Mua đất nhưng nhờ bố mẹ chồng đứng tên, khi ly hôn có đề nghị chia được không?

mua-dat-nhung-nho-bo-me-chong-dung-ten-khi-ly-hon-co-de-nghi-chia-duoc-khong

Trong quá trình kết hôn và chung sống, không ít trường hợp con cái nhờ bố mẹ chồng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ. Khi cuộc sống thuận hòa, không có vấn đề gì xảy ra thì việc các con hay bố mẹ đứng tên không quá quan trọng. Tuy nhiên, trường hợp khi hai vợ chồng có mâu thuẫn lớn, dẫn tới ly hôn, thì nhà đất nhờ bố mẹ chồng đứng tên có được xác định là tài sản chung hay không? Đây là một câu hỏi được rất nhiều bạn gởi đến đường dây nóng của Luật Dương Gia, bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích, giải đáp toàn bộ các vấn đề pháp lý có liên quan tới nội dung này.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Luật đất đai năm 2013;

1. Tài sản chung của vợ chồng là gì?

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản riêng của mỗi người tự nguyện nhập vào khối tài sản chung, cụ thể:

– Thu nhập từ tiền công, tiền lương, thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân;

– Hoa lợi, lợi tức (từ tài sản riêng) phát sinh trong thời kỳ hôn nhân;

– Thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như: tiền thưởng, tiền trúng thưởng từ xổ số, tiền trợ cấp; tài sản được xác lập quyền sở hữu theo quy định đối với vật vô chủ, vật bị chìm đắm,…;

– Tài sản được tặng cho, được thừa kế chung;

– Tài sản mà vợ chồng thỏa thuận nhập vào tài sản chung;

– Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn (Trừ trường hợp được tặng cho, thừa kế riêng hoặc có được từ giao dịch bằng tài sản riêng).

Như vậy, để được coi là tài sản chung của vợ chồng cần đảm bảo các điều kiện sau:

– Tài sản do vợ chồng tạo lập (mua bán, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho,..)

– Thời gian hình thành tài sản: trong thời kỳ hôn nhân.

2. Phân chia tài sản khi ly hôn

2.1. Nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn

Theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, trước tiên được xác định theo thỏa thuận của hai vợ chồng. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án phân chia. Việc phân chia tài sản được Tòa án giải quyết theo nguyên tắc: Tài sản chung của vợ chồng thông thường được chia đôi, tuy nhiên khi tính đến các yếu tố như:

– Hoàn cảnh gia đình và của vợ, chồng;

– Công sức đóng góp vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

– Vợ chồng ở nhà lao động (ví dụ chăm sóc con cái, làm nội trợ,…) cũng được coi như lao động có thu nhập;

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

– Lỗi của mỗi bên trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

– Tài sản chung được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị;

– Bên nào nhận hiện vật có giá trị lớn hơn thì thanh toán phần chênh lệch cho bên kia.

Ngoài ra, tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP cũng quy định về nguyên tắc phân chia tài sản chung khi ly hôn.

2.2.Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được chia như thế nào?

Căn cứ theo Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chia tài sản chung trong khi ly hôn như sau:

Thứ nhất: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thứ hai: Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Thứ ba:  Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

Như vậy, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng được ưu tiên bởi sự thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì mới yêu cầu Toà án phân chia theo các quy định của pháp luật.

3. Mua đất nhưng nhờ bố mẹ chồng đứng tên, khi ly hôn có đề nghị chia được không?

Theo quy định Tại khoản 7 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định:

” Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.” 

Khi được nhà nước xác nhận quyền sở hữu, người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được toàn quyền định đoạt tài sản này. Như vậy, trường hợp nhờ bố mẹ chồng đứng tên nhà đất, thì tài sản này được xác định là tài sản của bố mẹ chồng, chỉ có bố mẹ mới được quyền định đoạt tài sản này.

Như vậy, mua đất nhưng nhờ bố mẹ chồng đứng tên trên sổ đỏ, khi ly hôn thi người vợ có đề nghị chia được không sẽ tùy thuộc vào các trường hợp dưới đây:

3.1. Không phải tài sản chung, không thể đề nghị chia

Không chứng minh được số tiền bỏ ra mua đất là của hai vợ chồng hoặc không có bất kỳ căn cứ nào chứng minh việc nhờ bố mẹ chồng đứng tên hộ.

Rất nhiều trường hợp đưa tiền mặt cho bố mẹ chồng để đi mua hoặc thanh toán tiền mặt cho chủ đất cũ. Khi ly hôn, cả chồng, bố mẹ chồng và những người có liên quan đều phủ định việc đứng tên hộ; không có bất kỳ lệnh chuyển khoản ngân hàng nào; không có bất kỳ giấy tờ thỏa thuận hoặc người làm chứng nào.

Trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ có giá trị pháp lý cao nhất cũng thể hiện bố mẹ chồng là chủ sở hữu thì lúc này, khi ly hôn không thể xác định đây là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng, không thể yêu cầu Tòa án nhân dân chia tài sản chung, hoặc có đề nghị, khởi kiện nhưng không có căn cứ, không thể chứng minh thì Tòa án cũng bác yêu cầu về việc chia tài sản chung.

3.2. Là tài sản chung của hai vợ chồng

Có thể chứng minh là tài sản chung của hai vợ chồng trong một số trường hợp sau đây:

Mặc dù rất hiếm xảy ra, tuy nhiên cũng có trường hợp các bên tự ký thỏa thuận về việc “đứng hộ” tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi có tranh chấp, khởi kiện, ngoài việc có văn bản thỏa thuận này ra, các bên đều thừa nhận việc đứng tên trên sổ là đứng tên hộ các con vì một lý do nào đó.

Ngoài ra, còn có trường hợp thanh toán tiền mua đất cho chủ đất từ tài khoản ngân hàng của các con, chủ đất cũng thừa nhận, từ khi trao đổi thông tin mua bán, nhận thanh toán tiền và chuyển nhượng đều thực hiện với các con…

Trường hợp bố mẹ chồng thừa nhận việc đứng tên trên sổ đỏ là đứng tên hộ, tuy nhiên, cũng có đóng góp vào việc mua đất. Lúc này, nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh thì phần tài sản chung của hai vợ chồng sẽ được xác định sau khi trừ đi phần đóng góp của bố mẹ.

Nói tóm lại, chỉ cần có căn cứ chứng minh được việc nhờ bố mẹ chồng đứng tên nhà đất thì tài sản đó được xác định là tài sản chung giữa hai vợ chồng khi ly hôn vẫn phần tài sản này sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

4. Dịch vụ hỗ trợ của Luật Dương Gia

Do việc chứng minh tài sản có phải tài sản chung hay tài sản riêng khi ly hôn sẽ rất phức tạp, đương sự có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng, chứng cứ để chứng minh trước tòa. Do đó, rất nhiều trường hợp “tình ngay, lý gian” mặc dù bỏ rất nhiều tiền ra để mua tài sản nhưng do nhờ đứng tên hộ nên khi ly hôn không thể đòi lại, không thể đề nghị chia và phải ra đi tay trắng.

Lúc này, Luật sư công ty luật Dương Gia có thể hỗ trợ khách hàng:

  • Tư vấn pháp lý.
  • Tìm phương án giải quyết tối ưu.
  • Hướng dẫn cách thu thập tài liệu chứng cứ.
  • Soạn thảo đơn khởi kiện và hồ sơ khởi kiện kèm theo.
  • Nhận ủy quyền, tham gia toàn bộ quá trình giải quyết từ khi nộp đơn khởi kiện cho tới khi xét xử và thi hành án dân sự.

Trên đây là những chia sẻ của Luật Dương Gia nhằm giải đáp nội dung liên quan đến “Mua đất nhờ bố mẹ chồng đứng tên, ly hôn chia như thế nào?”

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH Dương Gia

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0931548999

Website:https://danang.luatduonggia.vn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon