hai bên xác lập quan hệ vợ chồng (thời điểm đăng ký kết hôn), các bên kết hôn đang không là vợ hay là chồng của ai khác. Có nghĩa là vào thời điểm hai người đăng ký kết hôn, một người đàn ông chỉ có một người vợ và một người phụ nữ chỉ có một chồng.

Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng: Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng được thể hiện rất rõ trong các quy định về nghĩa vụ của vợ chồng về nhân thân và tài sản. Nguyên tắc này cũng nhằm xóa bỏ những định kiến về “trọng nam khinh nữ” thời phong kiến. Một lần nữa khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Thứ hai, hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo nào, giữa những người có tín ngưỡng và những người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Quyền tự do về quan hệ hôn nhân giữa các dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giữa người Việt Nam với người nước ngoài nhằm đảm bảo cho mọi công dân được bình đẳng trong hôn nhân, tạo điều kiện để mọi người đến với nhau mà không bị ngăn cách bởi rào cản. Điều này đã được ghi nhận và bảo vệ trong các quy định của pháp luật nói chung và luật hôn nhân và gia đình nói riêng. Ngoài việc tạo ra sự bình đẳng, còn để đảm bảo cho sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tuân thủ theo Hiến pháp và pháp chế Xã hội chủ nghĩa.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.”

Thứ ba, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ chăm sóc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, không phân biệt đối xử giữa các con.

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng nhân cách con người. Một gia đình có ấm no, hạnh phúc thì hôn nhân mới trở nên gắn bó lâu dài và ngược lại cũng vậy. Từ nền tảng hôn nhân hạnh phúc, gia đình bền vững thì xã hội mới trở nên giàu mạnh, tiến bộ được. Mỗi thành viên trong gia đình phải có nghĩa vụ chăm sóc lẫn nhau, có quyền được yêu thương, được dạy dỗ trưởng thành. Đây là nguyên tắc tất yếu, là nguyên tắc nền tảng làm tiền đề cho những nguyên tắc khác và là căn cứ để xử phạt những hành vi vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình.

Thứ tư, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt thiên chức cao quý của mình, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Nguyên tắc này ghi nhận trách nhiệm thuộc về cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ người già, phụ nữ, trẻ em nói riêng hay bản thân các gia đình Việt Nam nói chung. Thực hiện tốt nguyên tắc này thì mọi gia đình sẽ được tạo điều kiện để xây dựng tổ ấm, vợ chồng có thời gian quan tâm chăm sóc con cái. Hơn nữa người vợ người mẹ được bảo đảm quyền bình đăng trong gia đình, đẩy lùi những tư tưởng lạc hậu từ bao đời về giới tính và hôn nhân.

Thứ năm, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

Gia đình là nền tảng của xã hội, là nơi sinh ra nhiều mối quan hệ, là nơi gìn giữ và phát huy nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, nguyên tắc này là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình nhằm mục đích tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần vào sự phát triển giàu mạnh của xã hội.

4. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng ở Việt Nam

Để chất lượng hôn nhân được cải thiện, để giữ gìn những nét văn hóa vốn có của dân tộc, việc đưa ra những quy định cụ thể để thực hiện và tuân thủ chế độ hôn nhân là vấn đề cần được quan tâm và triển khai. Bởi ngày nay, với lối sống hội nhập thì để có được một cuộc sống hôn nhân trọn vẹn không chỉ dừng lại ở giai đoạn kết hôn. Việc tuân thủ các quy định về chế độ hôn nhân một vợ một chồng nói riêng và chế độ hôn nhân gia đình ở Việt Nam nói chung được xem là vấn đề nan giải.

Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các hành vi bị cấm trong chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

2. Cấm các hành vi sau đây:

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng vớingười khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”

Có thể nhận thấy pháp luật đã có những quy định rất cụ thể về những hành vi làm tổn hại đến quan hệ hôn nhân và gia đình cũng như chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Theo đó, những quy định này được đảm bảo thực hiện bằng chế tài nêu tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cụ thể:

Người có hành vi vi phạm quy định về vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng thuộc một trong các hành vi sau:

– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Việc phạt vi phạm hành chính các hành vi nêu trên trong trường hợp những hành vi này chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp khác, khi những hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thuộc trường hợp quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 thì quy định khung hình phạt như sau:

Khung 1:

Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm khi thuộc một trong hai trường hợp sau:

– Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

– Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

– Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Có thể thấy pháp luật đã có những chế tài cụ thể nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tuy nhiên trên thực tế, hiện tượng vi phạm nghiêm trọng chế độ hôn nhân một vợ một chồng vẫn diễn ra vô cùng phổ biến.

Dựa trên những thống kê đã đưa ra về việc phản ánh tình trạng chế độ hôn nhân và gia đình thì có hơn 60% các vụ ly hôn ở Việt Nam mà nguyên nhân xuất phát trong đó có ngoại tình. Theo từ điển Tiếng Việt ngoại tình là một động từ chỉ quan hệ yêu đương bất chính với người không phải vợ hoặc chồng của mình. Tuy nhiên, nếu xét theo quy định của pháp luật, việc ngoại tình không vi phạm quy định của pháp luật nhưng đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Trên đây là những nội dung liên quan đến khái niệm Gia đình là gì và chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam. Trường hợp có thắc mắc về những vấn đề liên quan khác vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ và tư vấn.

 

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon