Chung sống với nhau như vợ chồng bị xử lý như thế nào?

chung-song-voi-nhau-nhu-vo-chong-bi-xu-ly-nhu-the-nao

Vấn đề sống chung như vợ chồng hay còn gọi là sống thử ở giới trẻ trước nay luôn luôn là chủ đề nóng trên các diễn đàn. Bởi lẽ, có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc chung sống với nhau như vợ chồng trước hôn nhân sẽ làm mất đi giá trị đạo đức, lối sống, tập quán xưa giờ của người Việt. Thế nhưng vẫn có số đông đồng ý với việc nên sống thử trước hôn nhân, bởi một trong những lí do ly hôn hiện nay đa số do không đồng quan điểm, mục đích sống không đạt vậy nên việc sống thử cũng là một cách tìm hiểu đối phương trước khi đi đến quyết định sống với nhau cả đời.

Căn cứ pháp lý

1. Chung sống với nhau như vợ chồng là như thế nào?

Căn cứ vào khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì chung sống với nhau như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức sống chung và coi nhau là vợ chồng.

Việc chung sống với nhau như vợ chồng ta còn hay nghe bởi tên gọi ngắn hơn là sống thử. Ta có thể hiểu đây là việc nam nữ về sống chung với nhau như vợ chồng mà chưa tiến hành đăng ký kết hôn.

2. Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng Anh

Khái niệm chung sống với nhau như vợ chồng dịch sang tiếng anh là: If two people live together, they share a house and have a sexual relationship but are not married.

Một số thuật ngữ liên quan trong tiếng anh:

Gia đình: Family

Cưới: Married

Chồng: Husband

Vợ: Wife.

Con: Children

Bố, mẹ: Parents

3. Sống chung không đăng ký kết hôn có phải làm thủ tục ly hôn không?

Theo quy định tại Điều 53 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về thụ lý đơn yêu cầu ly hôn:

“1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Có thể thấy nếu sống với nhau mà chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn thì sẽ chỉ là quan hệ sống chung với nhau như vợ chồng mà không phải là quan hệ hôn nhân. Vì không có quan hệ hôn nhân nên không thể giải quyết theo thủ tục ly hôn, cá nhân có quyền yêu cầu ly hôn tới Tòa án, Tòa vẫn sẽ thụ lý đơn nhưng không giải quyết theo thủ tục ly hôn mà sẽ ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng.

4. Giải quyết tranh chấp khi sống chung với nhau như vợ chồng

Việc chung sống với nhau như vợ chồng không đơn giản chỉ là sống chung, mà trong quá trình chung sống hai bên sẽ làm phát sinh ra nhiều vấn đề như tài sản chung, con chung nhưng cả hai lại chưa đăng ký kết hôn.

Tại điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng. Khi nam, nữ sống chung nhưng chưa đăng ký kết hôn thì sẽ không làm phát sinh ra quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Trường hợp có con trong thời kì sống chung nhưng chưa đăng ký kết hôn thì đứa con vẫn có quyền và nghĩa vụ như nhau, sẽ không lệ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, và các luật khác có liên quan. Quyền và nghĩa vụ giữa nam và nữ sống chung với nhau sẽ được giải quyết theo quy định của luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ, con.

Đối với quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, khi có tranh chấp xảy ra hoặc chấm dứt quan hệ như vợ chồng thì Tòa án sẽ xử lý theo thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp cả hai không có tiếng nói chung, thỏa thuận không thành thì sẽ giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Với trường hợp có con thì việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người mẹ và đứa con về công việc cũng như việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung. Và mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên hay đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng tự nuôi chính bản thân.

Trường hợp cả hai chung sống như vợ chồng một thời gian rồi sau đó mới kết hôn thì quan hệ hôn nhân được xác lập ngay thời điểm cả hai chính thức trở thành vợ chồng hợp pháp. Các quan hệ về tài sản trước thời điểm kết hôn sẽ không tính là tài sản chung của vợ chồng, nếu xảy ra tranh chấp thì vẫn giải quyết theo Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

5. Trường hợp không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được coi là vợ chồng

Không phải trong mọi trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng đều không được pháp luật công nhận, cụ thể như sau:

Đối với trường hợp nam và nữ mặc dù không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn nhưng lại sống chung với nhau như vợ chồng từ thời điểm trước ngày 3/01/1987 thì quan hệ của họ vẫn được pháp luật thừa nhận là vợ chồng ngay từ thời điểm họ chung sống với nhau. Do đó, nếu hai bên không chung sống với nhau nữa và có yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ tiến hành thụ lý và giải quyết theo quy định.

Nếu như nam và nữ có mối quan hệ sống chung với nhau bắt đầu từ thời điểm 3/01/1987 cho đến trước ngày 01/01/2001 thì theo quy định họ có thời gian 2 năm (từ 01/01/2001 đến 01/01/2003) để đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Nếu như sau thời gian này họ không thực hiện việc đăng ký kết hôn thì mối quan hệ của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận là quan hệ vợ chồng hợp pháp.

6. Xử phạt đối với chung sống như vợ chồng nhưng chưa tiến hành việc ly hôn

Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp nam, nữ chưa đăng ký kết hôn, cả hai đều đang trong tình trạng độc thân thì việc sống thử hoặc sống chung với nhau như vợ chồng để trải nghiệm cuộc sống gia đình trước khi tiến tới kết hôn là quyền lựa chọn của họ, pháp luật hiện nay không có chế tài xử lý đối với hành vi này. Thậm chí, nhiều người còn ủng hộ xu hướng này với lý do để cả hai có thể hiểu nhau hơn, nắm rõ cuộc sống khi có gia đình hơn.

Tuy nhiên, trường hợp chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình thì thuộc hành vi trái pháp luật.

Người đã có vợ hoặc chồng nhưng vẫn chung sống với người khác nhẹ nhất là xử phạt vi phạm hành chính từ 3- 5 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, người đã có vợ hoặc có chồng mà chung sống với người khác và thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm  2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì sẽ bị xử lý theo pháp luật với khung hình phạt nhẹ nhất là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, đến mức phạt cao nhất là 03 năm.

Người nào có hành vi làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn. Đây là điều kiện bắt buộc quy định về hậu quả xảy ra từ hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, cụ thể là dẫn đến ly hôn, tan vỡ gia đình của một bên hoặc cả hai bên. Nếu hành vi chung sống như vợ chồng với người khác chỉ dẫn đến hậu quả gây mất hạnh phúc gia đình, dẫn đến vợ chồng ly thân mà chưa ly hôn thì chưa đủ điều kiện xử lý hình sự.

Trường hợp người đã bị xử phạt vi phạm hành vi hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ áp dụng điểm b khoản 1 Điều 182 Bộ luật hình sự năm  2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xử lý hình sự. Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì chưa cấu thành tội phạm, chưa đủ điều kiện áp dụng khoản 1  Điều 182 Bộ luật hình sự năm  2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trường hợp làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát. Đây cũng là điều kiện bắt buộc quy định về hậu quả xảy ra từ hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, là hậu quả nghiêm trọng gây ra tổn thương nặng nề về tâm lý, tình cảm của thành viên trong gia đình có người vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Con của một trong hai bên được hiểu là con hình thành trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của bên đó, kể cả con nuôi theo quy định đã có Quyết định công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như UBND cấp xã, phường, thị trấn. Việc tự sát không cần phải gây ra hậu quả chết người, có thể tự sát nhưng không thành, tự sát nhưng được người khác phát hiện ra sớm và cứu sống… cũng vẫn đủ điều kiện là tình tiết định khung để xử lý hình sự từ 06 tháng đến 03 năm theo điểm a khoản 2 Điều 182 Bộ luật hình sự năm  2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, khoản 2 Điều này cũng quy định đối với trường hợp đã có quyết định của Tòa án về hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.  Quy định này đưa ra để xử lý đối với các trường hợp nam nữ có hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, đã có quyết định can thiệp của Tòa án bằng Quyết định hoặc Bản án dân sự hoặc hình sự có hiệu lực pháp luật về việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng trái pháp luật mà vẫn không chấp hành, vẫn cố ý duy trì mối quan hệ bất hợp pháp đó.

Trên đây là những phân tích của Luật Dương Gia về việc chung sống với nhau như vợ chồng bị xử lý như thế nào. Nếu cần tư vấn chi tiết hơn, thì bạn có thể liên hệ về thông tin dưới đây để được tư vấn, báo phí và hỗ trợ dịch vụ pháp lý có liên quan trực tiếp đến nội dung bài viết hoặc gọi theo số hotline 19006586 để được giải đáp thắc mắc.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon