Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn theo quy định pháp luật hiện hành

quyen-yeu-cau-giai-quyet-ly-hon-theo-quy-dinh-phap-luat-hien-hanh

Khi cuộc sống hôn nhân không còn hạnh phúc, mâu thuẫn giữa vợ và chồng sẽ phát sinh dẫn đến đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được và ly hôn là điều tất yếu sẽ xảy ra. Vậy ly hôn là gì? Ai có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

1. Ly hôn là gì?

Ly hôn hay còn gọi là ly dị có nghĩa là khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn không thể hàn gắn được, không thể tiếp tục cuộc sống chung sẽ dẫn đến ly hôn.

Dưới góc độ pháp lý ly hôn là việc vợ chồng chấm dứt quan hệ hôn nhân theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc ly hôn phải được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền và theo thủ tục tố tụng quy định.

Chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ, việc ly hôn giữa vợ và chồng. Điều này thể hiện bằng việc Tòa án ban hành bản án hoặc quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn của các đương sự.

Tòa án sẽ xem xét những lý do xin ly hôn mà vợ chồng đưa ra và căn cứ vào điều kiện ly hôn theo quy định của pháp luật, xem xét mâu thuẫn giữa vợ chồng và mục đích hôn nhân để giải quyết yêu cầu ly hôn của các bên.

Như vậy, ly hôn là cách vợ chồng giải quyết những mâu thuẫn đang tồn tại trong cuộc sống hôn nhân và hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Ly hôn tiếng Anh là: Divorce.

Một số từ vựng tiếng Anh liên quan đến ly hôn:

Marriage certificate: Giấy đăng ký kết hôn.

Matrimony: Hôn nhân.

Commonchild: Con chung.

Common propery: Tài sản chung.

Joint debt: Nợ chung.

2. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, cụ thể như sau:

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì chủ thể có quyền yêu cầu ly hôn bao gồm:

– Vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng

– Cha, mẹ, người thân thích của vợ chồng.

Trong từng trường hợp khác nhau quyền yêu cầu giải quyết ly hôn sẽ được quy định cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất: Thuận tình ly hôn.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì khi cả hai vợ chồng thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì người có quyền yêu cầu ly hôn là cả hai vợ chồng.

Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình quy định:

“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

Trong trường hợp này, khi cả vợ và chồng cùng thống nhất về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, chăm sóc nuôi dưỡng con chung, chia tài sản chung và nợ chung thì yêu cầu Tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn và Tòa án sẽ giải quyết bằng việc ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của các đương sự.

Ví dụ: Anh Đỗ Tú Tài kết hôn với chị Mai Phương vào năm 2017, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh HD, hôn nhân trên cơ sở tự nguyện. Vợ chồng chung sống đến khoảng cuối năm 2019 thì phát sinh mâu thuẫn nguyên nhân là do anh Tài không tu chí làm ăn, thường xuyên tụ tập bạn bè ăn nhậu, chơi bời gây nợ nần khắp nơi, chị Phương đã nhiều lần trả nợ cho anh Tài nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy không chịu thay đổi.

Tháng 6/2020, anh Tài và chị Phương thống nhất ly hôn, về con chung, tài sản chung, nợ chung cả hai vợ chồng xác đình không có, không yêu cầu Tòa án giải quyết nên đã cùng nhau làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh HD giải quyết ly hôn. Trên cơ sở đơn yêu cầu công nhận việc thuận tình ly hôn của anh Đỗ Tú Tài và chị Mai Phương Tòa án nhân dân huyện Kim Thành đã ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn của các đương sự nói trên.

Trường hợp thứ hai: Đơn phương ly hôn

Trường hợp này người có quyền yêu cầu ly hôn là một trong các bên là vợ hoặc chồng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình: Nếu có đủ căn cứ cho rằng vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình dẫn đến cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết quyết ly hôn mà không phụ thuộc vào ý chí của bên còn lại.

Hiện nay, trên thực tế hầu hết các vụ án tranh chấp ly hôn là do người vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc ham chơi, cờ bạc, nghiện hút, không tu chí làm ăn là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng phát sinh, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Việc giải quyết những vụ án ly hôn như thế này Tòa án thường căn cứ vào việc xác minh tình trạng hôn nhân thực tế tại địa phương để giải quyết vụ án.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình trường hợp đơn phương ly hôn còn được áp dụng đối với trường hợp mà vợ hoặc chồng của người đã bị tuyên bố là mất tích thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình thì: Ngoài các chủ thể nói trên thì cha, mẹ, người thân thích của vợ hoặc chồng cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A và chị Đoàn Thị B kết hôn vào năm 2009. Sau khi kết hôn vợ chồng chung sống cùng gia đình nhà chồng tại Thôn Hưởng Phước, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Quá trình chung sống vợ chồng anh A và chị B có 02 con chung là Nguyễn Văn M và Nguyễn Thị T. Năm 2016, do làm ăn thua lỗ sinh ra chán nản nên anh A thường xuyên sử dụng rượu bia, khi say sỉn về là đánh đập vợ con.

Năm 2019, gia đình đã đưa anh B đi khám tai bệnh viện tâm thần Đà Năng, quá trình thăm khám bác sĩ kết luận anh A mắc chứng loạn thần do bia rượu dẫn đến không còn khả năng điều khiển hành vi. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện anh A được bác sĩ cho điều trị ngoại trú, nhưng kể từ khi về nhà anh A lại tiếp tục sử dụng rượu bia và đánh đập vợ con khiến cho chị B và các con phải bỏ về nhà ngoại để trốn tránh. Sự việc như vậy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian qua.

Đến ngày 15/01/2022, cha chị Đoàn Thị B là ông Đoàn K đã nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam giải quyết cho chị B được ly hôn với anh A. Ngày 10/5/2022, Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông K giải quyết cho chị B được ly hôn với anh A.

3. Trường hợp bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn

Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình thì: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trong trường hợp này khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Đây là một trong những hạn chế về quyền yêu cầu ly hôn chỉ áp dụng đối với người chồng.

Ví dụ: Anh T và chị H kết hôn năm 2019, sau khi kết hôn vợ chồng chung sống tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Hiện vợ chồng anh T và chị H có 01 con chung tên M, sinh ngày 30/5/2020. Hai vợ chồng chung sống hạnh phúc cho đến khoảng tháng 12/2020 thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân là do chị H thường xuyên tụ tập bạn bè ăn chơi và có quan hệ tình cảm với một người khác. Mặc dù anh T và gia đình hai bên đã nhiều lần khuyên giải nhưng chị H không sửa chữa vẫn chứng nào tật nấy.

Đến tháng 02/2021 anh H đã nộp đơn gửi đến Tòa án nhân dân huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng yêu cầu Tòa án giải quyết được ly hôn với chị H. Quá trình tiếp nhận, xem xét đơn khởi kiện Tòa án nhân dân huyện Hòa Vang đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện do anh T không đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự.

Như vậy, việc chị H đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhưng anh T vẫn nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình nên Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện của anh T.

4. Những khó khăn, vướng mắc có thể gặp khi yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn

Khi ly hôn, người yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn phải thực hiện các thủ tục không hề đơn giản nhất là đối với những trường hợp đơn phương ly hôn. Một số vấn đề khó khăn thường gặp khi yêu cầu giải quyêt quyết ly hôn, cụ thể như:

– Một bên vợ hoặc chồng không muốn ly hôn nên đã không cung cấp các giấy tờ như giấy đăng ký kết hôn, bản sao CMND/CCCD, bản sao sổ hộ khẩu và giấy khai sinh của các con (nếu có)…

– Ly hôn với người nước ngoài.

– Ly hôn khi một bên vợ hoặc chông đang ở nước ngoài.

– Ly hôn khi một bên vợ hoặc chồng đang chấp hành hình phạt tù.

– Giải quyết vấn đề con chung, tài sản chung, nợ chung.

Trên đây là quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về quyền yêu cầu giải quyết vụ việc ly hôn mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp cần được tư vấn khác vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon