Kết hôn là sự gắn bó của hai người được xác lập theo quy định của pháp luật, dựa trên tinh thần tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Không một ai, kể cả là hai bên gia đình được quyền cản trở việc kết hôn tự nguyện hay đưa ra yêu sách về của cải nhằm gây khó dễ, cản trở việc kết hôn. Những hành vi này được xem như hành vi vi phạm pháp luật, sau đây hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu xem “Yêu sách của cải trong kết hôn” là gì, “Cản trở kết hôn tự nguyện” sẽ bị xử lý như thế nào nhé!
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
- Nghị định số: 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình;thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017
1. Điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật hiện hành
Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì điều kiện để nam nữ kết hôn với nhau là:
Thứ nhất, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Quy định này nhằm đảm bảo cả nam và nữ đều đạt đến độ tuổi trưởng thành về nhiều mặt, có thể chịu trách nhiệm với đôi phương, với gia đình hai bên và cùng nhau xây dựng gia đình vững chắc.
Thứ hai, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định. Đây được coi là minh chứng cho việc pháp luật bảo hộ quyền tự do, tự nguyện của hai bên nam nữ trong việc kết hôn. Đảm bảo hôn nhân giữa hai người không chịu bất kì ràng buộc, cưỡng ép nào.
Thứ ba, không bị mất năng lực hành vi dân sự. Vì việc kết hôn được diễn ra dựa trên ý chí tự nguyện của hai người. Nên việc pháp luật quy như vậy nhằm bảo đảm rằng hai người có thể tự mình quyết định đi đến hôn nhân và có đầy đủ năng lực để thực hiện những việc khác trong quá trình xây dựng gia đình.
Thứ tư, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình. Điều này nhằm tránh các trường hợp kết hôn trực hệ, kết hôn giả tạo, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, ly hôn giả tạo, cản trở kết hôn, tảo hôn,…
Thứ năm, nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Như vậy, pháp luật nước ta hiện nay chỉ thừa nhận hôn nhân giữa nam và nữ, không công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính với nhau.
Đây là những quy định mà pháp luật Việt Nam đã cân nhắc đưa vào để đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
2. Yêu sách của cải trong kết hôn là gì?
Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
“Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.”
Việc đưa ra yêu sách về của cải có thể xuất phát từ một phía hoặc cả hai phía. Họ đưa ra các yêu cầu về vật chất quá cao, các điều kiện về của cải một cách thái quá, đến mức đối phương không thể đáp ứng để làm điều kiện kết hôn. Điều này dẫn đến việc mất đi tính bình đẳng, tự nguyện trong việc kết hôn. Bên bị yêu cầu sẽ rơi vào tình thế khó xử lý, cảm thấy bị ép buộc khi mà những điều kiện đối phương đưa ra là quá sức với họ.
Pháp luật quy định về yêu sách của cải chính là đang bảo vệ cho nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện trong kết hôn. Tránh cho việc một bên hoặc các bên gây áp lực cho nhau về vấn đề vật chất, đề cao sự tự nguyện và tình yêu của đôi bên, hạn chế việc bị chi phối bởi yếu tố lợi ích.
Hệ quả của việc đưa ra yêu sách của cải rất có thể là sự tan vỡ của một mối quan hệ hạnh phúc, đánh mất sự tin yêu lẫn nhau, gây ra mâu thuẫn sâu sắc giữa hai bên gia đình và kéo theo những hệ luỵ nghiêm trọng khác.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định như sau:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Có thể thấy, trong quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay việc đưa ra yêu sách của cải trong kết hôn là một trong số các hành vi bị cấm. Điều này có nghĩa pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Hôn nhân và Gia đình nói riêng rất quan tâm, chú trọng đến việc đảm bảo sự công bằng, tự nguyện trong kết hôn, không để vấn đề vật chất chi phối, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên.
3. Cản trở kết hôn
3.1. Cản trở kết hôn là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:
“Cản trở kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.”
Như vậy, hành vi cản trở kết hôn tự nguyện là hành vi không muốn, không cho phép người có ý định kết hôn được xác lập quan hệ hôn nhân theo mong muốn của họ cũng như theo quy định pháp luật. Chính vì đây là hành vi cản trở nên nó là hành vi xuất phát từ người thứ ba chứ không phải xuất phát từ hai bên chủ thể kết hôn.
Ví dụ: Hai người có quan hệ tình cảm đang muốn tiến tới hôn nhân và cả hai đều có đủ điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật hiện hành. Nhưng ba mẹ của một bên hoặc cả hai bên lại không đồng ý, gây cản trở, khó khăn bằng cách lấy mạng sống của mình ra đe doạ; đánh đập con, đe doạ sẽ từ mặt con nếu con yêu cầu kết hôn với người kia; buộc người kia phải từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng mà họ đang theo; hay đưa ra mức thách cưới cao quá mức đáp ứng của đối phương;…
3.2. Các dấu hiệu của tội cản trở kết hôn
– Khách thể của tội phạm: ở đây là sự xâm phạm đến nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ trong chế độ hôn nhân và gia đình Việt nam.
– Mặt khách quan của tội phạm: là hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện của người khác.
– Chủ thể của tội phạm: có thể là bất cứ ai, hoặc là những người thân, người có sự ảnh hưởng đến chủ thể kết hôn.
– Mặt chủ quan của tội phạm: đây là lỗi cố ý trực tiếp.
4. Cản trở kết hôn tự nguyện sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo mức độ của từng trường hợp mà hành vi cản trở tự nguyện kết hôn gây ra sẽ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
4.1. Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì: Hành vi cản trở kết hôn bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền tự 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Như vậy, nếu bạn là lần đầu có hành vi cản trở việc kết hôn tự nguyện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tối đa lên đến 5.000.000 đồng
4.2. Xử lý hình sự
Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì cản trở người khác kết hôn tự nguyện còn có thể đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, tại Điều 181 có nêu:
“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, đối với trường hợp hành vi cản trở người khác kết hôn tự nguyện đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó. Khung hình phạt có thể từ phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Tóm lại, kết hôn là sự tự nguyện của đôi bên nam nữ, họ có quyền tự quyết định đối tượng cũng như cuộc sống hôn nhân của chính mình. Hành vi đưa ra yêu sách của cải trong kết hôn nói riêng và hành vi cản trở người khác kết hôn tự nguyện đều là hành vi bị pháp luật Việt Nam cấm. Nếu vi phạm, bạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù tối đa lên đến 03 năm.
Trên đây là những thông tin mà chúng tôi đưa ra cho quý bạn đọc về yêu sách của cải trong kết hôn, những hình thức xử lý đối với hành vi cản trở kết hôn tự nguyện và một số vấn đề liên quan. Hy vọng, với những gì Luật Dương Gia cung cấp trong bài viết này cũng đã giúp cho các bạn giải đáp được thắc mắc nội dung trên. Nếu còn những thắc mắc chưa hiểu rõ, cần giải đáp chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi qua số Hotline 1900.6568 để được các chuyên viên hỗ trợ tư vấn.